Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 33 thường niên: Kính các thánh tử đạo Việt nam

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN. KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN         Lc 9,23-26

  1. So sánh Lc 9,22 và Lc 9,23-26. Số phận của Đức Giêsu và số phận của các môn đệ Ngài có nét nào giống nhau không ?
  2. Đọc Lc 9,22. Bạn có thấy bàn tay của con ngườibàn tay của Thiên Chúa trong cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu không ?
  3. So sánh Lc 9,23 với Mc 8,34. Tìm một điểm khác biệt giữa hai đoạn văn trên.
  4. Đọc Lc 9,23. Vào thời Đức Giêsu, ai là người phải vác thập giá ? Vậy theo bạn, “vác thập giá của mình mỗi ngày” nghĩa là gì ?
  5. Đọc Lc 9,23. Đức Giêsu có ép người ta làm môn đệ của Ngài không ? Ngài có mời chúng ta vác thập giá của người khác không ? Người kitô hữu có cô đơn khi vác thập giá của mình không ?
  6. Đọc Lc 9,24. Thử tìm một định nghĩa về thánh tử đạo trong câu này.
  7. Đọc Lc 9,25. Câu này cho thấy điều gì có giá trị hơn cả thế gian này ?
  8. Đọc Lc 9,26. Người kitô hữu còn phải chịu nhiều đau khổ ở đời này. Ai là niềm hy vọng của chúng ta ?
  9. Đọc Lc 9,23-26. Bạn có thấy Đức Giêsu là trung tâm của đời người môn đệ không?

CÂU HỎI SUY NIỆM: Trong thời bách hại, thánh tử đạo là người làm chứng cho Chúa bằng cái chết.  Trong thời đại vật chất lợi danh, tôi làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống như thế nào?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. So sánh Lc 9,22 và Lc 9,23-26 ta thấy có những nét giống nhau giữa số phận của Đức Giêsu và số phận của người môn đệ. Cả Thầy và trò đều phải chịu nhiều đau khổ, “bị giết chết” hay “mất mạng sống.” Nhưng cuối cùng, Thầy “sẽ được trỗi dậy”, và trò cũng sẽ “cứu được mạng sống.”
  2. Luca 9,22 nói lên cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Động từ “phải” ở đây cho thấy toàn bộ những biến cố trong câu này nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vẫn có bàn tay con người trong những biến cố này: giới lãnh đạo Do-thái giáo là các kỳ mục, thượng tế và kinh sư, sẽ “loại bỏ và giết chết” Đức Giêsu. Nhưng bàn tay mạnh mẽ của Thiên Chúa sẽ làm cho Đức Giêsu “được trỗi dậy” (Bản dịch tiếng Việt thiếu từ “được”).
  3. Chỉ Luca 9,23 mới có cụm từ “hàng ngày” đi sau “vác thập giá.” Như thế từ bỏ mình và vác thập giá không phải là chuyện làm một lần là xong, nhưng kéo dài mọi ngày trong cuộc sống trần thế.
  4. Vào thời Đức Giêsu, nhà cầm quyền Rôma bắt những tử tội vác thanh ngang của thập giá đến nơi hành hình. Như thế người vác thập giá là người sắp bị đóng đinh, sắp bị giết chết. Khi nói đến “vác thập giá mỗi ngày,” Đức Giêsu muốn so sánh những từ bỏ mình hàng ngày với cái chết của tử tội. Từ bỏ là chết cho chính mình.
  5. Qua Lc 8, 23, Đức Giêsu không ép ai theo Ngài làm môn đệ (“Ai muốn theo Tôi”); Ngài cũng không mời ta vác thập giá của người khác (“vác thập giá của mình”). Hơn nữa, ta không vác thập giá một mình, nhưng vác thập giá đi sau Đấng đã vác thập giá đi trước ta (“mà theo”).
  6. Thánh tử đạo là người dám “mất mạng sống của mình vì Đức Giêsu.”
  7. Luca 9,25 cho thấy được cả thế gian này mà “đánh mất hay thiệt mất chính mình” thì chẳng có lợi gì. “Chính mình” ở đây không phải là mạng sống chóng qua ở đời này, nhưng là sự sống vĩnh cửu.
  8. Luca 9,26 cho thấy niềm hy vọng của chúng ta nằm nơi Đức Giêsu. Ngài là “Con Người ngự đến trong vinh quang của mình, và của Chúa Cha, và của các thiên thần.” Chúng ta sẽ được chung hưởng vinh quang ấy khi Ngài trở lại ngày quang lâm.
  9. Người môn đệ là người “đi theo” Đức Giêsu, “vác thập giá mình mà theo Ngài” (c. 23); là người dám “mất mạng sống mình vì Đức Giêsu” (c. 24); là người không được “xấu hổ vì Đức Giê su và những lời của Ngài” (c. 26). Như thế, Đức Giêsu đóng vai trò trung tâm trong đời người môn đệ. Có được sự sống đời đời hay không dựa trên thái độ của người môn đệ đối với Đức Giêsu.
  10. Lm. Ant ôn Nguyễn Cao Siêu sj.