Chuyện ông Tào

Ông Tào, chẳng phải là Tào Tháo, tao lao, Thiên Tào hay Nam Tào gì cả. Nhưng ông Tào là một con người nhỏ bé, cộng thêm cả hai cái nạng may ra mới được hơn 30kg. Đôi chân ông cụt đến gối. Mười ngón tay không lành nặn, đôi bàn tay ông co rụt lại như hai cục thịt sần sùi. Sống mũi ông sụp hết làm mặt ông phẳng lỳ. Hai mi mắt ông thì co lại trông tròn như mắt thỏ. Da mặt nhăn nheo, dung nhan ông dị dạng. Nhiều người trông thấy ông phải sợ.

Ông Tào mắc bệnh cùi. Một thứ bệnh mà người đời xa lánh như một đồ phế thải độc hại. Ông cô đơn, không vợ, không con, người thân cũng không có. Xét bề ngoài, cuộc đời ông tăm tối. Trước mặt ông chỉ là một biển đêm đen dày đặc. Người mới gặp thương hại nghĩ ông như một người bất hạnh nhất trên đời.

Thế nhưng, qua tiếp xúc, tôi thấy ông rất vui và bình an. Trò chuyện lâu giờ, tôi nhận ra một tâm hồn vĩ đại đang ẩn chứa trong con người tưởng chừng bất hạnh này. Ông đã can trường lướt thắng những bất hạnh ấy ngay trong chính cuộc đời khốn khổ của mình. Dù cuộc sống quay quắt, nhưng ông cố gắng hết sức làm những gì có thể để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Với Chúa, ông Tào là một gương mẫu trong đời sống đức tin. Đôi tay không ngón tàn phế lại trở thành cặp dùi đánh trống nhà thờ. Nhờ đó, tiếng trống vang lên mời gọi mọi người đọc kinh cầu nguyện và nhớ tới Chúa hằng ngày. Ông quét dọn, đèn nến trong phòng nguyện để Nhà Chúa luôn trang nghiêm sạch sẽ. Ông hướng dẫn và mời những người đến thăm Gia đình phong vào viếng Chúa, cầu nguyện cho mọi người.

Với tha nhân, ông Tào quảng đại yêu thương, hòa hợp với mọi người. Có những lần chúng tôi gặp ông nấu cơm, giặt quần áo cho các bệnh nhân khác bị đau, ốm… Và biết bao nghĩa cử thầm lặng khác.

Ông nhìn thấy nhu cầu của từng người trong họ giáo cũng như các bệnh nhân khác trong trại, để cầu nguyện, phục vụ và xin người khác giúp đỡ. Chính ông nhiều khi cũng bớt khẩu phần quà của mình để giúp đỡ những người mà ông cho là họ gặp khó khăn hơn mình.

Điều làm tôi cảm động nhất là khi có người giáo dân trong trại phải nằm bệnh viện thì chính ông đến khoa trực đêm trông coi người bệnh cho đến khi xuất viện hoặc ra đi vĩnh viễn. Bao lâu người bệnh còn nằm bệnh viện, thì bấy lâu ông không ngủ ở nhà. Ở bệnh viện, ông phải nằm ngoài hành lang vì trong phòng chỉ có chỗ cho bệnh nhân và nhận viên y tế. Dù vậy, ông vẫn ở lại suốt đêm này qua đêm khác. Nếu giờ hấp hối đến với họ, ông sẵn sàng có mặt để giúp bệnh nhân phó mình trong tay Chúa, tin tưởng vào tình yêu Chúa và ra đi bình an.

Ông kiên trì chờ đợi ở đấy để không một người đồng cảnh nào của ông phải ra đi trong cô đơn. Mặc cho trời mưa, hay tạnh ráo, trời oi bức hay rét cắt da thịt, ông Tào vẫn cố gắng đi với bệnh nhân trên đoạn đường cuối cùng của cuộc đời họ. Ông không chùn bước mà bỏ lỡ một cơ hội nào. Nhiều khi chúng tôi thấy vậy, mời ông ở nhà nghỉ ngơi một vài đêm để chúng tôi thay nhau trông nom giúp. Không chịu, ông nói: “Các sơ còn phải nghỉ lấy sức học, con già rồi không ngủ được, hoặc nếu cần, ngày mai con ngủ bù cũng không sao. Ban ngày có các sơ làm việc ở đây rồi, con yên tâm ngủ. Đêm con về nhà ngủ không được, lỡ họ ra đi thì sao? Con muốn tiễn họ đi hết chặng đường họ phải đi, có thế con mới an tâm”.

Không chỉ sống tương quan với những người trong cùng một trại, ông còn liên lạc, tạo mối tình thân thiện với những người đồng bệnh ở các trại khác nữa. Khi mới đến đây, tôi gặp ông với sợi chun ở cổ tay. Sau mới biết, ông nhờ một người nào đó khâu vòng sẵn buộc vào cổ tay, dắt cây bút vào để viết thư. Những dòng chữ nghệch ngoạc nhưng chứa đầy tình người, cộng với bao hy sinh cố gắng. Thấy tôi chăm chú nhìn với ánh mắt thán phục, ông đưa thư cho tôi xem và nhờ tôi viết thư giúp ông.

Ông quen biết khá nhiều người. Vì mỗi khi có thư đến, ông đều nhờ tôi đọc thư cho nghe và giúp viết thư hồi âm. Một năm có tôi bên cạnh, ông không phải buộc chun viết thư nữa. Nhưng tôi về, ông lại tiếp tục viết một cách kiên nhẫn và viết cho cả tôi nữa. Lâu lâu, tôi lại viết thư cho ông và không quên dặn ông đừng hồi âm vì thương ông tội nghiệp. Vài năm sau, ông về với Chúa.

Nhìn gương ông, tôi mới hiểu một cách sâu xa rằng: con người chỉ cần có ý thức, có nhiệt thành thì dù sống trong hoàn cảnh nào cũng có thể phụng sự Chúa và phục vụ mọi người một cách hữu hiệu được.

Kinh nghiệm thức tế cho tôi biết, ông Tào không hề bất hạnh vì luôn có Chúa là hạnh phúc nhất đời. Và vì ông tìm thấy giá trị vĩnh cửu ngay trong chính những đau khổ tột cùng như một kho báu Chúa ban tặng. Ông không hề cô đơn, vì còn có nhiều bệnh nhân khác sống quanh ông, tôn trọng ông, yêu mến ông.

Tôi nghĩ không ai nghèo hơn ông. Không chỉ nghèo về của cải, mà ngay cả bộ phận của một thân thể, ông cũng không có đủ. Ngón tay để cầm bút viết, bàn chân để đi, ông cũng không có. Thế nhưng, ông vẫn viết cho bao người, vẫn đi để phục vụ cho nhiều người.

Vậy nên, trước mặt Chúa tôi có lý do gì để bào chữa cho mình, khi Ngài đã cho tôi chứng kiến một mẫu gương như thế. Điều đó khích lệ tôi cố gắng hơn trong việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Tôi còn phải cố gắng rất nhiều, và rất cần lời cầu nguyện của hết mọi người. Và tôi tin ông Tào cũng cầu nguyện cho tôi nữa.

Hạt Lúa Mỳ