ĐTC viếng thăm giáo xứ Anh giáo Cấc Thánh tại Roma
Chiều Chúa Nhật 26 tháng 2 vừa qua ĐTC Phanxicô đã đến thăm nhà thờ Anh giáo các Thánh tại Roma. Nhà thờ các Thánh của Anh giáo được khởi công xây năm 1882 theo kiểu tân gô tích, và hoàn thành năm 1887. Trước đó dưới thời ĐGH Pio VII và Leô XII cộng đoàn Anh giáo đã không được phép xây nhà thờ. Chỉ sau khi Italia được thống nhất năm 1870 và quyền trần thế của các Giáo Hoàng kết thúc, các cộng đoàn kitô không phải là công giáo mới được phép ổn định một cách thường xuyên ở bên trong thành Roma, và nhà thờ Anh giáo mới được xây cất.
Sau đây là bài phỏng vấn mục sư Jonathan Boardman, cha sở nhà thờ Anh giáo các Thánh tại Roma, và ĐC Brian Farrell, tổng thư ký Hội đồng Toà Thánh thăng tiến hiệp nhất giữa các tín hữu kitô.
Truớc hết là mục sư Jonathan Boardman. Mục sư Jonathan đã theo học tại đại học Oxford, Cambridge và Gregoriana. Mục sư đã từng làm cha sở tại Liverpool, rồi tại nhà thờ chính toà Thánh Albans giữa các năm 1993-1996. Sau đó mục sư làm việc tại Catford, Downham và East Lewisham mạn nam London. Từ khi làm việc tại Roma mục sư cũng giúp lên chương trình hàng năm cho Trung tâm Anh giáo Roma. Trong các năm 2009-2015 mục sư cũng đã là trưởng Phó tế của Hội hiệp sĩ Malta. Giữa các năm 2005-2010 mục sư đã phục vụ Tổng công nghị Anh giáo, và cũng đặc trách nhà thờ Anh giáo tại Padova bắc Italia.
Hỏi: Thưa mục sư, sự hiện diện của ĐTC Phanxicô giữa cộng đoàn anh giáo có ý nghĩa gì?
Đáp: Nó là một dấu chỉ của niềm vui và tình liên đới kitô. Chúng tôi hài lòng cử hành 200 năm sự hiện diện của cộng đồng Anh giáo tại Roma cùng với vị Giám Mục Roma và cùng với các anh chị em các Giáo Hội kitô khác.
Hỏi: Đã có các bước tiến nào trong lãnh vực đại kết thưa mục sư?
Đáp: Trong các năm qua các tương quan đã được đào sâu với tình bạn giữa hai bên. Chúng tôi cũng đã đương đầu với các khó khăn, và các phát triển đã tạo ra các vấn nạn mới trên con đường hành hương chung. Trong các khó khăn đó chẳng hạn có việc truyền chức cho các phụ nữ; nhưng trước vấn đề này chúng tôi ước mong cùng nhau bước tới sự hiệp nhất.
Hỏi: Thưa mục sư, có lãnh vực chung nào mà hai bên có thể làm việc với nhau không?
Đáp: Một câu trả lời hùng hồn là việc kết nghĩa anh em giữa chúng tôi và giáo xứ công giáo Các Thánh trong vùng đông thành phố Roma. Chúng tôi đã làm việc chung với nhau, nhưng việc trao đổi này đóng dấu ấn trên sự cộng tác của chúng tôi. Để cho việc kết nghĩa anh em được cụ thể chúng tôi hết mình dấn thân trong việc tạo sự hiệp nhất, một cách đặc biệt là tập trung các cố gắng vào ba lãnh vực: thứ nhất là đào sâu sự hiểu biết nhau và tình bạn, thứ hai là tham dự các cuộc gặp gỡ trên bình diện chính thức để hiểu biết nhau hơn, và thứ ba cùng nhau phục vụ người nghèo và những người cần được trợ giúp trong thành phố Roma.
Hỏi: Theo mục sư, đâu là kiểu tốt nhất để thắng vượt các chướng ngại?
Đáp: Đó là sáng suốt lắng nghe các lập trường của người khác, bằng cách luôn luôn có trước mắt mục đích cần đạt tới là sự hiệp nhất và ý muốn của Chúa Kitô.
Hỏi: Thực tại cộng đoàn Anh giáo tại Roma như thế nào thưa mục sư?
Đáp: Giáo xứ chúng tôi có khoảng 500 tín hữu lui tới. Họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Thế rồi chúng tôi cũng có các anh chị em khác ở rải rác trong các thành phố khác ở Italia như thành phố Pieve vùng Umbria, Macerata và Pesaro vùng Marche. Tôi là tuyên uý của Giáo Hội Anh giáo từ năm 1999.
Hỏi: Giáo xứ có các tương quan nào với Trung tâm Anh giáo tại Roma này thưa mục sư?
Đáp: Giáo xứ Các Thánh thuộc giáo phận Gibralta bên Âu châu của chúng tôi, đại diện cho Anh giáo trong lục địa. Trái lại, Trung tâm Anh giáo là một sự hiện diện của Hiệp thông Anh giáo trong tổng thể của nó và được hướng dẫn bởi vị đại diện ĐTGM Canterbury. Giáo xứ chúng tôi có các tiếp xúc với Toà Giám Quản Roma và với HĐGM Italia, trong khi Trung tâm Anh giáo đặc trách các liên lạc với Toà Thánh.
** Sau đây là phần phỏng vấn ĐC Brian Farrell, tổng thư ký Hội đồng Toà Thánh thăng tiến hiệp nhất giữa các tín hữu kitô.
Hỏi: Thưa ĐC Farrell, chuyến ĐTC thăm giáo xứ Anh giáo các Thánh tại Roma có ý nghĩa gì?
Đáp: ĐTC Phanxicô rất ý thức sự kiện ngài là Giám Mục giáo phận Roma. Trong kỷ nguyên đại kết này, một Giám Mục phải chú ý tới tất cả mọi tín hữu kitô sống trong địa phận của mình. Chúng ta biết là ngài rất rộng mở đối với các anh em thuộc các Giáo Hội và cộng đoàn kitô khác. Tôi tin rằng chuyến viếng thăm này có thể được đọc trong chính đường nét của các cuộc gặp gỡ trước đó với anh em tin lành valdese, pentecostale và luther.
Hỏi: 50 năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ĐGH Phaolô VI và ĐTGM Michael Ramsay giáo chủ Anh giáo, ĐC nhận thấy tình hình các liên lạc giữa công giáo và anh giáo như thế nào?
Đáp: Chúng ta tất cả đều biết rằng cách đây 50 năm đã không có đối thoại giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu anh giáo. Bây giờ, trái lại, chúng ta cảm thấy thực sự hiệp nhất trong đức tin, trong bí tích Rửa Tội chung và trong sứ mệnh đem Tin Mừng đến cho xã hội ngày nay. Đã có biết bao nhiêu hàng rào đã bị đạp đổ, biết bao nhiêu ý kiến sai lầm đối với nhau đã được vượt thắng. Vấn đề hiện nay đó là găp gỡ nhau để luôn luôn hiểu biết nhau một cách sâu đậm hơn trong tinh thần đức tin và truyền giáo để cộng tác với nhau tốt đẹp hơn trong việc phổ biến Tin Mừng. Trong 50 năm qua chúng tôi cũng đã thành công trên bình diện thần học và thắng vượt được vài khó khăn. Còn rất nhiều bước phải làm, nhất là bởi vì giữa chúng tôi có các khó khăn quan trọng ngay trong ý niệm về Giáo Hội, đặc biệt liên quan tới các bí tích, chức thừa tác, và việc Giáo Hội phải làm gì để chu toàn sứ mệnh thánh hoá. Trong nghĩa này chúng tôi còn có rất nhiều điều để học hỏi trong các cuộc đối thoại thần học, nhưng trên bình diện tình huynh đệ, liên đới, cộng tác chúng tôi đã có các tiến triển lớn.
Hỏi: Thưa ĐC, các tín hữu công giáo và anh giáo có thể cùng nhau làm gì để loan báo Chúa Kitô cho con người thời nay?
Đáp: Với chuyến viếng thăm của ĐTC bắt đầu việc kết nghĩa anh em giữa giáo xứ Các Thánh anh giáo và giáo xứ Các Thánh công giáo tại Roma. Đó là một thí dụ cụ thể cho thấy hai giáo xứ có thể hiểu biết nhau và cùng nhau làm việc, cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, thực hiện các công tác liên đới và bác ái đối với những người cần được trợ giúp như thế nào. Đó là lớn lên: cũng giống như nói rằng đại kết được làm khi bước đi. Đây là lần đầu tiên một điều tương tự xảy ra tại Roma. Nó cho chúng ta thấy việc xác nhận một sự cộng tác, không phải chỉ bằng lời nói, mà thực thụ, cụ thể. Các tín hữu của hai giáo xứ hiểu biết nhau, sẽ hiểu biết tốt tất cả những gì chúng ta có chung với nhau và cả những khó khăn nữa. Họ sẽ gặp gỡ nhau như các anh chị em đích thực trong Chúa Kitô, và họ sẽ cộng tác với nhau trên con đường tìm kiếm sự hiệp nhất.
Hỏi: Có thể nói tới các liên hệ chặt chẽ và sâu xa giữa các tín hữu anh giáo và công giáo hay không thưa ĐC?
Đáp: Trong một nghĩa nào đó thì có thể nói như thế. Cả Công Đồng Chúng Vaticăng II, trong sắc lệnh về đại kết Unitatis redintegratio, cũng đã quy chiếu một tương quan đặc biệt với các anh em Anh giáo, bởi sự kiện họ đã duy trì hình thái lịch sử của chức Giám Mục. Dĩ nhiên vấn đề là phải xem xét cho tới điểm nào chức giám mục ấy ở trong việc kế vị tông đồ như chúng ta quan niệm. Tuy nhiên, cấu trúc hàng giáo phẩm và hình thái cai quản của Giáo Hội Anh giáo rất giống với công giáo chúng ta, mà không giống hình thái của Giáo Hội tin lành Luther hay cải cách. Vì thế chúng ta có với anh em Anh giáo điểm tiếp xúc này, mà không có với các kitô hữu khác.
Hỏi: Công việc của các cặp Giám Mục, một công giáo một anh giáo, đã nhận được từ bài sai của ĐTC Phanxicô và ĐTGM Welby ngày mùng 5 tháng 10 năm ngoái tại nhà thờ thánh Giorgio trên đồi Celio, đã đi tới đâu rồi thưa ĐC?
Đáp: Theo những gì chúng tôi biết các Giám Mục này đã trở về với lòng hăng say lớn từ các kinh nghiệm của các vị và các vị đang tổ chức để lôi cuốn tất cả các mục tử của hai Giáo Hội. Các tin tức nhận được cho tới nay xem ra rất tích cực. Đây là một sự cộng tác cần được khuyến khích và tổ chức tại địa phương.
(Oss. Rom 25-2-2017)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Đài Vatican