Từ điển Công giáo Việt Nam sẽ giúp tránh hiểu nhầm
Phóng viên ucanews.com từ Sài Gòn
Giáo hội Công giáo vừa phát hành cuốn Từ điển Công giáo bằng tiếng Việt nhằm giúp mọi người hiểu được đức tin Kitô giáo, truyền giáo và tránh hiểu nhầm từ ngữ Kitô giáo.
“Cuốn Từ điển Công giáo này là một công trình khoa học rất quan trọng đối với Giáo hội Công giáo tại Việt Nam”, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc của Sài Gòn cho biết khi ngài chủ tế Thánh lễ đặc biệt đánh dấu ngày phát hành cuốn từ điển hôm 9-12.
Đức cha Đọc nói thêm cuốn từ điển đầu tiên này sẽ giúp người Công giáo hiểu được các từ ngữ căn bản về giáo lý, kinh thánh và thần học, và giúp họ sống đức tin.
Ngài hy vọng sẽ tránh được những hiểu nhầm về từ ngữ như một trường hợp được Đức cha Giuse Nguyễn Năng, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, kể khi một nhóm bạn trẻ hiểu cụm từ nhân bản (các giá trị của con người) là nhân bản vô tính người.
Cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết, trưởng Ban Từ vựng Công giáo, cho ucanews.com biết cuốn từ điển này có 2.022 từ thông dụng nhất được trích từ sách Giáo lý Giáo hội Công giáo. Các từ Hán việt vẫn còn sử dụng cũng được đưa vào từ điển.
Cha Thiết cho biết 150 chuyên gia thần học, kinh thánh, luân lý, phụng vụ, ngôn ngữ và văn hóa đã biên soạn cuốn từ điển này trong 9 năm qua.
Ngài nói cuốn từ điển sẽ đặt nền tảng căn bản cho các thế hệ trẻ nghiên cứu thêm về ngôn ngữ tiếng Việt, văn hóa Kitô giáo và phát triển nền thần học Việt Nam.
Các mục từ tiếng Việt trong từ điển được đặt bên cạnh các cụm từ tương đương về nghĩa bằng tiếng La tinh, Anh, Pháp và Trung Hoa để tiện tham khảo.
Các thừa sai hải ngoại đến Việt Nam vào thế kỷ 16 và bắt đầu phát triển chữ quốc ngữ dựa trên bảng chữ cái Latinh và các ngôn ngữ của người Roman với sự trợ giúp của người Công giáo Việt Nam nhằm phục vụ cho công cuộc truyền giáo.
Chữ quốc ngữ đã trở thành hệ thống chữ viết chính thức của người Việt.
Nguồn: UCAN