Suy niệm về Mùa chay
SUY NIỆM VỀ MÙA CHAY
Người Công giáo nói riêng và mọi người thuộc các tôn giáo khác nói chung đều thực hành việc chay tịnh như một phương thế thăng tiến đời sống đạo đức của mình. Nhưng đối với người Công giáo, việc chay tịnh không chỉ nhắm tới việc kiêng khem để giảm bớt dục niệm hay kiềm chế bản năng bùng phát. Việc ăn chay với người Công giáo còn nhắm tới mục đích cao hơn khi họ dùng đó như một phương thế để đến gần Thiên Chúa là Đấng Siêu việt. Mùa chay với bốn mươi ngày trai tịnh gợi nhớ lại bốn mươi năm hành trình sa mạc của dân tộc Do Thái khi họ ra khỏi đất Ai Cập. Vì sợ hãi mà họ không dám vào đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Vì thế, Thiên Chúa đã dùng bốn mươi năm là thời gian của một thế hệ con người mà thanh luyện và củng cố lòng tin của họ vào một Thiên Chúa giải thoát. Hành trình mùa chay cũng gợi nhớ về thời gian bốn mươi ngày Đức Giêsu ở trong hoang địa không ăn không uống khi khởi đầu sứ vụ công khai của mình. Trong bốn mươi ngày đó, Thần Khí Đức Chúa đẩy Ngài vào hoang địa chịu cám dỗ của Satan, nhưng đây cũng là thời gian để Ngài cầu nguyện hầu kết hợp mật thiết với Thiên Chúa là Cha. Như vậy, mùa chay được Giáo hội cử hành mang ý nghĩa sâu sắc của một cuộc thanh luyện, một hành trình cầu nguyện và củng cố đức tin cho người tín hữu để chuẩn bị tâm hồn đón chờ mầu nhiệm Đức Kitô tử nạn và phục sinh.
* Mùa sám hối: Mùa chay được bắt đầu với ngày thứ tư lễ tro. Trong thánh lễ, mọi người tin đều tiến lên để vị thừa tác viên xức tro lên trên đầu mình với lời đọc: “hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Việc xức tro dẫn ta vào một thái độ sâu xa trong con người và cũng là tâm tình của cả mùa chay: tâm tình sám hối. Mọi người được mời gọi sám hối và tin vào Tin Mừng là chính Đức Kitô – Thiên Chúa làm người. Thánh Kinh Cựu ước cho ta một gương mẫu của việc sám hối nơi dân ngoại. Sách ngôn sứ Giona kể về một câu chuyện của vị ngôn sứ kỳ lạ. Ông được chọn để làm ngôn sứ không phải để lên án, cảnh báo cho dân tộc mình nhưng là cho dân ngoại – dân thành Niniveh trù phú của ngoại bang. Ông sợ rằng khi rao giảng mà dân ấy hoán cải Thiên Chúa sẽ thứ tha cho họ. Chính vì thế ông từ chối và chốn tránh đi ngược lại cuộc hành trình mà tránh xa Thiên Chúa. Nhưng chính Thiên Chúa đã tìm ông và đưa ông về với sứ vụ của mình. Với bài giảng ngắn ngủi chỉ gồm một câu: “trong bốn mươi ngày nữa, Thiên Chúa sẽ phá hủy thành này”. Thế nhưng một câu ấy đã tác động lên mọi người trong thành. Nhà vua đã ra lệnh trong toàn thành phải ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu để tỏ lòng sám hối. Nhờ sự trở về ấy mà Thiên Chúa đã không đánh phạt nhưng lại xót thương thành này. Như vậy tự xa xưa, việc chay tịnh đã mang một tâm tình sám hối, là cách thế con người thể hiện lòng sám hối ra bên ngoài. Qua hành động kiêng bớt trong ăn uống, may mặc và xức tro, con người thể hiện không chỉ một thân xác tiều tụy, nhưng là một tâm hồn đang tan nát vì tội lỗi của mình. Sám hối đưa con người về với Thiên Chúa và nhìn nhận cùng cải đổi cuộc đời tội lỗi của mình. Bởi chỉ khi sám hối và ý thức tội lỗi, con người mới cần thấy nơi mình nhu cầu cần được tha thứ bởi Thiên Chúa và người khác. Sám hối là chiều kích hướng về mình khi con người tự nhìn vào cuộc đời mình và con người mình để tìm kiếm con đường trở về mà hoán cải.
* Mùa cầu nguyện: Hành trình bốn mươi ngày chay tịnh không chỉ dừng lại ở việc sám hối trong tương quan với cá nhân mình, nhưng hành trình ấy còn hướng con người lên với Thiên Chúa khi ôm ấp trong mình ước muốn sống thánh thiện để được gần Thiên Chúa và thuộc trọn Ngài. Với Đức Giêsu, thời gian trong hoang địa chính là thời gian để chịu cám dỗ và cầu nguyện. Chúng ta có thể nói rằng: Ngài là Thiên Chúa thì những cám dỗ kia có xá gì đối với Ngài, Ngài là Thiên Chúa thì việc cầu nguyện kia có ích chi cho Ngài vì Ngài luôn là và luôn kết hợp với Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa thật thế nhưng Ngài cũng là người thật, chính vì thế, để sống trọn kiếp người và thân phận một con người, Đức Giêsu cũng chịu cám dỗ và chính trong những cám dỗ ấy, Ngài cầu nguyện để tìm biết ý của Thiên Chúa, Ngài cầu nguyện để có thể nói không với tội lỗi. Thời gian hoang địa cũng là thời gian Ngài là người nhất khi mọi tạo vật kể cả dã thú đến với Ngài, điều này gợi lên hình ảnh con người ban đầu trong vườn địa đàng khi chưa phạm tội. Thời gian hoang địa cũng chính là thời gian Ngài là Chúa vì được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa là Cha. Chính trong viễn tượng ấy, mùa chay mà chúng ta cử hành hôm nay cũng mang một tâm tình hướng lên trời cao khi chúng ta thể hiện ước muốn được gần gũi thân tình với Thiên Chúa. Bởi chưng, hành động chay tịnh phải được kết hợp với lời và đời sống cầu nguyện mới thực sự mang ý nghĩa tâm linh. Vì nếu ăn chay mà không cầu nguyện chỉ là phương thế giữ gìn sức khỏe của xác thể, nhưng ăn chay kết hợp với đời sống cầu nguyện sẽ là phương thế thao luyện tâm hồn và gia tăng đời sống tâm linh. Ngày hôm nay, trong cử hành phụng vụ Thánh Thể, giáo luật cũng đòi buộc người tín hữu phải giữ chay Thánh Thể. Việc giữ chay Thánh Thể đòi buộc người giáo hữu hai điều: Thứ nhất, người tin phải chuẩn bị tâm hồn và lo các việc chay tịnh, nghĩa là đừng vương nơi mình tội trọng; thứ đến thân xác người tin đó cũng phải giữ chay trong ăn uống ít nhất một giờ trước khi rước lễ ngoại trừ nước lã và thuốc chữa bệnh. Như thế, việc giữ chay cũng chính là việc giúp con người được trở nên thánh thiện và trong sạch hầu xứng đáng đón rước Chúa vào lòng mình. Con người dường như nhỏ bé trước sự vô biên của Thiên Chúa và càng thấy mình tội lỗi trước một Thiên Chúa thánh thiện. Vì thế, chúng ta tìm đến những phương thế hữu hiệu để thanh tẩy con người mình mà đến gần Thiên Chúa. Thiên chúa là tình yêu và luôn tha thứ cho con người trong chính đời sống của họ. Chay tịnh gần như là cách thế con người gột bỏ mình khỏi những quyến luyến của vật chất và những ham muốn xác thịt. Con người muốn để cho mình không bị lôi cuốn bởi những ảo vọng hay cám dỗ mà chỉ đến với một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh. Mùa chay mời gọi mỗi người chúng ta vào trong sa mạc với Chúa. Sa mạc hay hoang địa là nơi chẳng thể tiêu thụ được tiền bạc, là nơi danh vọng và địa vị không còn uy quyền. Nơi đó, con người hoàn toàn phó mặc cuộc đời mình cho Thiên Chúa để được Ngài chăm sóc, để được Ngài cho ăn, cho uống như Đức Giêsu, để được các thiên sứ đến hầu cận. Hành trình mùa chay mời gọi con người hướng về cầu nguyện và để cho mình không vướng bận bởi những thực tại trần thế, những lo lắng và toan tính chuyện áo cơm. Mùa chay chính là thời điểm con người tận dụng để tiếp xúc ngày một mật thiết hơn với Thiên Chúa của mình.
* Mùa đức ái: Trong bốn mươi ngày chay tịnh, người Công giáo có hai ngày buộc phải giữ chay, kiêng thịt là thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Nhiều người đạo đức còn tự nguyện giữ chay nhiều ngày hơn là chỉ hai ngày trong một năm như thế. Trong những ngày ấy, họ ăn uống ở mức độ tối thiểu để vẫn có thể làm việc và duy trì hoạt động của sự sống thường nhật, và tất nhiên họ vẫn kiêng thịt. Sự kiêng khem này không chỉ đơn thuần nhắm đến hãm dẹp thân xác nhưng còn nhắm tới tình yêu của con người cho con người. Nói cách khác, chay tịnh phải luôn đi đôi với đức ái. Đức ái ở đây muốn nói đến một sự ra ngoài bản thân mà hướng tới tha nhân. Đức Giêsu đã có lần phản đối cách ăn chay của những người Pharisêu, họ tỏ lộ ra ngoài cách thiểu não để cho mọi người biết mình ăn chay. Đức Giêsu khuyên chúng ta ăn chay trong tinh thần hơn là ở hình thức bề ngoài. ‘Khi ăn chay, anh em hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để thiên hạ không biết rằng anh ăn chay’[1]. Vì như thế, chính Thiên Chúa, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ biết rằng chúng ta ăn chay và việc chay tịnh ấy có ý nghĩa. Nói tóm lại, chúng ta không khoe khoang hành vi đạo đức của mình nhưng cần làm điều đó cách thầm kín để hành vi ấy sinh ơn ích cho mình và cho người khác. Trong những ngày chay tịnh, những phần ăn được giảm thiểu hay đổi đồ thanh đạm không nhắm tới việc tiết kiệm tiền bạc hay đổi món sau những ngày phủ phê. Thế nhưng chay tịnh phải đi cùng đức ái, đồng nghĩa với việc chi tiêu giảm thiểu trong bữa ăn của những ngày chay cần được cho đi hầu giúp ích cho người khác. Nói một cách rõ ràng hơn, số chi tiêu giảm thiểu trong ngày chay phải được gửi đến cho những người nghèo, những người khó khăn hay sinh ích cho các công việc tông đồ và thiện nguyện. Hành trình mùa chay không chỉ mời gọi chúng ta nhìn vào mình để sám hối, ăn năn; không chỉ nhìn lên trời cao trong cầu nguyện và ao ước đến cùng Thiên Chúa. Mùa chay còn mời gọi chúng ta đến với tha nhân để chia sẻ, để đồng cảm và giúp đỡ họ. Chúng ta không chỉ giúp người khác bằng vật chất qua những món tiền, món quà, bữa ăn hay những vật dụng cần thiết cho cuộc sống. Chúng ta còn đến với mọi người trong sự ủi an, chia sẻ những nỗi niềm của kiếp người, hơn thế nữa chúng ta cũng được mời gọi giúp người khác trong cả đời sống tâm linh khi mỗi ngày giúp họ tìm gặp Thiên Chúa qua cầu nguyện và phụng vụ. Chỉ có như vậy, việc ăn chay của những ngày mùa chay này mới đem lại ý nghĩa tốt đẹp.
* Mùa trông chờ Thiên Chúa: Truyền thống Do Thái còn thực hành việc chay tịnh để mong chờ Đấng Mesia đến giải cứu họ. Trong thời Cựu ước, tiếng kêu của dân Chúa bên Ai cập trong cảnh khốn cùng đã được Thiên Chúa đoái thương, Ngài cho Môsê đến để giải cứu họ. Trong thời quân chủ, khi dân tộc tản mác và bị sự nhòm ngó của ngoại bang thì Thiên Chúa đã ban David – vị thánh vương để dẫn dắt họ. Lịch sử cứu độ được hứa hẹn qua lời của các ngôn sứ về một Đấng Mesia sẽ xuất hiện để tiếp tục hành động giải cứu như Môsê mới, tiếp tục hành động cai trị như David mới và tiếp tục hành động rao giảng như một Elia mới. Ngài là Đấng mà Thiên Chúa sẽ xức dầu tấn phong để giải cứu mọi người được tự do. Chính vì thế, người Do Thái thực hành chay tịnh cũng là để hướng lòng và mong chờ Đấng Mesia sẽ xuất hiện và trông đợi triều đại của Ngài. Người Pharisêu thấy các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay như các môn đệ của Gioan và môn đệ của họ, bởi vậy họ đã thắc mắc “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”[2] Nhưng Đức Giêsu đã trả lời họ: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới”[3]. Như thế, Đức Giêsu đã tự khẳng định mình chính là Đấng phải đến, Đấng mà họ đang mong đợi qua việc chay tịnh của mình. Những người kia ăn chay vì họ chưa nhận biết Đấng đang ở giữa họ. Các môn đệ không ăn chay vì Thiên Chúa đã ở với họ và họ có được cảm nhận về Ngài. Họ mong chờ Đấng giải thoát sẽ đến và Đấng ấy đã đến. Nhưng giải thoát khỏi điều gì nếu không phải là cảnh nô lệ, cứu thoát khỏi điều gì nếu không phải là khỏi cảnh tù đầy. Con người muốn được tự do và tìm kiếm tự do thuở ban đầu của buổi sáng tạo. Đức Giêsu đã nói về một thực tại duy nhất đưa con người đến tự do, tự do đích thực: “Sự thật sẽ giải phóng các anh em”[4]. Chỉ sự thật mới có thể giải phóng con người và đưa họ về với tự do đích thực. Nhưng làm sao để chúng ta có được sự thật ấy? Một nhà hiền triết nói rằng ‘chúng ta chỉ có được sự thật khi chúng ta lên thật cao và xuống thật sâu’. Quả thực khi ta leo núi, ta chỉ có thể nhìn thấy những hòn đá, những gốc cây ngay trước mắt, nhưng khi chúng ta lên tới đỉnh núi và phóng tầm mắt, mọi cảnh vật được tham thấu qua tầm nhìn rộng lớn, không giới hạn. Chính vì vậy, chỉ khi lên thật cao trên đỉnh núi và xuống thật sâu nơi đáy thung lũng, chúng ta mới có cái nhìn toàn cảnh về sự vật, có được cái nhìn thật về thế giới. Đức Kitô đã chính mình đi qua hành trình ấy khi Ngài là Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên một con người bé nhỏ. Ngài đã lên thật cao trong một bản thể Thiên Chúa và xuống thật sâu nơi vực thẳm của kiếp người bị đọa đầy. Ngài đã cho ta thấy một chân lý, một chân lý ngự xuống từ trời cao. Vì vậy, hành trình mùa chay cũng mời gọi chúng ta hướng về và trông chờ Đấng phải đến và đã đến, Đấng giải thoát và đưa con người đến với tự do đích thực nhờ Sự Thật là chính Ngài.
Giáo hội cử hành phụng vụ mùa chay nhằm mời gọi con người dừng lại sau những bộn bề của cuộc sống. Dừng lại để tìm lại phương hướng và uốn nắn đời sống mình, dừng lại để lấy lại sức lực sau sự hao mòn của những lo toan vất vả, dừng lại để thêm một lần trở lại với Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa. Mùa chay mời gọi con người trở về, trở về vì đã một lần ra đi, trở về vì Thiên Chúa vẫn ở đó trong thinh lặng và chờ đợi, trở về để được ở trong ngôi nhà ấm cúng với vòng tay yêu thương. Mùa chay – mùa để sám hối nhưng cũng là mùa để cầu nguyện và đưa con người kết hiệp mật thiết cùng Thiên Chúa. Đồng thời, mùa chay cũng hướng con người đến với tha nhân để chia sẻ cùng đồng cảm với thế giới và mọi người chung quanh. Với cái nhìn về mùa chay như thế, chúng ta cùng nhau sống tinh thần mùa chay trong tự do, một tự do đích thực trên nền tảng của Chân lý, một Chân lý đã ngự xuống từ trời cao. Chúng ta ước mong sống mùa chay thánh này trong tin yêu và hy vọng, để mùa chay cũng là mùa con người tìm về với ân tình và tín nghĩa, là mùa con người đón nhận một Chân lý đang ngự đến với chính mình:
“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.
Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao”[5].
Mục Đồng Nguyễn
[1] Xem Mt 6,17-18
[2] Mc 2,18
[3] Mc 2,19-22
[4] Ga 8,32
[5] Tv 85,11-12