Bảy loài hoa trong Ca vãn cổ truyền dâng hoa Đức Bà

Bản ca vãn dâng hoa cổ truyền mang âm hưởng Quan họ; từ lâu đã đi vào đời sống sinh hoạt Đức tin của giáo dân vùng Kinh Bắc. Lời ca với ngôn từ hàm súc, âm điệu nhẹ nhàng đằm thắm; là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống yêu mến Đức Mẹ trong Giáo Hội và nét đẹp dân ca Việt Nam. Trong đó, để dễ hiểu và hình dung về các nhân đức của Đức Mẹ, các tín hữu cùng đã dùng những loài hoa quen thuộc với dân tộc mình để diễn tả. Đó là bảy loài hoa: Hoa Quì, Hoa Sen, Hoa Lê, Hoa Cúc, Hoa Mai, Hoa Đơn và Hoa Lan.

Hoa Quì (Hoa Hướng Dương)

“Đức Bà thờ Chúa một bề
Hoa Quì chăm chắm hướng về Thái dương.”

Đức Mẹ Maria luôn một lòng thờ phượng Chúa, đặt Chúa là trung tâm của cuộc sống mình. Như Hoa Quì (hướng dương) luôn hướng về mặt trời, mỗi người cũng hay luôn hướng về ánh sáng là Thiên Chúa. Đức Mẹ cũng là hình mẫu tuyệt vời của nhân đức thờ phượng cho mỗi người tín hữu.

Hoa Sen

“Tội nguyên không nhiễm khác thường
Hoa Sen trên nước chẳng vương bùn lầm.”

Đức Mẹ là người không vướng tội lỗi, Đức Mẹ trinh nguyên trong sạch, Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Như hoa Sen với sự thanh thoát, thuần khiết, sống trên bùn mà không bị hôi tanh mùi bùn, mỗi lần nhìn hoa Sen, ta liên tưởng Đức Mẹ và sống một cuộc đời không vấn vương tội lỗi giống Mẹ.

Hoa Lê Tuyết

“Lòng đầy Thánh Sủng giáng lâm
Hoa Lê tuyết đượm màu thơm khác vời.”

Đức Mẹ được đầy ân sủng của Thiên Chúa. Trong các loài hoa, Hoa Lê Tuyết với sắc trắng tinh khiết và mùi thơm đặc biệt do Trời ban diễn tả phần nào những phúc lành Chúa ban cách riêng cho Đức Mẹ, người được Thiên Chúa chúc phúc. Mỗi chúng ta có đang sống là người được Chúa chúc phúc không?

Hoa Cúc

“Tuổi cao phúc đức càng dầy
Lạ lùng Hoa Cúc nở ngày vãn thu.”

Ân sủng của Chúa, qua đức tính kiên trì, Mẹ đã tích lũy qua năm tháng, ngày càng dầy hơn. Trong truyền thống Việt Nam, hoa Cúc là loài hoa đại diện cho mùa thu, được thể hiện trong tranh tứ bình. Hình ảnh hoa Cúc nở vào “ngày vãn thu” (cuối thu) ngụ ý rằng Đức Mẹ, đã trải qua nhiều thử thách, nay tỏa sáng với sự thánh thiện và ân sủng.

Hoa Mai

“Tòa cao thần thánh kính chầu
Hoa Mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa.”

Đức Mẹ được tôn vinh, với vị trí cao cả (tòa cao), nơi mà các thánh thần và thiên thần đều cúi đầu tôn kính. Với các loài hoa, hoa Mai nở trên đỉnh núi, tượng trưng cho sự cao quý, thanh tao và là khởi đầu của mùa xuân. Hoa Mai diễn tả phần nào Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Hội Thánh, là người đầy ân sủng vì đã cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế, khai mở thời kỳ ân sủng cho muôn thế hệ.

Hoa Đơn

“Muôn loài cảm mến âu ca
Hoa Đơn phú quý gần xa vui vầy.”

Câu hát này diễn tả lòng yêu mến của muôn loài dành cho Đức Mẹ Maria. Với hình ảnh hoa Đơn (hoa mẫu đơn) là biểu tượng của sự phú quý, giàu sang và thịnh vượng trong văn hóa phương Đông, muốn diễn tả vẻ đẹp cao quý của Đức Mẹ. Trong đó, mọi người, mọi loài từ gần đến xa, đều vui mừng và cảm nhận được phúc lành dưới sự che chở của Mẹ.

Hoa Lan

“Các ơn Chúa phó trong tay
Hoa Lan vương giả hương bay ngạt ngào.”

Mẹ là trung gian ban phát các ân sủng của Thiên Chúa cho nhân loại được nói đến ở câu số bảy. Hoa Lan được biết đến là loài hoa sang trọng với hương thơm lan tỏa, tinh tế và ngọt ngào. Thiên Chúa đã giao phó các ơn lành của Ngài cho nhân loại qua Đức Mẹ.

Quả vậy, cùng với lòng sùng kính mến yêu Đức Mẹ của người giáo dân Kinh Bắc; Tin Mừng đã ngày càng thấm đẫm trên quê hương thân yêu. Từ đó, đức tin và văn hóa không còn là hai phạm trù riêng biệt, nhưng luôn song hành và tạo nên một nét đẹp rất riêng của Đạo Công giáo tại Việt Nam.

Cao Lễ