Suy niệm Tin mừng Chúa nhật VIII mùa thường niên năm C
LÒNG LÁI MẮT MIỆNG
Mắt để nhìn, miệng để nói. Văn thơ thường diễn tả về mắt miệng đầy quyến rũ, rất đẹp. Nhưng Phúc Âm lại nhiều lần nói về mắt mù miệng câm! Bởi vì mắt nhìn mà không như cái camera chụp đúng hình ảnh, miệng nói mà không như cái radio thu phát đúng lời. Mắt nhiều khi nhìn lệch, miệng nhiều khi nói sai. Mắt nhìn miệng nói đúng sai, tốt xấu là do lòng người yêu ghét. Thế nên mới có câu: mắt là cửa sổ tâm hồn.
- Mắt nhìn.Mắt có thể nhìn thấy mọi vật bên ngoài, nhưng mắt lại không nhìn thấy chính nó. Thế nên, cùng 1 con mắt, một đằng nó nhìn thấy rất rõ khuyết điểm bé tí nơi người khác, đằng khác, con mắt tinh tường ấy lại không nhìn thấy lỗi lầm to tướng nơi bản thân mình như Phúc Âm nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” Cái xà ấy là ánh mắt thành kiến, ánh mắt ghen ghét, ánh mắt nghi ngờ. Mắt dễ nhìn thấy cái xấu nơi người khác mà khó thấy cái xấu nơi mình.
- Miệng nói.Lời nói là quà tặng quý giá Chúa ban. Chỉ con người mới có lời nói, con vật chỉ có tiếng kêu. Lời nói diễn tả tư tưởng và tình cảm của con người. Lòng yêu thương nói lời tốt đẹp, lòng xấu xa nói lời độc ác bởi vì “lòng đầy miệng mới nói ra.” Hay như bài Sách Thánh thứ nhất diễn tả: “Xem quả thì biết vườn cây. Nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.” Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nên luôn ban lời sự sống, lời chữa lành, lời loan báo Tin Mừng.
Mắt nhìn miệng nói đúng sai phụ thuộc vào quan niệm, nhận thức, đặc biệt là tình cảm như câu tục ngữ: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu.” Vì thế, để nhìn đúng nói tốt thì Chúa không bảo phải làm đẹp mắt miệng, mà phải làm đẹp lòng dạ. Người có lòng dạ đẹp thì bao giờ cũng có mắt miệng đẹp. Mắt miệng của trẻ thơ đã nói lên điều đó. Amen.
Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường