Lễ Ban Đêm

 BÀI ĐỌC I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6)

“Chúa ban Con của Người cho chúng ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui ? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.

Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13

Đáp: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta,

Người là Đức Kitô, Chúa chúng ta (Lc 2, 11).

  1. Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. – Đáp.
  2. Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. – Đáp.
  3. Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. – Đáp.
  4. Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. – Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Tt 2, 11-14

“Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Lc 2,1-14

Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao tỏa chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ.

Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.

Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

 

Bài giảng của Đức Hồng Y Phaolô Giuse

MẦU NHIỆM ÁNH SÁNG

Thưa anh chị em thân mến,

Đêm hôm nay, một đêm tràn đầy ánh sáng, chúng ta cùng với anh chị em giáo hữu khắp thế giới, đón mừng Chúa Giáng Sinh để cứu nhân loại ra khỏi quyền lức của sự tối tăm.

Trong bài kinh lễ hôm nay, Giáo Hội dạy ta cầu xin rằng: Lạy Chúa, là Đấng đã lấy ánh sáng chân thật soi đêm rất thánh này, xin Chúa cho chúng con khi ở trần gian, hiểu biết những mầu nhiệm của ánh sáng để sau được hưởng sự an lạc trên trời.

Thưa anh chị em thân mến,

Giáo Hội xin chúng ta được hiểu biết mầu nhiệm của ánh sáng. Câu ấy có nghĩa là: Chúng ta ai cũng nhận rằng trong đời sống của con người cũng như của vạn vật, ánh sáng có một vai trò rất quan trọng, rất cần thiết: Ánh sáng xua đuổi sự tối tăm, làm cho chúng ta được xem thấy các vật xa gần… Con mắt ta dù có tinh đến đâu, nếu không có ánh sáng thì cũng không nhìn thấy vật gì. Mỗi khi qua một đêm tối tăm, thì ánh sáng mặt trời mọc lên, chiếu soi ngọn cỏ ngàn cây, vạn vật như sống lại dưới muôn vàn mầu sắc.

Ánh sáng cũng đem lại nhiệt lực, phá tan sự lạnh lẽo, làm cho cơ thể ta được ấm áp lành mạnh. Vì thế, người ta quen nói: Đâu có ánh sáng mặt trời soi vào thì thầy thuốc không đến.

Tuy có một công dụng cần thiết như thế, một ích lợi quan trọng như thế, nhưng ánh sáng đối với ta vẫn là một bí nhiệm. Mỗi buổi sáng chúng ta mở cửa, ánh sánh tràn vào buồng ta, vây quanh ta, nhưng ta không nắm được nó. Ánh sáng làm cho ta trông thấy các vật, nhưng bản chất ánh sáng thì chúng ta không hiểu nó như thế nào, chẳng những đối với ta mà ngay cả những nhà thiên văn học, quan sát những tia sáng phát ra từ các vì tinh tú xa muôn ngàn dặm, các nhà vật lý mất bao nhiêu ngày giờ nghiên cứu về bản chất ánh sáng cũng chưa tìm được câu giải đáp rõ rệt về ánh sáng là gì?

Đừng kể ánh sáng bề ngoài làm cho mắt ta xem thấy các vật hữu hình, thì còn một thứ ánh sáng khác, là ánh sáng bề trong làm cho trí khôn ta nhận thấy chân lý. Ánh sáng bề trong càng cần cho đời sống tinh thần của chúng ta. Thiếu ánh sáng trí khôn chúng ta sẽ không thể nhận biết sự thật, chúng ta sẽ sống trong lầm lạc giả dối.

Sau nữa, thưa anh chị em thân mến, nếu ánh sáng bề ngoài là một bí nhiệm hơn nữa, vì nó không ở trong phạm vi thí nghiệm của khoa học.

Ánh sáng là sự cần thiết cho đời sống chúng ta về phương diện vật chất cũng như tinh thần. Ánh sáng cũng là một bí nhiệm, trí khôn chúng ta không thể hiểu tường tận, vì thế ánh sáng là hình ảnh thích hợp nhất nâng tâm hồn ta tưởng đến Thiên Chúa là Đấng rất mầu nhiệm vượt lên trên mọi hiểu biết của các loài thụ sinh. Đọc Sách Thánh, chúng ta thấy rất nhiều câu nói đến Thiên Chúa Ngôi Hai Giáng Sinh làm người để mắt chúng ta có thể xem thấy, tay chúng ta có thể sờ đến, đoạn Người viết: “Đây là một lời giáo huấn mà Chúa đã dạy và tôi truyền lại cho anh em: Thiên Chúa là Ánh Sáng, ở nơi Thiên Chúa không có một tí gì là tối tăm”.

Thưa anh em thân mến,

Thiên Chúa là Ánh Sáng và cách đây gần hai ngàn năm, ngày Lễ Sinh Nhật đầu tiên, ánh sáng đó đã ra nhập cõi trần, để soi cho nhân loại đang chìm đắm trong đêm tối, như lời Tiên Tri Isaia đã báo trước: “Một dân tộc đang bước đi trong u tối đã xem thấy ánh sáng vĩ đại, một trẻ Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Nam Tử đã được ban cho chúng ta.”.

Đọc các Sách Thánh, các kinh cầu nguyện và các bài hát của Giáo Hội trong lễ hôm nay, chúng ta nhận thấy hết thảy đều nói lên mầu nhiệm của ánh sáng và khuyên giục ta nâng tâm hồn cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ánh sáng đích thực là Chúa Giêsu.

 Muốn hiểu rõ ơn cao trọng Thiên Chúa ban trong đêm Sinh Nhật chúng ta hãy nhớ lại hoàn cảnh nhân loại thời xưa trước khi Chúa Cứu Thế ra đời. Hết mọi người đều sống trong lầm lạc tội lỗi, người ta không biết mình bởi đâu mà ra, sống ở đời để làm gì, chết đoạn đi đâu? Về phương diện tôn giáo, người ta không hiểu biết Thiên Chúa thật, họ cúi đầu thờ lạy những tà thần, những ảnh tượng bằng gỗ đá do bàn tay con người tạo nên. Về phương diện luân lý, người ta không nắm vững được nền tảng đích thức của luân lý là chính Thiên Chúa, vì thế họ buông mình theo những dục vọng, ích kỷ đê hèn, gây nên biết bao điều bất công gian ác mà lịch sử nhân loại đã viết lên những trang cực kỳ đen tối. Trong tình trạng đó, đời sống con người như thuyền không lái lênh đênh trên mặt nước, giữa đám mây mù, bị trôi dạt không biết vào đâu và chìm đắm không biết lúc nào.

Vì thế, trước khi Chúa đến, cả nhân loại mong đợi Chúa như người bước đi trong đêm tối đợi ánh sáng bình minh. Sách Phúc Âm kể lại: Khi Đức Mẹ bế Chúa Giêsu dâng trong đền thờ, thì gặp một cụ già tên là Simêon, ông này tượng trưng cho cả nhận loại đang chờ mong ánh sáng, ông đã bế lấy Con Trẻ Giêsu trên tay, tâm hồn ông nghẹn ngào cảm động, ông cất tiếng ca tụng Chúa: “Giờ đây, lạy Chúa xin hãy để cho tôi tớ Chúa chết bình an, vì con mắt tôi đã được trông thấy ơ Chúa cứu chuộc là ánh sáng soi các dân tộc, là vinh quang Isrel dân Chúa.

Cũng như cụ già Simêon, mỗi người giáo hữu chúng ta trong đêm Sinh Nhật này cũng có thể vui mừng nói lên rằng: Con mắt tôi đã được trông thấy ánh sáng, từ nay trên đường đời tôi sẽ không bơ vơ lầm lạc, theo sau Chúa tôi sẽ không bước đi trong đêm tối.

Nhưng, thưa anh chị em thân mến, chúng ta tự hỏi: Ngày nay mọi người đã tiếp thu ánh sáng Chúa chưa? – Đáp lại câu hỏi đó Thánh Gioan trong đầu Phúc Âm của Người có viết: “Ánh sáng đã soi trong tối tăm, nhưng tối tăm không tiếp nhận ánh sáng… Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến với dân Người, nhưng dân Người không đón nhận Người”. Ngày nay cũng như ngày xưa, dù trải qua hai ngàn năm, Đạo Chúa được rao giảng khắp nơi, nhưng vẫn còn bao nhiều người chưa hiểu mầu nhiệm của ánh sáng, chưa nhìn nhận ánh sáng.

Ánh sáng đêm Sinh Nhật có đâu ở tại những ngọn nến cháy trên bàn thờ, nhưng bóng điện trên cột tháp, hoặc những đèn xanh đỏ mắc vào những cây Giáng Sinh. Ánh sáng của đêm Sinh Nhật căn bản ở trong lòng người biết nhìn nhận Con Trẻ  nằm trong hang đá là Đấng Cứu Thế muôn dân, đến soi cho nhân loại khỏi tối tăm lầm lạc…. Sinh Nhật có đâu ở tại nhưng trang trí bên ngoài, Sinh Nhật là Ngôi Hai Thiên Chúa đến nhận lấy bản tính loài người chúng ta để ban cho chúng ta được dự phần vào bản tính loài người chúng ta để ban cho chúng ta được dự phần vào bản tính Thiên Chúa của Người. Sinh Nhật là Ngôi Hai Thiên Chúa, ánh sáng vĩnh cửu ẩn mình dưới thân thể một Hài Nhi yếu đuối để gỡ chúng ta khỏi quyền hành của tà thần đen tối.

Thưa anh chị em thân mến,

Đêm hôm nay, đêm đầy ánh sáng, chúng ta hát mừng Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Tâm hồn chúng ta chẳng những nhớ đến Sinh Nhật đầu tiên ở Belem có các Thiên thần hiện xuống báo tin cho những người chăn chiên, có ánh sáng toả xuống bao trùm lấy họ…. Chẳng những thế, đêm nay chúng ta cũng tưởng đến một ngày Chúa xuống phán xét thiên hạ. Ngày xưa trong hang đá Belem, Chúa đến hiện thân nơi một con trẻ hèn yếu, nghèo nàn, nằm trong máng cỏ. Sau này Chúa sẽ xuống trong vinh quang với tất cả uy quyền của Người. Chúa đến lần thứ nhất có mục đích sửa soạn cho ngày Chúa đến lần sau. Trong khi chờ đợi ngày vĩ đại đó, mọi người chúng ta phải dọn tâm hồn để đón nhận Chúa đến bằng sự tin cậy yêu mến Chúa, và sống một ngày đời ngay lành công chính. Theo lời Thánh Phaolô dạy trong bài Thánh Thư Lễ hôm nay: “Chúa đã tỏ mình ra để cứu mọi người, Chúa dạy chúng ta hãy bỏ những hành vi bất tín và những dục vọng trần tục để ngay từ đời này chúng ta sống tiết độ, công chính, đạo đức, chờ đợi hy vọng đầy hạnh phúc vào Đấng giáng thế vinh quang của Chúa sau này”.

Thưa anh chị em thân mến,

Ngày Lễ Sinh Nhật năm 496 tại nhà thờ Thành Reins bên Pháp có lễ nghi rửa tội cho vua Clovis. Nhà thờ hôm ấy được trang hoàng hết sức lộng lẫy. Khi bước chân vào nhà thờ, vua Clovis trông thấy cảnh tượng uy nghiệm hùng vĩ đó lên hỏi Đức Giám Mục rằng: Đây có phải là Nước Thiên Đàng mà Đức Cha cho tôi được vào không? – Câu hỏi đó có vẻ ngây ngô của một người man di mới tòng giáo, tuy thế cũng gợi cho chúng ta một ý tưởng: Mỗi lần chúng ta dự lễ Giáng Sinh, chúng ta phải nâng tâm hồn lên nhờ đến ngày Tái Giáng, Chúa sẽ lại đến đem chúng ta về trời là quê thật chúng ta, “ Ở đó sẽ không còn đêm tối nữa, chúng ta không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Thiên Chúa sẽ chiếu soi chúng ta và chúng ta sẽ cai trị với Chúa muôn đời”  (Apoc. 22, 4. Ngày ấy, Chúa sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh quang của Người.

Khi vua Clovis hỏi: Đây có phải là Nước Thiên Đàng mà Đức Cha hứa cho tôi vào không? Thì Đức Cha thưa rằng: Không, đây chưa phải là Nước Thiên Đàng, đây mới là khởi điểm con đường đưa lên Nước đó. Thực tế, Lễ Sinh Nhật của chúng ta ở trần gian, dù có sáng láng long trọng đến đâu cũng chỉ là bước đầu của một cuộc hành trình. Cuộc hành trình này sẽ kéo dài lót đời chúng ta, và đòi chúng ta nhiều hy sinh cố gắng. Dự lễ xong ra về, chúng ta phải đem ánh sáng Sinh Nhật giãi toả ra trong cách ăn ở, trong đời sống của chúng ta theo lời Thánh Phaolô dạy: “Khi xưa anh em là tối tăm, thì nay anh em là ánh sáng trong Chúa Kitô. Anh em hãy ăn ở xứng đáng là con cái sự sáng, và kết quả của sự sáng là nhân từ, công chính và chân thật”.

Người ta không đốt ánh sáng rồi để dưới thùng, ánh sáng của chúng ta phải giãi toả ra trong mọi lời nói, mọi việc ta làm để những người chung quanh được xem thấy và ngợi khen Cha Cả trên trời. Giữa một thế giới đầy gian dối lầm lạc, đời sống của chúng ta phải tượng trưng cho sự chân thật ngay chính…. Đó là ơn Sinh Nhật mà hết thảy chúng ta hãy tha thiết kêu xin cùng Chúa theo lời Giáo Hội đọc trong Thánh Lễ hôm nay: “Lạy Chúa toàn năng, chúng con đã được ánh sáng mới của Ngôi Hai Nhập Thể, soi thấu tận đáy lòng, xin Chúa lấy ánh sáng Đức tin chiếu dọi vào tâm trí và mọi việc làm của chúng con. Vì danh Chúa Kitô là Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa muôn đời”. Amen.

 

Vinh danh Thiên Chúa trên trời (TGM Giuse Ngô quang Kiệt)

Đêm nay, tại các nhà thờ trên khắp thế giới vang lên lời ca của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh năm xưa:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người Chúa thương”

Lời hát của các thiên thần chính là sứ điệp của Chúa từ trời cao gửi xuống. Lời hát này nối kết đất với trời. Lời hát này ràng buộc Thiên Chúa với con người.

Tại sao “”Vinh danh Thiên Chúa trên trời” phải đi liền với “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”? Thưa vì Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa tự ràng buộc mình với con người.

Vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện trở nên một trẻ thơ yếu ớt. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện làm con của loài người, sinh ra bởi một người phụ nữ. Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã muốn trở nên một thành viên trong gia đình nhân loại, có một gia đình như những người khác.

Thiên Chúa đã tự nguyện làm một người như chúng ta, Thiên Chúa tự đồng hóa với con người đến nỗi từ nay ai khinh miệt một con người là khinh miệt chính Chúa, ai bạc đãi một con người là bạc đãi chính Chúa, ai hà hiếp một con người là hà hiếp chính Chúa. Ai xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Chúa.

Hang đá Bêlem là một lời mời gọi tha thiết và cấp thiết cho tương lai nhân loại. Thiên Chúa hóa thân làm một trẻ sơ sinh để mời gọi ta hãy biết tôn trọng sự sống. Thiên Chúa sinh ra làm một trẻ thơ yếu ớt để mời gọi ta hãy biết yêu thương những người bé nhỏ, yếu hèn. Thiên Chúa sinh ra trong cảnh nghèo nàn để mời gọi ta hãy biết nâng đỡ những người nghèo khổ. Thiên Chúa sinh làm con Đức Mẹ Maria để mời gọi ta hãy biết kính trọng phụ nữ. Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình để mời gọi ta hãy biết bảo vệ những truyền thống tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Lời mời gọi này có tính chất quyết định không những cho hạnh phúc chóng qua mà còn cho hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

Vì ai tôn trọng con người là tôn trọng chính Chúa. Ai phục vụ con người là phục vụ chính Chúa. Như lời Chúa dạy: mỗi lần ta cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, là ta làm cho chính Chúa (x. Mt 25).

Như thế, lễ Chúa Giáng Sinh là lễ của phẩm giá con người. Chúa xuống trần để nâng cao phẩm giá con người. Chúa làm người để con người được kính trọng. Con người cao quý vì đã được nâng lên làm con Thiên Chúa.

Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Vui vì con người được Thiên Chúa yêu thương. Vui vì con người được nâng lên địa vị cao trọng. Hôm nay khi đọc Kinh Tin Kính đến câu: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”, ta hãy quỳ gối trước tình yêu thương cao cả của Chúa dành cho ta. Quỳ gối để suy niệm sự cao cả của con người vì được Chúa yêu thương.

Vì thế, để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho đúng ý nghĩa, tôn thờ Thiên Chúa vẫn chưa đủ, ta còn phải yêu thương kính trọng con người. Dịp lễ Giáng Sinh, chỉ đến viếng hang đá thôi chưa đủ, ta còn phải đến viếng những nhà tranh vách đất, giúp dựng lại những túp lều xiêu vẹo. Chỉ đến viếng Chúa Giêsu bé thơ thôi chưa đủ. Ta còn phải đến viếng những trẻ em bị bỏ rơi, vực dậy những tuổi thơ bất hạnh. Chỉ cảm thương Thánh Gia trong hang đá nghèo nàn thôi chưa đủ. Ta còn phải cảm thương những anh chị em nghèo khổ, thiếu may mắn ở quanh ta.

Chỉ khi nào tất cả mọi người được yêu thương, ta mới có thể mừng lễ Giáng Sinh thật sự vui tươi. Chỉ khi nào tất cả mọi người bé nhỏ, yếu ớt, nghèo hèn được kính trọng, ta mới có thể hát vang lời ca:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người Chúa thương”

Trong tâm tình yêu mến và kính trọng, tôi xin gửi tới tất cả anh chị em lời cầu chúc đầy bình an và ân sủng của Chúa Hài Nhi Giáng Sinh. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1. Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương. Khi hát câu này bạn có ý thức mối liên hệ chặt chẽ giữa Thiên Chúa với con người không?

2. Tại sao Chúa Giêsu đòi buộc ta phải yêu mến con người nếu ta thực sự yêu mến Chúa?

3. Lễ Giáng Sinh này, bạn sẽ làm việc cụ thể nào để thực sự mừng đón Chúa đến?