Ngày 21/12: Thánh Phê-rô Trương Văn Thi

Cha Trương Văn Thi sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, Hà Nội. Cha có một cháu ruột là thày giảng Phê-rô Nguyễn Văn Đường cũng được phúc tử đạo và được phong chân phước cùng một ngày với Cha.

 

Chúa quan phòng

Cậu Thi sinh trưởng trong một gia đình đạo hạnh sốt sắng hiền lành, nhưng nghèo, nên từ khi còn nhỏ, cha mẹ cậu phải để cậu đi chăn bò cho nhà dòng Mến Thánh Giá Kẻ Đầm (Bích Trì), lúc đó nhà dòng Đầm và nhà dòng Sở là một ngôi nhà. Chị Trưởng nhà Sở thấy cậu ngoan ngoãn, nết na thì xin Cha xử kẻ Đầm nuôi và cho ở nhà Đức Chúa Trời, khi ấy cậu bé khoảng 12 tuổi.

Từ khi cậu Thi được vào nhà Đức Chúa Trời, câu càng có thêm sốt sắng nhân đức, ít lâu sau cậu được vào học chủng viện.  Khi mãn trường, làm thày giảng đi giúp các họ, Thày Thi là một thày giảng xuất sắc, siêng năng nên bề trên gọi thày về học thần học và ngày 22-3-1806 truyền chức linh mục cho thày.

  Cha xứ

Cánh đồng truyền giáo đầu tiên của Cha, và cũng là nơi Cha thực hiện sứ mệnh tông đồ 27 năm trong 33 năm linh mục Chúa Ki-tô, đó là xứ Sông Chẩy ở phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ (nay là tỉnh Vĩnh Phú  địa phận Hưng Hoá), hồi ấy gọi là xứ Đoài. Bề trên phải rất tín nhiệm vào vị tân linh mục nên mới cử Cha đi giúp một xứ xa xôi, đạo mới, nước độc, đường đi trắc trở, vùng có nhiều dân tộc, ít người, với thác ghềnh cuồn cuộn, tất cả những cái đó mô tả phần nào công lao vả của Cha trong 27 năm ngược xuôi.

Cha Thi chịu đựng năm 43 tuổi, đường đời Cha rẽ vào khúc ngoặc mới của người mang Tin Mừng đi gieo rắc khắp nơi. Với tuổi 43, con người đã trưởng thành đầy đủ; khi làm bài giảng Cha rất sốt sắng nhân đức, bây giờ chịu chức linh mục, với ơn của phép Truyền chức, Cha nổi tiếng nhân đức khác thường.

Bổn đạo xứ Sông Chẩy đã làm chứng về Cha rằng: “Cha xứ chúng tôi nhân đức khác thường, mỗi ngày Cha đọc kinh ba bốn lần, Cha làm lễ nghiêm trang, tuy ốm đau, bị bệnh sốt rét ngã nước, đau bụng, nhưmg Cha ăn uống rất thanh đạm và ăn chay các ngày sáu quanh năm.

Đức Cha Giăng-tê[1] (Du) khen Cha rằng: “Cha Thi đã già, nhưng Cha vẫn giữ các luật  phép kỹ càng. Năm 1835 tôi mới biết Cha, Cha rất sốt sắng, hiền lành, khôn ngoan. Cha làm gương nhân đức khó khăn và muốn cho người nhà yêu mến nhân đức ấy. Cha chỉ dùng vải màu nâu, đội khăn nhiễu. Hết mọi người trong nhà xứ phải giữ phép nhà cho ngặt, Cha không chịu được những điều lôi thôi lỗi phép nhà. Khi có khách đến, Cha tiếp họ ở bên ngoài nhà khách và nói chuyện ngắn gọn. Nhưng nếu là linh mục hay người Nhà Chung đến, Cha tiếp rất niềm nở vui vẻ.

Cha bắt người nhà phải học văn hóa, nhất là phải tập đọc sách nhà thờ cho đúng cung đúng phép. Cha xử với bổn đạo như cha đối với con nên người ta mến Cha, chẳng có ai kêu trách phàn nàn về Cha điều gì.

Cha hay đi làm phúc cho các họ, mỗi năm Cha chỉ ở nhà xứ hai tháng, ngày nào Cha cũng giảng dạy khuyên bảo bổn đạo. Có lần Cha đi làm phúc, bị đắm thuyền, một người giúp việc đi với Cha chết đuối, còn Cha ôm được hộp đồ lễ nên thoát nạn.

Năm 1833, Cha đã 70 tuổi, Cha được cử về coi xứ Kẻ Sông. Độ ấy vua cấm đạo ngặt, giáo dân không dám mời Cha đi làm phép cho người ốm sợ Cha bị bắt.  Khi biết tin Cha rất buồn và dặn người ta dù thế nào mặc lòng, khi có người ốm nặng có nguy chết cũng phải đến đón Cha đi làm phép kẻo thiệt linh hồn người ta.

Cha thường nói với bổn đạo rằng: “Nếu Chúa có định cho Cha phải chịu khó vì đạo, Cha sẵn lòng dâng mình cho Chúa”. Cha về xứ Kẻ Sông tuy ốm đau luôn nhưng Cha vẫn cố gắng chu toàn việc bổn phận.

Cha Thi bị bắt

Hồi ấy vua Minh Mạng ra lệnh cấm đạo ngặt, Cha Thi phải hoạt động kín đáo, Cha ẩn ở nhà Khán Độ. Một hôm vào năm 1839, Cha Dũng Lạc đến xưng tội với Cha.  Đến trưa hai Cha vừa uống nước xong, có người báo tin ông Lý Pháp đem bốn đầy tớ đến bắt Cha. Cha Thi chạy vội vào nhà trong nhưng không kịp, ông túm tay Cha lôi ra ngoài và truyền trói. Cha Lạc đứng đấy, ông không biết là linh mục, ông hỏi, Cha Lạc xưmg mình là Đạo trưởng nên cũng bị trói.  Khỏi một lúc ông cởi trói cho hai cha, để hai cha ngồi rồi nói: “Vua cấm đạo sao các ông còn ẩn trốn, dạy đạo ấy”. Cha Thi đáp: “Đạo chúng tôi dạy ăn ngay ở lành, thảo kính cha tôi, không có sự gì dối trá”. Lý Pháp bảo:” Không biết, vua cấm đạo thì bắt các ông”. Cha Thi đáp:”Chúng tôi bị bắt, chúng tôi vui lòng  chịu”. Lý Pháp ngồi canh hai cha, rồi sai đầy tớ khám nhà lấy của. Lý Pháp bảo hai cha nếu chạy được 300 quan tiền sẽ được tha. Cha Thi bảo ông:” Việc ấy đã có bổn đạo”. Ông sai một người đàn bà đứng đó, đi gọi đàn anh trong làng đến liệu việc này, nhưng bà sợ không dám đi. Ông đưa hai cha về nhà mình mấy ngày, sau giam hai cha ở quán ngoài làng, bấy giờ bổn đạo mới dám đến bàn cách chuộc.

Khi chạy cho ông Lý Pháp được 100 quan tiền thì ông tha Cha Lạc, còn Cha Thi vẫn phải giam.

Chẳng may Cha Lạc khi trở về bị bắt giữa đường và phải giải về huyện, ông Lý Pháp biết tin không dám thả Cha Thi, vội giải Cha về huyện Bình Lục.

Ngược dòng sông Hồng

Đức Cha Rơ-to[2] đang ở Vĩnh Trị nghe tin hai cha bị bắt thì sai Thày Sự mang 5 nén bạc để chuộc, nhưng hai cha không bằng lòng, nhất là Cha Lạc đã bị bắt đến lần thứ ba.

Quan huyện tỏ ra rất trọng nể hai cha, nhất là đối với Cha Già Thi. Quan biết không thể lay chuyển nổi lòng tin sắt đá của hai cha, nên không đánh đập tra tấn, sợ thất đức. Ba ngày sau quan giải hai cha về Hà Nội.

Thuyền chở hai cha ngược dòng sông Hồng, bổn đạo kẻ đi thuyền, người đi bộ dọc bờ sông khóc lóc.

Ngày 16-11-1839 hai cha tới Hà Nội. Cha Thi bị giam trong ngục gần cổng thành Thăng Long. Ngày hôm sau cha phải gọi lên công đường. Các quan đòi Cha khóa quá, Cha liền quỳ xuống cầu nguyện và hôn kính các thương tích của Chúa.

Cha còn bị đòi ra công đường hai lần nữa, Cha vẫn vững vàng, các quan thấy Cha đã già không nỡ tra tấn cực hình, chỉ có một lần quan khuyên bảo, dọa nạt không được, quan tức giận tát Cha mấy cái, như thế Cha đã được nên giống Thày chỉ Thánh của mình.

Khi phải giam trong ngục, Cha được rước lễ nhiều lần, vì Cha Trân ở ngoài phố, sai một bà kiệu Mình Thánh cho Cha.

Sau cùng hai quan án là quan Nguyễn Phúc Hoan và Lương Mộng Quang tuyên án tử hình cho hai cha và đệ án vào kinh.

Bị giam giữ, Cha Thi vẫn giữ chạy một tuần bốn ngày, ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu, thứ bảy, dù Đức Cha Giăng-tê viết thư khuyên Cha bớt việc hãm mình, nhưng Cha không thay đổi vì Cha biết mình sắp phải xử, Cha muốn dọn mình kỹ càng để lĩnh nhận ơn trọng đó.

Ngày 21-12-1839, Cha Trân cải trang kiệu Mình Thánh vào ngục cho Cha rước lễ, không ngờ hôm đó là ngày sau hết đời Cha. Đến trưa Cha Thi và Cha Lạc phải xử ở bãi Cửa Ô Cầu Giấy, trên đường đi Sơn Tây.

Ông Si-mong tự nguyện trên đường Ô Cầu Giấy

Đi chịu xử, Cha Thi mặc áo thâm chùng như khi Cha dọn mình dâng Thánh Lễ. Hôm nay Cha đi dâng lễ hy sinh toàn thiêu, đổ máu mình ra làm chứng cho Thày chí thánh. Sau bao tháng lao tù, dưới gánh nặng của gông cùm tuổi tác bệnh tật, Cha kiệt sức, bước không nổi, trên đường đi ra pháp trường, Cha ngã gục như Chúa Giêsu xưa trên đường Thánh giá. Một người đội trong đoàn lính áp giải Cha, một Si-mong mới tự nguyện chạy đến nâng đỡ vị linh mục già yếu, một Chúa Kitô khác, trên đường hiến tế. Trong hồ sơ phong chân phúc ghi rõ tên ông là Chương; ông đội Chương thấy Cha Thị quỵ ngã, ông vội quỳ xuống bên Cha nói: “Thưa Cha, xin Cha cho phép con cõng Cha để Cha đỡ mệt, Cha đừng ngại, con có đạo”. Cha Thi cảm động nói: “Cám ơn con, Cha không còn gì cho con. Thôi con hãy lấy đôi dép này làm kỷ niệm”. Ông đội Chương cầm lấy đôi dép của Cha Thi, rồi ghé vai cõng vị linh mục 76 tuổi đến tận nơi xử là Ô Cầu Giấy.

Ngoài pháp trường, các chị dòng Mến Thánh Giá đã trải chiếu sẵn, giờ đây Cha Thi chứng nhân của Chúa Ki-tô quỳ trên chiếu cầu nguyện cùng với Cha Lạc.

Quan Giám sát ra lệnh: “Sau hồi trống, tiếp đến tiếng thanh la nổi lên là chém cả hai”.

Bổn đạo đã cho lính tiền trước, nên khi chém đầu, lính chém một nhát rất chính xác, đầu Cha Thi còn một miếng da dính liền với cổ, để khi mai táng khâu đầu lại cho dễ. Quan Giám sát trông thấy, không chịu, bắt phải cắt rời ra. Rồi quan rút quân về.

Bổn đạo đưa thi hài Cha Thi về Kẻ Sở, làm lễ an táng trọng thể.

Cha Thi chịu chết vì đạo ngày 21-12-1839. Ngày 27 5-1900, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho Cha Phê-rô Trương văn Thi.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn người lên bậc hiển thánh.

Ngày nay các giáo hữu Kẻ Sở ở xứ Nam Hòa (Chí Hòa, Sài Gòn) có dựng đài kỷ niệm để tôn kính Cha.


[1] Jantet

[2] Liêu

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn