Ngày 6/2: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Lễ kính
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Phaolô Miki là một trong 3 Giêsu-hữu thuộc nhóm 26 thánh tử đạo đổ máu ngày 05.02.1597 trên đồi Tateyama, gần Nagasaki (Nhật Bản), trong đó có: 6 nhà truyền giáo Tây Ban Nha thuộc Dòng Phanxicô ; 3 giáo lý viên thuộc Dòng Tên Nhật Bản, trong số đó có Phaolô Miki, còn có 17 giáo dân người Nhật cùng tử đạo.
Phaolô Miki được nêu danh đặc biệt vì thái độ anh hùng khi ngài bị đóng đinh cùng với các bạn. Các vị này là những người tử đạo đầu tiên của miền Viễn Đông được ghi vào sách các thánh tử đạo (Martyrologium). Trong số này, cũng có các em dưới 14 tuổi: Louis, André, Antoine. Chứng nhân cuộc tử đạo này đã nói về Antoine: “Đôi mắt hướng về trời, sau khi gọi danh thánh Giêsu và Maria, em bắt đầu cất tiếng hát Thánh Vịnh: “Các em hãy ca ngợi Thiên Chúa” mà em đã học tại Nagasaki, trong trường giáo lý.”
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện nhập lễ nói: Thiên Chúa là nguồn sức mạnh của các thánh ; lời kinh này đã gọi Miki và các bạn “đã vượt qua Thánh giá để đi vào sự sống”.
Em Antoine, khi bị một vị quan dụ bỏ đạo, đã nói: “Thập giá không làm tôi sợ ; tôi lại khao khát nó vì tình thương Chúa Kitô.”
Từ trên Thánh giá, Phaolô Miki đã nói với đám đông tụ họp: “Tôi muốn nói với anh em điều này: không có con đường cứu độ nào ngoài con đường người Kitô hữu đi. Tôn giáo này dạy tôi tha thứ, tôi xin tha thứ cho nhà vua cách thật lòng và tất cả những người tạo ra cái chết của tôi, và tôi cầu nguyện để họ có thể lãnh nhận phép rửa của người Kitô hữu.”
Bài đọc một (Gl 2,19-20) nhắc lại những lời của Phaolô Miki: Tôi chịu đóng đinh vào cây Thánh giá cùng với Đức Kitô : tôi sống, nhưng không phải là tôi, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi. Từ trên cao của 26 cây Thánh giá, các thánh tử đạo ở Nagasaki đã trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô, Đấng kêu gọi các môn đệ đi theo Người: Nếu ai muốn theo tôi, phải bỏ mình, vác thập giá của mình và theo tôi (Mt 16,25).
b. Phaolô Miki và các bạn đã gìn giữ và tuyên xưng đức tin cho đến lúc chết. Trình thuật về cuộc tử đạo của họ, do một chứng nhân ghi lại, cho thấy hiến tế của họ như một Phụng Vụ : người ta hát Thánh Vịnh “Các em, hãy ca ngợi Chúa”; người ta kêu đến thánh danh Giêsu và Maria ; người ta đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng và người nào đó đã lập lại lời van xin của người trộm lành : Lạy Chúa, xin nhớ đến con. Cuối cùng, 4 lý hình đã chấm dứt chứng cứ anh hùng của đức tin bằng việc lấy giáo đâm vào tim, trong khi các Kitô hữu vẫn kêu lên: “Giêsu, Maria !” Như thế đối với họ, cũng như đối với Chúa Giêsu trên đồi Calvariô: “Tất cả đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Enzo Lodi