Tài liệu hội trưởng gia đình tháng 12 năm 2021

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 12/2021

  1. LỜI CHÚA: Thứ Tư tuần I MV: Mt 15,29-37
  2. SUY NIỆM: TÔI CẦN PHẢI LÀM GÌ?

HTGDGPBN T12-2021 (pdf)

Đức Giêsu đến ven Biển Hồ Galilê, miền Tyre và Sidon, ngoài biên giới Palestine. Dân chúng với biết bao đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền “lũ lượt kéo đến” với Ngài. “Ngài chữa lành” tất cả. Lần này cả những người dân ngoại và dân Do Thái cùng kéo đến với ngài. Ngài đã thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng ăn. Tất cả những phép lạ tốt đẹp cho thấy: tất cả mọi người, mọi biên giới bị phá vỡ, không phân biệt Do Thái hay dân ngoại, tất cả đều có thể tôn vinh Thiên Chúa và nhận lãnh ơn cứu độ.

“Chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” là câu hỏi của người môn đệ trước nhu cầu của đám đông dân chúng. Câu hỏi ấy cũng là câu hỏi mà chúng ta ngày hôm nay cũng đang hỏi Chúa trước vực thẳm nghèo nàn của chính mình, khi đối diện với biết bao nhu cầu của con người, với biết bao công việc phải giải quyết hằng ngày. Chúng con cần làm gì đây, phải làm thế nào đây trước nhiều việc phải làm, nhiều chuyện phải nghĩ, mà sức lực bản thân lại hạn chế. Với câu hỏi đó, như các môn đệ khi xưa, chúng ta nhận ra rằng, không có Thầy chúng con không thể làm được gì.

Sự không cân xứng giữa những cái chúng ta phải làm và những giới hạn của chính mình luôn đòi hỏi con người cần đến Chúa. Vì thế, người ta cần hoán cải chính bản thân mình để có thể nhận ra quyền năng và sức mạnh từ Thiên Chúa, chứ không phải hoàn toàn từ chính mình. Hoán cải nhằm thay đổi cái nhìn của mình. Hoán cải để khiêm nhường dâng lên Chúa “bảy cái bánh và một ít cá nhỏ” cho Thiên Chúa làm việc nuôi sống con người.

Lạy Chúa, con mang thân phận con người là mang lấy sự đói khát và thiếu thốn. Là con người, chẳng ai hài lòng với cái mình đang có. Chính vì thế, tình thương của Chúa là một khát vọng lớn mà con người hằng mong mỏi.

Tình thương Chúa đã được biểu lộ cụ thể nơi cuộc đời của con và của gia đình con. Con được sinh ra được nuôi dưỡng trong niềm tin Kitô giáo, được nuôi dưỡng và lớn lên với biết bao hồng ân của Chúa. Thật là một lỗi lầm khi con chỉ biết sống đua đòi, quay cuồng chạy theo những trào lưu của xã hội để hưởng thụ vật chất, mà không biết dâng lời tạ ơn Chúa đã cho con sống an lành đến ngày hôm nay.

Và cũng thật sai lầm, khi con cứ đưa mắt nhìn lên những người giàu có, hạnh phúc hơn con, để rồi con buồn phiền và thầm oán trách Chúa. Nhưng đúng hơn, con phải biết rằng: trong xứ sở, xã hội, thế giới đang có biết bao nhiêu người đang cần đến sự chia sẻ của con.

Trong Mùa Vọng, chúng con phải dọn tâm hồn chờ Chúa đến, giữa biết bao những công việc bận rộn, giữa nhiều điều phải lo toan, mỗi người trưởng gia đình chúng con luôn cần đến Chúa. Xin Chúa cho chúng con luôn biết hoán cải lòng mình, biết sắp xếp lại những hỗn độn trong tâm hồn, để trước những bận rộn, lo toan, chúng con khiêm nhường đón rước Chúa hài đồng vào trong máng cỏ tâm hồn của chúng con cho xứng hợp. Amen.

* Gợi ý Suy gẫm và  Chia sẻ:

  1. Với những bận rộn lo toan của những ngày trong Mùa Vọng đón chờ Chúa đến, tôi sẽ làm gì để dọn máng cỏ tâm hồn của mình cho xứng hợp đón rước Chúa Giêsu hài đồng?
  2. Tôi sẽ tìm ở đâu sự can đảm hoán cải tận căn và sâu xa hơn, để gặp gỡ và lắng nghe Chúa Giêsu hài đồng, nhằm biết phân định đâu là điều phải làm trong những ngày cuối năm dương lịch này?

III. CẦU NGUYỆN CHO CÁC HỘI VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Phêrô Nguyễn Văn Hiệp – Nhà xứ Nguyệt Đức – BN

2- Giuse Phạm Văn Hải – Họ Yên Thuận, Xứ Đại Từ – TN

3- Giuse Đào Trọng Lưu – Nhà xứ Dân Trù – VP

4- Tôma Nguyễn Văn Phong – Họ Đại Lợi, xứ Phúc Yên – VP

5- Gioan Baotixita Đào Văn Khôi – Họ Phương Trù, xứ Dân Trù – VP

6- Gioakim Nguyễn Văn Thịnh – Nhà xứ Cổ Pháp – BG

7- Đa Minh Ngô Ngọc Nam – Họ Phú Thịnh, xứ Tân Bình – TQ

  1. THÁNH GIUSE BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA

THÁNH KINH VÀ HUẤN QUYỀN GIÁO HỘI VỀ

“TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH”

Ngôn Sứ Isaia (7,10-17) “… Này đây một trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel …” và đó cũng là lời tiên báo của Thiên Chúa về “các Kitô hữu”.

Giáo Hội Công Giáo đã chính thức khẳng định chân lý “Đức Mẹ trọn đời đồng trinh” qua giáo huấn của Công Đồng Chung Contantinốp II vào năm 553 và được cô đọng trong câu “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm từ cung lòng thánh thiêng, vinh hiển và trọn đời đồng trinh của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và đã được Mẹ đồng trinh sinh ra”; và vào năm 1546, Công Đồng Chung Tridentinô lại khẳng định giáo huấn quan trọng ấy thêm một lần nữa.

Theo trình thuật của Phúc Âm theo thánh Matthêu, Thánh Cả Giuse đính hôn với Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng trước khi hai ông bà cùng về ở với nhau thì ông Giuse nhận thấy bà Maria đang mang thai mà không do ông, ông đã nhất định không muốn tố cáo vợ mình trước pháp luật, vì ông biết rõ Maria là một thiếu nữ đoan trang, nết na và đức hạnh vẹn toàn (x. Mt 1,18-23).

Theo tương truyền, thì Đức Maria đã khấn giữ mình trọn đời đồng trinh ngay khi còn rất trẻ. Các giáo phụ cũng đã dạy như thế về Thánh Giuse, nghĩa là ngay khi còn trẻ Thánh Giuse cũng đã hứa sống đời đồng trinh. Để biện minh cho quan điểm ấy của các giáo phụ, Thánh Tôma Aquinô đã lý luận rằng: “Nếu Thiên Chúa đã muốn trao phó Mẹ đồng trinh của người cho tông đồ Gioan, người môn đệ còn độc thân khiết tịnh của mình, thì làm sao Ngài lại có thể trao phó Mẹ mình cho một vị hôn phu không còn trinh khiết hay sẽ không giữ mình khiết tịnh suốt đời”.

Theo luật Do Thái thời bấy giờ, nếu một thiếu nữ không có chồng mà mang thai hay một thiếu phụ ngoại tình, thì sẽ bị khinh bỉ, bị kết án, và bị ném đá.

Không những thế, chính danh dự Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, nhất thiết cũng cần đến cuộc kết hôn công khai của Mẹ Ngài và Thánh Giuse, hầu Ngài không bị coi là đứa con ngoại hôn và bị khinh thường.  (Còn tiếp…)

                                                Lm. Đặc trách HTGĐGPBN   

                                             Fx. Nguyễn Văn Huân

 

Tin liên quan