Về hội Lim nghe chuyện têm trầu

“Cũng giống như người thợ may cắt quần áo, tùy vào tay thợ khéo mà có được miếng trầu đẹp và ngon.” – cô Nguyễn Thị Hồng Y (phường vạn An, thành phố Bắc Ninh), người gắn bó với hội Lim và công việc têm trầu cánh phượng trong gần mười năm chia sẻ.

Miếng trầu cánh phượng – nét đặc sắc của vùng quê Kinh Bắc

Dân gian xưa có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Tục ăn trầu cau không chỉ phổ biến mà đã trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa phong tục của người Việt Nam từ bao đời nay.Song có lẽ, chỉ đến với quê hương Kinh Bắc, thưởng thức một miếng trầu têm cánh phượng ta mới thực sự cảm nhận được giá trị thẩm mĩ cũng như giá trị nhân văn đặc biệt quan trọng mà nó mang lại trong cuộc sống của người dân Việt.

1

 Khay trầu tại gian giao lưu Trung tâm xúc tiến du lịch Bắc Ninh.

Vùng đất Kinh bắc từ xa xưa đã nổi tiếng với những làn điệu dân ca quan họ say đắm lòng người, với bộ áo năm tà, tứ thân tha thướt dịu dàng và những liền anh, liền chị với giọng ca mượt mà, đằm thắm… Đặc biệt trong những ngày đầu năm, khách thập phương nô nức trẩy hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) khiến cho không khí của quê hương quan họ càng quyến luyến lòng người. Về hội Lim những ngày này, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những miếng trầu têm cánh phượng duyên dáng lạ thường từ bàn tay khéo léo của những chị Hai, chị Ba.

Trầu têm cánh phượng (cũng còn được gọi là trầu cô Tấm) là một tục lệ truyền thống từ  lâu đời có những chuẩn mực nhất định, từ lá trầu, quả cau cho đến cách bổ, cách têm trầu cũng thật là kì công. Có trầu quế, trầu hồi cũng có trầu cay, trầu hôi; có cau tươi, cau non cũng có cau già, cau khô; cau tiện chũm lòng đào…

Miếng trầu têm cánh phượng thường được dùng để đãi khách quý, được têm bằng những quả cau ngon gọi là cau tiện chũm lòng đào. Cách têm này cũng đòi hỏi phải có nhiều kĩ thuật khéo léo, cộng thêm cả sự tinh tế của người têm.Từ việc chọn lá trầu quế vừa tầm để cắt tỉa cánh phượng, chọn khúc vỏ đỏ dày để cắt trang trí phần đuôi.Thời gian trở lại đây, muốn cho miếng trầu thêm đẹp, người ta thường cài thêm vào cùng miếng vỏ một cánh hoa hồng, tạo thành đuôi phượng, khiến miếng trầu thêm lộng lẫy với sắc màu sặc sỡ, tươi tắn.

2

 Chọn lá trầu vừa tầm để dễ cắt tỉa.

 Cô Nguyễn Hồng Y chia sẻ: phải thật khéo léo và cẩn thận để lá trầu không bị rách.

Khi têm trầu cánh phượng, người ta tránh dùng cau già, quả quá tròn hoặc quá dài hay lá trầu không còn tươi xanh để không làm giảm đi giá trị và ý nghĩa của miếng trầu. Bắt đầu têm, người ta chọn lá trầu bánh tẻ với kích cỡ vừa phải rồi tỉa viền hình răng cưa rồi phết vôi và cuộn lại, xòe ra sao cho mình phượng có đủ 9 cánh, tiếp đó bổ cau làm tư và tỉa thành hai cánh nữa rồi cài chung với miếng vỏ và một hoa hồng để tạo thành miếng trầu cánh phượng đẹp đẽ.

3

 Quả cau phải thon dài, không được chọn quả tròn.

“Trầu mình cho đỏ môi ta”

Đối với người dân Việt Nam nói chung và người dân Kinh Bắc nói riêng, trầu cau là biểu tượng cho tình cảm. Dịp Tết, hội hè, cưới gả đều không thể thiếu miếng trầu. Trong tiềm thức của người dân Việt, miếng trầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Miếng trầu là cầu nối giao lưu tình cảm, gắn kết nghĩa tình, kết nối lương duyên và tác thành hạnh phúc cho đôi lứa. Du khách thập phương đi trẩy hội Lim, đến với quê hương quan họ, nhận lấy một miếng trầu cánh phượng từ tay các liền chị để thấy lòng ấm áp hơn, bước chân lưu luyến hơn.

Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi… tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm để thấy được ý nghĩa của miếng trầu “Tách riêng, thì đắng, thì cay. Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người.”

4

 Liền anh, liền chị hát quan họ trên thuyền ở phía đầu đường tiến vào hội Lim.

Không chỉ đối với thế hệ đi trước mà ngay cả những bạn trẻ tham dự lễ hội cũng khá thích thú với hình ảnh của miếng trầu têm cánh phượng. Bạn Nguyễn Thị Ngọc Châm – sinh viên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình về trẩy hội Lim, cũng là lần đầu tiên mình học cách têm trầu cánh phượng. Nhìn miếng trầu đỏ thắm, xinh xắn trên tay, mình cảm thấy vô cùng hào hứng. Mong sao cái lộc đầu năm sẽ mang đến nhiều điều may mắn và tốt đẹp.”

5

 Bạn trẻ đang chăm chú nghe nghệ nhân hướng dẫn têm trầu.

Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị-  người gái quê Kinh Bắc. Cách mời trầu cũng thật dịu dàng “Trầu này trầu tình trầu tình / Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.

Cuộc sống hiện đại ngày càng nhiều thay đổi nhưng những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc thì chắc chắn vẫn còn sống mãi cùng năm tháng. Miếng trầu cánh phượng và văn hóa mời trầu thấm đượm tình người, giàu giá trị thẩm mĩ và nhân văn sâu sắc cũng vì thế mà luôn giữ được sức sống lâu bền trong lòng người dân Việt. 

Mai Loan

Ảnh: Anna Nguyễn