Vài suy nghĩ về Đạo làm con trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn

Nhân dịp tháng 11, tháng cầu nguyện cho các linh hồn, cho ông bà tổ tiên những người đã qua đời. Mẹ hiền Giáo hội mời gọi mọi người Kitô hữu tham gia vào sứ mạng loan báo Tin mừng qua việc giữ đạo hiếu hay còn được gọi là đạo làm con.

Văn hoá Việt nam đề cao đạo hiếu, đây là điểm son, là nét đẹp của người Việt. Qua đó, tôn kính ông bà tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với các bậc sinh thành. Giá trị nhân văn trong đạo hiếu là hạt giống Tin mừng hay là những tia sáng được Chúa Thánh Thần gieo vãi và chiếu soi vào phong tục người Việt.

Người Việt từ muôn đời nay vẫn răn dạy con cháu: “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Kinh Thánh dạy con người: Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi. Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng.

Qua đó, con cái phải luôn biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà kính yêu, chăm lo, phụng dưỡng cho cha mẹ lúc đau ốm, già nua. Bổn phận làm con là cách ăn ở, cách cư xử với cha mẹ cho đúng lễ nghĩa, phải đạo. Sách Huấn Ca cũng dạy rằng: Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi. Chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Trí khôn người có suy giảm. Con cũng hãy nể vì. Ðừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng(3,3. 12-16).

Người Việt hay người Công giáo được mời gọi: thảo hiếu với cha mẹ, với các bậc sinh thành không chỉ khi các ngài còn sống, mà con khi các ngài đã qua đời. Đó là tôn kính ông bà tổ tiên. Người ta vẫn thường tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ vào những ngày giỗ, nhất là giỗ đầu, giỗ mãn tang. Không những vậy, các ngày đầu tháng hay ngày rằm (ngày Sóc, ngày Vọng).

Tại sao phải tôn kính ông bà tổ tiên? Vì cây có rễ, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông: Con người có tổ có tông, như cây có rễ, như sông có nguồn. Đối với người Kitô hữu thì điều răn thứ tư dạy rằng: Thảo kính cha mẹ, vì “ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ”. Tổ tiên cao quý nhất của nhân loại mà người Việt gọi là Trời, hay với một tên rất thân quen là ông Trời. Ông trời mà người  Kitô hữu tôn thờ đó chính là Thượng Đế -Thiên Chúa sáng tạo muôn loài.

Vẫn còn nhớ hình ảnh từ khi còn nhỏ, thỉnh thoảng được về thăm bên họ ngoại, việc đầu tiên có thể làm là người viết được họ hang đưa đến nhà bác trưởng họ bên ngoại, vào dịp tết hay giỗ. Bác trưởng họ luôn đốt nhan và nói mọi người có mặt thắp nhang cho tổ tiên, cho dù gia đình phía ngoại người viết theo đạo bốn đời. Ngày nay, thỉnh thoảng mới có dịp về thăm lại các bác, cậu mợ, và lần nào về tôi cũng về nhà bác trưởng họ thắp nhan cho các cụ trước, sau đó đi thăm ai mới đi.

Người Công giáo không những tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên vào ngày giỗ, mà tất cả các thánh lễ hàng ngày, các buồi đọc kinh cầu nguyện, nhất là tháng 11 được dành riêng để tưởng nhớ đến những người qua đời. Chúng ta thường đọc kinh Bởi trời, kinh Vực sâu để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, cho những người đã qua đời.

Thờ cúng ông bà tổ tiên phải đề cập đến bàn thờ tổ tiên, ngày xưa chưa có hình ảnh thì chúng ta thường lập bài vị, ghi tên người đã khuất lên bài vị rồi đặt lên bàn thờ tổ tiên, bây giờ nhiều gia đình đã đặt ảnh lên bàn thờ thay cho bài vị. Trên bàn thờ có hương, nến, hoa quả… Đốt nhang, cắm nhang để tưởng nhớ, thành kính với tổ tiên. Vì vậy trên bàn thờ gia tiên luôn có bát nhang, cây nến hay lọ hoa…..

Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, nhất là cho ông bà tổ tiên, nhưng người thân yêu đã qua đời, mỗi anh chị em hãy giữ chữ Hiếu qua việc áp dụng trong đời sống hàng ngày một vài điểm sau:

  • Thảo kính và phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống.
  • Sống thảo hiếu, hay giữ trọn đạo làm con là làm theo di chúc hay di huấn các ngài để lại.
  • Tôn kính ông bà tổ tiên khi các ngài đã qua đời bằng cách: lập bàn thờ tổ tiên, tưởng nhớ và cầu nguyện, thắp nén hương vào các ngày giỗ, ngày tết hay các dịp trọng đại của gia đình. Khi con cái cưới xin hãy đến trước bàn thờ gia tiên để cầu nguyện và trình diện với tiên tổ.
  • Tôn trọng mồ mả, thăm viếng hay tảo mộ dịp lễ các đẳng linh hồn, hay trong những ngày khác trong  tháng mười một, ngày lễ Vu Lan, ngày tết nguyên đán. Đến trước bàn thờ tổ tiên tưởng nhớ, cầu nguyện cho các ngài. 

Ước mong sao, mỗi người dù là người Công giáo hay không Công giáo, chúng ta có thể thực hành được những điều cơ bản nhất trong đạo hiếu mà cha ông truyền lại cho mỗi người.

Lời Chúa trong sách Châm ngôn mời gọi anh chị em hãy thực hành đạo làm con vì: Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng bỏ giáo huấn của mẹ…(6,20-22), và thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôxê răn dạy cho những ai giữ chữ Hiếu đó là: “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa”( 3,20).

Hà Như Nguyệt