Suy tư: sàng lọc sự sống
SÀNG LỌC SỰ SỐNG
Ngày hôm nay, con người đang sống trong thời đại kinh tế thị trường với nhiều phương thế quảng cáo cho thương hiệu và sản phẩm của mình. Qua các hình thức quảng cáo ấy, người tiêu dùng có thể nhìn thấy từ những tấm biển bên đường, những hình ảnh bắt mắt hay những đoạn phim đầy hứng thú trên truyền hình và tìm thấy những phương thế để nhu cầu của mình được thỏa mãn.
Trong một chuyến đi, người viết bắt gặp những tấm biển “quảng cáo” khiến cho mình suy tư thật nhiều trong suốt cuộc hành trình. Trên tấm biến ấy, người ta không quảng cáo cho một thương hiệu sản phẩm nào để phục vụ ăn uống hay thời trang, nhưng trên đó có những dòng chữ mà người ta cho rằng đó là để phục vụ cho “tương lai” của con người: “SÀNG LỌC TRƯỚC VÀ SƠ SINH, TẤT CẢ VÌ THẾ HỆ TƯƠNG LAI” hay “VÌ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH, VÌ PHỒN VINH TỔ QUỐC, SÀNG LỌC TRƯỚC SINH, MẸ KHỎE, CON NGOAN, NIỀM MƠ ƯỚC CỦA MỌI GIA ĐÌNH”. Cùng với những dòng chữ ấy, người viết cũng quan sát những tấm ảnh đính kèm mang đầy ý nghĩa của gia đình. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu rằng nội dung “quảng cáo” trên đây có thực sự là một cách giải quyết, một lối mở cho “thế hệ tương lai” hay cho một đất nước phồn vinh hay không? Chúng ta cùng nhau bàn luận về điều đó trong bài viết nhỏ này.
Trước tiên chúng ta cùng đi vào định nghĩa: sàng lọc là gì? Theo từ điển tiếng Việt, “sàng lọc” là “lựa chọn kĩ lưỡng để loại bỏ cái xấu, cái không đạt tiêu chuẩn”. Như thế, nguyên nghĩa từ ngữ sàng lọc nói lên một sự chọn lựa có chọn lọc những cái tốt từ cái xấu hoặc theo một tiêu chuẩn tổng quát hay riêng tư nào đó. Điều đặt ra ở đây là đôi khi những tiêu chuẩn ấy cũng không có một mực thước để “chuẩn” xác định. Nếu trong toán học có các “tập xác định” như điều kiện để một phép tính có nghĩa, thì liệu rằng trong cuộc sống cũng có những “chuẩn vuông vức” như là một tiêu chuẩn chung cho mọi người? Bởi chưng, chúng ta đang sống trong một xã hội và thế giới của tự do, trong môi trường mà tự do cá nhân được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, mỗi người trong xã hội cũng đã tự đưa ra cho mình những tiêu chuẩn riêng tư hơn là dựa theo một tiêu chuẩn chung nhất. Nhưng người viết đang nghĩ về tiều chuẩn ấy đang được xét đến cho một nội dung thiết tưởng rất tế nhị. Bởi đối tượng của tiêu chuẩn đang bàn tới trong bài viết này lại là sự sống. Vì đối tượng ấy mà khiến cho mọi tiêu chuẩn lại trở nên mơ hồ, khó hạn định và kiểm nghiệm hơn bao giờ hết.
Việc sàng lọc được “nhà quảng cáo” đưa ra ở hai giai đoạn khác nhau: “trước và sơ sinh”. Như thế, thiết tưởng cần đi vào từng giai đoạn để thấy được ý nghĩa của những dòng chữ này:
Việc sàng lọc trước khi sinh: Như ở trên đã nói, sàng lọc có nghĩa là “loại bỏ”. Như thế, sàng lọc trước khi sinh chính là việc loại bỏ những thai nhi không đạt “tiêu chuẩn” hay không theo tiêu chuẩn nào đó được đặt ra. Các khía cạnh được nhìn thấy trong giai đoạn này có thể là việc chọn lựa về giới tính, về hình thể, sức khỏe hay tình trạng của các thai nhi. Các “trẻ” đó nếu là gái trong khi cha mẹ hay người thân lại muốn có con trai thì đương nhiên “em bé” sẽ bị loại bỏ; hay nếu em bé trong bụng mẹ là một bé được chuẩn đoán là thiếu đi một phần cơ phận hay có dị dạng thì cũng sẽ bị loại bỏ. Việc loại bỏ như thế có một tên gọi khác là “phá thai”. Như vậy, phải chăng việc phá thai là một việc được khuyến khích hay đang được quảng cáo một cách công khai? Có thể nhiều người quan niệm một thai nhi thì chưa phải là người. Chính vì thế, với họ việc phá thai không phải là tội ác mà chỉ là một liệu pháp y tế mà thôi. Nhưng người viết lại nghĩ: nó sẽ không thể là người nếu trước đó trong bào thai ấy nó đã không là người. Nếu chúng ta là người chính là vì ngay từ trong bào thai chúng ta đã là người. Thử hỏi nếu không là người thì lúc đó chúng ta là cái gì hay là con gì chăng? Một quan điểm không chỉ mang tính tôn giáo cho rằng ngay từ khi trứng được thụ tinh thì đã trở thành một bào thai với đầy đủ quyền của một nhân vị. Chính vì thế, việc phá thai chính là hành vi giết chết một nhân vị, loại bỏ một thai nhi cũng chính là hành vi loại bỏ một con người. Vì vậy, phá thai là hành vi mang tính tội ác cần được ngăn chặn hơn là quảng cáo hay khuyến khích mọi người thực hiện.
Việc sàng lọc sơ sinh: Sơ sinh được định nghĩa là “mới đẻ ra”. Một trẻ sơ sinh là trẻ mới được sinh ra từ lòng mẹ. Khi nói về sàng lọc sơ sinh là việc loại bỏ những trẻ không đạt “tiêu chuẩn”. Nhưng người ta lấy tiêu chuẩn nào để định lượng cho con cái của mình và cho một con người? Phải chăng là đứa trẻ ấy phải có đủ các bộ phận cơ thể? Phải chăng đứa trẻ phải mang giới tính do cha mẹ đặt định? Phải chăng đứa trẻ ấy phải mang nơi mình một lượng nơ-ron thần kinh đủ lớn để trở thành một nhà toán học, một kĩ sư hay ông nọ bà kia trong tương lai? Hoặc vì gia đình quá đông con khiến họ không muốn giữ lại những đứa con mới nữa mà phải loại bỏ đi khỏi cuộc sống? Mỗi khi đặt ra một tiêu chuẩn, con người đều đặt ra những hướng nhắm đến. Như thế, một trẻ sơ sinh chẳng may đã trở thành một quân cờ của cha mẹ muốn đặt vào bàn cờ cuộc sống, để rồi cuộc đời của chúng cũng sẽ được tiến đi từng bước trong bàn cờ nhỏ hẹp, thậm chí mất đi tự do của mình. Nếu đứa trẻ được sinh ra đã không được tự do để chọn lựa cha mẹ, gia cảnh hay giới tính thì nhiều khi đứa trẻ ấy lại mất đi cả quyền được sống nữa. Quyền sống là quyền căn bản của con người, quyền này được đề cập trong điều 3 trong bản tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Như thế, quyền sống là quyền mà mọi người trên thế giới đều công nhận. Nhưng khi nói về việc sàng lọc sơ sinh, nói cách khác loại bỏ trẻ sơ sinh theo các tiêu chuẩn thì lại động đến quyền căn bản đầu tiên ấy.
Tấm biển của sở y tế được người viết bắt gặp cạnh với tấm biển “RÁC THẢI ĐANG ĐE DỌA CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA, HÃY BỎ RÁC ĐÚNG NƠI QUY ĐỊNH”. Điều này làm cho người viết tưởng tượng người ta muốn loại bỏ các thai nhi như một thứ rác thải trong cuộc sống thường nhật. Nếu con người bị coi như một thứ rác thải sinh hoạt hay rác thải công nghiệp thì thật cay đắng. Bởi chưng trong đời sống sinh hoạt của con người hôm nay, rác thải đang trở thành một vấn đề nan giải. Nhiều dòng sông bị ô nhiễm, nhiều bãi rác đã làm cho cho con người khổ sở khi phải chịu những mùi sú uế nơi nó bốc lên. Có thể điều này chỉ là thứ tưởng tượng phong phú, thế nhưng tưởng tượng ấy đã đọng lại những dòng suy tư trong người viết nhiều ngày qua; bởi đôi khi nhiều bạn trẻ coi thai nhi tựa như một hậu quả chẳng may của những cuộc vui, vì thế họ muốn giải quyết những hậu quả ấy để giữ lại cho mình tương lai phồn thịnh hơn chăng? Có phải chăng khi loại bỏ những con người không đạt tiêu chuẩn thì “tổ quốc” của chúng ta sẽ phồn vinh hơn? Nếu việc loại bỏ con người trở thành hợp lý thì tình người và tính người sẽ thế nào? Cái “gốc người” hay nhân bản có phải chăng đang bị thoái hóa hay cũng bị thay đổi để hợp với thời cuộc? Người viết cảm tưởng đây là một lời biện hộ mang đầy giả tạo. Người ta không thể lấy việc làm xấu để biện minh cho những điều tốt đẹp và càng không thể hợp lý hóa một tội ác chống lại sự sống con người.
Tại sao lại có sự sàng lọc như vậy? Người ta dễ dàng trả lời là “vì một tương lai phồn thịnh hơn”. Nhưng khi suy tư về điều ấy, người viết tìm thấy một nguyên nhân khác. Người ta sàng lọc vì họ đánh giá con người theo giá trị mà người ấy mang lại hơn là vì nhân phẩm của họ. Nói một cách rõ ràng hơn, những bào thai hay trẻ sơ sinh nếu không mang lại niềm vui cho họ thì chẳng khác gì một rào cản, một thứ rác thải cần loại bỏ. Vì đánh giá trên sự định lượng những giá trị, thế nên phải chăng những đứa trẻ dễ dàng bị loại bỏ, những người già lão không thể lao động cũng dễ bị lãng quên hoặc thậm chí bị để cho chết (hình thức an tử mà người viết không triển khai trong bài này). Nếu xã hội chúng ta đánh giá con người dựa trên những giá trị mà họ mang lại như thế, thiết nghĩ chúng ta sẽ mất đi cái nhìn con người bằng nhân phẩm của chính họ. Mỗi người cần được tôn trọng vì họ là một con người, một con người mang nơi mình quyền làm người và được sống, quyền được tôn trọng và yêu thương. Thế nhưng chẳng may chúng ta tự cho mình quyền lấy đi sự sống, lấy đi mọi quyền mà chúng ta đã không trao tặng cho họ.
Thiển nghĩ, nếu mỗi ông bố, bà mẹ đều “sàng lọc sự sống” của con cái mình như thế thì liệu rằng có thể có bạn và tôi ở trên đời để tận hưởng cuộc sống và xây dựng tương lai cho chính mình và đất nước? Sự sống là món quà của Thượng Đế ban tặng cho con người. Vì là món quà, thế nên sự sống ấy cần được bảo vệ hơn là loại bỏ, cần được trân trọng hơn là định lượng và đánh giá. Trong bài viết nhỏ này, người viết chỉ gợi lên những suy nghĩ cá nhân muốn chia sẻ cùng độc giả. Mong rằng mọi người cùng suy nghĩ và phát triển suy tư trong vấn đề này để cùng nhau bảo vệ sự sống con người. Chính sự sống mới tạo nên tương lai của con người chứ không phải sự loại bỏ hay sàng lọc. “Sàng lọc” đem đến sự chết mà không mở ra cho sự sống; một điều tự bản chất là sự chết chóc thì làm sao có thể đem đến hạnh phúc, phồn thịnh cho con người hay tổ quốc. Một việc đem đến cái chết làm sao có thể mở ra một tương lai cho con người. Chúng ta cần đến sự sống để hướng tới tương lai tốt đẹp của mình.
Nguyễn Gia Lương