Tài liệu hội thánh Giuse tháng 01 năm 2018
HỘI GIUSE THÁNG 01-2018
– Khai mạc như thường lệ.
Tài liệu hội Giuse tháng 01 năm 2018 (pdf)
I – ĐỌC LỜI CHÚA: Bài trích sách Huấn Ca. [(Chương 3, từ câu 2 đến hết câu 14 (Hc 3,2-14) – Đó là Lời Chúa – Tạ ơn Chúa.]
II- SUY NIỆM – HỌC TẬP – CHIA SẺ:
XÂY DỰNG GIA ĐÌNH THÀNH CỘNG ĐOÀN
TÔN THỜ THIÊN CHÚA
Triết gia hiện sinh Kitô giáo Gáp-ri-en Mác-xen (Gabriel Marcel) đã định nghĩa: “Con người là hữu thể có tôn giáo”. Tất cả mọi người sinh ra trên cõi đời này đều có một tín ngưỡng hay một tôn giáo liên quan tới vị thần minh mà họ tôn thờ và yêu mến. Thiên Chúa mà anh em lương dân gọi là ông Trời, ông Thiên là Đấng Tạo Hóa… Ngài dựng nên vũ trụ và muôn loài. Ai cũng có khát vọng hướng về Đấng Tạo Hóa, tìm gặp Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa. Khát mong tìm Thiên Chúa là khởi đầu của tôn giáo. Vì thế, việc tôn thờ Thiên Chúa là một bổn phận quan trọng của mọi người có tính cách bắt buộc không miễn trừ bất cứ ai lương cũng như giáo. Đặc biệt người Kitô hữu có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa điều này đã được ghi trong điều răn thứ nhất: “Thờ phượng một mình Thiên Chúa”. Đối với anh em lương dân, tín ngưỡng truyền thống sâu rộng nhất của dân Việt Nam ta là thờ Trời, thờ ông Thiên. Lời cầu xin đơn sơ, chân thành, tự nhiên cho thấy niềm tin vào ông Trời.
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp.
(Ca dao Việt Nam)
Lạy Trời mưa thuận gió hòa
Cho đồng lúa tốt cho vừa lòng em.
Cổ nhân thường nói: “Ý dân là ý trời”, Mạnh Tử viết: “Nhất nhân chi tâm, tức thiên địa chi tâm” nghĩa là trong lòng mỗi người đã sẵn có lòng trời rồi. Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:
Ở đâu cho khỏi lưới trời.
Ở đâu cho hợp mệnh trời thì êm.
Thuận Thiên giả tồn
Nghịch Thiên giả vong.
- Tôn thờ Thiên Chúa là bổn phận hàng đầu của Kitô hữu.
Đạo Công Giáo là đạo độc thần và độc tôn: “Tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi”. Điều răn I đã khẳng định: “Thờ phượng một mình Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.
Thần học định nghĩa tôn thờ là nhìn nhận quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trên con người. Thiên Chúa có quyền sinh tử trên mọi loài kể cả loài người. Tôn thờ là hành vi thuộc đức thờ phượng chỉ dành cho Thiên Chúa, Đấng duy nhất đáng được tôn thờ. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của người, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (Mt 4,10). Bằng việc tôn thờ, con người tin nhận Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và cứu độ mà con người phải lệ thuộc hoàn toàn. (X. GLHTCG 2016).
Việc tôn thờ Thiên Chúa được biểu lộ qua: phụng vụ (những hành vi tôn thờ Thiên Chúa của toàn thể Hội Thánh, nhân danh Đức Giêsu), kinh nguyện, bái lậy, hôn kính, dâng thánh lễ, lãnh các bí tích vv… Tôn thờ không chỉ hệ tại nơi hình thức bên ngoài, mà còn là thái độ phát xuất từ nôi tâm. Sự tôn thờ còn gọi là sự thờ lạy, thờ phượng. Đức Giêsu đã tóm tắt các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. (Mt 22,37).
- Phân biệt tôn thờ và tôn kính.
– Sự tôn thờ là hành vi đức tin công nhận quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trên con người. Sự tôn thờ dành cho một mình Thiên Chúa qua việc kính mến Ngài trên hết mọi sự, tuân theo ý Chúa qua việc tuân giữ lề luật, sống yêu thương, bác ái hầu mai sau được hưởng phúc quê trời.
Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã xác định mục đích của cuộc sống Kitô hữu: “Ta sống ở đời này để thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em để ngày sau được hưởng hạnh phúc thiên đàng”.
– Sự tôn kính là sự ngưỡng mộ, cảm phục công đức, tôn kính các thánh, các anh hùng liệt sĩ, các vị thần hoàng, các vĩ nhân, ông bà tổ tiên…. Sự tôn kính dành cho các thánh, anh hùng, vĩ nhân, ông bà tổ tiên. Còn đối với Đức Maria, chúng ta tôn kính Ngài cách đặc biệt, gọi là biệt kính.
Người tín hữu thường lẫn lộn hành vi tôn thờ dành cho Thiên Chúa và hành vi tôn kính đối với các thánh, Đức Mẹ Maria. Tất cả mọi ân ban chúng ta nhận được là do Thiên Chúa ban nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô qua sự chuyển cầu của Đức Maria và các thánh. Phép lạ chữa lành ở Farima ở Lộ Đức … đều do quyền năng tình thương của Thiên Chúa đối với con người qua trung gian của Đức Maria. Chúng ta thường nói thánh Giuse, thánh Maria, thánh Têrêxa, cha Phanxicô Trương Bửu Diệp làm nhiều phép lạ, các ngài rất linh. Thực ra, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền thực hiện phép lạ qua trung gian các thánh cầu bầu, hỗ trợ lời cầu xin, nguyện vọng của chúng ta. Chúng ta phải hiểu đúng vấn đề này để tránh những sai lầm về những điều mê tín dị đoan.
(Còn tiếp…)
* Chia sẻ – Thảo luận:
1- Tôn thờ Thiên Chúa là bổn phận ưu tiên hàng đầu của người ki tô hữu “Thờ phượng một Đức Chủa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”. Gia đình của bạn đã trở thành cộng đoàn tôn thờ Thiên Chúa chưa? Tại sao?
2- Thánh lễ là việc tôn thờ Thiên Chúa cao đẹp và ý nghĩa nhất. Là gia trưởng, bạn có chăm chỉ tham dự thánh lễ Chúa nhật và lãnh các bí tích không?
3- Bạn hiểu thế nào về việc tôn thờ Thiên Chúa và việc tôn kính các thánh, ông bà tổ tiên, các vị thần hoàng?
III- CẦU NGUYỆN KẾT: Đứng hoặc quỳ đọc: KINH THÁNH GIA – Sách Kinh Bản GP. Bắc Ninh trang 102
IV- CẦU CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:
1- Phêrô Nguyễn Công Hương – Yên Thủy – Thái Nguyên
2- Giuse Nguyễn Văn Trịnh – Bảo An – Yên Mỹ – Tây Nam
3- Gioan Nguyễn Văn Phúc – Đông Trai – Vân Cương
4- Đaminh Nguyễn Đức Toán – Tiên Lục – Bắc Giang
5- Gioan Đinh Văn Rãi – Tử Đình – Tây Nam
6- Phanxicô Xaviê Bùi Văn Ngọc – Thường Lệ – Tây Nam
7- Phêrô Nguyễn Văn Trang – Trung Xuân – Tây Nam
8- Giuse Nguyễn Văn Khanh – La Tú – Thái Nguyên
9- Gioakim Phạm Ngọc Chu – Tân Cương – Thái Nguyên
10- Tôma Nguyễn Văn Như – Đại Lợi – Phúc Yên – Tây Nam
Lm. Đặc trách Hội Giuse GP. Bắc Ninh
Fx. Nguyễn Văn Huân