Lược sử Giáo họ nhà xứ Vĩnh Yên

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi: Họ nhà xứ Vĩnh Yên.

Địa chỉ: Phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm thành lập: Năm 1912.

Bổn mạng: Đức Mẹ La Vang (15/8).

Giáo dân: Họ nhà xứ Vĩnh Yên có 388 nhân danh, chiếm tỉ lệ khoảng 4% dân cư toàn phường Ngô Quyền (năm 2022). Các tín hữu nơi đây sống rải rác quanh khu vực thành phố Vĩnh Yên. Họ chủ yếu là công nhân viên chức và kinh doanh buôn bán.

Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ban Caritas, Thiếu nhi Thánh Thể, huynh trưởng và giáo lý viên, 03 ca đoàn và đoàn kim nhạc.

Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 1912 với kích thước: chiều dài 21m, chiều rộng 8m, tường gạch cao 6m, mái lợp ngói, tháp cao 6m, và 01 quả chuông 100kg. Năm 2008, dân họ xây thêm một gian dài 3m phía cuối nhà thờ để làm buồng áo. Diện tích khuôn viên nhà thờ hiện nay khoảng 2312m2.

Các giáo họ trực thuộc: An Định, Bích Đại, Hoàng Xá, Vân Tập, Vĩnh Sơn

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Ngày 29 tháng 12 năm 1899 (Kỷ Hợi), toàn quyền Đông Dương ra nghị định lập tỉnh Vĩnh An (Yên). Tỉnh lỵ đặt tại làng Tích Sơn. Từ đó, nhân dân các nơi đến định cư làm ăn buôn bán và kinh tế phát triển nhanh chóng. Các cơ sở được thành lập, nhiều gia đình công chức về đây xây dựng nhà cao tầng, khu vực dân cư trở nên đông đúc và sớm trở thành thị xã. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một số gia đình Công giáo từ giáo xứ Phương Trù, Phong Cốc (huyện Quế Dương – ngày nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), Thái Bình (Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình)… đến đây lập nghiệp. Năm 1910, có trên 30 gia đình Công giáo với khoảng 200 nhân danh sinh sống tại tỉnh Vĩnh An.

Thời ấy, giáo phận Bắc Ninh do Đức cha Maximino Velasco Khâm (1902-1924) coi sóc. Vĩnh Yên là tỉnh lỵ nên Đức cha đã cho thiết lập giáo xứ Vĩnh Yên. Ngài bổ nhiệm cho cha Antoni Silva An (Tây Ban Nha) làm cha chánh xứ tiên khởi và ngài cho xây dựng ngôi nhà thờ và nhà xứ Vĩnh Yên vào năm 1912. Như vậy, hạt giống Tin Mừng đã được gieo xuống mảnh đất tỉnh lỵ Vĩnh An (Yên) từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đến năm 1912 đã trở thành một giáo xứ trong giáo phận Bắc Ninh.

Nhà thờ Vĩnh Yên thuộc giáo xứ Vĩnh Yên đến nay đã trải qua hơn một thế kỷ. Đây là một ngôi nhà thờ cổ kính được dựng xây từ năm 1912. Trải qua hơn một thế kỉ, với năm tháng mưa gió, nhà thờ vẫn đứng vững trong chiến tranh bom đạn cho đến ngày nay.

Vào những năm 1941 – 1942, thời Đức cha Antara Chỉnh, giám mục giáo phận Bắc Ninh có dự án xin Đức Thánh Cha cho thiết lập địa phận Vĩnh Yên. Cha đã mua một khu đất cạnh nhà xe lửa Vĩnh Yên và đã xây móng nhà thờ Chính Tòa toàn bằng đá. Công việc đang tiến hành thuận lợi thì Pháp – Nhật đô hộ, các cuộc chiến tranh tàn phá khắp nơi. Sau đó, nạn vỡ đê, lụt lội, mất mùa đói khát, khiến công việc xây dựng nhà thờ bị trì trệ. Nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu đã cướp đi khoảng hai triệu người, tiếp đến xảy ra trận lụt lớn ở Bắc Bộ. Sức dân kiệt quệ, sản xuất đình đốn, các nhu yếu phẩm khan hiếm nghiêm trọng. Vậy là công cuộc lập địa phận bị đình chỉ.

Năm 1949 (Kỷ Sửu), quân đội Pháp trở lại chiếm đóng tỉnh Vĩnh An, lập đồn bốt. Giáo dân khu Gò Ga và toàn bộ khu đồng bằng trung du tỉnh Vĩnh An (Yên) đều chạy về khu nhà thờ Vĩnh Yên cư trú. Năm 1954 (Giáp Ngọ), Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nước Việt Nam chia hai miền Nam – Bắc. Nhiều gia đình Công giáo miền Bắc di cư vào Nam. Trong thời kỳ này, quá nửa giáo dân nhà xứ Vĩnh Yên đi vào Nam. Cha xứ và các cha phó cũng di cư vào Nam cùng bà con giáo dân. Đây quả là một mất mát lớn lao và nhiều đau thương. Các gia đình ở lại phải chống trả với bao thách đố của thời cuộc. Trong tình thế khó khăn, họ chỉ biết cậy trông vào Chúa và xin Đức Mẹ hộ giúp.

Khoảng năm 1951 – 1952, cha xứ Tạ và cha Hiển coi sóc giáo xứ. Năm 1957 (Đinh Dậu), Đức cha Phêrô Khuất Văn Tạo, Giám mục giáo phận Hải Phòng, giám quản giáo phận Bắc Ninh cử cha Đaminh Hoàng Nghĩa Châu về làm cha chánh xứ Vĩnh Yên, quản xứ Hữu Bằng, Hòa Loan, Đại Điền, Văn Thạch. Từ năm 1960, nhà xứ Vĩnh Yên không có cha coi xứ. Thời gian này, có 5 hộ gia đình Công giáo và nhiều gia đình lân cận lấn chiếm khu đất nhà xứ Vĩnh Yên.

Năm 1994, cha Giuse Trần Quang Vinh được Đức cha giáo phận bổ nhiệm làm quản hạt Vĩnh Phúc. Nhưng mãi đến năm 1996, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc mới đồng ý cho cha đi lại coi sóc các giáo xứ và họ đạo. Từ đó, giáo xứ Vĩnh Yên mới bắt đầu có quý cha đi lại thường xuyên hơn. Từ ngày 20/9/1999 đến ngày 10/9/2005, cha Giuse Bùi Xuân Bính quản hạt Vĩnh Phúc. Vào các dịp lễ đặc biệt, ngài tới giáo xứ dâng lễ và cử hành các bí tích cho cộng đoàn. Sau đó, giáo xứ được coi sóc bởi cha Đaminh Nguyễn Minh Tân (năm 2008-2009), cha Giuse Trần Quang Vinh (năm 2009-2013), cha Tôma Aquinô Nguyễn Văn Phùng, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Huân. Năm 2022, giáo xứ đón cha Gioan Baotixita Nguyễn Huy Long, là cha xứ mới về coi sóc.

  1. Đời sống đức tin

     Khoảng 20 năm gần đây, các cha quản xứ đã xây dựng đời sống đức tin cộng đoàn giáo xứ ngày một thăng tiến. Cơ sở nhà chung được sửa sang và xây dựng mới. Cùng với công việc mục vụ và xây dựng giáo xứ, các cha không ngừng động viên những gia đình ở trên đất nhà xứ trả lại cho giáo xứ, để thuận lợi cho việc sinh hoạt của toàn thể cộng đoàn. Được biết, năm 2013 có 2 gia đình đã trả lại đất cho nhà thờ.

Mặc dù trải qua bao sóng gió, nhiều biến cố thăng trầm đã làm cho mảnh đất thân yêu này tưởng chừng như không còn đứng vững, nhưng nhờ ơn Chúa và Mẹ Maria hộ giúp, hơn một thế kỷ trôi qua, ngôi thánh đường cũng như gia tài đức tin của các bậc tiền nhân để lại vẫn tiếp tục được thế hệ con cháu gìn giữ và sinh hoa trái thiêng liêng.

BTT Giáo Phận