Cuộc thương khó Chúa Giêsu Ki tô theo khăn liệm Torino

CUỘC THƯƠNG KHÓ

CHÚA GIÊSU KITÔ

THEO KHĂN LIỆM TORINO

A

Khăn liệm Torino           

            Hiện nay tại nhà thở Chính Tòa mang tước hiệu Thánh Gioan Tẩy Giả của giáo phận Torino, miền bắc nước Ý, người ta còn giữ được một tấm vải mà người ta nghĩ rằng đó là chính là tấm khăn đã liệm xác Chúa Giêsu.

Khăn liệm Torino (PDF)

Mô tả tấm khăn 

Tấm khăn bằng vải dài 4,36 mét và rộng 1,10 mét, màu vàng nâu. Tấm khăn có 8 vết cháy xém cho thấy đã bị cháy một góc khi được gấp làm 8.

Mở tấm khăn ra, bằng mắt thường, người ta thấy được lờ mờ màu hồng hình phía trước và phía sau của một người không mặc quần áo. Tấm khăn trùm người ấy từ chân tới đầu, rồi kéo qua đầu tới chân, chỏm đầu ở giữa khăn. Những vết cháy không làm thiệt hại gì đến hình.

Người trong khăn 

Đó là một người phái nam, tuổi từ 30 đến 35, cao chừng 1,11  mét, nặng chừng 78 kg, thuộc chủng tộc Xêmít, có râu cằm và ria mép, tóc dài xõa trên 2 vai và buông thõng sau gáy được chải theo đường chỉ ở giữa.

Người trong khăn có dấu thủng ở cổ tay phải và giữa 2 bàn chân. Từ các vết thương ấy có nhiều máu chảy ra còn dính ở cánh tay và bàn chân. Vì bị tay phải chồng lên, nên cổ tay trái có dấu thủng hay không thì không thấy, nhưng có nhiều vết máu chảy ra từ cổ tay trái chảy ra trên cánh tay. Theo vết chảy của máu ở trên 2 cánh tay, người trong khăn đã chảy máu từ hai cổ tay ra đang khi hai tay bị kéo dang ra và cao hơn đầu.

Đầu người trong khăn có những vết máu cho thấy da bị đâm nhiều chỗ làm thành một vòng trên đầu từ trán đến phía trên hai tai qua gáy phía sau.

Mặt người trong khăn mang nhiều vết sưng và giập nát. Rõ nhất là vết bầm gần mắt bên phải, xống mũi sưng lên. Ngoài ra một chòm râu ở cằm bị nhổ mất.

Trên mình người trong khăn mang chừng 120 vết thương xé thịt dài từ 2 cm đến 4 cm, rộng chừng 1 cm, trừ ở đầu, 2 cánh tay và 2 chân cũng như phía trước từ bụng trở xuống.

Trên 2 vai của người trong khăn, mỗi bên bị lột một miếng da lớn, bên phải lớn hơn bên trái.

Giữa xương sườn thứ 5 và thứ 6, về phía ngực phải, có một vết đâm còn mở, dài 4,8 cm, rộng gần 1,5 cm.

Bụng người trong khăn phình ra, chứng tỏ đã chết vì nghẹt thở.

2 đầu gối người trong khăn bị giập và bị rách nhiều chỗ, nhất là ở xương bánh chè đầu gối trái.

Người trong khăn đã được liệm trong khăn ít nhất là 24 giờ, đủ để cho hình in lên được vải, và nhiều nhất là 72 giờ, vì sau đó thân thể sẽ rữa nát chứ không còn nguyên vẹn nữa.

Những điều trên đây khiến người ta phải liên tưởng đến Chúa Giêsu, vì rất nhiều chi tiết như đánh đòn, đội vòng gai, đóng đinh thập giá, đâm thủng ngực… trung hợp với những điều các sách Tin Mừng thuật lại. Nhưng nếu so sánh với các tượng ảnh Chúa Giêsu chịu nạn thường thấy, thì có một vài điểm khác: (1) Chúa Giêsu bị đóng đanh ở cổ tay hay lòng bàn tay? (2) bị đâm bên ngực trái hay ngực phải? (3) bụng phình ra hay hóp vào?

Tuy nhiên, với bao nhiêu chi tiết trước đây, theo khoa xác suất thống kê thì cơ  may để có một người thứ hai, không phải là Chúa Giêsu, mà có những nét như vậy l phần 225 tỉ. Theo ước tính hiện thời, ở cuối thế kỷ 20 này, loài người kể từ lúc xuất hiện cách đây 1 triệu năm cho đến nay, có thể có tới 100 tỉ người.

Như vậy vấn đề chỉ còn là có ai đã ngụy tạo tấm khăn đó không.

Lai lịch

  Vào sáng ngày Phục Sinh, thánh Gioan cùng với thánh Phêrô đến mộ Chúa Giêsu và “thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,6-7).

Rồi sau đó, chúng ta không được biết gì thêm về tấm khăn liệm nữa.

Vào thế kỷ 1-2, cộng đoàn tín hữu Edessa (miền trung Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay có giữ một tấm khăn liệm được coi là khăn liệm Chúa Giêsu. Theo truyền thuyết, vua Abgar V cai trị miền này vào đầu thế kỷ 1 bị bệnh phong cùi. Ông viết thư xin Chúa Giêsu đến chữa bệnh. Chúa Giêsu trả lời không thể đến được, nhưng hứa sẽ sai một môn đệ đến với ông. Sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, tông đồ Thađêô đã đem đến cho ông tấm khăn liệm Chúa Giêsu. Vừa thấy khăn liệm, nhà vua liền khỏi bệnh. Vì vậy nhà vua theo đạo, và nhiều người trong vùng cùng theo đạo, lập thành một cộng đoàn tín hữu đông đảo. Sau khi nhà vua chết, người con lên kế vị lại theo tà đạo và bách hại Hội Thánh. Các tín hữu đem khăn liệm giấu trong một hầm tối ở nhà thờ, rồi xây tường bít lại.

Trên đây là truyền thuyết. Nhưng năm 525, một bức tường ở nhà thờ Edessa bị đổ, để lộ ra bên trong là một căn hầm. Trong căn hầm ấy, người ta tìm thấy tấm khăn liệm có in hình người mà người ta cho là chính khăn liệm xác Chúa Giêsu. Năm 944, hoàng đế Constantiopoli hành quân chiếm Edessa và đem tấm khăn ấy về kinh đô, nay là Istambul. Năm 1204, nghĩa binh Thánh Giá vào cướp phá kinh đô Constantinopoli, sau đó người ta không biết tấm khăn liệm giữ được từ gần 700 năm kia biến đi đâu.

Chỉ ít năm sau, người ta thấy Tu hội Hiệp Sĩ Đền Thờ ở Pháp tôn kính tấm khăn liệm có in hình người như tấm khăn liệm ở Edessa trước kia. Các Hiệp sĩ đặt ra những nghi thức tôn kính đặc biệt. Vua Philippe le Bel (1285-1314) của Pháp rất ghét tu hội ấy nên kết án là thờ quấy và giải thể tu hội. Các Hiệp sĩ Đền Thờ nhường khăn liệm lại cho Đức Giám Mục giáo phận Besancon (miền đông nước Pháp). Khăn liệm được cất trong nhà thờ Thánh Stêphanô ở đó. Năm 1349, nhà thờ bị cháy, và tấm khăn liệm lại biến mất.

8 năm sau, năm 1357, công tước Geofrey de Charny ở Lirey (đông bắc nước Pháp) được vua Philippe VI nước Pháp tặng tấm khăn liệm có in hình người. Gia đình de Charny tổ chức một cuộc trưng bày để lôi cuốn khách hành hương và kiếm tiền, nhưng bị Đức Giám Mục giáo phận Troyes (đông bắc Pháp) ngăn cấm. 30 năm sau, năm 1389, Đức Thánh Cha Clêmentê VII ở Avignon (miền nam nước Pháp) nghĩ rằng khăn liệm là một bức họa trình bày khăn liệm Chúa Giêsu thật, nên cho phép gia đình de Charny trưng bày tại Lirey.

Năm 1453, gia đình de Charny nhường khăn liệm lại cho gia đình Savoy, một dòng tộc thế giá làm lãnh chúa miền Savoie ở miền nam nước Pháp, miền bắc nước Ý và miền tây Thụy Sĩ. Khăn liệm được giữ trong nhà nguyện của gia đình ở Chambery, miền đông nam nước Pháp. Tại đây, nhà nguyện bị cháy năm 1532, nhưng người ta cứu được khăn liệm.

Năm 1578, khăn liệm được di chuyển từ thủ phủ cũ của nhà Savoy là Chambery đến thủ phủ mới là Torino, miền bắc nước Ý, và được giữ trong nhà thờ Chính Tòa ở đó cho đến ngày nay. Mùa thu năm 1978, khăn liệm được trưng bày trong 6 tuần lễ ở Torino, và thu hút được 3 triệu khách hành hương.

Như vậy đã có đến 3 lần đứt quãng: ở Giêrusalem năm 30, ở Istambul năm 1204, ở Besancon năm 1349. Lịch sử tấm khăn liệm Torino chỉ chắc chắn từ năm 1357 ở Lirey. Không có chứng cứ lịch sử chắc chắn là tấm khăn ở Giêrusalem với tấm khăn ở Edessa và tấm khăn ở Lirey chỉ là một.

Theo truyền thuyết thì khi Chúa Giêsu vác thập giá lên đồi Golgotha, có một phụ nữ tên là Veronica đã lấy khăn lau mặt Chúa, và hình ảnh Chúa đã in trên tấm khăn ấy. Theo nguyên nghĩa vera thực, và icon hình, nên Veronica nghĩa là hình thực. Như vậy ngay từ đầu giữa các tín hữu đã giữ một hình thực của Chúa Giêsu trên một tấm khăn. Phải chăng đó chính là tấm khăn liệm?

Xem lại những bức ảnh vẽ hình Chúa Giêsu bên Giáo Hội Đông Phương, người ta chính khám phá ra một điều thú vị. Các hình vẽ trước thế kỷ 6 trình bày khuôn mặt của Chúa cũng như râu tóc Chúa rất khác nhau. Nhưng từ thế kỷ 6 về sau, tất cả các hình đều trình bày khuôn mặt và râu tóc của Chúa rất giống với hình trong khăn liệm Torino. Như thế có lẽ khăn liệm ở Edessa và Constantinopoli chỉ là một.

Dù sao, về phương diện lịch sử, chúng ta không có đủ bằng chứng để kết luận khăn liệm Torino chính là tấm khăn đã liệm xác Chúa Giêsu.

Xét nghiệm khoa học

Năm 1898, lần đầu tiên người ta chụp hình tấm khăn liệm Torino. Khi rửa hình, ông Secondo Pia rất ngạc nhiên vì được một tấm hình âm bản, nghĩa là chỗ đen như tóc thì trắng, mà chỗ trắng như mặt lại đen. Lúc đó người ta mới để ý hình trên tấm khăn liệm là âm bản chứ không phải dương bản. Với một hình âm bản, rất khó hình dung hình dạng người thực thế nào, nên rất khó vẽ. Hơn nữa, người ta chỉ biết đến hình âm bản từ khi có máy ảnh, vào thế kỷ 19, làm sao tấm khăn liệm có ít nhất là từ thế kỷ 14 lại có thể là tác phẩm của một họa sĩ nào được? Vả lại, vẽ như vậy để làm gì? Từ đây, người ta đã nghĩ riêng rất có thể khăn liệm Torino là thực chứ không phải ngụy tạo.

Năm 1902, hai nhà khoa học vô thần người Pháp là Yves Delage và Paul Joseph Vignon nghiên cứu tỉ mỉ những tấm hình của Secondo Pia. Họ đặt câu hỏi: “Phải chăng đây là một bức họa?” Hai ông lấy sơn dẩu rồi lấy màu nước để vẽ một bức họa tương tự, nhưng không thành công. Họ nghĩ rằng ngày xưa người ta liệm xác bằng một dược, lô hội và hương liệu trộn với dầu. Những chất này có thể tạo hình trên khăn liệm. Mặt khác họ cũng biết rằng mồ hôi của người bị tra tấn sinh ra chất urê, chất urê bốc hơi thành amoniac, hơi amoniac làm cho vải trở nên vàng nâu. Hai ông làm thí nghiệm và được một hình người tương tự như trong khăn liệm. Họ trình bày kết quả cuộc thí nghiệm lên Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp, nhưng cuộc tranh luận trở nên sôi nooirmaf không đi đến kết luận nào. Hai ông cho rằng giả như người trong khăn là một ai khác thì chắc mọi người đều tin cả. Riêng hai ông, dù vẫn vô thần, tin chắc chắn người trong khăn liệm là Chúa Giêsu.

Năm 1931, bác sĩ Pierre Barbet người Pháp đã dùng tử thi để thí nghiệm đóng đanh lên thập giá. Ông nhận ra rằng muốn giữ được xác trên thập giá, không thể đóng đanh vào 2 bàn tay, vì sức nặng thân thể sẽ làm rách, nhưng phải đóng đanh vào cổ tay, giữa 3 khúc xương, vào chỗ gọi là “khoảng trống Destot”. Ông cũng nhận ra thêm một điều mới mẻ một điều mới mẻ là nếu đóng đanh vào “khoảng trống Destot”, thì dây thần kinh ngón tay cái bị đụng làm cho ngón này quặp vào lòng bàn tay. Trên khăn liệm Torino, người ta không thấy hình ngón tay cái, vì đã quặp vào lòng bàn tay. Ông cho rằng không ai có thể nghĩ ra chi tiết này, do đó tấm khăn liệm chắc chắn phải liệm xác mmj người bị đóng đanh vào cổ tay, và như vậy phải là khăn liệm thật.

Năm 1968, người ta khai quật trong nghĩa địa oqr Giêrusalem mộ những người bị đế quốc Rôma hành quyết bằng cách đóng đanh thập giá sau vụ khởi nghĩa của Spartacus và các nô lệ (73-71 trước Công Nguyên). Nơi một ngôi mộ ghi tên Johanan, người ta thấy hài cốt một thanh niên bị đóng đanh dài xuyên qua hai bàn chân và phía gót còn dính một miếng gỗ ôliu. Vết đanh ở tay còn rất rõ nơi “khoảng trống Destot”. Năm 1985, người ta lại tìm ra hài cốt một người cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu trên đồi Golgotha. Đó là một thanh niên chừng 20 tuổi. Anh này bị đóng đanh ở cổ tay. Điều đó cho thấy là người Rôma đã nghiên cứu và có kinh nghiệm phải đóng đanh vào khoảng trống Destot. Các nghệ sĩ tạc tượng Chịu Nạn sống vào thời không còn cảnh xử tử bằng thập giá nữa, nên tưởng lầm là tử tội bị đóng đanh vào lòng bàn tay.

Bác sĩ Pierre Barbet còn cho biết vết đâm ở cạnh sườn người trong khăn liệm không khép lại, điều đó chứng tỏ người ấy đã bị đâm sau khi chết, vì nếu bị đâm trước khi chết thì vết thương sẽ khép lại. Thánh Gioan nói ngài đã thấy “máu và nước” từ cạnh sườn Chúa Giêsu chảy ra (Ga 19,34). Làm sao từ cạnh sườn một người đã chết có thể có máu và nước chảy ra được? Từ trước đến nay, nhiều người giải thích đó là phép lạ, có người nghĩ là bịa đặt, nhiều người lại nghĩ là thánh Gioan chỉ có ý nói tượng trưng thôi. Nhưng khoa giải phẫu cho biết khi một người mới chết, trong tâm nhĩ phải của họ còn máu. Do đó nếu đâm vào cạnh sườn bên trái sẽ chẳng có nước hay máu chảy ra. Nhưng nếu đâm vào cạnh sườn bên phải, thâu qua phổi và thủng tâm nhĩ phải, thì chất lỏng trong tim và phổi sẽ theo lưỡi giáo chảy ra gồm 2 lớp: một lớp đặc màu đỏ là huyết cầu, một lớp loãng và trong là huyết thanh và nước.

Năm 1969, người ta lại ghi nhận thêm là hình trên khăn liệm được in hời hợt trên khăn, chứ không thấm vào sợi hoặc len vào các kẽ như trường hợp người ta dùng sơn hay phẩm để họa. Dưới kính hiển vui điện tử, người ta không thấy phẩm nhuộm hay thuốc vẽ nào.

Năm 1973 nhà tội phạm hojcMax Frei, người Thụy Sĩ, dùng máy hút bụi dính trên  khăn liệm đem về phòng thí nghiệm phân tích. Ông nhận thấy trong bụi có 83 loại phấn hoa mọc ở Trung Đông, đa số không có ở Châu Âu.

Cũng năm 1973, người ta cắt 2 miếng nhỏ và rút mấy sợi vải của khăn liệm đưa cho một chuyên viên quốc tế về vải sợi nghiên cứu, mà không cho biết xuất xứ. Giáo sư Gilbert Raes thuộc đại học Ghent nước Bỉ kết luận đó là loại vải có từ thời thượng cổ ở Palestine dùng để liệm xác người chết. Vải dệt bằng một thứ sợi bông trồng ở Trung Đông, ở Châu Âu không có.

Như vậy về lịch sử chỉ chắc chắn khăn liệm Torino xuất hiện ở Lirey năm 1357, nhưng các xét nghiệm khoa học cho biết xuất xứ của khăn là ở Palestine từ thời thượng cổ, tức là cùng nơi chốn và thời gian với Chúa Giêsu.

Năm 1974, hai nhà khoa học Mỹ nhận ra rằng những chỗ nào thi thể tiếp xúc gần khăn hơn thì hình đậm hơn. Hai ông kết luận rằng hình người được cấu tạo không phải do khăn tiếp xúc với thi thể, nhưng bằng một cách nào khác. Để chứng minh, hai ông dùng máy điện tử VP-8 Image Analyser chụp hình. Hai ông ngạc nhiên thấy hình người của khăn liệm có 3 chiều, nghĩa là hình nổi, chứ không phẳng như các bức họa chỉ có 2 chiều.

Sau cuộc trưng bày năm 1978, khăn liệm Torino được trao cho một nhóm 100 nhà bác học làm cuộc xét nghiệm khoa học trong 5 ngày, rồi dành ra 3 năm nữa để nghiên cứu. Nhóm này gồm 32 người Bắc Mỹ, số còn lại là người Châu Âu. Họ theo đủ mọi tôn giáo, và có nhiều người vô thần. Họ bỏ ra 2 triệu đô la, chở theo 72 thùng máy móc, nặng tổng cộng 6 tấn, đến Torino để tiến hành cuộc xét nghiệm khoa học. Nhiều người đã sẵn sàng loan báo đó là tấm khăn ngụy tạo. Họ thấy khăn có màu vàng nâu, sợi vải còn rất bền và nếp gấp còn nhìn thấy rõ ràng. Họ đã dùng các tia tử ngoại và hồng ngoại cũng như tia X để xét nghiệm. Họ chụp 500 tấm hình từng cm2 trên khăn. Ngoài ra họ còn dùng kính hiển vi điện tử để quan sát và dùng máy điện tử để chụp hình cả mặt sau của khăn liệm xem có gì đặc biệt không. Họ hút bụi trên khăn liệm để lấy phấn hoa và những vi thể khác đem về phòng thí nghiệm.

Trong khi tiến hành xét nghiệm, người ta đã phát hiện 2 điều mới: (1) cằm của người trong khăn được buộc bằng dải vải để miệng người chết khỏi há ra; (2) hai mắt người trong khăn được đậy bằng hai đồng tiền. Hai chi tiết trên đây hoàn toàn phù hợp với thói quen tẩm liệm người chết của người Do Thái vào thế kỷ I.

Sau cuộc xét nghiệm, người ta đi đến kết luận:

  • khăn liệm Torino có từ thế kỷ I ở Trung Đông
  • hình trên khăn không do người ta họa, nhưng do xác một người đã được liệm trong đó in lên.

Riêng về vấn đề hình người đã được cấu tạo nên  thế nào thì người ta chỉ đưa ra một giả thuyết. Nếu hình được cấu tạo theo cách bốc hơi như Delage và Vignon trình bày thì hình chỉ có 2 chiều chứ không có 3 chiều như trên khăn liệm Torino. Người ta làm nhiều cuộc thí nghiệm rồi đưa ra giả thuyết sức nóng và ánh sáng. Nếu từ thân thể của người được liệm trong khăn phát ra một sức nóng và ánh sáng cực mạnh thì hình được in lên khăn như hiện có trong khăn liệm Torino.

Người ta cũng đưa ra giả thuyết “Giêsu nhỏ”: có thể một kẻ cuồng tín nào đó đã để chi người ta làm lại việc hành hình Chúa Giêsu nơi bản thân mình, và tạo nên tấm khăn liệm như chúng ta hiện có. Giả thuyết này khó chấp nhận. Trong truyền thống Kitô giáo không thấy một dấu vết nào về một quan niệm cuồng tín như vậy. Vả lại người Kitô phân biệt rất rõ những gì liên hệ đến Chúa Giêsu và những gì khác. Do đó giả thuyết “Giêsu nhỏ” chẳng có căn cứ gì hết.

Với những xét nghiệm khoa học trên đây, và với khoa xác xuất thống kê, người ta gần như hoàn toàn chắc chắn khăn liệm Torino chính là khăn đã liệm xác Chúa Giêsu.

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu 

            Nếu quả thực tấm khăn liệm Torino chính là khăn liệm xác Chúa Giêsu thì đó thực là một cuốn phim cho chúng ta thấy nhiều chi tiết về cuộc khổ nạn của Chúa. Mà các chi tiết đó, đôi khi không trùng hợp với ảnh tượng do các nghệ sĩ trình bày, lại hoàn toàn trùng hợp với những điều các sách Tin Mừng trình bày.

Đánh đòn

Bình thường theo luật Rôma, phạm nhân nào bị đánh đòn thì không bị đóng đanh, mà hễ bị kết án đóng đanh thì không bị đánh đòn. Tin Mừng Lc 23,13-16 cho biết Tổng trấn Philatô dự tính cho đánh đòn Chúa Giêsu rồi tha, vì thấy Người vô tội. Nhưng sau đó do áp lực của hàng lãnh đạo Do Thái, Philatô lại kết án tử hình cho Người. Như vậy Chúa Giêsu sau khi bị đánh đòn lại còn bị đóng đanh. Khăn liệm Torino làm chứng đúng như vậy.

Theo các vết in trên khăn liệm, người ta chắc rằng khi bị đánh đòn, Chúa Giêsu bị lột trần truồng, bị treo hai tay lên cao về phía trước, nhưng chân vẫn đứng trên đất, bụng tựa vào một cây cột hoặc một bức tường cao tới thắt lưng. Những người đánh Chúa đứng ở hai bên, cùng một lúc chỉ có một hay hai người đánh. Họ cầm những roi là 2 sợi dây được gắn vào cán bằng gỗ hoặc bằng kim khí, đầu mỗi sợi dây gắn một thỏi kim khí lớn tương đương với nắp cái bút bi. Thỏi kim khí có khi là một thỏi hai đầu lớn, ở giữa nhỏ hơn, có khi là 2 khối cầu như 2 viên bi, đường kính chừng 1 cm, nối với nhau bằng sợi dây làm cho 2 khối cách nhau chừng 1 cm.

Chúng ta nhớ là chỉ những vết thương xé thịt mới để lại dấu vết trên khăn liệm. Người Rôma thường dùng chính sách thù nghịch chủng tộc để cai trị các thuộc địa. Binh sĩ Rôma chiếm đóng Giêrusalem là người Syri thù nghịch với người Do Thái. Vì thế, binh sĩ Rôma thường rất tàn ác với  những phạm nhân trong các thuộc địa. Với hơn 100 vết thương xé thịt trên khăn liệm, chúng ta chắc chắn Chúa Giêsu đã bị hành hạ chí tử.

Đội triều thiên gai

Việc cho phạm nhân đội triều thiên gai trước khi đóng đanh là điều chỉ được ghi nhận trong trong trường hợp Chúa Giêsu, không thấy ở đâu khác. Có lẽ vì hàng lãnh đạo Do Thái tố cáo với Tổng Trấn Philatô rằng Chúa Giêsu xưng mình là vua, nên binh sĩ Rôma mới nghĩ ra trò làm một triều thiên bằng gai đặt lên đầu Người để hành hạ và nhạo báng Người. Thánh Matthêu ghi nhận: “Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay Người một cây sậy. Chúng còn quì gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái” (Mt 27,28-29).

Theo khăn liệm, chúng ta thấy rõ 4 vết thương ở trán, do những gai dài và nhọn đâm vào da, vết thương nhỏ nhưng sâu, máu chảy thành những vật dài trên trán. Phía sau đầu, phần chẩm, những vết thương dày hơn. Máu từ các vết thương chảy ra làm tóc ở phần chẩm và phần ót dính bê bết máu.

Ngoài ra, thánh Matthêu còn ghi nhận việc xảy ra ở Công nghị Do Thái: “Họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người và nói: Ông Kitô ơi, bói xem ai đánh ông đó” (Mt 26,67-68). Và thánh Marcô: “Một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đấm đánh vừa nói: ‘Bói xem ai đánh đó.’ Bọn lính canh đem Người ra, tát Người túi bụi” (Mc 14,65). Trên khăn liệm, chúng ta nhận thấy ở mặt Chúa Giêsu có nhiều chỗ sưng húp lên. Rõ nhất là vết sưng giữa mắt bên phải và mũi: xống mũi bị giập sưng lên. Người ta cho rằng đó là dấu tích một vết đánh bằng gậy.

Vác thập giá

Chúng ta thường trình bày Chúa Giêsu vác thập giá gồm một thanh dọc và một thanh ngang đóng sẵn vào nhau. Thực ra trọng lượng một cây thập giá như vậy phải vào khoảng 80 Kitô giáo, không làm sao một phạm nhân việc đi được một khoảng đường xa. Theo nhiều chứng cứ lịch sử, người ta biết rằng thanh dọc thường cao chừng 3 mét và chôn dưới đất chừng 1 mét đã dựng sẵn ở pháp trường. Tử tội chỉ phải vác thanh ngang đi thôi. Thanh ngang này khổ từ 13 cm x 15 cm đến 16cm x 20 cm, dài ít nhất 1,40 mét, nặng từ 17 kg đến 27 kg. Đường từ dinh Tổng Trấn đến Núi Sọ chừng 500 mét. Chúng ta hiểu được rắng sau khi đã bị hành hạ chí tử, Chúa Giêsu không vác nổi một khúc cây trên dưới 20 kg đi xa 500 mét, nên binh sĩ Rôma phải bắt một nông dân vác hộ.

Tuy nhiên dấu vết của việc Chúa Giêsu vác thập giá còn thấy rõ trong khăn liệm. Trên 2 vai, đặc biệt là vai bên phải, Chúa Giêsu bị lột da và chảy máu nhiều, chắc là do sức nặng của thanh ngang và có thể do mặt sù sì của gỗ. Vết lột da che đi những vết đánh đòn cho thấy đúng là Chúa Giêsu đã phải vác thập giá sau khi đã bị đánh đòn. Đầu gối Chúa Giêsu bị giập và bị rách nhiều chỗ, Chắc chắn đầu gối Chúa không bị ảnh hưởng của trận đòn. Vì vậy, chắc chắn Chúa Giêsu đã ngã chống đầu gối xuống đất nhiều lần trên đường lên Núi Sọ.

Đóng đanh

Trước hết, tử tội bị lột hết quần áo. Thực tế tử tội thường được che phần bộ phận sinh dục. Quần áo của tử tội là phần thưởng dành cho các lí hình. Rồi  người ta cho Chúa Giêsu nằm ngửa trên đất, 2 tay đưa lên phía trên đầu, lấy danh đóng vào 2 cổ tay cho dính chắc vào thanh ngang. Sau đó người ta dùng cây kéo thanh ngang lên gắn vào thanh dọc đã chôn sẵn. Cuối cùng người ta chồng 2 bàn chân Người lên nhau và đóng một đanh xuyên qua cả 2 bàn chân gắn vào thanh dọc. Khăn liệm còn để lại các dấu tích cho thấy máu từ ls vết đanh ở 2 cổ tay và 2 bàn chân chảy ra thật nhiều, dính trên cánh tay và bàn chân.

Khi bị đóng đanh như vậy, Chúa Giêsu bị sức nặng của thân thể (78 kg) kéo xuống làm căng 2 cánh tay, ép lồng ngực lại, rất khó thở. Mỗi khi muốn thở, Chúa Giêsu phải dùng cái đanh đóng qua hai bàn chân làm điểm tựa để rướn người lên cho lồng ngực khỏi ép chặt 2 lá phổi. Mỗi lần như vậy, Chúa Giêsu phải đau đớn biết chừng nào. Để cho tử tội mau chết, người thường đánh giập 2 ống chân, như vậy tử tội không thể rướn lên để thở được nữa và bị chết ngạt. Riêng Chúa Giêsu không bị đánh giập ống chân, nhưng đã chết ngạt vì yếu sức quá, sau trận đòn chí tử, không rướn người lên để thở được nữa. Dấu hiệu còn lại về việc Chúa chết ngạt là bụng chương lên. Thấy Chúa Giêsu không bị đánh giập ống xương chân, thánh Gioan đã liên tưởng tới con chiên Vượt Qua trong Cựu Ước: bị giết, nhưng không bị đánh giập xương nào. Đây cũng là trường hợp rất họa hiếm đối với các tử tội bị đóng đanh.

Đâm thâu trái tim

Giờ đây chúng ta có thể nói mà không sợ bị coi là tưởng tượng và tình cảm rằng Chúa Giêsu đã bị đâm thâu trái tim. Đối với các lí hình Rôma thì đó chỉ là hành vi cuối cùng để chắc chắn tử tội đã chết. Nhưng thánh Gioan đã liên tưởng đến bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể đem lại cho tín hữu sự sống mới nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Thánh Gioan cũng coi thân xác Chúa Giêsu là đền thờ Thiên Chúa thay cho đền thờ Giêrusalem. Thế mà ngôn sứ Ezekiel loan báo đền thờ được tái lập sau thời kỳ lưu đày Babylon sẽ có nước chảy ra từ bên hữu, nước chảy đến đâu thì ở đó sự sống trổ sinh. Và Giáo Hội hân hoan trong bài tiền tụng lễ Thánh Tâm: “Khi mọi người được lôi cuốn đến cùng trái tim rộng mở của Đấng Cứu Thế thì luôn luôn vui mừng uống nước nơi nguồn suối cứu độ.” 

An táng

Vì Chúa Giêsu chết vào khoảng 3 giờ chiều ngày thứ sáu áp lễ Vượt Qua,  nên các môn đệ của Chúa phải lo việc an táng gấp rút để xong trước 6g chiều như luật định. Khi được lệnh của Tổng Trấn Philatô, hai người môn đệ chui là Giuse quê ở Arimathia và Nicôđêmô hạ xác Chúa xuống để an táng. Thánh Gioan ghi nhận: “Hai ông lãnh thi hài Đức Giêsu, dùng băng vải tẩm thuốc thơm mà liệm, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19,40). Các Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca nói rõ hơn về khăn liệm: “Khi đã nhận thi hài, ông Giuse lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ rồi ra về” (Mt 27,59-60). Ông Giuse “mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giêsu xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào trong ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ” (Mc 15,46). Ông Giuse “hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ” (Lc 23,53).

Như vậy là đúng như dấu vết của khăn liệm Torino: Chúa Giêsu không được tắm rửa và mặc quần áo trước khi liệm, chỉ được xức bằng thuốc thơm. Vì phải giữ luật mà vội vàng, nhưng các môn đệ chưa coi như vậy là xong. Thánh Luca viết: “Cùng đi với ông Giuse, có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem thi hài Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sabát, các bà nghỉ lễ như luật truyền” (Lc 23,55-56).

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, các bà đến mộ để hoàn tất việc tẩm liệm và chôn cất Chúa Giêsu. Nhưng Chúa đã không còn ở đó nữa. chỉ còn lại tấm khăn liệm. Có thể là khi Phục Sinh, thân xác Chúa thực sự tỏa ra một sức nóng và ánh sáng mãnh liệt khiến cho hình ảnh của Chúa được lưu giữ lại cho hậu thế.

Đối với người Do Thái, những gì đã đụng chạm đến một xác chết đều là dơ bẩn. Nhưng có thể khi biết Chúa Giêsu đã phục sinh, các môn đệ đã lưu giữ tấm khăn liệm như một báu vật, bất chấp luật lệ Do Thái. Sau đó trải qua bao nhiêu biến cố trong gần 2000 năm, tấm khăn được gìn giữ và lưu truyền cho chúng ta gần như một phép lạ.

Kết luận

            Thế kỷ 20 là thế kỷ của nền văn minh hình ảnh. Tấm khăn liệm Torino qua hơn 19 thế kỷ ít được để ý vì chưa có bằng chứng xác thực. Nay thế kỷ 20 với những phương tiện khoa học tối tân nhất đã khám phá ra hình ảnh thực của Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Tấm khăn liệm chẳng những họa lại khuôn mặt nhân loại của Người, mà qua các vết tích của cuộc Thương Khó, còn nói lên được cả bàn tay phi nhân của con người và trái tim từ ái của Thiên Chúa.

Với một thời đại thích hình ảnh, Thiên Chúa đã ban cho một hình ảnh để chiêm ngắm, đó là hình ảnh của Chúa Giêsu, khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa vô hình.

Thủ Đức, Tuần Thánh 1985

Cosma Hoàng Văn Đạt SJ