Xóm nhỏ Lòng Chúa Xót Thương
Sau 4 năm dời gia đình đi học Đại Học xa nhà, hôm nay trở về với vóc dáng của một cậu thanh niên chững trạc hơn. Quê hương tôi nằm cạnh sông Công hiền hòa, thuộc giáo xứ Đại Từ giáo phận Bắc Ninh thân yêu. Có vẻ như tôi cảm thấy mình đã lớn rồi! Quê hương cũng đã thay đổi nhiều quá! Không còn khó khăn như thời gian trước, vì bây giờ nhà nhà đều có đầy đủ tiện nghi cả! Những chiếc cầy bằng sức kéo của trâu, bò đã không còn và thay vào đó là những cỗ máy nông nghiệp lớn, những chiếc gùi cũng đã không thấy xuất hiện trên nương bãi nữa…còn nhiều thứ làm cho tôi khó có thể lấy lại cảm xúc thời thơ ấu…
Vừa là một cậu sinh viên mới ra trường tay nghề còn non kém chưa thể tự bay cao bay xa được, vừa là một cậu giúp lễ nhút nhát của một thời chăn trâu cắt cỏ, mọi thứ bây giờ hơi xa lạ với tôi. Qua một ngày dài khi về với gia đình, ngay sáng ngày hôm sau, mẹ tôi đã cho tôi trải nghiệm lại những công việc mà xưa kia vẫn theo mẹ bập bõm làm.“Hôm nay đi lên rừng hái chè với mẹ nhé con!” Đó là lời đầu tiên tôi cảm thấy bỡ ngỡ, rụt rè đáp lại với một cung giọng của một cậu sinh viên xa nhà, xa dời với những công việc lao động nặng nhọc:“vầng…”. Vậy là tôi cũng đi theo mẹ lên rừng giống như hồi ba tuổi lẽo đẽo theo mẹ đi học mẫu giáo tại nhà văn hóa tận trong đáy rừng cuối xóm. Vừa leo lên chân đồi tôi vừa nghe mẹ kể cho nghe những mẩu chuyện hài nho nhỏ mà trong cái thời gian xa nhà tôi đã không được chứng kiến, lúc thì đôi chân tôi vướng vào mớ bòng bong (cây cỏ rác trên rừng) khựu xuống khiến mẹ tôi phải đỡ dậy, dù tôi đã không còn bé nữa. Hai mẹ con lên rừng vào lúc sớm chiều, lúc mặt trời vẫn còn dọi những tia nắng gắt gao của cái thời tiết sang Thu khiến mọi người cảm thấy oi bức. Đã lên tới lưng đồi, tôi hỏi mẹ còn ai hái giúp nhà mình nữa không, vì mọi khi vẫn có các cô, các bác hái đổi công cho gia đình. Hái đổi công là công việc rất quen thuộc đối những vùng quê đất trà, đó là việc mướn người không lương mà chúng tôi thường trêu nhau trong lúc giải lao.
Nhìn xa xa dưới ánh nắng xuyên qua từng tán lá chè non xanh biếc, các cô đi hái chè đổi công đã đến trước mẹ con tôi và đang bắt đầu công việc. Tôi cũng giống như lần gặp gỡ mọi khi “Con chào các cô, các bác ạ! ” mọi người ngỡ ngàng nhìn tôi: “Ô! T về rồi à?Hôm nay cũng đi hái chè cơ á?” đó là giọng bác Vóc, người bạn hiền và là đối tác đổi công thường xuyên của gia đình. Bác có một vóc dáng hơi gầy và khom lưng với một làn da đen xạm vì nắng gió. Sau khi màn chào hỏi rôm rả đã xong, mọi người bắt đầu tiếp tục công việc của mình, mọi câu chuyện bắt đầu từ những lần đi đổi công như thế này. Đúng là ba bà bốn chuyện, việc hái chè trong xóm nhỏ của miền quê chủ yếu dành cho phụ nữ, cho nên họ không thiếu những “mảnh chuyện bất hạnh”được mangratrao đổi trong khi hái chè. Người thì kể về tật xấu của chồng, người thì kể chuyện bầu trưởng thôn của xóm bên…mọi thứ cứ hòa quện lẫn lộn mà không có câu chuyện trọng tâm nào cả. Với bản tính nhẹ nhàng ít nói, riêng tôi thì cứ im im nhặt nhặn những búp chè nhỏ. Đang lúc nói chuyện náo nhiệt, bác Vóc cắt lời mọi người một câu thật kỳ lạ: “Còn 15’ nữa nhá!” Tôi thực sự chẳng hiểu gì, chả nhẽ đi hái chè hôm nay tính từng phút, đó là điều chưa bao giờ xảy ra khi giữa chiều như này, tôi lại bước vào sự im lặng để chờ xem 15’ nữa chuyện gì sẽ đến… Mọi người có vẻ ít nói hơn, chăm chú hơn vào công việc, là một quan sát viên tôi cứ để ý mọi mọi người xem thế nào. Cuối cùng cũng đến 3 giờ chiều, 15’ cũng đã qua, không ai bảo ai, mẹ tôi nói với mọi người tạm dừng lại và cất cao câu kinh quen thuộc như một bà quản thực thụ. “Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần… Vì lòng thương xót của Chúa Giesu Ki tô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.Vậy là tôi đã hiểu chuyện gì, những lời kinh của mọi người rất đỗi quen thuộc đối với tôi, vì tôi cũng thường đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót hằng ngày. Lòng tôi chợt xao xuyến khi từng câu kinh vang vọng giữa khu rừng heo hắt mà từ xưa kia tôi chưa từng tin rằng mọi người có thể đem được lời kinh Thương Xót lên tận đỉnh đồi, tận khe suối sâu thẳm. Tôi chợt rút chiếc điện thoại mà đã sắm được khi còn là sinh viên ra để ghi lại những khoảnh khắc xúc động này dù có vẻ hơi ngượng ngùng khi phá vỡ bầu khí thiêng thánh của mọi người, nhưng tôi bất chấp tất cả vì đây là điều để mọi người đáng học hỏi cách cầu nguyện như Chúa đã nói với chúng ta hãy cầu nguyện liên lỉ để không xa chước cám dỗ. Sau khi Bốn câu lậy vang lên, mọi người cùng đi vào 3’ hồi tâm để cầu nguyện riêng với Chúa. Thực sự tôi chưa thể nghĩ rằng mẹ, chị, bà con xóm giềng lại làm được như vậy. Mọi người bận rộn với công việc không thể đến nhà thờ vào xế chiều, nhưng họ vẫn cố gắng đọc Kinh Lòng Thương Xót vào đúng 3h chiều để được hưởng ơn đặc biệt từ Lòng Chúa Xót Thương. Là một cử nhân kinh tế tôi nghĩ tôi cùng lắm hơn họ về chút kiến thức chứ vẫn còn phải học hỏi nhiều từcác bà, các chị về đời sống cầu nguyện.
Vậy là lại một chuỗi các câu chuyện không trọng tâm vang lên, lời kinh Thương Xót tạm thời lắng xuống để chờ ngày mai khi lại xế chiều, các bà, các chị lại cất cao lời kinh muôn thuở ấy trên từng nương rẫy, từng ngõ hẻm của núi rừng. Về tới nhà sau một buổi chiều mệt nhọc, tôi mới dám hỏi mẹ về lời Kinh Thương Xót đó, mẹ tôi cho biết: “ Mọi người đã đọc kinh như này từ khi Năm Thánh mở cửa, không phải chia nhóm gì cả, vì tất cả các bà các chị đều đọc, đều thuộc lòng hết. Cứ đi đổi công hái chè, dù bất cứ nhà nào, mảnh đồi nào cứ tới giờ Thương Xót là họ đọc thôi!”. Vậy là tôi đã hiểu ra nhiều điều, Năm Thánh cũng sắp đóng lại, lời kinh Thương Xót; và cái giờ mà mọi người gọi là “Giờ Chúa Thương Xót” in sâu vào tâm trí tôi. Cứ mỗi ngày trôi qua, lời kinh đó sẽ gắn kết mọi người nên một trong Đức Kitô và sẽ nối dài tình thân ái với tha nhân hơn. Một xóm Đạo nhỏ mà tôi cứ nghĩ lúc Chúa đến sẽ không còn niềm tin nơi đây nữa nhưng tôi tin rằng cứ giờ Thương Xót đó, cứ lời kinh đó và cứ tại nơi đó Chúa sẽ mở rộng lòng thương xót cho chúng ta, đặc biệt cho xóm nhỏ mà tôi ước ao đặt cho cái tên Xóm Nhỏ Lòng Chúa Xót Thương được tràn đầy hồng ân của Chúa trong năm Lòng Chúa Thương Xót này.
Follow me