Ngày 7/1: Thánh Giu-se Trần Văn Tuân
Một họ đạo bé nhỏ nổi tiếng
Nam Điền, một họ đạo bé nhỏ hẻo lánh ở chính giữa một làng ngoại giáo rộng lớn, cách xứ Phú Nhai độ ba cây số. Họ này được nổi tiếng vì là quê hương của 8 đấng tử đạo, trong số này có chân phúc Giuse Tuân đã được tôn kính trên bàn thờ. Ông Giuse Tuân sinh năm 1832, con ông bà trùm Vi ở họ Nam Điền, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, một người con làm vẻ vang cho gia đình, cho xứ họ vì lòng dũng cảm, gan dạ, anh hùng.
Sinh ra trong thời cấm cách, tuy thế từ nhỏ cậu đã sống cuộc đời êm đềm và lớn lên trong thời kỳ gian nan với những cuộc bách hại tột đỉnh. Vào năm 1861, 1862, vua quan làm hết cách để tiêu diệt đạo trong toàn quốc, nhiều nhân chứng Đức Tin ngã gục, máu chảy chan hòa, tài sản giáo dân bị cướp bóc, nhà cửa xóm làng phải tàn phá. Nhiều người muốn giữ vững Đức Tin, tránh những cuộc giết hại dã man hàng loạt, kéo nhau tìm nơi trú ẩn chờ ngày bình an. Cũng có người can đảm ở lại quê hương, tuyên xưng Đức Tin và như để trả lời cho những người bách hại biết rằng: dù họ dùng mọi phương thế quỷ quyệt cũng không thể phá nổi Đức Tin của người có đạo. Ông Giuse Tuân ở trong số những người này.
Cậu thanh niên khôi ngô, tuấn tú, dũng cảm sống những ngày hạnh phúc trong gia đình, cậu là niềm vui, là hy vọng của cha mẹ, ông bà trùm Vi hãnh diện vì người con đạo đức ngoan ngoãn.
Một hôm, theo lệnh trên, lính về vây làng bắt cậu và một số người làng, điệu về phủ Xuân Trường ép quá khoá. Nhưng tra tấn dụ dỗ không làm người thanh niên nao núng. Ông thà chết chẳng thà bỏ đạo. Bị đem phân sáp ở làng Giục, huyện Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình.
Trong trại giam, bị những trận đòn dữ tợn, máu chảy nhuộm đỏ quần áo, thân xác hao mòn vì những vết thương ác nghiệt; mấy ngày sau vết thương chưa se, lại phải lôi ra chịu những trận đòn khác khốc liệt hơn. Toàn thân là thương tích, chịu sỉ nhục, đêm gông cùm, ngày tra tấn, hết ngày này qua ngày khác, dù thế cũng không làm ông nao núng chối bỏ Đức Tin, quan đành kết án ông phải trảm quyết cùng với mấy người làng còn trung kiên.
Coi thường cái chết
Một hôm đang bị giam trong ngục cùng với bốn ông Tuyên, Sửu, Đắc, Hòa, lính kéo đến điệu năm ông ra pháp trường. Các ông vui mừng vì giờ mong đợi từ lâu đã đến. Nhưng đây chỉ là kế hoạch các quan đưa ra dọa các ông, thấy các ông hiên ngang coi thường cái chết, nên vừa đến pháp trường quan lại truyền đưa các ông về ngục. Mấy ngày sau màn kịch ấy diễn lại lần thứ hai, không thu được kết quả gì, đến lần thứ ba, ra tới pháp trường, quan truyền các ông bước qua Thánh giá, các ông cương quyết không chịu, ông Giuse Tuân còn can đảm hơn tiến đến gần Thánh giá, ông cầm lấy Thánh giá, giơ cao lên, cất giọng, hiên ngang sốt sắng đọc kinh cầu Tên Chúa Giêsu. Mọi người cảm phục gan dạ anh hùng của người chiến sĩ, nhưng quan Giám sát tức giận ra lệnh trói các ông vào cột rồi chém đầu ngay. Pháp trường, máu chảy lai láng . Hôm ấy là ngày 7-6-1862.
Thi hài ông Giuse Tuân chôn ngay ở nơi xử, sau cải táng về nhà thờ Nam Điền.
Ngày 29-4-1951, Đức Thánh Cha Pi-ô XII phong chân phúc cho ông Giuse Tuân, và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn ông lên bậc hiển thánh.
Hai cánh tay Người được đưa về tôn kính trong đền thánh Phú Nhai. Ngày nay họ Nam Điền có lòng đạo đức sốt sắng, nhà thờ lớn, bàn thờ vàng với tháp chuông cao nhất so với các họ xứ Phú Nhai, vươn cao lên giữa luỹ tre xanh, giữa cánh đồng bát ngát như hiện ngang khoe mình là quê hương của Đấng Thánh Tử đạo.
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn