Thư của ban gia đình giáo phận Bắc Ninh
Kính thưa quí cha, quí nam nữ tu sỹ, cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa.
Được Đức Cha giáo phận ưu ái trao cho Con và cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Huy Liệu công việc của Ban Mục Vụ Gia Đình Giáo Phận trong dịp tĩnh tâm tháng 02 năm 2014, nhưng vì khởi đầu nan còn bỡ ngỡ, nay chúng con mới bắt đầu đi vào hoạt động.
Trong bối cảnh hiện tình của các gia đình trong Giáo phận: nếp sống Gia phong xuống cấp trầm trọng, đời sống đức tin đang bị làm dụng. Ban Mục Vụ Gia Đình mong muốn giúp các gia đình sống tích cực bậc sống của mình theo gương Thánh Gia Nazarét, sống Lời Chúa và cầu nguyện chung với nhau để giữ được truyền thống của các bậc tiền nhân đã lưu lại.
Ban Mục Vụ Gia Đình đã được sự hướng dẫn trực tiếp từ Đức Giám Mục Giáo phận, với sự cộng tác của Quí Cha Quản Hạt, Quí Cha xứ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh chị em trong Ban hoạt động. Tuy vậy, chúng con luôn ý thức việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trong giáo phận trong hoàn cảnh hiện nay thật là phức tạp và khó khăn. Vì thế, chúng con kính xin Đức Cha tiếp tục hướng dẫn, cha Tổng Đại Diện, quí cha Quản hạt, quí Cha xứ, quí nam nữ tu sỹ, cùng các đoàn thể trong Giáo phận cộng tác với chúng con trong công tác mục vụ cho các gia đình trong giáo phận. Mục tiêu là giúp cho các gia đình được thăng tiến như Hội Thánh mong muốn. Để đạt được mục tiêu này, trước mắt, Ban Mục Vụ Gia Đình xin đề ra :
BỐN TIÊU CHÍ CỦA MỘT GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO :
1. Gia đình Công giáo là gia đình sống Đức tin Ki-Tô.
Qua Bí tích Rửa Tội, mỗi thành viên trong gia đình là một công dân Nước Trời, là Ki-tô hữu. Vì sự nhận biết Đức Ki-Tô đã làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa, Cha của Người. (Kh. 1,6).
Vì thế Gia đình Công giáo phải thể hiện sự thờ phượng ấy bằng cách thúc giục nhau chu toàn bổn phận tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và lo cho nhau được lãnh thụ các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Hôn phối để tìm sự chữa lành và ân sủng của Chúa, hầu “Đức tin Ki-Tô” của gia đình được thể hiện qua đời sống giữa những gia đình lương dân.
Gia đình nào không ưu tiên cho sự thờ phượng Thiên Chúa sẽ rơi vào tình trạng mê tín, bói toán, xem tướng số, vừa cầu vừa cúng, bắt cá hai tay, sôi hỏng bỏng trượt là chắc chắn.
2. Gia đình Công giáo là gia đình sống bằng lời cầu nguyện.
“Gia đình Ki-tô hữu là Hội Thánh tại gia” đã hàm chứa tính chất của một cộng đoàn cầu nguyện. Vì Hội Thánh là một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa và cầu nguyện không ngừng. “Gia đình Ki-tô hữu là cộng đoàn cầu nguyện” nghĩa là mọi người trong gia đình đều biết yêu mến và thực hành việc cầu nguyện, không chỉ riêng từng người (cầu nguyện cá nhân) mà là chung với mọi người trong nhà (cầu nguyện cộng đoàn).
Vì thế gia đình Công giáo phải tập trung đọc kinh sớm tối mỗi ngày trước bàn thờ gia đình, vì không có nhiều thời gian nên Ban mục vụ Gia đình đã soạn một chương trình kinh tối ngắn gọn từ 7 đến 8 phút mà thôi. Xin mọi gia đình duy trì thực hiện, nhờ đó Thiên Chúa sẽ nâng đỡ gia đình trong mọi hoàn cảnh, khi thuận lợi cũng như lúc gian nan.
3. Gia đình Công giáo là gia đình sống Bí tích hôn nhân.
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
Lòng chung thủy vợ chồng không những diễn tả sự kiên trì tuân giữ lời cam kết, mà còn là dấu chỉ bí tích của tình yêu Thiên Chúa vốn là Đấng trung tín, của Giao ước tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đã thể hiện nơi Đức Kitô và Hội Thánh.
Vì thế Thánh Phaolô nói với các đôi vợ chồng hãy noi gương Chúa Giêsu, để hôn nhân của mình có thể trở thành Bí tích cao cả: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; (Ep 5, 21-25).
Có thể nói gia đình ngày nay đang đi qua khủng hoảng. Sống thử, sống chung không hôn nhân, ngừa thai, phá thai, ly thân, ly dị ngày càng nhiều và trở thành hiện tượng phổ biến. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói: con người thời đại ngày nay là con người mang “tâm thức ủng hộ ly dị”. Đối với người Việt ta, phu thê là chuyện trăm năm, rất nghiêm túc và thiêng liêng. Ý thức tính bất khả phân ly của dây hôn phối thành sự, là trách nhiệm của kitô hữu.
4. Gia đình Công giáo là gia đình sống nền giáo dục Ki-Tô giáo.
a. Sự hình thành nhân cách đầu tiên là từ trong gia đình
Gia đình là thể chế xã hội đầu tiên góp phần quyết định vào sự hình thành nhân cách trẻ em, hay nói đúng hơn, vào sự hình thành cấu trúc nhân cách. Các nhà tâm lý học lớn của thế kỷ này (Piaget, Mead, Freud,…) đã chứng minh khá vững chắc điều đó. Ở phương Đông các nhà hiền triết cũng đặc biệt nhấn mạnh tới sự hình thành nhân cách từ thuở ấu thơ, thậm chí từ khi còn nằm trong bào thai (thai giáo). Bởi thế, không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ và vững bền nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Gia đình là thể chế đầu tiên quan trọng nhất in dấu lên nhân cách đang hình thành vào lứa tuổi còn non dại, khi trẻ em chưa có ý thức rõ về điều đó.
b. Lòng yêu mến Thiên Chúa được nhen nhúm lên bởi gia đình.
Nhưng đặc biệt trong gia đình các Ki-tô hữu, với ân sủng dồi dào và trách nhiệm đã lãnh nhận qua Bí tích Hôn Nhân, cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay khi chúng còn trong tuổi thơ ấu, hợp với đức tin đã lãnh nhận qua Bí tích Thánh Tẩy, để nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. Vì thế, cha mẹ phải ý thức sâu xa về tầm quan trọng của một gia đình mang phẩm chất Ki-tô hữu đích thực đối với đời sống và sự thăng tiến của cả đoàn Dân Thiên Chúa. (Tuyên ngôn về giáo dục của CĐ Vat.II, số 3)
Bởi đó, việc giáo dục kitô giáo phải lưu tâm đến môi trường giáo dục đầu tiên là gia đình. Điều này đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề cập đến trong thư chung như chủ đề sống đức tin cho toàn thể Dân Chúa ở Việt Nam cho những năm 2008-2010: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai”. Chính cha mẹ phải dạy kinh, dạy giáo lý cho con cái trước khi chúng lập gia đình.
Sau hết, chính các đôi vợ chồng được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa hằng sống và được an định trong trật tự hài hòa của các nhân vị, hãy luôn hợp nhất với nhau trong tình yêu thương, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau, để khi bước đi theo Chúa Ki-Tô là nguyên lý sự sống, giữa bao niềm vui cũng như hy sinh trong ơn gọi, và nhờ luôn sống trong tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sự sống lại của Người. (HC Niềm vui và Hy vọng của CĐ Vat.II số 52).
Đây cũng là mục tiêu cho các gia đình phấn đấu trong năm Tân Phúc Âm Hóa này.
Kính chúc các gia đình trong Giáo phận luôn được thăng tiến trong Đức Ki-Tô.
Lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời, ngày 15 tháng 08 năm 2014
T/m Ban Mục Vụ Gia Đình Giáo Phận
Đaminh Nguyễn Quang Thiều
Linh mục đặc trách
Xin các cha cho đọc ở nhà thờ 2 tuần CN 20+21 TN
và dán Bốn Tiêu Chí ở Bảng tin.