Tài liệu hội Giuse tháng 9 năm 2017

HỘI GIUSE – Tháng 09.2017

Khai mạc như thường lệ

Phúc Âm: Lc 2, 41-52

NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI GIA TRƯỞNG

Tài liệu Hội Giuse – tháng 09.2017 (pdf)

Gia đình là một cộng đoàn tình thương gồm cha mẹ và con cái. Bổn phận cha mẹ rất nặng nề phải có ơn Chúa giúp họ mới có thể chu toàn tốt nghĩa vụ Chúa trao trong gia đình. Người gia trưởng là thuyền trưởng điều hành con tàu gia đình tới bến bình an hạnh phúc. Không thể thiếu người cha hoặc mẹ trong gia đình. Vai trò của người cha rất quan trọng. Ca dao Việt Nam đã nói: “Con có cha như nhà có nóc”.

Căn nhà dù ngói hay tranh, nếu không có nóc là chưa hoàn thành cái nhà, vô tác dụng. Người ta ví người cha như nóc nhà, vì địa vị người cha vô cùng quan trọng và cần thiết. Con mà không cha săn sóc, dạy bảo thường xuyên thì con hư hỏng, khó nên người hữu ích cho xã hội. Có cha, con được bảo đảm ấm no hạnh phúc vì cha là người lao động chính trong nhà. Theo quan niệm Tây phương, nhà không có nóc ám chỉ gia đình không đạo đức, không lương thiện, không êm ấm hòa thuận. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:

– Còn cha nhiều kẻ yêu vì, – Một mai cha thác, ai thì yêu con. 

– Còn cha gót đỏ như son, –  Đến khi cha chết gót con đen xì.

Cha lúc nào cũng thương con, luôn cực khổ làm việc kiếm tiền nuôi con, cho con ăn học… Khi cha chết, thì con phải lặn lội ngoài đồng làm việc.

Sách Gia Huấn Ca có câu :

Lời cha dạy bảo nỉ non, – Trước sau ghi chép khuyên con nghe lời.

Nghe thì mới phải là người – Chẳng nghe thì cũng là đời bỏ đi.

Sách Châm Ngôn 6,20 dạy :

Con ơi giữ lấy lời Cha, – Chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm

Đèn soi trong chốn tối tăm, – Ấy là chính những lời răn, lệnh truyền.

Nhớ cầu cho bậc tổ tiên,

Khắc ghi công đức một niềm tri ân.

Vai trò giáo dục của người gia trưởng trong gia đình càng quan trọng hơn. Người gia trưởng có ba nghĩa vụ : thể dục, trí dục, đức dục.

  1. THỂ DỤC: CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO CON CÁI

Trước hết người gia trưởng có bổn phận chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng, thuốc thang khi con cái đau yếu bệnh tật, tạo cho người con có đời sống thể chất mạnh khỏe. Điều mà người gia trưởng thường quên: Con cái là kết quả tình yêu cha mẹ, bản photo copy của cha mẹ… Cha mẹ thế nào con cái như thế ! Đức Giêsu dạy: “Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu”.

Cha mẹ là những cây phát sinh hoa trái là con cái trong gia đình. Nếu người cha mạnh khỏe, sức sống dồi dào, thì người con sẽ sinh ra mạnh khỏe thông minh. Người cha đau yếu bệnh tật làm sao có thể sinh ra những người con mạnh khỏe được.

Người cha phải chuẩn bị cho mình có sức khỏe lành mạnh, thể lực tốt, mới có những ngườì con mạnh khỏe. Người con khỏe mạnh mới là nguồn vui hạnh phúc cho gia đình và cho xã hội.

Vì thế người cha phải giữ gìn sức khỏe, không ăn uống nhậu nhẹt, say sưa, hút thuốc, chơi bời trác táng, sì ke, ma túy…những tệ nạn này làm hại sức khỏe, gây bất an trong gia đình, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến những người con về thể lý và tinh thần.

Người cha, mẹ phải chăm sóc, giáo dục con khi còn trong trứng nước, chuẩn bị tốt cho sức khỏe mình thì những người con của chúng ta sinh ra mới mạnh khỏe, trở nên người hữu ích trong xã hội.

Gia đình sẽ hạnh phúc khi đứa con mạnh khỏe hồng hào, ngược lại sẽ rất buồn khổ, khi thấy con ốm yếu. Sức khỏe của cha mẹ là yếu tố đầu tiên chi phối sức khỏe của con cái.

  1. TRÍ DỤC: PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG TRÍ THỨC CHO CON CÁI

Gia đình là trường học đầu tiên giáo dục trí thức, nhân bản cho con cái. Người cha, người mẹ là những giáo viên đầu tiên trong lãnh vực giáo dục trí thức, tôn giáo và xã hội, không ai thay thế cha mẹ được.

Về giáo dục trí thức, người cha giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho con cái đi học, học tới nơi tới chốn, hướng nghiệp con cái theo học những nghành ghề hợp với khả năng thiên phú, có nghề nghiệp chuyên muôn. Con cái sau này mới trở nên người tài giỏi giúp ích cho đời: “Ngày nay học tập ngày mai giúp đời”.

Những nước phát triển, hùng cường, kinh tế phong phú, khoa học hiện đại như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia đều nhờ những nhà trí thức, bác học, kỹ sư, bác sĩ…Trí thức là chìa khóa phát triển kinh tế và xã hội.

Việt Nam là một trong 20 nước nghèo nhất trên thế giới vì trình độ văn hóa thấp, không có những ngươì tài giỏi, thiếu những nhà khoa học… Thực tế ở Việt Nam cha mẹ không quan tâm nhiều tới việc phát triển trí thức cho con cái, đi học là để sau này có đời sống kinh tế ổn định, ít người cha, mẹ ý thức việc học hành thành đạt của con cái mình sẽ giúp ích cho gia đình, xã hội và mọi người trong tương lai.

III. ĐỨC DỤC: PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC

Ngĩa vụ phát triển đời sống đạo đức của người cha đối với con cái là bổn phận nặng nề và khó khăn nhất trong gia đình. Giáo dục là việc dạy dỗ có hệ thống nhằm phát triển đời sống  toàn diện đời sống con người : Trí tuệ, tinh thần, thể chất của con người.

Việc giáo dục đạo đức đối với người Ki-tô hữu gồm giáo dục nhân bản và giáo dục đức tin. Để thành công trong việc giáo dục con cái nên người đạo đức và người tín hữu tốt, người cha, người mẹ phải nêu gương sáng cho đời sống đạo đức cho con cái. Người xưa dạy :

Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Lời nói bay đi gương lành lôi cuốn

Ca dao Việt Nam có câu :

Người trồng cây hạnh mà chơi,

Ta trồng cây đức để đời cho con.

Cây xanh thì lá cũng xanh,

Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

  1. Giáo dục nhân bản

Người cha là thầy giáo đầu tiên trong gia đình đưa người con hội nhập vào cuộc sống xã hội , dạy người con những đức tính nhân bản: Thành thật, công bằng, vâng lời, thương người, lễ phép, lịch sự, hiền lành, vui tươi, kỷ luật…

Muốn người con có đức tính tốt , người cha phải làm gương sáng đời sống đạo đức. Tâm hồn trẻ thơ rất nhạy bén tiếp nhận mọi sự mà nó chứng kiến nơi cha mẹ. Cha mẹ phản ứng, sống thế nào thì người con sẽ sống như thế. Cha mẹ đạo đức, con cái ngoan hiền, cha mẹ không tốt, con cái sẽ không thể nào lương thiện.

  1. Giáo dục đức tin

Người cha trong gia đình là thầy dạy đức tin cho con cái mình: dạy con làm dấu Thánh giá, đọc kinh cầu nguyện, dạy giáo lý, siêng năng tham dự Thánh lễ, nhất là ngày Chúa nhật. Gia đình phải duy trì việc đọc kinh chung với nhau. Khi cha mẹ, con cái cùng nhau đọc kinh cầu nguyện thì Thiên Chúa hiện diện, làm cho gia đình trở thành Giáo Hội thu nhỏ. Những buổi đọc kinh chung trong gia đình gây ấn tượng sâu sắc về đời sống đức tin của con cái và làm phát sinh lòng yêu mến đối với Chúa.

Cha mẹ, con cái cùng nhau tham dự Thánh lễ chúa nhật để chu toàn bổn phận tôn thờ Chúa. Đây là bổn phận ưu tiên của người tín hữu mà người con được sống và thực hành ngay khi còn thơ bé, giúp con cái trở thành người tín hữu ngoan đạo. Bầu khí truyền thống gia giáo, đạo đức trong gia đình ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người con.

Cha mẹ phải tích cực cộng tác tham gia hoạt động trong giáo xứ, giáo họ, giáo phận, nhất là hoạt động từ thiện bác ái xã hội để dạy cho người con biết sống tương quan tốt với mọi mọi người trong giáo xứ cũng như trong xã hội, biết thông cảm, yêu thương, giúp đỡ chia sẻ với mọi người.

Công việc giáo dục đạo đức là bổn phận khó nhất của người cha, người mẹ, phải hy sinh cả đời cho việc giáo dục, dạy dỗ con cái mà chưa chắc đã thành công. Khổng Tử nói: “Bách niên thụ nhân chi kế” (Trăm năm trồng người).

Nhìn lại cuộc sống gia đình rất ít người cha người mẹ thành công trong việc giáo dục con cái thành người hữu ích trong xã hội: Thành đạt trong việc học hành, nghề nghiệp, đạo đức, có địa vị trong xã hội… Những người con đạo đức, tài giỏi, thành đạt luôn là ước mơ của cha mẹ.

Kết luận: Gia đình an vui hạnh phúc, khi cha mẹ biết quan tâm và yêu thương con cái.

CÂU HỎI GỢI Ý CHIA SẺ:

  1. Con cái ngoan hiền, học hành giỏi là nguồn vui hạnh phúc của gia đình. Là gia trưởng bạn có quan tâm tới việc giáo dục con cái trong gia đình không?
  2. Để giáo dục con cái đạt kết quả tốt, người gia trưởng phải làm gì? Gia đình phải có bầu khí như thế nào?
  3. “Cha mẹ hiền lành để đức cho con” Người gia trưởng nghĩ gì về câu nói trên? Bạn đã sống như thế nào?
  4. Để giúp con cái trở thành những tín hữu ngoan đạo, người gia trưởng phải có những hoạt động cụ thể nào trong gia đình?

LỜI NGUYỆN KẾT: Cùng sốt sáng đọc kinh Lạy Cha…

CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN HỘI GIUSE ĐÃ QUA ĐỜI:

1- Đaminh Phạm Văn Khanh – Ngọc Lâm – Thái Nguyên

2- Antôn Đỗ Quang Trung – Yên Cư – Bắc Giang

3- Đaminh Nguyễn Văn Luyến – Tiên Lục – Bắc Giang

4- Gioan Nguyễn Ngọc Tuấn – Lập Trí – Tây Nam

5 – Phêrô Nguyễn Văn Trìu – Tân Lợi – Phúc Yên – Tây Nam

6- Phanxicô Xaviê  Trần Văn Thường – Hữu Bằng – Tây Nam

7- Giuse Nguyễn Công Đoàn – Hữu Bằng – Tây Nam

8- Giuse Nguyễn Văn Tiêu – Hữu Bằng – Tây Nam

9- Vicentê Đinh Văn Độ – Tân Cương – Thái Nguyên

10- Phanxicô Xaviê Trần Văn Doanh – Bảo Sơn – Tây Nam

11- Phêrô Nguyễn Mạnh Cường – Vĩnh Ngọc – Tuyên Quang

12- Phaolô Nguyễn Văn Giang – Bạch Xa – Tuyên Quang

13- Phaolô Nguyễn Văn Chất – Bạch Xa – Tuyên Quang

14- Gioan Đoàn Hữu Quỳnh – Gò Hu – Đồng Chương – Tuyên Quang

15- Vicentê Nguyễn Văn Bảng – Đông Trai – Vân Cương – Phú Thọ

16- Inhaxiô Nguyễn Văn Đền – Sàn – Mỹ Lộc – Bắc Giang

17- Giuse Nguyễn Văn Quản – Thường Lệ – Tây Nam

18- Phêrô Nguyễn Văn Thực – Bên Đông – Tây Nam %

Kính chào!

Ngày 25/8/2017

Phụ trách Hội Giuse giáo phận

Lm. Fx. Nguyễn Văn Huân

ĐT: 0985 729 414 * Email: fxhuan65@gmail.com