Trả lại dòng sông Ngũ Huyện Khê cho con cháu

Nếu chúng ta gõ tên: “sông Ngũ Huyện Khê” vào thanh công cụ tìm liếm của Google, Cốc Cốc hay bất cứ phương tiện tìm kiếm nào của Internet, lập tức chúng ta nhận được đường link tới những bài báo nói về sự ô nhiễm của con sông hiện nay, chúng ta có thể liệt kê một vài bài điển hình trong đó:

1. Ngũ Huyện Khê – dòng sông chết: http://www.haisontq.com/tin-tuc-su-kien/tin-tuc/555-ngu-huyen-khue-dong-song-chet.html

2. Bắc Ninh: Ai đã giết dòng sông Ngũ Huyện Khê?: http://www.tinmoitruong.vn/chat-thai/bac-ninh–ai-da-giet-dong-song-ngu-huyen-khe_7_36948_1.html

3. Bắt quả tang công ty giấy xả thải “bức tử” sông Ngũ Huyện Khê :http://dantri.com.vn/kinh-doanh/bat-qua-tang-cong-ty-giay-xa-thai-buc-tu-song-ngu-huyen-khe-799965.htm

  1. Sông Ngũ Huyện Khê bị “bức tử”, dân chỉ biết than trời!: http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Song-Ngu-Huyen-Khe-bi-buc-tu-dan-chi-biet-than-troi/209594557/513
  2. Xác định nguồn gây ô nhiễm nước sông ngũ huyện khê và đề xuất giải pháp giảm thiểu: http://123doc.org/document/2291716-xac-dinh-nguon-gay-o-nhiem-nuoc-song-ngu-huyen-khe-va-de-xuat-giai-phap-giam-thieu.htm
  3. Và một Clip dài hơn 14 phút: Lời kêu cứu của sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh): https://www.youtube.com/watch?v=rs0qHqyQYz4

v.v…

Sông Ngũ Huyện Khê khởi nguồn từ núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh có chiều dài hơn 27km, bắt đầu từ xã Châu Khê (Từ Sơn). Con sông là một trong số những chi lưu của sông Cầu khi hòa mình vào dòng sông quan họ này tại xã Vạn An, thành phố Bắc Ninh. Nhưng chảy qua địa phận xã Phú Lâm – huyện Tiên Du, xã Phong Khê – thành phố Bắc Ninh, dòng sông này ngày nay được chuyển thành đen đặc vì ô nhiễm.

Gây ô nhiễm môi trường nước sông Ngũ Huyện Khê có sự đóng góp tích cực của hơn 200 dây chuyền sản xuất giấy các loại của thôn Dương Ổ hay còn gọi là Đống Cao, xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, với hàng nghìn mét khối ngày và đêm.

Không chỉ nước thải, việc đổ và đốt rác thải rắn chủ yếu là các loại túi ni-lông, dây điện, đồ nhựa…trên bờ đê, nơi giáp ranh hai thôn Tam Tảo – xã Phú Lâm và Dương Ổ – xã Phong Khê còn gây ô nhiễm không khí nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân. Và những khi mưa xuống, nước mưa cuốn các tạp chất, hóa chất độc hại từ đống rác này chảy xuống sông, càng làm cho dòng sông không còn hy vọng hồi sinh.

Nhưng điều cần nói là người dân kêu than, chính quyền địa phương biết và chính doanh nghiệp cũng thừa nhận, thế mà vấn đề ô nhiễm của con sông dường như vẫn không được cải thiện.

Vấn đề con sông ô nhiễm là một thực tế không thể chối bỏ được. Thế hệ con cháu có quyền được hưởng những thứ đáng lẽ thuộc về chúng. Chúng ta là thế hệ cha anh, chúng ta mắc nợ con cháu của mình nếu không dành lại cho chúng một tuổi thơ trên những dòng sông, con nước; không để lại cho chúng một môi trường trong lành để hít thở và lớn lên. Nếu như tuổi thơ của những người nay đã ngoài ba mươi có được những kỉ niệm ấu thơ với dòng sông thì ngày nay những đứa trẻ lên năm, lên mười chẳng có được một kỉ niệm đẹp nào ngoài việc mỗi khi thức dậy đã bàng hoàng vì một mùi xú uế nồng nặc, đặc biệt những ngày trở trời. Không khí nặng nề và nặng mùi do dòng sông bốc lên khiến cho những khách lạ cảm thấy khó ngủ trong những đêm đầu tiên nghỉ lại.

Có thể nào vì lợi ích kinh tế mà chúng ta đánh mất đi môi trường sống, có thể nào vì mối lợi chủ yếu cho một vài doanh nghiệp nhằm cung cấp một loại mặt hàng cho thị trường mà sẵn sàng đánh mất đi quyền lợi của biết bao nhiêu con người sinh sống trên mảnh đất đó? Bởi sự ô nhiễm môi trường không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe thể lý với những tật bệnh nhãn tiền do đường hô hấp, tiêu hóa, bài tiết hay những nguyên nhân khác…; nhưng sự ô nhiễm ấy còn gây nên trong tâm thức của người dân đặc biệt là của những người trẻ và thiếu nhi một tổn hại to hớn trong tinh thần. Cũng có thể sinh ra, lớn lên và hít thở một môi trường như thế, người trẻ ngày hôm nay rất dễ bất chấp tất cả để có thể đạt được mối lợi về kinh tế hay thu vén những lợi nhuận cho bản thân. Đôi khi nhìn vào đời sống đau khổ của thế hệ cha anh trong bệnh tật hay tai nạn lao động, những người trẻ có xu hướng sống một cuộc sống như không có ngày mai mà trầm mình trong những cuộc vui, quên đi việc học hành, thăng tiến.

Dòng sông không chỉ dừng lại ở việc cho dòng nước luân chuyển để tưới tiêu hay sinh hoạt, nhưng dòng sông còn là nơi tuổi thơ của biết bao nhiêu người được nuôi dưỡng. Nhưng ngày hôm nay, dòng sông Ngũ Huyện Khê đã không làm được cả hai nhiệm vụ đó. Nước của dòng sông Ngũ Huyện Khê hôm nay không thể dùng được trong việc tưới tiêu mà là dòng nước cần xa tránh; dòng sông không còn là nơi cho thuyền bè qua lại để đánh bắt tôm cá bởi người dân chẳng còn mong tìm được một mối lợi kinh tế từ nơi đó; dòng sông càng không thể là nơi những ngày hội vui được tổ chức, những đứa trẻ nô đùa, bơi lội.

Phải chăng hơn lúc nào hết, những con người được coi là “người lớn” cần phải trả lại một dòng sông cho con cháu. Nhà quản lý chắc hẳn cần làm một điều gì đó để cứu lại dòng sông, doanh nghiệp cần làm gì đó để giữ lại một môi trường trong sạch.

Nguyễn Gia Lương 

Một vài hình ảnh minh họa

Nguhuyenkhe Nguhuyenkhe1 Nguhuyenkhe2 Nguhuyenkhe3