THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA. Lễ trọng
BÀI ĐỌC I: Ds 6, 22-27
“Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng”
Trích sách Dân Số.
Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: ‘Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con’. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8
Đáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con (c. 2a).
1) Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ. – Đáp.
2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. – Đáp.
3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Gl 4, 4-7
“Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Abba!”, nghĩa là “Lạy Cha!” Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Lc 2, 16-21
16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. 18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA – Bài giảng của Đức Hồng Y Phaolô Giuse
Tuần trước chúng ta kính mừng lễ Thiên Chúa Giáng Sinh. Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.
Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là một tín điều buộc mọi người phải tin cho được rỗi linh hồn. Năm 431, nghĩa là cách đây hơn một ngàn năm trăm năm, Công đồng Ê-phê-sô đã tuyên bố tín điều đó như sau:
“Ai không tuyên xưng Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa là Thiên Chúa thật, và do đó không tuyên xưng Đức Trinh Nữ thực sự là Mẹ Thiên Chúa. Bởi Người đã sinh ra về phần xác Ngôi Hai nhập thể, phát xuất từ Thiên Chúa. Ai chối không tuyên xưng như vậy thì mắc vạ tuyệt thông”.
Căn cứ lời tuyên bố trên đây của Giáo Hội, chúng ta phải hiểu thế nào về tín điều Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ?- Khi nói: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội không chủ trương rằng: Đức Mẹ sinh ra bản tính Thiên Chúa, bởi vì xét về bản tính, Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, nghĩa là tự mình mà có, là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài, đã sáng tạo nên vũ trụ vạn vật, sáng tạo nên cả Đức Mẹ Maria.
Nhưng khi nói: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội có ý dạy ta hai điều này:
1). Đức Maria là Mẹ thực sự, không phải chỉ là mẹ nhận, mẹ nuôi, bởi vì Ngài đã thực sự cung cấp khí huyết mình để tạo nên thân xác Đức Giê-su như bất cứ bà mẹ nào thụ thai và sinh con mình.
2). Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, nghĩa là Ngài đã thụ thai và sinh ra Ngôi Hai không phải về bản tính Thiên Chúa, nhưng về bản tính loài người mà Ngôi Hai đã mặc lấy.
Đức Maria Mẹ Thiên Chúa cũng là một mầu nhiệm, trí khôn ta không thể suy luận mà biết được, chúng ta chỉ biết và hiểu được phần nào là do Thiên Chúa đã mạc khải và Giáo Hội truyền dạy mà thôi.
Đọc Cựu Ước ta thấy 700 năm về trước khi Chúa Giê-su ra đời, Thiên Chúa đã dùng tiên tri Isaia mà loan báo mầu nhiệm Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa như sau: “Rồi đây, một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, Ngài sẽ đặt tên cho con trẻ đó là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). “Một con trẻ đã sinh ra cho chúng ta, một con trai đã ban xuống cho chúng ta: Người sẽ ghé vai gánh lấy vương quyền. Người ta sẽ gọi tên Người là Cố Vấn kỳ diệu, là Thiên Chúa anh dũng, là Cha vĩnh cửu, là Hoàng Tử Thái Bình…” (Is 9,5).
Trong Tân ước, theo lời Phúc âm, khi đến truyền tin cho Đức Maria: “Thiên Thần Gabriel kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà sẽ thụ thai và sinh con, và Bà sẽ đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Chí Tôn”. – Đức Maria thưa với Thiên Thần: “Việc đó xẩy ra thế nào được vì tôi không biết đến người nam”. – Thiên Thần đáp: “Chúa thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà… Vì thế con trẻ bà sinh ra là Con Thiên Chúa”.
Khi Đức Mẹ đi viếng Bà Isave, vừa nghe lời Đức Mẹ chào, Bà Isave cảm động nói: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi”. Được Thánh Thần soi sáng, Bà Isave gọi Đức Maria là Mẹ Chúa tôi, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa. Qua lời đó, ta có thể nói: Bà Isave là người đầu tiên công khai phẩm chức làm Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria.
Thánh Phao-lô dạy về vấn đề này như sau: “Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống sinh bởi người phụ nữ” ( Gal 4,4). Các Thánh Giáo phụ cũng nhất trí tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Thánh Gregorio Mazianze nói: “Người nào không nhìn nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, thì kẻ ấy không được thông công vào bản tính Thiên Chúa”. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là một phẩm chức cao trọng tuyệt vời.
Một loài thụ tạo nào càng gần Thiên Chúa thì càng cao trọng. Trong thực tế đừng kể bản tính loài người nơi Đức Giê-su thì Đức Maria được gần Thiên Chúa hơn tất cả các loài thụ tạo. Bởi đó, Đức Maria cao trọng hơn mọi Thần Thánh trên trời và mọi người dưới thế. Vì thế, Mẹ sinh ra Chúa Giê-su, Mẹ Maria là thân nhân huyết nhục với Con Thiên Chúa về bản tính loài người, rồi qua Thiên Chúa Con, Người cũng được hiệp nhất với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần một cách thân mật quá trí tưởng tượng. Bởi Người đã được tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa và được đầy ân sủng, nên Giáo Hội tôn kính Người như Nữ Tử yêu dấu của Đức Chúa Cha và Hiền Thê của Chúa Thánh Thần.
Phẩm chức Mẹ Thiên Chúa cũng là lý do và căn nguyên mọi ân huệ đặc biệt khác Chúa ban cho Đức Mẹ. Vì được làm Mẹ Thiên Chúa, nên Đức Maria được vô nhiễm nguyên tội, được tràn đầy thánh sủng, được trọn đời trinh khiết. Vì là Mẹ Thiên Chúa, nên Đức Maria được đặt làm trung gian các ơn Thiên Chúa, được lên trời cả hồn lẫn xác, được tuyên dương làm Nữ vương vũ trụ, làm Đấng trung gian ban phát mọi ơn Chúa cho loài người.
Phẩm chức Mẹ Thiên Chúa đối với ta thế nào ? – Khi nói đến phẩm chức Mẹ Thiên Chúa, có người nghĩ rằng đó là phẩm chức rất cao sang, nhưng chỉ là ơn riêng, Chúa ban cho Đức Mẹ một mình Người được hưởng vinh quang, còn không có liên hệ gì gần gũi thân mật với chúng ta cả. Ai nghĩ thế là sai lầm nghiêm trọng. Ta có thể nói: Đức Maria được làm Mẹ Thiên Chúa vì chúng ta và cho chúng ta, nghĩa là để Người trở nên Mẹ thật chúng ta trong ân sủng và có thể làm ích cho chúng ta hơn. Thực vậy, xác chúng ta sống được nhờ có linh hồn, không có linh hồn thì xác chết, còn linh hồn chúng ta thì sống nhờ thánh sủng, không có ơn thánh sủng linh hồn ta nên quái gở như chết trước mặt Chúa. Ơn thánh sủng bởi đâu mà ra ? – Bởi Chúa Giê-su từ trời đem xuống cho ta, mà Chúa Giê-su xuống với ta qua Đức Maria. Vì thế, khi sinh ra Đức Giê-su là nguồn mạch ơn thánh sủng thì Đức Maria cũng trở nên Mẹ thật chúng ta phần linh hồn, chứ không phải là mẹ nhận như các bà mẹ nuôi thế gian.
Bà mẹ nào sinh con thì cũng sinh cả đầu, cả chân tay và các phần mình của đứa con. Chúa Giê-su là Đầu, chúng ta là thân thể mầu nhiệm Chúa. Ơn thánh sủng như nhựa sống thần linh lưu thông từ Chúa xuống linh hồn chúng ta, làm cho chúng ta hiệp nhất với Chúa như Đầu với chân tay. Đức Mẹ sinh ra Chúa là Đầu thì tất nhiên Người cũng là Mẹ chúng ta là phần thân thể mầu nhiệm Chúa. Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan và quyền phép vô cùng, khi chọn ai lên phẩm chức nào, trao cho ai sứ mệnh gì, thì Chúa cũng ban cho người ấy có đủ tư cách, khả năng và những ơn riêng để chu toàn sứ mệnh. Khi tuyển chọn Đức Maria làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta trong ân sủng, thì Chúa cũng ban cho Đức Mẹ một tâm hồn từ mẫu, quảng đại bao la để Người có thể ôm lấy tất cả nhân loại trong một tình âu yếm thiết tha hơn bất cứ một người mẹ nào yêu dấu con mình. Hơn nữa, vì là Mẹ Thiên Chúa, nên Đức Mẹ có một quyền năng hầu như vô giới hạn để cứu giúp chúng ta. Thánh Bê-na-đi-nô khẳng định rằng: “Đức Maria không thể ngồi nhìn một sự đau khổ nào mà Người không cảm thương”. Xưa trong tiệc cưới Cana, dù chủ nhà không kêu cầu, Đức Mẹ cũng can thiệp xin Chúa cứu giúp, thì ngày nay Đức Mẹ càng thương xót ta hơn, nếu ta tin cậy cầu xin Người.
Bà thánh Brigitta một lần kia nhìn thấy Chúa Giê-su nói với Đức Mẹ rằng: “Mẹ hãy xin bất cứ sự gì Mẹ muốn, khi xưa ở trần gian Mẹ không từ chối con điều gì, thì nay ở trên trời, con cũng không từ chối Mẹ điều gì”.
Sau cùng, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa cũng là niềm an ủi lớn lao cho giới phụ nữ. Theo quan niệm của nhiều dân tộc xưa nay, giới phụ nữ thường bị khinh dể. Sự khinh dể đó được nói lên qua những khẩu hiệu như: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nghĩa là nhà có một con trai kể là có con, nhà có mười con gái cũng kể là không con. Nhưng từ khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người sinh ra bởi người nữ, từ khi một người trong nữ giới được chọn lên phẩm chức Mẹ Thiên Chúa, từ khi ấy không còn ai dám khinh giới nữ nữa. Như vậy là không phải đến ngày nay vấn đề giải phóng phụ nữ mới được đặt ra, nhưng đã bắt nguồn từ hai ngàn năm nay với Đạo Chúa Ki-tô rồi.
Để kết luận, chúng ta hãy dùng lời Giáo Hội trong kinh Kính Mừng mà kêu xin Đức Mẹ rằng: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử.
Lạy Mẹ Maria trong lời trên đây, Giáo Hội đối chiếu hai bên khác biệt nhau một trời một vực: Bên trên là Đức Mẹ trong sạch, thánh thiện, huy hoàng như mặt trăng mới mọc, vầng hồng mới hé, cao sang tuyệt vời; bên dưới là chúng con hèn hạ khốn khổ, ngụp lặn trong vực sâu tội lỗi. Sự đối chiếu đó nhằm đánh động lòng từ bi thương xót của Đức Mẹ và như nhắc với Mẹ rằng: Chúng con hèn hạ tội lỗi, nhưng không phải vì thế Mẹ khinh chê chúng con. Trái lại, vì chúng con hèn hạ tội lỗi, nên Chúa mới xuống thế làm người để cứu chuộc chúng con và do đó Mẹ mới được chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Bởi đấy, chúng con có thể nại đến thân phận tội lỗi chúng con để xin Mẹ thương xót.
Xin Mẹ cầu cho chúng con khi nay, nghĩa là trong những ngày hiện tại chúng con đang sống, nếu cái khi nay của chúng con bằng yên vô sự và hoàn toàn hạnh phúc như cái khi nay của các Thánh trên trời, thì chúng con không phải xin Mẹ hộ giúp. Nhưng cái khi nay của chúng con đầy gian khổ: khổ vì ốm đau tật bệnh, khổ vì gia đình lủng củng thiếu đoàn kết, khổ vì làm ăn thất bại, kinh tế gay go, khổ vì người nọ người kia gây mâu thuẫn và làm hại chúng con. Tắt rằng cái khi nay của chúng con còn chồng chất bao vấn đề phức tạp chưa biết làm sao, giải quyết thế nào, chỉ còn một cách là đưa mắt nhìn lên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, xin Mẹ chuyển cầu cho con cái tội lỗi đang đặt hết niềm tin tưởng nơi Mẹ.
Còn giờ lâm tử của chúng con, nghĩa là giờ chúng con gần chết, giờ đó càng đầy đe dọa và bấp bênh, chúng con không biết mình chết khi nào, chết ở đâu, chết cách nào, chết trên giường bệnh giữa những người thân yêu mật thiết, hay chết đường, chết chợ không ai biết, có được chết bình thường hay bị tai nạn mà chết, ngã xe mà chết, rắn cắn mà chết, ngộ độc mà chết, rơi xuống nước mà chết… Giờ chết có được gặp các linh mục để chịu các nhiệm tích hay không ? Có chuẩn bị linh hồn sẵn sàng hay đang có tội nặng mà phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp… Đấy giờ lâm tử của chúng con đầy nguy hiểm và đe dọa là thế. Vì vậy, chúng con kêu xin Mẹ đừng bỏ chúng con trong giờ đó. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử. Amen
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người sinh bởi Mẹ Maria. Con của Đức Mẹ là Thiên Chúa, nên Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Cùng với Đức Mẹ, ta suy niệm, chiêm ngắm, thờ lạy và đón nhận mầu nhiệm Nhập thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Con Thiên Chúa nhưng Chúa chẳng nề quản làm người con bé nhỏ trong tay Mẹ Maria. Chúa được Đức mẹ sinh hạ, nuôi nấng, dạy dỗ. Chúa đã lớn lên nhờ sự giáo dục và bàn tay chăm sóc của Đức Mẹ. Con hiểu sứ mạng của Đức Mẹ thật là cao cả và nặng nề. Không những Đức Mẹ nuôi nấng Chúa về phần xác, dạy dỗ Chúa về đời sống tinh thần, chỉ bảo Chúa về cách sống ở đời, nhưng khó khăn nhất là ở chỗ Đức Mẹ phải nuôi dạy Chúa thế nào cho xứng với phẩm giá của Chúa là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Dù khó khăn vượt quá sức Mẹ, nhưng Mẹ đã suy nghĩ, cầu nguyện, và với ơn Chúa, Mẹ đã chu toàn sứ mạng cao cả ấy.
Lạy Chúa, xin cho con được hưởng nhờ tình yêu thương từ mẫu và sự chăm sóc của Mẹ Maria, để con được sống bằng an trong năm mới này, để con trưởng thành trong đời sống làm người với những đức tính tốt, và nhất là để con biết sống xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa.
Hôm nay con nhớ tới các người mẹ. Có những bà mẹ sống ích kỷ, bỏ bê con cái. Có những bà mẹ chỉ lo cho con cái về phần xác. Xin Chúa giúp cho các người mẹ ý thức bổn phận lo cho con cái về mọi phương diện, giáo dục con cái nên người và nên con Thiên Chúa. Con cái ngày nay gây ra cho cha mẹ nhiều khó khăn trong việc giáo dục. Xin Chúa giúp các bậc phụ huynh chu toàn trọng trách này theo gương Mẹ Maria. Amen.
Ghi nhớ: “Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi… và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu”.
CƯU MANG VÀ SINH HẠ MỘT THẾ GIỚI MỚI – TGM Ngô Quang Kiệt
Các mục đồng vào hang đá và nhận thấy một Hài Nhi sơ sinh nằm trong máng cỏ. Hài Nhi Giêsu chào đời khai sinh một thế giới mới. Đức Mẹ đã sinh ra một con người mới.
Đức Mẹ sinh ra một thế giới mới để sửa chữa thế giới cũ do Evà sinh ra. Thế giới cũ của bà Evà là môt thế giới đổ vỡ. Từ chỗ bất tuân lệnh Thiên Chúa, thế giới đã đi đến chỗ bất hoà với nhau: ông Adong đổ lỗi cho bà Evà, bà Evà đổ lỗi cho con rắn. Không những bất hoà với nhau mà còn bất hoà cả với súc vật, cỏ cây, ruộng đất. Và từ chỗ bất hoà đi đến bất hạnh: Anh em Cain và Aben giết lẫn nhau. Con người phân tán, chia rẽ. Thế giới đổ vỡ này phát sinh từ lòng kiêu ngạo và thói ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Thế giới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới vâng phục Thiên Chúa. Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha nên đã sinh xuống thế làm người và từ bỏ ý riêng, sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Đức Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa khi thưa “Xin vâng” với thiên thần. Thánh Giuse vâng phục Thiên Chúa nên trở về nhận Đức Mẹ làm bạn. Các mục đồng vâng theo lời thiên thần đến hang Bêlem tìm Chúa. Ba Vua vâng phục theo ánh sáng ngôi sao đến thờ lạy Chúa.
Thế giới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới hài hoà. Sự hài hoà không phải chỉ có giữa Chúa Giêsu với Đức Mẹ và Thánh Giuse. Cảnh Chúa Giêsu nằm giữa thiên nhiên, trong hơi ấm của bầy chiên bò, với đoàn mục đồng và Ba Vua quây quần chung quanh nói lên một thế giới chung sống hoà bình. Chúa sống hoà hợp với trời đất, với con người và với thiên nhiên. Con người sống hoà hợp với Chúa và với nhau.
Thế giới mới mà Đức Mẹ sinh ra là một thế giới quên mình. Chúa Giêsu đã quên địa vị mình là Thiên Chúa để xuống ở với nhân loại. Chúa Giêsu đã quên mình là Đấng thánh thiện để đến với người tội lỗi. Chúa đã quên mình là Thầy, là Cha, nên quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, các con cái của mình. Và nhất là Chúa đã quên mình là vô tội đến nỗi sẵn lòng hiến thân chịu chết cho loài người tội lỗi. Thánh Giuse và Đức Mẹ quên mình để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Mục đồng quên mình, giữa đêm khuya lạnh lẽo, bỏ giấc ngủ đến tìm Chúa. Ba Vua quên mình bỏ nhà cửa tiện nghi, lên đường, chịu vất vả khó nhọc đến thờ lạy Chúa. Sự quên mình, quan tâm lo lắng chăm sóc cho người khác đã khai sinh một thế giới mới chan chứa tình yêu thương và ấm áp sự hoà thuận. Đó chính là cảnh thái bình đáng mong ước.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, với mong muốn thế giới luôn được sinh lại, được đổi mới. Chỉ khi sinh lại trong Chúa và trong Đức Mẹ, thế giới mới thực sự có hoà bình.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, với mong muốn đặt thế giới vào tay Đức Mẹ để thế giới luôn được sinh lại, được đổi mới. Chỉ khi sinh lại trong Chúa và trong Đức Mẹ, thế giới mới thực sự có hoà bình.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội cầu nguyện cho hoà bình thế giới, mong ước con người hãy biết sống hài hoà với nhau trong vâng phục Thiên Chúa, trong quên mình vì người khác để có một nền hoà bình thực sự trường cửu. Vì hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh nhưng còn là con người sống hài hoà trong tình tương thân tương ái.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội cũng mời gọi tất cả mọi người chúng ta hãy cùng với Đức Mẹ cưu mang và góp phần sinh hạ một thế giới mới. Cưu mang chắc chắn phải nặng nhọc. Sinh hạ chắc chắn phải đớn đau. Nhưng nếu mỗi người đều noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse, Ba Vua, các mục đồng và cả súc vật trong hang đá Bêlem biết vâng phục Thiên Chúa, biết sống hài hoà và quên mình thì mới mong kiến tạo được một nền hoà bình viên mãn.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con trở nên con người mới, góp phần cưu mang và sinh hạ một thế giới mới như lòng Chúa mong ước. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có mơ ước một thế giới mới không? Thế giới đó phải bắt đầu từ đâu trước? Từ chính bạn hay từ người khác?
2. Thế giới của Đức Mẹ có gì khác thế giới của bà Evà?
3. Đầu năm mới này, bạn dự tính làm gì để đổi mới thế giới chung quanh bạn?