Ngày 28/12: Các thánh anh hài tử đạo, Lễ kính

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

 

Các Giáo Hội phương Đông và phương Tây mừng kính Các Thánh Anh Hài trong những ngày tiếp theo lễ Giáng Sinh. Lễ này đã được chứng thực lần đầu tiên bởi thánh Phêrô Kim Ngôn ở phương Tây vào nửa đầu thế kỷ V, sau đó bởi lịch Carthagô và sách Tử Đạo của thánh Hiêrônimô.

Tường thuật về cuộc thảm sát các thánh Anh Hài theo lệnh vua Hêrôđê Cả được viết trong Tin Mừng Mátthêu (2, 16-18). Theo sách Tin Mừng này, vua Hêrôđê Cả vì muốn khử trừ Chúa Giêsu mà Ba Vua đã loan báo là vị “Vua dân Do Thái”, nên đã nổi cơn cuồng nộ và sai lính đi giết tất cả trẻ dưới hai tuổi ở Bethlehem và trong khắp vùng (2, 16).

Thánh Mátthêu trình bày cuộc sát hại này như là để ứng nghiệm một sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia: Tại Rama nổi lên tiếng kêu la than khóc: đó là tiếng của bà Rachel than khóc các con mình và không để ai an ủi, vì con bà không còn nữa (2, 18).

Cuộc tử đạo của các thánh Anh Hài là một chủ đề quen thuộc của khoa tranh ảnh thánh Kitô giáo: trên cửa và cung hợp xướng Nhà Thờ Đức Bà (Paris); các tấm thảm về Cuộc Đời Đức Mẹ ở Beaune (Bờ Biển Vàng); các phù điêu của Giotto (Padua), của Tintoret (Venise), của Rubens (Munich), Poussin (Paris, Petit Palais) . . .

II. Thông điệp và tính thời sự

Khi ca mừng các hài nhi bị Hêrôđê sát hại như là những anh hùng tử đạo, phụng vụ giúp chúng ta thấu hiểu bản chất của chứng tá tột đỉnh này. Cũng giống như phép Rửa, chứng tá này trước hết là một ơn ban không của Thiên Chúa cho những trẻ sơ sinh.

Lời Nguyện của ngày, các thánh Anh Hài đã loan báo vinh quang Chúa “chỉ bằng cái chết của các em”. Lời tung hô của Tin Mừng cũng nhấn mạnh cùng một khía cạnh của mầu nhiệm này: “Chúa là Đấng các thánh anh hài tử đạo làm chứng.” và Điệp ca 2 của Kinh Sáng thêm: “Các em làm chứng cho Thiên Chúa bằng cái chết của mình, các em ca khen Thiên Chúa dù chưa biết nói thành lời.” Như thế, khi làm sáng tỏ bản chất cuộc sát hại các thánh Anh Hài, phụng vụ tạo ý nghĩa cho vô số các cuộc tử đạo còn đang tiếp diễn trên thế giới qua dòng lịch sử.

Thiên Chúa có đáp lời cho cuộc tử đạo của các hài nhi không ? Thánh thi Giờ Kinh Sách hát lên: “Tại sao Người mãi lặng thinh, / ôi Thiên Chúa bí ẩn, / Khi các hài nhi ngã gục dưới lưỡi gươm ? (đoạn 1). Chính trong cái chết của các ngài, các thánh anh hài tử đạo của Bêthlehem đã được cứu thoát bởi Đấng vừa sinh ra, Đấng mà một ngày kia sẽ trao hiến “cả thân mình cho đao phủ” (đoạn 2) và ban ơn tha thứ “cho cánh tay vấy máu” (đoạn 3). Các thánh Anh Hài chỉ là những “hoa quả đầu mùa dâng lên cho Thiên Chúa và Chiên Con” (điệp ca Giờ Kinh Sách và ca hiệp lễ). Cho dù “không thể tuyên xưng danh Con Thiên Chúa, các ngài đã được vinh quang nhờ ơn sủng cuộc sinh ra của Người” (Lời Nguyện sau hiệp lễ). Thiên Chúa là nguồn cứu độ cả cho những ai không có khả năng nhận biết Người (xem Lời Nguyện trên lễ vật).

c. Thánh Quodvultdeus, giám mục Carthagô († 453), đã kêu lên: “Hỡi Hêrôđê, ông sát hại những thân xác yếu đuối này vì nỗi sợ đã giết chết quả tim ông … Những hài nhi bé nhỏ này chết vì Chúa Kitô mà không biết, và những trẻ thơ còn chưa biết nói, thì Chúa Kitô đã biến các em thành những chứng nhân của Người… Đây Đấng Giải phóng đã thực hiện sự giải phóng, và Đấng Cứu Độ đã mang đến ơn cứu độ.” Vì thế, việc tử đạo cũng giống như phép Rửa, trước hết là hoa quả của ân sủng, nghĩa là một tặng phẩm ban không mà Thiên Chúa dành cho những hài nhi chưa có khả năng hiểu biết, nhưng là đối tượng của tình yêu và ơn cứu độ của Người. Thế nên vị thánh giám mục Carthagô đã bình luận: “Cao cả thay quà tặng của ân sủng! Các ngài được ơn cứu độ chỉ là nhờ ân sủng Thiên Chúa ban không, vì thế các hài nhi bị giết vì Đức Kitô đi theo Con Chiên rất tinh tuyền; các ngài không ngừng ca hát: Vinh danh Người, lạy Chúa !” (Giờ Kinh Sách và điệp ca của kinh Benedictus)

Enzo Lodi