Ngày 30/01: Thánh Tôma Khuông
Từ bỏ cảnh phong lưu giàu sang
Cậu Tô-ma Khuông sinh ở Nam Hào, xứ Tiên Chu. tỉnh Hưng Yên trong một gia đình giàu có sang trọng. Cha cậu làm quan thời vua Gia Long.
Lớn lên cậu Khuông theo ơn Chúa, bỏ mọi sự dâng mình làm tôi Chúa, luyện tập để sau trở nên một tông đồ nhiệt thành mở Nước Chúa. Cậu được nhận vào chủng viện.
Chú Khuông sống cuộc đời thầm lặng, vui chịu các khó khăn thiếu thốn, nhưng đôi khi tâm hồn chú nổi dậy những cuộc chiến đấu gay go, những cơn cám dỗ nặng nề… chú nhớ lại cảnh sống nhung lụa, những chiều chuộng của cha mẹ, chú nghĩ đến một tương lai hứa hẹn của cậu ấm con quan, trái tim chú rung động như tiếc xót những gì mình đã bỏ, đôi khi chú đã muốn trở về cuộc sống một người giáo hữu tầm thường, nhưng phút chốc, chú trấn tĩnh lại ngay và cương quyết theo Chúa đến cùng.Đã có những dấu chỉ báo trước cơn bách hại, nhưng chú không nao núng, hàng ngày chú suy ngắm lời Chúa Giêsu phán: “Ai cầm cày còn quay trở lại thì không đáng làm môn đệ Ta”, “chúng đã bách hại Ta, thì cũng sẽ bách hại các con”.
Sau nhiều năm học tập, Thày Khuông được thụ phong linh mục. Từ ngày đó, Cha đem hết tâm hồn nghị lực dạy dỗ khuyên bảo mọi người nhận biết tôn thờ yêu mến Chúa.
Ân huệ cho người thuộc dòng dõi quý tộc
Cơn cấm đạo đã bùng lên, Cha Khuông vẫn hiên ngang rao giảng Phúc Âm, Cha bị tố cáo và phải giam trong tù, nhưng hồi đó, tình hình chưa đến nỗi gay gắt lắm, sau một thời gian, Cha được tha vì thuộc dòng dõi quý tộc. Cha rất tiếc vì mất phúc tử đạo mình hằng mong ước, nhưng Cha sẵn sàng vâng theo ý Chúa.
Ở ngục ra Cha càng hăng hái hy sinh tìm mọi cách, lợi dụng mọi dịp, để mở Nước Chúa. Chúa đã ban tự đo cho Cha, Cha dùng nó như nén bạc Chúa gửi để sinh lợi. Cha xông pha mọi nơi nguy hiểm, giảng dạy, làm các phép bí tích, an ủi nâng đỡ những người bị tù đày bắt bớ.
Đến thời Tự Đức, cơn bách hại ngày càng ác liệt, không còn phân biệt giai cấp, có nhiều quan chức đổ máu làm chứng Đức Tin. Cha Khuông đã 80 tuổi, dù rất mong ước phúc tử đạo nhưng Cha vẫn làm theo lời Chúa dạy: “Khi ai bắt bớ chúng con ở thành này, hãy trốn sang thành khác”. Cha ẩn nay nơi này mai nơi khác với chú Ninh, chú giúp lễ của Cha. Một hôm hai Cha con đi lánh nạn, ra khỏi phố Từa (chợ Tuần Xá, xứ Cao Xá) vừa đến Cầu Tang đã thấy một cây Thánh giá đặt giữa lối đi. Cha con lặng lẽ quay lại đi lối khác, nhưng cử chỉ đó không qua khỏi mắt tuần đinh đang rình mò gần đấy, chúng bắt hai Cha con giam lỏng ở làng lương dân. Một nhà nho trong vùng đến chất vấn, thắc mắc lẽ đạo với Cha, Cha Khuông giải đáp rõ ràng phân minh, đầy đủ lý lẽ, khiến mọi người nghe cảm phục.
Cờ Thánh giá tiến ra pháp trường
Mấy hôm sau Cha Khuông và chú Ninh cùng bị giải lên tỉnh Hưng Yên.
Trước công đường phải tra khảo nhiều lần nhưng các quan cũng không khuất phục nổi cụ già đã ngoài 80 tuổi. Cha điềm tĩnh trả lời cách mạnh bạo rắn rỏi.
Trong ngục, Cha nêu gương hy sinh, luôn cầu nguyện cho các bạn tù, giúp đỡ khuyến khích họ chịu khó bằng lòng để được công phúc đời sau.
Ngày 30-1-1860, Cha phải kết án trảm quyết. Nghe tin sắp phải đưa đi xử, Cha vui mừng chặt đôi chiếc gậy quen chống, ghép thành cây Thánh giá. Trên đường đi tới pháp trường, hai tay Cha giơ cao cây Thánh giá như lá cờ chiến thắng. Chú Ninh theo sau Cha, mắt ngước nhìn cây Thánh giá như để lấy thêm sức mạnh vào trận chiến cuối cùng.
Tới nơi, lính trói chú Ninh vào cọc, còn Cha Khuông vì già yếu không bị trói, Cha quỳ ngay trên bãi, giải tội cho chú Ninh. Lính chém đầu chú trước rồi chém đầu Cha. Linh hồn hai Cha con cùng bay về nơi trường sinh hưởng phúc muôn đời, sau bao năm tháng cùng nhau chia sẻ những gian nan đau đớn nơi trần thế.
Đức Thánh Cha Pi-ô XII phong chân phúc cho Cha Tô-ma Khuông ngày 29-4-1951 và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn cha lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn