Truyện ngắn: Hai phía con đường

b7d93ccdaaf79936fa374491257d55bd2456666eVào ngày 19 tháng 9 năm 2015 vừa qua, ban tổ chức Cuộc thi viết văn đường trường – Gp. Qui Nhơn đã tổ chức lễ trao giải năm 2015 tại chủng viện Qui Nhơn. Đây là năm thứ 3 trong chặng đường sáu năm cuộc thi. Giáo phận Bắc Ninh có hai tác giả đạt giải. Sau đây  Ban truyền thông xin giới thiệu tác phẩm: Hai Phía con đường của tác giả Nguyên Đức – giải ba cuộc thi.

Con đường cao tốc dài hun hút. Dòng xe cộ tấp nập lướt qua như những cơn gió cuối hạ đầu thu. Bên vệ đường những người bán bánh đa đang giơ tay vẫy khách. Chiếc ôtô xanh thẫm đã ngả màu sơn dừng lại trước mặt một phụ nữ. Mở cửa xe bước xuống, người đàn ông mặc áo cổ cồn màu trắng, trạc khoảng gần bốn mươi. Mái tóc đen tuyền. Đôi mắt long lanh đầy sức sống. Đôi môi nở nụ cười. Nhìn dáng vẻ bên ngoài, con người ấy toát lên vẻ chững chạc và nét thánh thiện đến lạ thường.
– Chào chị! Chị cho hỏi bánh đa này bao nhiêu tiền một chiếc?
– Dạ bánh đa có loại ba ngàn, có loại năm ngàn và cả loại mười ngàn.
– Vậy thì cho tôi chục chiếc bánh mười ngàn.
Người đàn bà khẽ đặt mười chiếc bánh vào hai cái túi nilon khá to và gói cẩn thận. Từ lúc gặp người đàn ông này, người phụ nữ bán bánh chưa hề ngẩng đầu lên để nhìn mặt vị khách một lần. Chị chỉ dám nhìn trộm qua khe thủng của chiếc nón mê giống như một tội đồ. Người đàn ông rút tiền ra trả. Qua khe thủng, người bán bánh nhìn thấy bàn tay phải của vị khách có một vết sẹo dài.
*  *  *
“Có một nhà tu hành đi truyền đạo. Đang khi khát nước, nhà tu hành ghé vào ngôi nhà tranh ven đường. Ông ta bước vào và gặp một bà lão. Nhà tu hành ngỏ lời muốn xin nước uống. Bà lão chỉ tay vào trong nhà ra hiệu cho ông ta biết nước ở trong đó. Bước vào trong, nhà tu hành thấy có một ấm nước đặt trên bàn, nhìn mãi không thấy chén bát đâu cả. Đang cơn khát, ông ta cầm cả cái ấm lên định đưa vào miệng thì một cô gái chạy ra nói to, giọng ngại ngùng:
– Thầy đừng tu để con lấy…
– Ấy ấy chết, đừng lấy vì tôi đã xuất gia.- Nhà tu hành hốt hoảng.
– Nhưng mà…à… tu như thế là bất lịch sự…
– Nhưng lấy như vậy là phá giới… – Nhà tu hành ra sức giải thích.
Đang giằng co vì chuyện đó thì bà lão từ sân bước vào và nói: “Tu là việc của thầy, còn lấy là chuyện của cô…”
Mười sáu năm trước, thời còn là các chú, Nhân được bề trên cử về giúp một làng đạo chuyên làm mì và tráng bánh đa. Con đường dẫn vào làng nhỏ và lầy lội. Muốn vào làng, người ta phải đi qua cánh đồng. Hồi đó xe cộ còn hiếm, Nhân phải đi bộ từ đường quốc lộ mất chừng hơn hai mươi phút mới vào tới nơi.
Ngôi nhà thờ của làng đã gần trăm tuổi. Ngày xây nhà thờ chưa có xi măng, các cụ lấy mật trộn với vôi và cát để làm vữa. Nhìn từ bên ngoài ngôi thánh đường có một nét kiến trúc cổ kính, độc đáo. Móng cao chừng hơn một mét. Hệ thống móng được thiết kế hình vòm bán nguyệt thông từ bên này sang bên kia. Tường cũng xây những đường vòm bán nguyệt đồng tâm với vòm móng. Theo nhiều cụ có tuổi trong làng nói trước đây khi mùa đông, bà con thường đốt lửa dưới nền để giữ ấm cho nhà thờ. Ngọn tháp cao vút, bên trong đặt một đường ống thông khói nối với hệ thống lò sưởi; bên ngoài có đặt một dây thu lôi. Mái nhà thờ lợp bằng ngói, ở bốn góc đều có độ cong giống như kiến trúc đình, chùa. Bên trong nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy. Hai hàng cột làm bằng lim, một người ôm không hết. Bàn thờ thiết kế tỉ mỉ và được sơn son thiếp vàng. Xung quanh tường là mười bốn bức tranh sơn dầu vẽ về cuộc khổ nạn của Chúa. Trên tháp có treo hai quả chuông, quả nhỏ để đánh hàng ngày, quả to đánh khi có Lễ. Tiếng chuông ở đây ngân ra mấy làng bên. Ngay từ khi đặt chân đến đây, Nhân đã bị vẻ đẹp của ngôi thánh đường cổ kính này chinh phục.
Ngoài việc đọc kinh thường ngày cùng mọi người, cứ tối đến Nhân lại dạy nhạc và thánh ca cho các bạn trẻ. Dịp đó đang mùa gặt nên thỉnh thoảng Nhân ra đồng giúp bà con trong làng thu hoạch. Công việc mùa vụ bận tối mắt tối mũi vì thế mà có những hôm Nhân phải ngồi chờ dài cổ mới có người đến học hát. Thế nhưng cứ vào lớp là thầy miệt mài dạy, trò say sưa học đến quên cả giở. Nhân hát hay đàn giỏi nên chỉ hơn một tháng sau ca đoàn đã lột xác hoàn toàn. Ai nấy đều cũng trầm trồ khen ngợi. Bởi thế, Nhân được mọi người trong làng quý mến, cứ có con cá, quả na, quả ổi… là lại đem cho.
Hồi đó, trong lớp học nổi lên giọng ca diễn xướng trong trẻo và thánh thót. Người sở hữu giọng hát đó là Hà – một cô gái nhỏ nhắn và xinh xắn với nước da trắng hồng. Hà đang học cấp ba trường huyện. Hà học giỏi lại chăm học hát nên được nhiều anh để ý. Ngoài hát hay, Hà còn viết chữ đẹp nên thường xuyên được chú Nhân nhờ chép sách hát.
Nhiều tối, Hà cùng mấy bạn trẻ lấy xe đạp chở chú Nhân qua làng bên dạy hát. Con đường sang bên đó lầy lội lại phải leo qua ngọn đồi, rất ít người có thể đạp xe lên đến đỉnh dốc. Vậy mà chú Nhân đèo thêm Hà phía sau mà cứ đạp phăng phăng băng qua con dốc. Lên đến đỉnh đồi chú lại đứng thở dài rồi đi tiếp. Chú Nhân bảo đạp xe như thế này rất tốt cho giọng hát. Mỗi lần đi cùng chú Nhân, Hà cảm thấy vui lắm, có một cảm giác thật khó diễn tả ở trong con tim của Hà. Chú Nhân hay kể truyện cười, có khi nghe xong Hà cười tít mắt nhưng có những truyện khi nghe xong Hà cứ nghệt cái mặt ra vì không hiểu. Hà bắt chú Nhân phải giải thích rõ ràng. Chú Nhân bảo, về tự suy nghĩ ba ngày sau hiểu ra sẽ khóc. Sao lại hiểu ra thì khóc? – Hà hỏi. Chú Nhân bảo, khi hiểu ra Hà sẽ cảm thấy tủi thân vì sự dốt nát của mình. Chú Nhân lại cười. Điệu cười đầy sảng khoái. Hà thích nhất là câu truyện “tu và lấy” mà chú Nhân kể.
… Đã một tuần nay, Hà không đi học hát. Chú Nhân lo lắng, bồn chồn. Chủ nhật chú đến nhà Hà hỏi han xem lý do. Hà trả lời, do bận học, bận việc lại ốm và mệt nên không đi học hát được. Bố của Hà bảo, nó lười không chịu đi đấy chứ có bận với ốm đau gì. Nhân khuyên, Hà chịu khó đi học sau này còn giúp mọi người chứ mình sắp phải về để đi học rồi. Hà chỉ gật gật cái đầu. Ánh mắt của Hà nhìn chú Nhân rất lạ.
Mấy hôm sau, Hà lại lấy xe đạp của mình chở chú Nhân đi dạy hát như thường lệ. Tối hôm đó khi trở về Hà hỏi chú Nhân rất nhiều chuyện…
– Nếu không đi tu chú sẽ làm gì? – Hà ngập ngừng hỏi
– Mình sẽ đi dạy học. – Chú Nhân hồn nhiên trả lời.
– Thế đi tu như thế này thì khổ lắm nhỉ?
– Khổ nhưng mà vui thì làm gì còn khổ.
– Nếu bây giờ có một người con gái yêu chú, chú sẽ làm thế nào?
– Mình sẽ xem xét. Nếu như mình không yêu cô ấy thì mình sẽ vẫn đi tu như bình thường còn nếu cảm thấy có tình cảm thực thì mình sẽ yêu cô ấy…
– Thế chú có….
Phựt… roạch… roạch… Chiếc xe đạp đang đổ dốc, đột nhiên đứt phanh. Chú Nhân cố gắng để ghì chiếc xe lại nhưng mọi nỗ lực bất thành. Chiếc xe phăng phăng lao xuống sườn đồi, đâm thẳng vào một cây bạch đàn. Chú Nhân lộn liền mấy vòng. Tay phải của chú chảy đầy máu. Chú vừa bo tay vừa bo đầu chạy đến chỗ Hà. Hà đang nằm bất tỉnh. May mắn có người đi ngang qua nên đã đưa Nhân và Hà đi cấp cứu.
Ba ngày sau Nhân được ra viện. Ông trùm đến báo, có giấy của bề bề trên gọi chú về gấp để chuẩn bị đi học. Nhân đến chào Hà để lên đường.
Hà không nói. Quay mặt vào tường, Hà khóc nức nở. Những giọt nước mắt vẫn rơi. Từ thẳm sâu, tâm trí Hà đang tranh giành giằng co. Cô thấy mình giống như một kẻ tội đồ. Cô đã yêu một người mà đáng ra không bao giờ được phép. Tình cảm đó cô không hề muốn nhưng sao nó cứ ám ảnh, đeo đuổi không chịu buông tha.
Nhân cũng im lặng. Cái im lặng đến nghẹt thở. Bỗng, Hà quay mặt lại. Hà gạt nước mắt. Hà cầm tay Nhân. Nhân giật mình. Nhân lấy từ trong túi ra một chiếc khăn trắng tinh đặt vào tay Hà. Nhân đứng dậy bước đi không một lời. Hình như trong làn gió nhẹ, đôi mắt Nhân rươm rướm lệ…
…Hà bị gẫy chân chữa trị mất mấy tháng trời mới khỏi. Nhưng thật buồn, Hà không còn có thể đi lại như trước. Vết thương đã để lại dị tật. Hà đi một bên thấp, một bên cao. Ai nhìn cũng thấy thương cho số phận của Hà. Hà quyết định bỏ học ở nhà làm mì và tráng bánh đa giúp mẹ.
Từ ngày bị ngã chẳng có anh nào thèm bén mảng, nhòm ngó, tán tỉnh hay hỏi cưới Hà. Hà trở nên ít nói. Hà bỏ học hát. Sống âm thầm. Bọn trai làng thường bảo nhau, cái đồ chân viết, chân xóa như Hà thì làm ăn cái khỉ gì. Nghe thấy thế, Hà buồn lắm. Thỉnh thoảng cô lại mang rượu ra chỗ ngã xe ngồi uống một mình. Có người bắt gặp nên đồn rằng Hà bị ma nhập. Vì thế mà người làng không dám đến gần hay nói chuyện cùng cô. Sống mãi như vậy, dần dần Hà cũng quen.
Một hôm, ông chú họ làng bên đến chơi và giới thiệu Nhã cho Hà. Nhà Nhã ở đầu con đường đi vào làng. Nhã hơn Hà bảy tuổi. Nhã cục mịch, cả ngày cạy răng không ra nổi một lời. Nhìn bề ngoài Nhã cũng không đến nỗi nào nhưng mắc cái bệnh hở van thượng vị dạ dày nên lúc nào miệng cũng hôi không ai chịu nổi. Ngồi nói chuyện với Nhã là người ta buồn nôn. Có lẽ vì thế nên không bao giờ Nhã dám nói chuyện với ai. Được cái nhà Nhã theo đạo nên “cùng nước, cùng lọ” cũng dễ chịu, với lại ở cương vị như Hà bây giờ làm gì có quyền chọn lựa, may mà người ta rước đi cho là phúc bảy mươi đời.
Đám cưới Hà và Nhã diễn ra rất đơn giản. Trong làng có kẻ độc mồm độc miệng bảo, “chồng thối miệng, vợ thọt chân đẹp đôi ra phết”. Hai vợ chồng ăn ở với nhau sinh được hai thằng con trai kháu khỉnh khác hẳn bố nhưng khổ một nỗi lại giống bố ở cái bệnh hở van thượng vị dạ dày. Hà buồn lắm! Nhã thì không nói không rằng, chỉ biết ngày ba bữa rồi lao vào làm việc hùng hục. Ngày qua ngày, hai vợ chồng dậy sớm từ khi gà chưa gáy để làm mì, tráng bánh đa. Xong đâu đấy, Nhã cho con ăn rồi đưa chúng đến trường, Hà chuẩn bị đi giao mì, chiều về lại ra ngồi ngoài đường cao tốc bán bánh đa.
Cuộc sống cứ thế trôi. Có lẽ mọi người đã quên Nhân. Chỉ có Hà là vẫn nhớ. Hà thường xuyên hỏi thăm tin tức về Nhân. . .  Tin vui cuối cùng đã đến, sau nhiều năm du học bên Rô-ma, cuối năm ngoái Nhân về. Đợt vừa rồi, Nhân được truyền chức linh mục. Một tháng sau Nhân về dâng Lễ tạ ơn ở giáo xứ đã từng đến giúp khi còn là các chú. Chú Nhân gầy gò ngày nào nay đã thành Cha. Cả làng vui lắm, làm cỗ to để đón tiếp. Trong bữa tiệc Cha Nhân đi khắp các mâm cỗ như để tìm ai đó. Trong thánh lễ, tiếng Cha nhân ấm áp vang lên, có chỗ nghẹn lại xúc động rỗi lại vỡ òa cảm kích: “Dù đi đâu tôi cũng luôn nhớ về giáo xứ này, với ngôi thánh đường cổ kính và vị bánh đa ngọt ngào như con người nơi đây”.
*  *  *
Mải miên man suy nghĩ về điều gì đó, người đàn bà chợt giật mình khi vị khách áo trắng cổ cồn đóng cửa chiếc ôtô. Ngồi trên xe, người đàn ông đưa tay phải với vết sẹo dài ngoằng vẫy chào trước khi nổ máy. Chiếc xe cứ thế lao vút đi về một miền xa lắc. Những chiếc bánh đa đi theo vị khách áo trắng cổ cồn nhưng người bán bánh đa thì ở lại.
Trời tối sầm, gió thổi mạnh cuốn văng bụi đường. Tiếng sấm nổ đùng đoàng. Chớp giật liên hồi. Cơn mưa rào bất chợt kéo đến. Người phụ nữ chân thấp chân cao tất tưởi chạy dọn những giàng bánh đa. Nhưng cơn mưa đổ xuống nhanh quá. Chị chạy không kịp. Đột nhiên, chị ngồi thụp xuống. Vết thương ở chân tái phát. Chị rút ra chiếc khăn trắng tinh che mặt. Gió giật mạnh. Mưa mỗi lúc thêm nặng hạt. Những giàng bánh đa tan chảy theo dòng mưa mùa. Vệt trắng dài do bánh đa tan chảy hệt như vết sẹo trắng xóa trên cánh đồng mươn mướt xanh.
Nguyên Đức