Ngày 28/4: Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta Đinh Văn Thành
Thày Gioan Baotixita Thanh sinh năm 1796 ở làng Nội Khê, xứ Hảo Nho, địa phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình, trong một gia đình ngoại giáo. Năm 18 tuổi, được ơn Chúa soi sáng thày tìm hiểu đạo và chịu phép Rửa tội ở làng Phúc Nhạc. Từ ngày ấy thày tỏ ra sốt sắng đạo đức khiêm nhường nên được nhận vào nhà Đức Chúa Trời.
Thày giúp Cha Phao-lô Khoan chính xứ Phúc Nhạc. Cha cử thày trông coi trại Đông Biên. Thày ốm yếu nhưng chịu khó làm các việc bậc mình. Cha Khoan hết lòng khen ngợi thày, không những thày siêng năng lại có tài riêng biết thu xếp công việc. Các người làm việc trong trại rất phục thày, nhưng thày ở khiêm nhường không bao giờ tự tiện làm việc gì trước khi chưa xin ý kiến Cha xứ và Cha dạy thế nào thày vâng như vậy.
Xác như đá như gỗ
Đang thời cấm đạo ngặt, Bề trên giao trại Đông Biên cho ông phó Tổng Dụ coi sóc và nhận là của mình trước mặt quan. Ngày 24-8-1838, Cha Khoan đi kẻ liệt về qua trại Đông Biên ngủ đêm ở nhà ông Dụ và bị bắt ở đấy cùng với hai Thày Thanh và Hiếu. Hôm sau cả ba người phải giải lên tỉnh Ninh Bình. Ra trước công đường, khi các quan tra hỏi, bao giờ Cha Khoan cũng nói trước và Cha nói thế nào thày cũng đáp lại như vậy. Hôm đầu quan hỏi thày thì thày thưa rằng: “Tôi là đầy tớ đạo trưởng, ý tôi cũng giống ý người, quan thương tôi được sống, nếu quan bắt tôi bỏ đạo, tôi xin bằng lòng chết, tôi không khóa quá”.
Quan truyền đánh đòn thày, thày không kêu tiếng nào, quan bảo lính đóng gông giam vào ngục.
Sau các quan tra khảo thày riêng vì sợ có Cha Khoan ở đấy như một sức mạnh cổ võ thày. Thày phải chịu nhiều cơn gian nan khốn khó, khi quan bắt bẻ điều này, đe nẹt điều kia trong đạo, lúc ngọt lúc sẵng, có khi quan dọa sẽ mổ bụng, đánh dập đầu. Nhiều khi quan truyền lôi thày qua Thánh giá nhưng Thày cưỡng lại hết sức, dù lính khiêng Thày, Thày cũng co chân lên.
Quan thấy môn đệ của Chúa vững vàng không nao núng thì lập mưu khác. Quan ra lệnh cho Cha Duyệt là người đã khóa quá đến khuyên thày rằng: “Xưa Thánh Phê-rô đã chối Chúa ba lần sau vẫn làm đầu Hội Thánh, hãy bắt chước gương ấy rồi sẽ ăn năn trở lại”. Nghe những lời ấy, thày tỏ vẻ buồn sầu đau đớn nhưng không đáp lại lời nào. Không còn biết dùng cách nào nữa, quan truyền lính đánh thày thật đau, lúc hai mươi roi, lúc ba mươi roi, nhưng dù đánh bao nhiêu, đánh mấy lần thày vẫn im lặng chịu không chút nao núng, nên quan ngạc nhiên nói rằng: “Xác tên này trơ như đá, đánh nó như đánh vào gỗ”.
Thực ra, cũng là con người, thày rất đau đớn, nhưng lòng mến Chúa giúp thày lướt thắng mọi sự, vui lòng chịu khổ chịu nhục.
Câu trả lời là một bản kinh
Các quan giam riêng Thày Thanh đủ mười một ngày tra khảo nhiều lần đều mất công vô ích nên lại giam thày cùng một ngục với Cha Khoan. Hôm ấy là ngày vui mừng vì linh mục đưa Mình Thánh vào ngục cho ba người chịu và vì sau những ngày xa cách được gặp lại nhau mà biết chắc không ai khóa quá.
Các quan kết án Cha Khoan phải trảm quyết, còn hai Thày Thanh và Hiếu phải xử giảo giam hậu. Thầy Thanh hơi buồn vì không được xử cùng với Cha Khoan nhưng còn hy vọng may ra vua sẽ đổi án. Đã lâu không thấy án trong kinh, thầy lợi dụng thời gian ấy ăn chay, đọc kinh, yên ủi, khuyên bảo các bạn tù. Thầy luôn vui vẻ với mọi người, thỉnh thoảng một bà có đạo kiệu Mình Thánh vào cho Cha Khoan và hai thày, được lương thực thần linh bổ dưỡng, các nhân chứng của Chúa thêm sức mạnh chiến đấu đến cùng.
Đã hơn một năm trôi qua trong ngục, ngày 22-11-1839 vua Minh Mệnh truyền cho các quan phải làm sao để ba tù nhân này xuất giáo.
Quan Án cho đòi hai thày ra đe doạ, dụ dỗ khóa quá, Thày Thanh vẫn cương quyết, khi nào quan giục giã quá thì thày lớn tiếng đọc kinh Đạo Đức Chúa Trời có 10 điều răn như lời tuyên xưng Đức Tin thà chết chẳng thà lỗi phép đạo.
Quan tức giận quát rằng: “Chúng bay thà chết mà không bỏ đạo thì mặc chúng bay”, rồi quan kết án hai thày phải trảm quyết. Vua Minh Mệnh châu phê ngay, nhưng án ra đến tỉnh vào cuối năm, gần tết, các quan hoãn lại mấy ngày; cũng kỳ này có quan Tuần mới đến thay thế, quan này còn muốn dụ dỗ thêm nên các thày còn phải giam mấy tháng nữa. Gần đến ngày xử quan đòi Cha Khoan và hai thày ra bảo rằng: “Các ngươi hãy nghĩ lại, nếu nghe ta các người được sống, nếu không sẽ phải chết ngay”. Cha Khoan thưa thay tất cả rằng: “Chúng tôi đã suy nghĩ lâu ngày lâu tháng rồi, không bao giờ đổi ý, chúng tôi chỉ xin quan xử chúng tôi nhanh chóng, nếu chúng tôi dám phạm tội quái gở ấy, chúng tôi đã làm rồi”.
Vậy các quan nhất định xử Cha Khoan, Thầy Thanh và Thày Hiếu ngày 28 – 4 – 1840. Đêm vọng ngày phúc lộ ấy thày Thanh đọc kinh cả đêm. Trên đường đi đến nơi xử ba cha con hát bài ‘ Kinh Tạ Ơn’ có ý cám ơn Chúa vì đã ban phúc trọng mình trông đợi bấy lâu.
Đến nơi xử, Thầy Thanh còn hát mấy câu, rồi đọc kinh một lúc, sau thày ngửa mặt lên trời, lính chém một nhát, đầu thày rơi xuống và linh hồn thày bay về trời hợp với ca đoàn các thiên thần và các thánh chúc tụng tạ ơn Chúa muôn đời. Cả Cha Khoan và Thầy Hiếu cũng bị chém hôm ấy.
Về sau các bổn đạo đem xác thầy về làng Yên Mối được ít lâu đưa về Phúc Nhạc.
Ngày 27-5-1900 Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho thày và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong hiển thánh cho thày ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn