Vinh Dự và Sứ Mệnh

Quý độc giả thân mến, 

Ngày lễ Chúa Hiển Dung (6/8/2019),  Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên – Tổng giám mục Hà Nội nhận dây Pallium và Thánh lễ Tạ ơn tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội vào lúc 10g00 sáng. Trong thánh lễ long trọng và đặc biệt này, Đức cha giáo phận Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt SJ. vinh dự được chia sẻ trong thánh lễ. Sau đây, website giáo phận giới thiệu nguyên văn bài giảng với tựa đề “Vinh Dự và Sứ Mệnh” tới quý độc giả:

          Kính thưa Đức Tổng Giám Mục Giuse,

         Kính thưa Đức Hồng Y Phêrô, Đức Tổng Giám Mục, quý đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ quý khách và toàn thể cộng đoàn.

            Theo truyền thống lâu đời của Hội Thánh, hằng năm, vào lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha trao dây pallium cho các vị Tân Tổng Giám Mục Chính Toà đến Roma từ khắp nơi trong Hội Thánh. Năm nay, Đức Tân Tổng Giám Mục Hà Nội đã đi Roma nhận dây pallium từ tay Đức Thánh Cha Phanxicô. Trước kia, các Đức Thánh Cha choàng dây pallium cho các Đức Tân Tổng Giám Mục, nhưng từ năm 2017, ngài không trực tiếp làm như vậy nữa: các Tân Tổng Giám Mục đến Rôma đồng tế với Đức Thánh Cha trong lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Trong thánh lễ, ngài làm phép các dây pallium, sau đó ngài trao tận tay các Tân Tổng Giám Mục. Kế đến, một buổi lễ long trọng sẽ được tổ chức ở Tổng Giáo Phận để các vị được chính thức choàng dây pallium, như trong thánh lễ hôm nay đây. Ý của Đức Thánh Cha là nhấn mạnh sự hiệp thông khắng khít giữa Toà Thánh với Giáo Hội địa phương, đồng thới nhấn mạnh tầm quan trọng của các giáo phận và cho nhiều tín hữu, đặc biệt là các giám mục, linh mục, tu sĩ trong tổng giáo phận và giáo tỉnh bày tỏ sự hiệp thông với vị trưởng giáo tỉnh.

            Pallium (tiếng Latinh) có nguồn gốc từ đế quốc Roma: đó là áo choàng bằng lông chiên của các quan chức cao cấp. Hội Thánh Công Giáo đã chuyển thành dây pallium. Dây được làm từ lông của những con chiên đặc biệt được nuôi từ bàn tay của các nam tu sĩ dòng Luyện Tâm (Trappist) ở tu viện Ba Giếng Phun Nước (Tre Fontane), còn gọi là Tu viện Các thánh Vixentê và Anataxiô ở Roma. Các nữ tu dòng Thánh Biển Đức tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Nữ Xêxilia, cũng ở Rôma, dùng lông chiên đã qua nhiều giai đoạn xử lý, sau đó được làm phép, để dệt thành dây pallium. Dây của các Đức Tổng Giám Mục được trang hoàng bằng 6 hình Thánh Giá làm từ các sợi tơ màu đen, còn của Đức Thánh Cha là 6 hình Thánh Giá làm từ các sợi tơ được nhuộm đỏ. Các dây dệt song sẽ đặt trong chiếc hộp đồng, đặt cạnh ngai toà phía trên mộ của Thánh Phêrô, tại Đền Thánh Phêrô ở Rôma cho đến ngày được trao.

            Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã giúp các tín hữu hiểu rõ hơn về ý nghĩa của dây pallium trong bài giảng đầu tiên sau khi ngài được Mật Nghị Hồng Y bầu chọn làm ngưới kế nhiệm thánh Phêrô: “Biểu tượng của dây pallium còn xa hơn thế nữa: lông chiên đại diện cho những con chiên bị lạc đàn, gặp bất hạnh hoặc bị ốm đau bệnh tật, được mục tử đưa lên vai mang đến nơi có mạch nước hằng sống.” Vì thế dây pallium nhắc nhở vai trò mục tử của Đức Tổng Giám Mục với “ách” và “gánh” xưa Chúa Giêsu đã nhận lấy mà nay chia sẻ cho các giám mục: Chúa đến để “chiên được sống và sống dồi dào”, Chúa đã “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên”, đã “nhận lấy thân nô lệ… vâng lời cho đến chết và chết trên Thập Giá.” Hàm ý này được nhận thấy rõ trong 6 thánh giá màu đen: những vất vả, khó khăn và cả tủi nhục của cuộc đời mục tử.

             Một lần khác Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đề cập dây pallium trong bài giảng ngày lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ năm 2011: “Dây pallium mang ý nghĩa chúng ta cần phải là những người chăn chiên vì sự hiệp nhất và trong sự hiệp nhất. Và chỉ trong sự hiệp nhất được đại diện bởi thánh Phêrô, chúng ta mới có thể dẫn dắt đàn chiên đến với Thiên Chúa.” Như vậy Đức Tổng Giám Mục được giao phó sứ mệnh hiệp nhất các giám mục trong giáo tỉnh để tất cả cùng hiệp nhất với Đức Thánh Cha là vị kế nhiệm thánh Phêrô, thể hiện ước nguyện của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Vượt Qua: “Xin cho mọi người nên một, như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con, để thế gian tin rằng Cha đã sai con.”

            Hôm nay chúng ta cùng với cha Hội Thánh mừng lễ Chúa Hiển Dung hay lễ Chúa Biến Hình. Chúa đang dẫn các tông đồ từ Galilê ở miền bắc đi Giêrusalem ở miền nam để bước vào cuộc Vượt Qua. Trên đường, Chúa đem theo 3 tông đồ lên núi Tabor. Đây là địa điểm chắc khá quen thuộc với Chúa Giêsu, vì chỉ cách sinh quán của Chúa là làng Nazareth chưa đầy 10 cây số. Dân chúng vùng Galilê gọi đó là Núi Thánh và thường xuyên tổ chức hành hương lên đó cầu nguyện. Trước mặt 3 tông đồ, Chúa đã hiển dung, tức là cho thấy khuôn mặt vinh quang của Con Thiên Chúa, và được long trọng giới thiệu: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta. Các con hãy nghe lời Người”. Sau đó, các tông đồ để nghị “làm 3 lều”, tức là muốn ở lại đó, để tận hưởng những giờ phút thần tiên. Nhưng Chúa Giêsu đưa các ngài xuống núi, tiếp tục hành trình lên Giêrusalem, nơi Chúa sẽ thể hiện cuộc Vượt Qua có một không hai để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả loài người khắp nơi và trong mọi thời đại.

       Nơi Chúa Giêsu, vinh dự và sứ mệnh luôn đi đôi với nhau. Dây pallium cũng gợi ý điều ấy. Người đời thường đề cao vinh dự, nhưng Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến sứ mệnh. Ngay khi Chúa khởi đầu sứ vụ công khai, thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian.” Sách Khải Huyền giới thiệu Chúa Giêsu phục sinh là Chiên Thiên Chúa, Đấng là đầu của một nhân loại mới là các thánh trên trời, và những người bước theo Chúa trong cuộc sống trần gian. Chúa đã thực sự sống như con chiên hiền lành và khiêm nhường, phục vụ sự sống của con người: sữa để uống, lông để làm len, cuối cùng chết như con chiên vô tội bị giết làm của lễ dâng lên Thiên Chúa, xin ơn tha tội cho con người. Đây không những là ơn gọi riêng cho hàng giám mục, nhưng là lời mời gọi mọi thành phần Dân Chúa: theo gương vị mục tử tối cao, sống như chiên Thiên Chúa, chết như chiên Thiên Chúa.

         Không nhiều thì ít, không sớm thì muộn, ai trong chúng ta cũng bị cám dỗ như thánh Phêrô: làm ba lều để giữ Chúa ở lại núi Tabor; hoặc đi xa hơn nữa, như hai anh em thánh Giacôbê và thánh Gioan: Xin cho một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa khi Chúa làm vua. Đến đây tôi nhớ một hôm ban phép Thêm sức ở một nhà thở thuộc Giáo Phận Bắc Ninh, tôi hỏi các em: Trên nhẫn giám mục tôi đeo, có khắc hình một con vật 4 chân, tôi không biết con gì, hình như không phải con trâu hay con lợn, trong các em, có ai biết không. Một em trai chừng 11-12 tuổi giơ tay: Con biết. Tôi hỏi: Đó là con gì? Đáp: Thưa là con chiên. Tôi hỏi lại: Sao con biết đó là con chiên? Đáp: Vì khi cho hiệp lễ, cha giơ Mình Thánh lên nói: Đây Chiên Thiên Chúa. Tôi khen em ấy là cực giỏi: nối kết được Mình Thánh Chúa với một hình mà chính em chưa thấy, chỉ nghe mô tả thôi. Ước gì tất cả chúng ta đều nhận ra hình ảnh con chiên nơi mọi tín hữu, từ giám mục, linh mục, tu sĩ cho đến mọi thành phần Dân Chúa.

          Mục tử thường đi trước đoàn chiên, mở lối cho đoàn chiên. Nếu chẳng may gặp sói dư toan làm hại chiên, người chăn chiên thuê sẽ bỏ chạy, mặc cho sói bắt chiên và làm cho đàn chiên tan tác. Trái lại mục tử nhân lành sẽ hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Xin cho Đức Tổng Giám Mục luôn gắn bó với Mục Tử đích thực duy nhất là Chúa Giêsu, hiệp nhất với Đức Thánh Cha là vị Đại Diện Đức Kitô ở trần gian, duy trì và tăng cường sự hiệp nhất giữa mục tử và đoàn chiên Chúa trong Tổng Giáo Phận và cả giáo tỉnh, để sau khi chiêm ngưỡng Đức Kitô hiển dung trên Núi Tabor, đoàn dân Chúa vững bước theo Thầy Chí Thánh đến Nhà Tiệc Ly, rồi theo Chúa lên Núi Sọ để cuối cùng thực hiện được ước nguyện của Chúa Giêsu ở ngưỡng cửa cuộc Vượt Qua: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì họ cũng ở đấy với Con.” Amen. 

Lễ Chúa Hiển Dung năm 2019

+ Cosma Hoàng Văn Đạt SJ.