Bài giảng Thánh lễ giỗ 10 năm Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến
Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh, ngày 24-9-2016;
Lời Chúa: Kh 21,1-5a.6b-7; Ga 17,24-26
Kính thưa cộng đoàn,
Một tác giả đã nói về nghịch lý của những dòng sông như sau: “Mọi dòng sông đều tìm cách đổ về biển, và khi gặp biển, thì tự đánh mất mình trong lòng đại dương”.
Chúng ta đều biết vòng tuần hoàn của nước. Dưới sức nóng của mặt trời, nước từ đại dương bốc hơi tạo thành mây. Khi gặp hơi lạnh, mây ngưng tụ làm thành mưa tuôn xuống mặt đất. Sau khi đã tưới gội, làm cho đất đai màu mỡ, nước tìm đến những dòng suối nhỏ, hòa mình vào những con sông và tiếp tục hành trình về biển. Sông về với biển là về với nguồn cội. Trên hành trình về nguồn cội này, nó phá tung những vật cản, cuồn cuộn chảy về đại dương. Và, thật lạ lùng, khi gặp đại dương, dòng nước đang cuồn cuồn chảy chấp nhận đánh mất mình, hòa mình vào biển cả, nơi mình từ đó mà phát xuất.
Thưa cộng đoàn, cũng như dòng sông, mỗi con người chúng ta đang trên đường tìm về cội nguồn của mình. Khi con người khởi đầu cuộc sống trần gian, cũng là khởi đầu hành trình tìm về nguồn cội. Thiên Chúa là nguồn cội của muôn vật muôn loài. Ngài là Cha yêu thương hết thảy mọi người, và luôn muốn cho con người hạnh phúc. Ý thức mình đang đi trong hành trình về cội nguồn, sẽ giúp cho người tín hữu thêm niềm hy vọng và nghị lực để vượt lên những nghịch cảnh, bởi lẽ họ không phải là những người lang thang vô định, mà là những người có một hướng đi, đó là đi về nhà Chúa. Trên con đường về Nhà Chúa, có Chúa Giê-su là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Người tin Chúa biết rõ rằng không phải đợi đến sau khi chết mới được gặp Chúa, mà họ có thể được chiêm ngưỡng Ngài ngay khi còn sống ở đời này, nếu họ sống thánh thiện, đạo đức và mến Chúa yêu người. Sự hiện diện của Chúa gần gũi, thân thương, như một người bạn đường: “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi… Người đưa tôi đến dòng suối mát, bổ sức cho tôi… Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời. Và tôi được ở đền Người, nhưng ngày tháng những năm dài triền miên” (Tv 22).
Được hòa mình vào đại dương, đó là đích điểm của mỗi dòng sông. Được gặp gỡ Thiên Chúa, đó là hạnh phúc của mỗi con người. Có thể nói, đối với người tin Chúa, chết là hòa mình vào đại dương mênh mông của lòng thương xót. Đó là giây phút gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng họ yêu mến tôn thờ, để rồi, từ nay, họ không còn chiêm ngưỡng Ngài như trong gương, mà là mặt giáp mặt, trong tình yêu mến vô bờ, trong niềm hân hoan giữa triều thần thánh.
Về với cội nguồn không phải là một ảo tưởng ru ngủ con người. Chúa Giê-su trong Tin Mừng đã cầu nguyện với Chúa Cha để những ai tin vào Người thì được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa. “Lạy Cha, con muốn rằng, con ở đâu họ cũng ở đấy với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho con…”. Thật diệu kỳ, những ai tin tưởng và gắn bó với Chúa Giê-su thì sẽ được đến ở cùng với Người. Họ có một nơi ở, đó là Nhà của Thiên Chúa, họ có một vị trí trong Trái Tim của Thiên Chúa, Đấng là Cội nguồn của mọi sự mọi loài và là Đấng ban phát mọi ơn lành. Trong một thị kiến, Thánh Gioan đã thấy trời mới đất mới, là nơi Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài. Ở đó, chiếc khăn tang đã được cất đi. Không còn đói khát, không còn khóc lóc và than van, nhưng chỉ còn niềm vui và hoan lạc tràn đầy. Đó chính là Nhà Cha, nơi những lữ khách đang dần dần tiến về đó để hưởng hạnh phúc và niềm vui vĩnh cửu.
Trong hành trình về với cội nguồn, những dòng sông tưới mát và cung cấp phù sa làm cho đôi bờ thêm màu mỡ. Cuộc sống trần gian cũng thế. Mỗi người đều được Chúa trao phó cho họ sứ mạng cộng tác phần mình làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp, nhân ái và yêu thương. Những đức tính tốt đẹp mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống sẽ không bị quên lãng với thời gian. “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”. Mỗi người cần phải sống tốt, để sau khi nhắm mắt xuôi tay, họ để lại cho hậu thế một tấm gương tốt đẹp với những kỷ niệm không thể nào quên.
Thưa cộng đoàn, có một dòng sông mang tên Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Hành trình về nguồn của dòng sông này kéo dài 61 năm. Chúa đã dùng dòng sông này để cung cấp màu mỡ cho mảnh đất công giáo Bắc Ninh. Đặc biệt, trong suốt thời gian 32 năm linh mục, 17 năm giám mục. Đức Cha Giuse coi sóc Giáo phận Bắc Ninh vào một thời điểm còn nhiều khó khăn về mọi mặt, thiếu thốn về nhân sự, nhưng ngài luôn phó thác nơi sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Ngài chấp nhận những hy sinh gian khó, với nguyện ước cho gia đình Giáo phận Bắc Ninh được thăng tiến và hiệp nhất. Mặc dầu những gian khó hy sinh, Đức Cha Giuse vẫn luôn hy vọng. Chúng ta hãy nghe tâm nguyện của ngài, rất khiêm tốn và rất sâu sắc:
Xin nguyện làm viên gạch dưới tầng sâu,
Làm chất đốt cho cuộc đời ấm lửa,
Làm phân bón cho cây đời tươi nhựa,
Trĩu quả vàng bát ngát những mùa sau.
Cách đây đúng 10 năm, ngày 24-9-2006, dòng sông có tên là Giu-se Nguyễn Quang Tuyến đã hòa mình vào Đại Dương Vĩnh Cửu. Dòng sông ấy đã trở về với Cội nguồn là Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta tưởng niệm một chủ chăn, một người tông đồ, một người cha của gia đình giáo phận. Chúng ta tin rằng, Đức Cha Giuse, sau một đời vất vả hy sinh vì Giáo Hội, nay được gặp gỡ Đấng mà suốt đời ngài tin tưởng phó thác cậy trông. Hạnh phúc vĩnh cửu được Chúa Giê-su diễn tả, đó là những ai yêu mến Chúa thì sẽ được ở trong tình yêu chan hòa của Chúa Cha và Thiên Chúa Ba Ngôi cũng ở trong họ. Ở trong Chúa và được Chúa ở trong mình, đó là cuộc gặp gỡ kỳ diệu của ân sủng, của tình yêu.
Đức Cha Giu-se đã về với cội nguồn, nhưng công lao và dấu ấn của ngài trong suốt 17 năm giám mục còn lưu lại mãi với chúng ta. Mỗi chúng ta đều có thể nhận ra dễ dàng những dấu ấn ấy. Đối với Giáo phận Bắc Ninh, Đức Cha Giu-se vẫn đang làm viên gạch nền móng cho tòa nhà đức tin, làm chất đốt để sưởi ấm những tấm lòng, làm phân bón cho keo sơn tình hiệp nhất, để đem lại những hoa trái và mùa gặt thiêng liêng. Ngài vẫn hiện diện giữa cộng đoàn chúng ta, để cảm thông những băn khoăn trăn trở, để cùng chia sẻ những vui buồn và để cầu nguyện cho chúng ta. Lễ giỗ hôm nay là dịp để chúng ta khẳng định rằng, Đức Cha Giuse không đi vào quên lãng trong lòng mọi thành phần Dân Chúa của Giáo phận. Thể hiện lòng yêu mến hiếu thảo với Đức Cha Giuse, mỗi thành viên trong gia đình Giáo phận hãy cố gắng thực hiện những mong ước của ngài khi sinh thời, đó là sống đạo đức, xây dựng tình hiệp nhất yêu thương và nỗ lực loan truyền đức tin, để Giáo phận phát triển và hướng tới tương lai “Trĩu quả vàng bát ngát những mùa sau”.
Tưởng nhớ một người đã khuất bóng cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình. Mỗi chúng ta đang tiến dần về quê trời, như dòng sông đang uốn khúc cuồn cuộn chảy về đại dương. Nơi ấy, con người được gặp gỡ Chúa, các thiên thần và các thánh. Nơi ấy, chắc chắn chúng ta sẽ được gặp lại Đức Cha Giuse, người mà chúng ta đang tri ân và thương nhớ và nguyện cầu. Amen.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
nguồn: gphaiphong.org