Thiên Chúa đã làm cho hoa mọc lên từ đá giữa mùa Covid.

 “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Trong cuộc sống, vẫn có những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu được ý nghĩa. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Đợt bùng phát Covid đang diễn ra trên khắp quê hương Việt Nam hôm nay là một điển hình, Trước đó, nhà nhà đang an lành, người người hối hả trong công việc, từ các em học sinh, sinh viên đến trường cho tới các công nhân, viên chức, ai cũng tất bật trong phận vụ của mình.

Thế nhưng, trong cái hối hả và tất bật kia phần lớn chịu ảnh hưởng của vòng xoáy cơm áo gạo tiền, hầu như mọi người đều bận rộn với công việc làm ăn sinh sống, mải miết đến độ ăn uống cũng vội vã, ngủ có khi không đủ giấc. Học sinh cắp sách đến trường chưa đủ, về còn phải học thêm cho mãi tới tận khuya; Người nông dân thì lo lắng cho mùa màng hoa màu, mong sao mưa thuận gió hòa; Còn những chủ nhân của các công ty các doanh nghiệp thì ngày đêm lo liệu đủ cách đưa công ty mình ngày thêm vững mạnh; các công nhân thì cố làm việc cho giỏi để có chút lương cao gửi về cho gia đình…

Nhưng khi vòng xoáy Covid ào vào như một thứ hung thần đã làm đảo lộn tất cả, gây hoang mang, lo âu và sợ hãi cho mọi nhà. Dịch Covid hoành hành mỗi ngày một phức tap hơn, khắp nơi có thêm những người bị nhiễm, trên các trang mạng thì lập đi lập lại những khẩu hiệu : “yêu nước thương dân thì ở yên trong nhà”. Mà có đi đến đâu cũng nơm nớp sợ vì không biết người mình gặp có bị nhiễm bệnh không? Hay mình có vô tình mang bệnh tới cho người xung quanh không? đặc biệt với những con người năng động bôn ba khắp nơi giờ bị trói chân ở nhà khó chịu lắm.

Dịch bệnh, nếu đây là một cuộc chiến con người xử dụng vũ khí sinh học để giết hại lẫn nhau thì quả là ác độc và đáng sợ thật đấy! Cái thế giới tàn bạo đã giết con Thiên Chúa vẫn còn đó. Phải làm sao, lậy Chúa, và câu trả lời đã có rồi : Một thế giới với những trái tim băng giá chỉ có thể làm tan chảy bằng lửa hồng thập giá, lửa hồng của một tình yêu đến cùng, tạo thành vòng xoáy, trong khoảnh khắc lôi cuốn mọi người vào vùng trời mới tràn ngập sự sống : “chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống vì chúng ta yêu thương anh em”(1Ga 3,14).

Thế là giữa dịch bệnh, người người xa nhau vì phải giữ khoảng, nhưng vẫn gần nhau nơi ánh mắt. Trong vòng xoáy của tình yêu, mọi người biết chia sẻ với nhau hơn, chia sẻ cho nhau cả vật chất lẫn tinh thần, chung sức chung lòng giúp đỡ những vùng bị phong toả, chung tay đem nhu yếu phẩm đến cho các bạn công nhân đang bị mắc kẹt tại các khu trọ không có việc làm…những cuộc gọi điện, những tin nhắn hỏi thăm nhau thấy thương lắm.

Đặc biệt trong các gia đình và cả giáo xứ, những ngày giãn cách côvid đã trở thành thời gian đoàn tụ : cha mẹ con cái ngày nào cũng quây quần bên mâm cơm, tối đến cùng nhau lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện với nhau. Trong giáo xứ, tuy các Thánh Lễ và các buổi kinh tối không đều đặn như trước, nhưng từ trẻ nhỏ cho đến cụ già mọi người nhắc nhở nhau từng người đến viếng Thánh Thể, lặng lẽ trước cái nhìn của Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta, Người thấy tất cả, nghe tất cả, biết tất cả tình cảnh của từng người và muốn ôm trọn tất cả trong tình yêu ngàn đời.

Phần các anh chị Huynh Trưởng và các em Thiếu Nhi trong xứ thì đã biết chia nhau đọc kinh Mân Côi liên kết, rồi chia giờ từng tổ nhỏ đến phòng Thánh Thể cầu nguyện với nhau, chia lớp thành từng nhóm lần hạt trực tuyến lúc 22h đêm. Khắp nơi trong giáo xứ vang tiếng kinh nguyện cầu và lời ca chúc tụng, nguyện cầu cho đất nước và cho xứ đạo được bình an, xin cho cơn đại dịch mau chấm dứt; chúc tụng và tạ ơn vì hơn bao giờ hết, chính Chúa đã soi tỏ cho nhìn kỹ vào tận đáy lòng, để biết mình tìm kiếm sự an toàn cho đời mình ở đâu.

Thường thì chúng ta cứ cảm giác an toàn trong của cải, và khi covid tới, thấy chuyện cơm áo bị đe dọa, thì toàn thể ý nghĩa của cuộc sống trần thế của chúng ta như sụp đổ. Nay thì mọi người trong xứ đạo đã biết mình cần đến Chúa, biết dành chỗ cho Lời Chúa, cho tình yêu đối với anh chị em mình, để ngang qua mọi biến cố, nhiều người đã biết sẵn sàng nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình, từ đó có thể đi tiếp tới tương lai, bất chấp những điều xảy ra mà không hiểu được ý nghĩa.

Có thể nói Covid ban đầu cũng gây hoang mang, ai chả thế, nhưng trong bàn tay Thiên Chúa chở che, chúng tôI, những người con dân trong giáo xứ, vẫn đón nhận, nhận trách nhiệm và đến nay đã trở thành một phần lịch sử của mỗi chúng tôi với Chúa. Khi mới chạm mặt với dịch bệnh, chúng tôi tự nhủ đã đến nước này thôi thì cam chịu, nhưng khi Chúa Giê-su Thánh Thể đến bên chúng tôi cùng với giọng nói quen thuộc : “đừng sợ”, thì mọi người mạnh dạn và vững vàng.

Bây giờ thì ai cũng vui sướng vì có Chúa Giêsu đến ở giữa, đó là một ơn của Chúa Cha, giúp mỗi người chúng tôi có thể hòa hợp với cuộc sống cụ thể của đời mình, cả khi không hiểu được bao nhiêu. Thế là từ nay mọi biến cố diễn ra trong đời sẽ không còn là chuyện phải đành chịu, mà đầy hy vọng và mạnh dạn, vì cuộc sống của chúng tôi sẽ được tái sinh một cách kỳ diệu nếu can đảm bước tới theo lời Chúa.

Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu mọi thứ dường như đã tồi tệ hoặc có điều gì không sửa chữa được nữa. Chúa có thể làm cho hoa mọc lên từ đá. Vậy thì đâu cần tìm kiếm chi những lối tắt, mà chỉ cần mở rộng đôi mắt để đối mặt với thực tế và nhận trách nhiệm cá nhân về mọi chuyện diễn ra trong đời, chấp nhận và đón nhận người khác như họ vốn có, không có ngoại lệ, sống liên đới… và thật lạ lùng, trong quyền năng của lòng thương xót Thiên Chúa thì cơn lốc xoáy Covid phải đổi chiều, người tín hữu chúng tôi được dẫn vào vùng trời của niềm tin và đã thấy Thiên Chúa có thể làm cho hoa mọc lên từ đá, Maầu nhiệm cuộc sống là đây, giữa đại dịch mà lòng mọi người lại rộn rã niềm vui, tiếng reo vui của những người môn đệ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, và đã ôm trọn tấm thân này: “chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1Ga 4,16).

Maria Phạm Hoài