Đọc lại Đối Thoại Và Rao Giảng ba mươi năm sau
ĐỌC LẠI ĐỐI THOẠI VÀ RAO GIẢNG BA MƯƠI NĂM SAU:
MỘT QUAN ĐIỂM TRUNG ĐÔNG
Pierbattista Pizzaballa
Giám mục, Giáo chủ nghi lễ Latinh, Giêrusalem
WHĐ (09.12.2022) – Trong thế giới Trung Đông, người ta thực sự không ưa thuật ngữ “rao giảng”; nó gợi nhớ rất sâu đậm một thuật ngữ khác cũng bị ghét bỏ là “truyền giáo”, thuật ngữ này thậm chí còn mang nghĩa tiêu cực hơn. Nó nhắc người ta nhớ lại những cuộc cải đạo cưỡng bức của các thế kỷ xưa, sự áp đặt Kitô giáo tại một số phần của vùng Levantin [phía đông Địa Trung Hải], các cuộc Thập Tự Chinh, và bất cứ thứ gì khác mà chúng ta có thể thêm vào từ quá khứ đau buồn của chúng ta. Cho dù có thích hay không thích, cho dù có đúng hay sai, đây là cách hiểu về lịch sử của người Do Thái và người Hồi giáo, và từ “rao giảng” tất yếu chỉ về cách hiểu ấy.
Chúng ta cũng phải lưu ý rằng trong các quốc gia khác nhau tại Trung Đông, nỗi đau thương của dân tộc họ thường được đặt ở trọng tâm căn tính và lịch sử dân tộc của họ, và Phương Tây bị coi là thủ phạm chính gây ra nỗi đau thương ấy. Tóm lại, từ các cuộc Thập Tự Chinh tới chủ nghĩa thuộc địa, sự hồi sinh và quyền tự quyết của dân tộc, căn tính dân tộc và tôn giáo của các quốc gia Trung Đông được xây dựng trên nhu cầu tự cứu chuộc khỏi sự thống trị và chiếm đóng của Phương Tây. Sau cùng, phải lưu ý rằng, mặc dù không chính xác, trong tư tưởng hằng ngày tại Trung Đông, vẫn còn tồn tại một sự đồng hóa khái niệm “Phương Tây” với “Kitô giáo”.
Không phải là những người Kitô hữu tại Trung Đông đã không từng chịu đau khổ từ các cuộc thống trị khác nhau đã diễn ra qua thời gian; nhưng đây không phải chỗ để đi vào những cuộc điều tra lịch sử hay vạch ra những sai trái của bên này hay bên kia. Ở đây chúng ta muốn vạch rõ ra rằng, dù chúng ta có thích hay không, Kitô giáo tại Trung Đông phải đối diện với những thành kiến gắn liền với quá khứ xa và quá khứ gần.
Vì lý do ấy, để tránh những sự hiểu lầm dễ dãi, chúng ta phải cẩn thận và tỉ mỉ trong việc sử dụng từ ngữ. Cùng một từ, sử dụng ở Phương Tây và Phương Đông, có những cách hiểu khác nhau.
Trong bối cảnh này, Văn kiện “Đối Thoại và Rao Giảng” là một văn kiện can đảm và đúng lúc vì nó đề cập rõ ràng và không sợ hãi một đề tài rất tế nhị nhưng đồng thời không thể tránh né: mối quan hệ giữa đối thoại và rao giảng, và nó minh định đúng ý nghĩa mà Hội Thánh ngày nay hiểu về các thuật ngữ này, hệ quả của chúng trong đời sống Hội Thánh và mối quan hệ của Hội Thánh với thế giới, và nhất là với các trải nghiệm tôn giáo khác.
Vì vậy, trong bối cảnh Trung Đông được đánh dấu bởi một lịch sử phức tạp, hai thực tại này hòa hợp với nhau như thế nào? Làm sao có thể vừa đối thoại vừa đồng thời rao giảng? Chẳng phải có vẻ là một sự mâu thuẫn trong con mắt những người đối thoại với chúng ta sao? Chẳng phải đối thoại có nguy cơ bị hiểu lầm như là một hình thức mơ hồ mà ẩn sau nó là mối cám dỗ thường xuyên muốn cải đạo người khác sao? Và đối với Hội Thánh, đối thoại mà không rao giảng thì có nghĩa gì không? Mục đích của đối thoại là gì?
Trên thực tế, nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về những điểm này, nếu chúng ta gột sạch được những thuật ngữ này khỏi cách hiểu xuyên tạc mà lịch sử đã cung cấp cho chúng ta, chúng ta sẽ thấy rằng trên thực tế – trong thực tại hiện hành của Hội Thánh – đối thoại và rao giảng, làm chứng và rao giảng đi chung với nhau, và đây là điều mà Văn kiện đã mô tả rất hay, và làm cho nó vẫn còn rất hợp thời hôm nay, cả trong vùng (Trung Đông) của chúng ta. Rao giảng cần cho đối thoại. Để có một cuộc đối thoại thân thiện, chân thành và thẳng thắn, điều cơ bản là có một sự ý thức rõ ràng về bản thân mình và về căn tính của mình. Và chỉ khi có một ý thức rõ ràng và xác định về căn tính của mình, chúng ta mới có thể đối diện với người đối thoại với mình, đối thoại trong tinh thần tự do và chấp nhận, không mặc cảm hay sợ hãi, nhưng thân thiện và chân thành. Nói tóm lại, đây là vấn đề không đồng hóa “đối thoại” và “rao giảng” với chủ trương cải đạo và thuyết phục. Có nghĩa là vấn đề không phải là chứng minh chân lý của mình hay thuyết phục người khác chấp nhận quan điểm của mình, nhưng chỉ là đơn thuần làm chứng bằng lời nói và nếp sống của mình, để cho thấy mình là ai và mình thuộc về ai. Đó là ý nghĩa của rao giảng hôm nay.
Điều này được trải nghiệm thế nào tại Trung Đông hôm nay?
Đương nhiên tôi không thể nói đại diện cho toàn thể thực tại rất đa dạng của Trung Đông. Tuy nhiên tôi có thể trình bày kinh nghiệm của giáo phận tôi đang phục vụ lúc này, dù sao nó cũng bao gồm đa phần tính phức tạp của vùng này.
Đối thoại liên tôn tại Trung Đông
Rất khác với Châu Âu, Trung Đông đã luôn luôn là một cái chảo lửa của những khác biệt tôn giáo. Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều có các trung tâm và gốc gác tại đây. Mỗi một tôn giáo trong số này đều từng có những chia rẽ và những phát triển rất năng động trong nội bộ của họ: Các phái Sunni, Shiai, Kitô hữu Chính Thống giáo, Cóp, Syriac, và nhiều cộng đồng khác đã phát sinh qua nhiều thế kỷ, làm cho Trung Đông trở thành một vùng có tình trạng cộng sinh độc nhất trên toàn thế giới, mặc dù không luôn luôn dễ dàng.
Hơn nữa, các phân nhánh tôn giáo ngày nay cũng vẫn là những phân nhánh xã hội và văn hóa. Đức tin không chỉ là một trải nghiệm tôn giáo cá nhân nhưng cũng là sự xác định căn tính cá nhân và xã hội. Tôn giáo là yếu tố quyết định theo một nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn. Hiếm khi tìm thấy dấu vết của các yếu tố thế tục giống như chúng ta thấy tại Phương Tây trong chủ nghĩa Hiện Đại, trong đó Nhà nước và Giáo hội được phân biệt rõ ràng và đức tin chỉ là một trong số những khía cạnh đặc trưng khác của thực tại xã hội. Tại Trung Đông, tôn giáo đi vào mọi lãnh vực của đời sống hằng ngày, công cộng và tư riêng, và thấm nhuần đời sống ấy một cách sâu đậm. Tư cách thành viên của một tôn giáo là một phần thiết yếu của căn tính cá nhân và dân sự của một người: mỗi người được xác định và được coi là người Kitô hữu, người Do Thái, hay người Hồi giáo bất kể họ có sống đạo hay không. Sau cùng, nhiều khía cạnh của đời sống quốc gia được uỷ thác cho các giới chức tôn giáo. Hôn nhân là một ví dụ điển hình: không có hôn nhân dân sự, hôn nhân luôn luôn là hôn nhân tôn giáo với nhiều hệ quả xã hội.
Do đó, tư cách thành viên của một tôn giáo, ngoài việc xác định một cá nhân trong tương quan với bản thân cá nhân ấy, nó cũng xác định họ trong tương quan với người khác. Trải nghiệm tôn giáo và xã hội của một người cũng xác định tương quan của họ với những người khác, trên bình diện cá nhân và xã hội. Hai cư dân của Giêrusalem, dù có cùng quốc tịch, nhưng nếu thuộc hai tôn giáo khác nhau, thì họ sẽ có hai cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề chung và sẽ phản ứng theo hai mẫu xã hội hoàn toàn khác nhau. Tóm lại, một người có thể là vô thần nhưng đồng thời vẫn là người Do Thái giáo, Kitô giáo hay Hồi giáo.
Vì thế, trong bối cảnh này, đối thoại liên tôn tại Trung Đông bây giờ lại càng cần thiết hơn bao giờ. Ngày nay, củng cố và đào sâu đối thoại giữa các tín đồ của các niềm tin khác đã trở thành nhiệm vụ thiết yếu. Sự đối thoại này có thể ảnh hưởng sâu đậm tới chính trị, đặc biệt tại Trung Đông. Khi sự đối thoại này là nghiêm túc, nền chính trị là nơi thích hợp để tổng hợp các động năng tôn giáo và xã hội và biến chúng thành hành động cụ thể trên lãnh thổ mình, đây là nhiệm vụ cần thiết hơn bao giờ hôm nay, nhưng nó hiện không tồn tại.
Đối thoại liên tôn xuất phát từ thực tế. Nó không phủ nhận các vấn đề và các nỗi sợ hãi lẫn nhau, nhưng nó không được phép để cho mình bị vùi dập bởi những vấn đề ấy. Nó bác bỏ mọi hình thức bạo lực; nó cố gắng bằng mọi giá tìm hiểu người khác mà không nhất thiết phải có chung quan điểm; nó không muốn thuyết phục hay cải đạo, nhưng tôn trọng và được tôn trọng. Nó không khẳng định cũng không giả định rằng tất cả chúng ta đều giống nhau. Không ai phủ nhận các căn tính tôn giáo và văn hóa khác nhau. Phủ nhận sự khác biệt là điển hình của những người theo chủ nghĩa cực đoan, muốn mọi người giống như mình. Đối thoại liên tôn không coi những khác biệt là mối đe dọa nhưng cố gắng tìm hiểu chúng.
Tóm lại, theo tôi đối thoại liên tôn là cuộc gặp gỡ của các cộng đồng tôn giáo và các lãnh đạo của họ, bắt đầu ở cấp địa phương, để thảo luận về các vấn đề chung và cụ thể. Tại Trung Đông, không dễ để có các cuộc đối thoại về các vấn đề tôn giáo. Chúng ta chỉ có thể đến được với việc chia sẻ các trải nghiệm đức tin của chính mình sau khi đã thiết lập được mối quan hệ mạnh với sự tin cậy và tình bằng hữu ở bình diện con người. Chúng ta phải bắt đầu đối thoại với những người có niềm tin tôn giáo về những vấn đề chung, bắt đầu với vấn đề chung về con người. Nếu tư cách thành viên của một tôn giáo có chức năng quan trọng như thế trong các quốc gia này và là cơ sở cho các mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau ở mọi bình diện, thì rõ ràng đối thoại tôn giáo đạt được một vai trò cơ bản, với những hệ luỵ cụ thể trực tiếp. Chẳng hạn, từ cuộc đối thoại (hay không đối thoại) giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô giáo tại Ai Cập, sẽ trực tiếp phát sinh (hay không phát sinh) một phản ứng trong các mối quan hệ và hệ thống pháp luật của các bên tương ứng. Nếu tôn giáo là một thành phần cơ bản của đời sống xã hội, nó cũng phải trở thành một thành phần cơ bản của giải pháp cho các sự mất cân đối.
Chúng ta có thể coi đối thoại tôn giáo như là một cuộc hành hương, một lời mời gọi rời khỏi thế giới riêng của mình và những sự chắc chắn riêng của mình để gặp gỡ người khác và trải nghiệm đức tin của họ, tìm kiếm sự tăng trưởng nhân bản và thiêng liêng của mỗi người. Tại Trung Đông, đối thoại là một sự “kích thích” trong việc thực thi trách nhiệm lịch sử và xã hội. Do đó, nó có giá trị chiến lược và thực tiễn để kiến tạo một sợi dây tin tưởng và trung thành, một “giao ước mới của những niềm hy vọng”, nhắm mục tiêu cùng nhau đạt được mọi thứ mà cá nhân không thể đạt được.
Ngày nay cam kết đối thoại chạm đến những biên giới mới. Nó cũng phải xử lý những vấn đề ngày càng nhiều và cấp bách, như những vấn đề liên quan đến các thành tựu khoa học và kỹ thuật, bảo vệ sự thánh thiêng và phẩm giá của đời sống con người, khẳng định công lý, hòa bình, tự do, bảo vệ các quyền con người, giữ gìn thiên nhiên, là các vấn đề chất chứa những hệ luỵ rất phức tạp.
Trong khi lưu ý đến bối cảnh xã hội, chính trị và tôn giáo phức tạp của Trung Đông, những thay đổi thời đại đang diễn ra, sự thay đổi cán cân quyền lực chính trị và tôn giáo, và những cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây, chúng ta có thể nói rằng đối thoại liên tôn phải có những tiêu chí và những mô hình chuyên biệt. Chúng có thể được tóm lược vào những điểm sau đây:
- a) Phục hồi tầm quan trọng ngôn sứ và giáo dục của trải nghiệm tôn giáo. Không thể coi nó trước hết và trên hết như là một trải nghiệm. Nói khác đi, các nhà lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ giúp đỡ các cộng đoàn liên hệ của họ tái khám phá những yếu tố nền tảng đức tin của họ,vốn thường bị hoen ố bởi những yếu tố ngoại lai với nó và đã tích tụ qua nhiều thế kỷ.
Tương tự, trong bối cảnh này, (các lãnh đạo tôn giáo) cần giáo dục các cộng đồng của mình từ từ, cả bằng những cử chỉ nhấn mạnh, để cùng nhau dấn thân phát triển xã hội, nhờ đó góp phần phá vỡ những thành kiến và những khuôn sáo cũ. Theo hướng này, cuộc gặp gỡ của Đức giáo hoàng Phanxicô với vị lãnh tụ Hồi giáo của Al-Azhar tại Abu Dhabi vào tháng 2 năm 2019 có tầm quan trọng đặc biệt, là một cột mốc trong mối quan hệ không bao giờ dễ dàng giữa Hội Thánh Công giáo và thế giới Hồi giáo dòng Sunni.
Cũng quan trọng việc cùng nhau làm việc để xét lại các bản văn giáo dục tôn giáo của mỗi bên, thường vẫn nặng những ngôn từ thù nghịch với việc đối thoại và gặp gỡ với các tôn giáo khác.
- b) Quan hệ giữa tôn giáo và chính trị phải được xét lại. Dù có thể là một công việc khó khăn và mệt nhọc, phải tránh khai thác những trải nghiệm tôn giáo khác nhau. Ít người ngày nay tin rằng đây là điều khả thi, nhưng có những tiếng nói đang được gióng lên thường xuyên hơn theo hướng này, ngay cả trong thế giới Hồi giáo. Đối thoại liên tôn, gặp gỡ với các tôn giáo khác, đây là một công cụ thiết yếu để nuôi dưỡng sự ý thức chậm chạp nhưng kiên trì này.
- c) Một suy tư về các khái niệm về căn tính cá nhân và văn hóa xã hội và tính thuộc về văn hóa và tôn giáo: ngày nay, những khái niệm này có một cách hiểu phức tạp, đa nghĩa, và năng động. Không còn có thể đóng khung tư cách căn tính trong các khuôn mẫu văn hóa của các cộng đồng tôn giáo như trong quá khứ nữa. Các Kitô hữu nói tiếng Ả Rập tại Israel, chẳng hạn, bị xâu xé giữa việc họ thuộc về Nhà nước Israel, vốn được định nghĩa là “Nhà nước Do Thái”, tư cách họ thuộc về căn tính Palestin, và đức tin Kitô giáo của họ. Tư cách thuộc về này thì phức tạp, không thể được đơn giản hóa – một trường hợp tương tự đối với các Kitô hữu ở Ai Cập, Syria, Libăng, Irắc, v.v…
Những vụ biểu tình khác nhau mà chúng ta đã thấy trong những tháng gần đây trên khắp Trung Đông, không chỉ ở Libăng, chính là đang đi theo hướng này. Những người trẻ của các đất nước tương ứng, nơi họ không còn thấy chỗ đứng của mình, đang muốn thay đổi các mô hình xã hội hiện hành. Và điều đáng buồn là các giới chức tôn giáo không hỗ trợ đủ cho đòi hỏi ngày càng cấp bách này.
- d) Trong một nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chiều kích phổ quát của việc sống chung, thúc đẩy người ta hoạt động cho sự cởi mở, hòa bình, bất bạo động, hợp tác và những cuộc gặp gỡ xây dựng giữa những con người khác nhau. Đối thoại liên tôn không thể được diễn tả hết trong việc đọc (lại) lịch sử của một người và trong mối quan hệ phức tạp mà các tôn giáo liên quan đã có giữa họ trong quá khứ. Điều đó đã được thực hiện rộng rãi rồi. Ngày nay là lúc để các lãnh đạo tôn giáo, cách riêng, dấn thân và thúc đẩy sự dấn thân cho trách nhiệm chung vì công lý và hòa bình, vốn bị tổn thương sâu xa tại Trung Đông bởi nhiều năm chiến tranh giáo phái và những bi kịch đáng xấu hổ. Đối thoại liên tôn mà không xem xét sự dấn thân chung, hỗ tương, cụ thể và trách nhiệm hữu hiệu đối với xã hội mà mỗi người thuộc về, thì sự đối thoại ấy sẽ vẫn chỉ là chữ chết, đóng kín mình trong những cuộc hội họp tự đề cao bản thân, hoàn toàn không cần thiết.
- e) Xem xét lại các nguyên tắc mở rộng và lệ thuộc lẫn nhau, không chỉ liên quan đến các chủ đề, các giá trị, các dân tộc, các Nhà nước, nhưng cũng liên quan đến cách tiếp cận các vấn đề của thời đại chúng ta, chúng vượt ra ngoài ranh giới của các Nhà nước (ví dụ việc sử dụng các phương tiện truyền thông hay các mạng xã hội). Trước hết, chính giới trẻ là những người đang ngày càng giáp mặt với những đòi hỏi mà chủ nghĩa hiện đại đã đưa vào đời sống xã hội với nền kỹ thuật mới mẻ, làm thay đổi mô hình các mối tương quan cá nhân và xã hội, đạo đức, và khái niệm về gia đình. Cả ở Trung Đông, đối thoại liên tôn phải lưu ý rằng văn hóa địa phương sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng bởi những động năng và những giá trị chung cho phần còn lại của thế giới.
- f) Một sự xét lại các phạm trù về lịch sử, ký ức, tội lỗi, công lý, tha thứ, là những điều đặt lãnh vực tôn giáo liên hệ trực tiếp với lãnh vực đạo đức, xã hội và chính trị của người dân. Đây là một nhân tố quyết định. Chúng ta không thể khắc phục được những chướng ngại của hôm nay; chúng ta sẽ không thể thực sự lập kế hoạch cho một tương lai hòa bình trừ khi chúng ta có can đảm thanh tẩy cách hiểu lịch sử của mình khỏi những gánh nặng ghê gớm của những đau thương và bất công vẫn đang ảnh hưởng nặng nề đến hiện tại và những chọn lựa thường được làm hôm nay. Đương nhiên vấn đề không phải là quên chúng đi. Nhưng sẽ là rất thách thức để xây dựng một tương lai hòa bình nếu chúng ta vẫn cứ đặt tình trạng “là nạn nhân” làm cơ sở của căn tính xã hội và quốc gia của mình, thay vì phải đặt các quan điểm của mình trên cơ sở của một niềm hy vọng chung.
Từ đó nảy sinh các câu hỏi sau đây: Suy nghĩ lại lịch sử và ký ức thế nào? Làm thế nào để có thể nói về sự tha thứ nếu cái hiện tại của tôi đang ngập tràn những bất công và đau thương? Chính ở điểm quyết định này mà đối thoại liên tôn ở Trung Đông không thể không đối mặt với nhau và đem phần đóng góp không thể thay thế của mình đến cho phần còn lại của thế giới. Đây là một sự đối mặt ngày càng cần thiết và là cách duy nhất có thể giúp mỗi cộng đồng tôn giáo của chúng ta ra khỏi ngõ cụt mà chúng ta đang gặp hôm nay.
Rao giảng
Tại Trung Đông, không thể có việc rao giảng trực tiếp, hiểu theo nghĩa là một hoạt động công khai truyền bá và cổ vũ đức tin Kitô giáo bên ngoài các môi trường sống của người Kitô hữu. Trong một số khu vực ngoài Kitô giáo, thậm chí người ta cũng được khuyến cáo không đeo ảnh thánh giá, để tránh những hiểu nhầm và thành kiến. Thậm chí trong các sinh hoạt chung, đặc biệt khi có các tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo ở chung với nhau, như ở các trường học và đại học, người ta cũng phải cẩn thận không tạo ấn tượng là mình đang có những hoạt động cải đạo, cả khi thậm chí không có một chút ý hướng gián tiếp nào từ phía Hội Thánh. Mục đích của Hội Thánh tại Trung Đông không phải là để cải đạo người khác. Nói tóm là các nỗi sợ hãi và ngờ vực theo bản năng vẫn luôn luôn hiện hữu. Vì vậy, người ta tránh sử dụng một số từ ngữ. Ngay cả từ “Phúc âm hoá” (“evangelization”) cũng được sử dụng rất dè dặt, không phải vì nó không phải là trọng tâm của đời sống Hội Thánh, nhưng chính là để tránh hiểu nhầm.
Tuy nhiên, Văn kiện (D&P) đã cắt nghĩa rất rõ rằng đây không phải là nghĩa của từ “rao giảng” (“proclamation”). Với từ rao giảng, chúng ta hiểu là bằng cuộc sống và việc làm, chúng ta làm chứng rằng mình là ai và mình thuộc về Ai. Và đây là điều hoàn toàn có thể.
Vì vậy, trong một số bối cảnh, có lẽ không nên đeo ảnh thánh giá vì có thể gây hiểu lầm, nhưng không ai ngăn cản chúng ta làm chứng về ý nghĩa của thánh giá, nghĩa là bằng một cuộc sống tích cực và say mê cổ vũ cho sự tha thứ và hòa giải. Nếu chúng ta không thể cổ vũ cho Kitô giáo trong các hoạt động giáo dục của chúng ta, chúng ta vẫn luôn có thể tự do sống và làm chứng về lối sống của mình, đó đã là một sự rao giảng rồi, một sự rao giảng vui tươi, tự nhiên.
Tóm lại, các cơ sở giáo dục và xã hội khá nhiều của chúng ta chính là yếu tố tác động như một trục xoay cho việc đối thoại và gặp gỡ với những người khác-với-chúng-ta. Trước hết, các cơ sở như thế – các trường học, đại học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm cho người khuyết tật, v.v… – chính là nơi mà chúng ta gặp gỡ các anh chị em Do Thái và Hồi giáo của chúng ta, và ở đó các hoạt động đối thoại, gặp gỡ và làm chứng mang những hình thức cụ thể, gắn liền với những khuôn mặt, những con người, những trải nghiệm sống và chia sẻ.
Đồng thời trong cùng những cơ sở này, chúng ta cũng trải nghiệm đức tin đẹp đẽ, tự nhiên và say mê của các tín đồ Do Thái và Hồi giáo, những người cũng muốn chia sẻ đức tin của họ một cách tự do và bình thản trong những việc làm và những trải nghiệm cởi mở. Đó là sự đối thoại đẹp nhất, được Văn kiện (D&P) gọi là “đối thoại cuộc sống”, nó đồng thời cũng trở thành một lời rao giảng, và là một sự rao giảng vui tươi tự nhiên của mỗi người, về đức tin của chính họ.
Trong các hình thức và các cộng đồng tương ứng của nó, nó cũng là một sự loan báo và rao giảng chung về một đức tin duy nhất.
Kết luận, với rất nhiều những khủng hoảng của nó, Trung Đông hôm nay có vẻ như là biểu tượng cho sự thất bại trong đối thoại, biểu tượng cho cuộc xung đột giữa các nền văn minh và văn hóa. Nhưng thật ra không phải như vậy.
Trên bình diện thể chế, các vấn đề có tính khách quan. Nhưng trên bình diện đời sống của các công dân bình thường, có đạo hay không có đạo, vẫn có nhiều người và nhiều hiệp hội bất chấp mọi sự, cố gắng cùng nhau chứng tỏ một cách sống khác tại đất nước của họ, qua những sáng kiến chung hay chỉ qua các mối quan hệ đơn thuần của tình bằng hữu, là những cách thức vượt ra ngoài những ranh giới cứng nhắc của căn tính và tôn giáo.
Đây không phải lúc để có những cử chỉ to tát; không phải lúc để chờ đợi các cơ chế tôn giáo và chính trị có khả năng nhìn thấy và nói tiên tri. Sớm hay muộn thì các cơ chế cũng sẽ đến, nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta phải hoạt động và làm việc ở những nơi mà người dân đang muốn tham gia, qua những sáng kiến đối thoại và gặp gỡ, cầu nguyện và chia sẻ.
Chúng ta không cần phải khái quát hóa sự việc, đương nhiên rồi. Chúng ta không thể phủ nhận khuynh hướng đa cực hóa và chia rẽ hiện nay, nhưng chúng ta cũng nhận ra những nguồn ánh sáng đang soi chiếu môi trường của chúng ta. Một chút ánh sáng đủ để xua tan bóng tối.
Và niềm hy vọng của chúng ta hôm nay vẫn là dựa trên điều này.
Chuyển ngữ: Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên
Từ: Tập san Pro Dialogo số 167 (LVI) 01/2021 của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, link tại dimmid.org
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 136 (Tháng 7 & 8 năm 2023)