Chầu Thánh Thể, một Hội Thánh hiệp nhất và tỉnh thức
Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, cùng với Đức giáo hoàng Phanxicô, các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới sẽ cử hành giờ chầu Thánh Thể vào cùng một thời điểm: 5 giờ chiều tại Rôma, lễ Mình Máu thánh Chúa Kitô, 2-6-2013. Nhiều người có thể thắc mắc: Lần đầu tiên sao? Đúng vậy, chầu Thánh Thể là việc đạo đức truyền thống của người Công giáo và qua bao đời, các tín hữu vẫn thường xuyên tuân giữ, nhất là vào dịp lễ kính trọng thể Mình và Máu thánh Chúa Kitô. Tuy nhiên, những giờ chầu ấy được cử hành vào những thời điểm khác nhau tùy theo địa phương. Còn lần này thì khác, vị giám mục Rôma, cùng với các giám mục của các giáo phận, và anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, sẽ cùng chầu Thánh Thể vào một thời điểm.
Còn hình ảnh nào đẹp hơn để diễn tả sự hiệp nhất trong Hội Thánh, sự hiệp nhất của đức tin, như chủ đề giờ chầu Thánh Thể nêu cao “Một Chúa, một đức tin”. Người công giáo khắp nơi ý thức điều này rất rõ nên như Đức TGM Rino Fisichella cho biết, các giáo phận đã đáp ứng hết sức tích cực. 5 giờ chiều tại Rôma sẽ là tảng sáng đối với Honolulu và Samoa, nhưng anh chị em giáo dân vẫn tham gia. Tại Capri, Italia, cơn động đất khủng khiếp cách đây một năm đã khiến giáo phận không còn Nhà thờ chính tòa nữa, nhưng mọi người vẫn quyết định tham gia bằng cách chọn một địa điểm khác. Ở Papua Guinea, từ 4 ngày qua, thành phố rơi vào tình trạng lũ lụt và mất điện, nhưng giám mục địa phương cho biết vẫn tham gia. Còn ở Việt Nam, 5 giờ chiều tại Rôma sẽ là 10 giờ đêm, nhưng anh chị em tín hữu sẵn sàng chầu Thánh Thể, không chỉ tại các Nhà thờ chính tòa mà còn tại các giáo xứ và cộng đoàn dòng tu.
Bí tích Thánh Thể đúng là suối nguồn và chóp đỉnh của sự hiệp nhất trong Hội Thánh: “Vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một Thân Thể” (1 Cor 10,17). Thế nhưng, hiệp nhất để làm gì? Thưa, hiệp nhất để trở thành một Hội Thánh tỉnh thức.
Hội Thánh tỉnh thức là một Hội Thánh luôn lắng nghe tiếng Chúa, đặc biệt là tiếng gọi nên thánh. Những lo toan về ngoại giao, tài chính, điều hành, quản trị, có thể cách nào đó làm cho Hội Thánh xao lãng trước tiếng gọi nên thánh, đang khi đây là tiếng gọi quan trọng nhất. Chỉ khi Hội Thánh “thánh thiện”, nghĩa là hoàn toàn “thuộc về Chúa”, Hội Thánh mới có khả năng loan báo Lời cứu độ cách thuyết phục nhất. Đây chính là ý cầu nguyện của Đức giáo hoàng Phanxicô cho giờ chầu Thánh Thể đặc biệt: Xin Chúa làm cho Hội Thánh luôn biết lắng nghe Lời Chúa, để luôn luôn là Hội Thánh xinh đẹp, thánh thiện không vết nhơ; một Hội Thánh trung thành loan báo Lời cứu độ, Lời tình yêu và thương xót, để chữa lành khổ đau của nhân loại, và nhờ đó chính Hội Thánh cảm nghiệm niềm vui.
Hội Thánh tỉnh thức cũng là một Hội Thánh lắng nghe tiếng nói của con người, nhất là những người đau khổ. Vì thế, ý nguyện thứ hai của Đức giáo hoàng Phanxicô là cầu nguyện cho những nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, buôn bán ma túy, nạn nhân của bạo lực, thất nghiệp, những người già cả, vô gia cư, di dân, tù nhân, bị loại trừ. Tóm lại là những người đau khổ dưới mọi hình thức. Hội Thánh cần tỉnh thức trước những nỗi đau của con người, để gần gũi, nâng đỡ, đem lại hi vọng cho họ, và can đảm trong việc bảo vệ phẩm giá con người.
Xin Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi bánh và rượu nên Mình và Máu thánh Chúa Kitô, cũng giúp chúng ta cảm nghiệm và sống trọn vẹn ý nghĩa của Hội Thánh hiệp nhất và tỉnh thức trong giờ chầu Thánh Thể đặc biệt này.
(01-06-2013)