Đức cha giáo phận ăn tết với anh chị em giáo dân miền Sơn Cước

HƠI ẤM NGÀY XUÂN

Tân niên thánh đức bao ân phúc,

Xuân nhật an hòa mãi phú vinh.

Tết Nguyên Đán là một thời khắc tự nó đã có cái gì đó rất đặc biệt, rất linh thiêng và cao quý. Bởi thế người ta vẫn thường hát rằng: “Ngày đầu xuân bao người đi xa cũng về với gia đình, cũng về với ân tình[1]”. Về bên những người thân thuộc, sum họp với mọi thành viên trong gia đình giáo phận, mang theo hơi ấm tình thương, tin yêu và hy vọng là nỗi niềm khắc khoải, thúc đẩy Đức Cha Cosma “đi đến những vùng ngoại biên[2]” để hiệp nhất đại gia đình giáo phận Bắc Ninh nên một trong tình yêu Chúa nhân dịp đầu xuân Bính Thân 2016.

ĐỨC Cha xuất phát tự Bắc Ninh

GIÁM định hành trình thương mến thương

MỤC vụ đón xuân miền sơn cước

THĂM chiên, huấn dụ sống tình thương.

(Kim Long  – Nà Phặc)

Từ khi về nhận giáo phận trên cương vị mục tử, Đức cha Cosma đã mong ước và thực hiện những chuyến hành hương như: Theo chân các bậc tiền nhân, Tin Mừng trên những rẻo cao. Năm nay, Ngài tiếp tục ước mong ấy bằng hành trình “ĐÓN TẾT CÙNG CHA”. Hành trình trải dài khoảng chừng gần 800km, vượt qua 6 tỉnh (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh) và dừng chân thăm viếng mục vụ tại 8 địa điểm khác nhau (Công Đa – Đồng Lệnh – Vĩnh Ngọc – Na Hang – Yên Hoa – Nà Phặc – Bắc Kạn – Hích).

  1. Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh

Mùa Xuân thắm sắc mai vàng

Bình minh tỏa ánh nắng vàng lung linh

Giáo đường vang vọng lời kinh

Hồi chuông đổ nhịp ân tình ngàn năm.

(Trầm Thiên Thu)

Sân nhà thờ chính tòa Bắc Ninh rộn rã tiếng cười. Những cái bắt tay, những lời chào chúc vang vọng, len lỏi trong làn sương giá mờ ảo. Cái Tết sao mà nhanh đến thế! Đúng 7 giờ, tiếng chuông nhà thờ chính tòa đổ nhịp, lời kinh đầu năm ngân vang, thiêng liêng và say đắm. Toàn thể cộng đoàn cùng người Cha kính yêu của giáo phận dâng lời tạ ơn lên Chúa cùng phó dâng cả giáo phận nơi lòng thương xót của Người. Ước mong những hoa trái đức tin vẫn tiếp tục chớm nở và đơm bông trong năm Bính Thân này.

  1. Giáo họ Công Đa, giáo xứ Yên Thịnh

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.[3]

Khởi hành từ Tòa Giám Mục, xe ô tô từ từ lăn bánh qua ngôi thánh đường cổ kính 124 năm tuổi; hướng về phía Tây Bắc của giáo phận. Đường phố Kinh Bắc hôm nay như cũng được nghỉ ngơi đón Tết sau bao ngày dài nhộn nhịp tàu xe. Cung đường Mân Côi[4]  cũng thế, chẳng có bóng dáng xe nào. Thoáng chốc, chúng tôi đã bắt vào cao tốc Hà Nội – Lào Cai, để rồi từ đó ngược lên phía Bắc theo đường 2C.

Sau khoảng chừng hơn hai tiếng trên đường, đoàn chúng tôi đặt chân đến giáo xứ Yên Thịnh. Đây là một giáo xứ có bề dày lịch sử. Trước kia họ Yên Thịnh thuộc giáo xứ Đồng Chương. Suốt một thời gian khá dài, giáo phận Bắc Ninh thiếu linh mục, giáo xứ đã được các cha giáo phận Hưng Hóa coi sóc. Khi giáo phận có nhiều linh mục hơn, giáo họ được giao cho cha Giuse Trần Quang Khiêm, cha Giuse Hoàng Văn Lịch. Đến khi Yên Thịnh trở thành giáo xứ cho tới nay, cha Giuse Trần Văn Chỉnh được đặt làm chánh xứ tiên khởi.

Tạm nghỉ đôi chút, đoàn chúng tôi tiếp tục tiến thêm hơn 20 km vòng theo núi đồi Yên Sơn để đến giáo khu Công Đa. Đến Công Đa khi trời bắt đầu nghiêng bóng. Cái nắng đầu năm giữa núi rừng đương xuân mới thật khác lạ. Nhìn những chồi non mới nhú đung đưa vờn nắng trong cái gió xuân nhè nhẹ, lòng ta như nhẹ nhõm reo vui. Đúng là

“Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc.

Tết về cây đức trổ thêm hoa”.

Tọa lạc tại thôn Đụng, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, giáo khu Công Đa thuộc giáo xứ Yên Thịnh là nơi nuôi dưỡng đời sống đức tin của gần 50 tín hữu, sống rải rác trong vùng. Để đến đây, có những người đã phải lặn lội vượt qua khoảng 15km đường núi đồi.

Được biết: Vào những năm 1970, người ta rủ nhau kéo đến vùng này sinh sống. Một trong số những người ấy có cụ Vicente Vũ Đình Điện – hạt giống Đức Tin đầu tiên trong vùng. Theo thời gian, cây Đức Tin ấy cứ lớn dần lên như hạt cải và nay đang trổ sinh hoa trái ngọt lành.

Trong bài giảng, Đức Cha mời gọi cộng đoàn sống tình gia đình, huynh đệ; can đảm sống chứng tá đức tin giữa xóm làng như các bậc tiền nhân xưa. Đừng lo lắng nhưng hãy biết lo liệu, tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa là Cha nhân hiền.

Ước mong sao những khó khăn, thách đố bề ngoài không làm bà con nản chí nhưng lại trở thành nguồn lực giúp bà con vững vàng hơn trong đức tin và hiệp nhất với nhau trong đời sống mỗi ngày.

Resize of IMG_9335

Resize of IMG_0734

  1. Gia đình Phong Đồng Lệnh, Hàm Yên

Niềm vui xúc động trào dâng

Muôn tim một nhịp bâng khuâng cất lời.

Cha ơi! Cha đã về rồi.

Đoàn con lớn nhỏ xúm ngồi cùng Cha.

Tạm xa Công Đa, chúng tôi tiếp tục hành trình hơn 70km để đến Hàm Yên. Nhắc đến Hàm Yên người ta nghĩ ngay tới giống cam sành nổi tiếng thơm ngon, một trong mười đặc sản đệ nhất trời Nam. Tuy nhiên khi đến nơi này, điều chúng tôi tìm kiếm còn cao quý hơn nhiều. Đó chính là gia đình Phong Đồng Lệnh và những thành viên trong gia đình ấy. Chẳng phải là ai xa lạ, họ cũng là thành phần trong đại gia đình giáo phận, là chi thể trong một thân thể duy nhất. Vậy mà đã có lúc họ bị bỏ rơi, bị hắt hủi và xa lánh.

Nằm cô đơn giữa núi rừng Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, thôn Đồng Lệnh được biết đến như là nơi dành riêng cho những bệnh nhân phong kể từ những năm 1970. Khi ấy, cuộc sống nơi đây thật khắc nghiệt: không điện, ít nước, đường xá gập ghềnh sỏi đá hay chỉ như lối mòn chốn rừng xanh. Cuộc đời người bệnh dường như đi dần vào ngõ cụt khi họ phải chịu đựng sự hắt hủi, xa lánh của cộng đồng và người thân. Quả thực, có lắng nghe các cụ chia sẻ ta mới thấm thía thế nào là tình thương. Những khó khăn của nghịch cảnh, những di chứng của căn bệnh chẳng đáng kể gì so với sự thờ ơ, vô cảm của con người.

Đến nay, giáo phận đã gửi hai cô thuộc Tu Hội Đức Mẹ Hiệp nhất lên đây chăm sóc cho những người bệnh phong. Đa số, đời sống của bà con nơi làng phong đã được cải thiện đáng kể nhưng cũng còn không ít những số phận cô đơn sống dưới nếp nhà cấp bốn sờn cũ kỹ. Hiện tại, gia đình phong Đồng Lệnh đang chăm sóc và điều trị cho 17 bệnh nội trú và hơn 20 bệnh nhân ngoại trú. Mặc dù cuộc sống có phần tốt đẹp hơn trước nhiều, song vẫn còn không ít những khó khăn. Điều đáng ngạc nhiên là trong số những khó khăn mà các cụ chia sẻ lại đến từ con người, những người được kể như là “thân cận” với các cụ. Xin đơn cử về việc chiều tối ngày 29 Tết, (7.2.2016) một số thanh niên hùng hổ vào khu điều trị bệnh của gia đình phong, xưng danh này nọ rồi dọa nạt, cấm đoán, không cho tổ chức đón mừng năm mới của gia đình phong ??? Miên man suy gẫm, câu nói của ai đó chợt ùa về trong tôi: “Nếu tôi thực sự bị bắt bớ vì rao giảng về Đức Giêsu, thì tôi hãy phó thác mình cho Chúa. Phó thác khiêm nhường, bình tĩnh, đầy tin tưởng và yêu thương, sẵn sàng cho mọi hy sinh. Rồi Chúa sẽ chủ động can thiệp vào trường hợp của tôi. Chúa coi những trường hợp như vậy là việc của Chúa. Chúa sẽ cứu. Không ngờ những đêm hãi hùng trên đây lại là cơ hội tốt để Chúa đổi mới tôi.”

Dù vậy, Tết Nguyên Đán tại Gia đình Phong Đồng Lệnh năm nay vẫn thật đậm đà và ấm cúng. Đó chẳng phải là bởi mặt trời đã nhô cao hay tỏa nắng giữa mùa đông giá lạnh tại nơi đây; nhưng hơn thế, “Cha của người Phong” đã về. Chẳng thể nào diễn tả hết niềm vui của những người con cái sống trong gia đình phong khi biết người cha hiền trở về để đón Tết với họ. Thật đúng như lời Thánh Vịnh 133:

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

anh em được sống vui vầy bên nhau”[5]

Chia tay Đồng Lệnh để tiếp tục hành trình nhưng lòng tôi không khỏi vấn vương và chút niềm ưu cảm. Ước mong sao những trái tim kia luôn còn hy vọng bởi tấm lòng vàng vẫn thấp thoáng đó đây.

Resize of anh 4

Resize of IMG_0779

  1. Xứ họ Vĩnh Ngọc, Tân Bình

Cái lạnh ập về cùng những làn sương mờ ảo trong đêm tối, đoàn chúng tôi kịp đến Vĩnh Ngọc khi đây đó đã lên đèn.

Xứ họ Vĩnh Ngọc tọa lạc bên dòng sông Gâm, ấp ôm biết bao những nhà truyền giáo âm thầm đang ngày đêm vun trồng hạt giống đức tin giữa lòng dân tộc và đồng bào thiểu số. Được biết đến như một nơi xa xôi trong giáo phận, xứ họ Vĩnh Ngọc nằm trong địa bàn thôn Quảng Thái, xã Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cách Tòa Giám Mục Bắc Ninh 207 km.

Nghe tin đoàn chúng tôi đến thăm, ban hành giáo và bà con giáo dân Vĩnh Ngọc í ới kéo nhau đến tiếp đón chúng tôi. Khác hẳn với những điều người ta nói về dòng Gâm Giang: “Uống nước sông Gâm không câm, cũng điếc”, Gâm Giang hôm nay hiền hòa và êm đềm như chính những con người nơi đây. Tạ ơn Chúa khi màn đêm dần buông, chúng tôi chìm vào giấc ngủ ngon lành bên dòng Gâm Giang. “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút[6].

Tiếng gà gáy, tiếng cuốc nước vang vọng đánh thức chúng tôi. Cái lạnh vẫn còn bao trùm, như chẳng muốn kéo tôi ra khỏi tổ ấm của mình. Khi mặt trời còn chưa ló rạng, cả cộng đoàn đã tề tựu đông đảo bên người cha chung của giáo phận, cùng hiệp dâng thánh lễ cầu cho các bậc tiên nhân.

IMG_0794 IMG_0797

  1. Giáo họ Na Hang, Tân Bình

“Mừng năm Bính Thân,

Chúa ban hồng ân,

Gặp nhiều may mắn,

Gia đình bình an”

Gửi lại những lời cầu chúc tốt đẹp, đoàn chúng tôi lại nhanh chóng lên đường thẳng tiến Na Hang. Miên man suy nghĩ, tôi thấy những hình ảnh và bài giảng về truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô hiện ra rõ nét trong tâm trí tôi. Ngài lớn tiếng kêu gọi mọi thành phần trong Giáo Hội phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa, là can đảm ra đi để truyền giáo, và đặc biệt là phải đi tới những vùng ngoại biên. Vùng ngoại biên của niềm tin, của ý thức hệ, của cuộc sống, của những người đang bất hạnh về mọi mặt.

Cung đường khúc khuỷu quanh co kéo tôi trở về thực tại. Gâm Giang êm đềm vẫn song hành bên cạnh như người hướng dẫn chỉ đường. Tràn đầy niềm vui và hy vọng khi ánh mặt trời Đức Tin đã bắt đầu le lói, chúng tôi tiến vào Gốc Sấu – nơi bà con giáo dân đã tề tựu đông đảo. Người nói, kẻ cười nhưng cũng có không ít những người đang ngồi thầm thĩ bên Chúa và lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa. Ôi! Thật tuyệt vời biết bao! Trong khi biết bao người đang mải mê yến tiệc linh đình; thì nơi đây, vẫn có những trái tim biết dành cho Chúa; gác bỏ mọi nỗi nhọc nhằn, mọi lo âu chồng chất, để tìm lại sự thư thái, an bình.

Giáo họ Na Hang thuộc tổ 15 Gốc Sấu, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, cách Tòa Giám Mục 243 km về hướng Tây Bắc. Có thể nói đây là giáo họ xa nhất trong giáo phận.

Truyện kể rằng, khoảng năm 1950, một nhóm người công giáo ở Nam Định di cư lên đây làm ăn kinh tế và phát triển dần thành giáo họ. Hiện tại, giáo họ có 253 nhân danh/83 gia đình, sinh hoạt rải rác giữa lương dân. Trải qua bao năm tháng khó khăn, nhọc nhằn cấm cách, những người tín hữu nơi này luôn xác tín niềm tin vào Đức Kitô như nước sông Gâm vẫn theo dòng về xuôi.

IMG_0806 IMG_0831

  1. Giáo điểm Yên Hoa, Tân Bình

Rời Na Hang khi trời đứng bóng, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đến giáo điểm Yên Hoa. Theo đoàn lúc này, còn có các anh chị em trong ca đoàn Na Hang. Thật là ngưỡng mộ biết bao. Sau vài năm lăn lộn trên cánh rừng truyền giáo, Cha xứ Giuse Nguyễn Văn Đinh cùng Cha phụ tá Vicente Nguyễn Hải Du đã không hề quản ngại đường xá hiểm trở, cơ sở vật chất thiếu thốn để đến đồng hành và củng cố niềm tin cho bà con giáo dân.

Công việc mục vụ của một linh mục miền sơn cước quả thật không dễ dàng. Những chuỗi đường rừng hiểm trở có nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua nhưng nhờ Ơn Chúa và sự cầu bầu chở che của Mẹ Maria mà các Cha đã kiên vững băng qua mọi gian lao thử thách.

Yên Hoa là giáo điểm cách nhà xứ Tân Bình khoảng chừng 140 km theo hướng Đông Bắc. Hiện tại cả vùng chỉ có 5 gia đình Công Giáo sống đan xen với cộng đồng những người Tày, H-mong và Dao; song nhờ sự đoàn kết gắn bó và hiệp nhất với nhau trong kinh nguyện gia đình, những gia đình Công Giáo này trở thành dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa giữa cộng đồng xã hội. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”[7]

Cả đoàn cùng dùng bữa cơm thân mật tại gia đình anh Vincente Lê Văn Liệu. Khi trò chuyện, anh Liệu nói: “Thật là vinh dự và tự hào khi được Đức Cha ghé thăm và chúc phúc cho gia đình trong ngày đầu năm này”. Anh Hải chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Đức Cha dâng lễ tại nơi này.”

“Người ta có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”.[8]

Thánh lễ kính nhớ Tổ Tiên được tổ chức long trọng tại gia đình ông Vicente Phạm Văn Tuyến, thuộc Bản Chợ, xã Yên Hoa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Hiệp dâng thánh lễ có Đức Cha Cosma, Quý Cha cùng đông đảo bà con thân thuộc, bạn bè gần xa. Mặc dù ước chừng ¾ số người tham dự chưa phải là người Công Giáo, song chắc hẳn đây là dịp thuận tiện để mỗi người hiện diện cảm nghiệm sâu xa về gốc rễ cội nguồn, về đạo hiếu, về sợi dây thiêng liêng nối kết những người ruột thịt, còn sống cũng như đã qua đời. Nguyện cho ngọn lửa đức tin luôn bừng sáng lên bên núi đồi Phương Bắc giáo phận.

Resize of IMG_0917

Resize of IMG_0896

  1. Giáo họ Nà Phặc, Bắc Kạn: CỦA LỄ ĐẦU NĂM

Đến Nà Phặc khi trời đã nhá nhem, đoàn chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi đông đảo bà con, rực rỡ với sắc mầu của các bộ trang phục truyền thống từng dân tộc, hân hoan chào đón Đức Cha và phái đoàn bằng hai hàng thẳng tắp.

CHÚC Đấng nhân Danh Chúa đến cùng

MỪNG chiên Nà Phặc gặp Cha chung

ĐỨC tài cải hóa dân miền núi

CHA tỏ tình thương sự sống chung

(Kim Long – Gh. Nà Phặc)

Giáo họ Nà Phặc nằm trong thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, Tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay giáo họ Nà Phặc có khoảng 80 nhân danh, phần lớn là người Kinh, Tầy và Nùng.

Trong thánh lễ đầu xuân, cộng đoàn còn vui mừng hơn khi có 10 người trong 5 gia đình người H’Mông xin được lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo. Thánh lễ hôm nay thật sốt sáng và cảm động vì có sự hiện diện của đông đảo những người con nơi vùng sơn cước, cả những người chưa phải là Công Giáo. Họ thật “như bầy chiên không người chăn dắt”[9]. Nguyện xin Chúa “chạnh lòng thương” như xưa nơi Israel. Đặc biệt hơn, trong thánh lễ, các em mang sắc phục bản địa cùng cất cao lời ca tiếng hát H-mông.

Nhớ khi xưa, vào ngày 1 tháng 9 năm 2008, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ giám mục giáo phận Bắc Ninh đã dâng kính Đức Mẹ một bó hoa đặc biệt và cầu nguyện với Đức Mẹ cho giáo họ Nà Phặc có một ngôi nhà nguyện để kính thờ Thiên Chúa thì nay nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, lời xin tha thiết ấy đã thành hiện thực. Không chỉ có vậy, giáo họ Nà Phặc còn đang “trổ sinh hoa trái”. Mười tân Kitô hữu hôm nay như của lễ đầu năm kính dâng lên Chúa và hứa hẹn những mùa gặt bội thu sau này. Nguyện xin Đức Mẹ Nà Phặc cầu bầu cùng Chúa cho đoàn chúng con. Amen.

Sau bữa cơm thấm đượm tình gia đình, cha con phải chia tay trong sự luyến tiếc, nhưng ai cũng ấm lòng vì sự hiện diện của người cha chung giáo phận. “Tình Thương và Sự Sống” được chan hòa và tình cha con trở nên gần gũi. Người chưa có đạo hiểu người có đạo hơn. Chính quyền và tôn giáo hiểu nhau hơn; và khi đã hiểu nhau thì dễ dàng thông cảm cho nhau và sẵn sàng nâng đỡ nhau trong cuộc sống.

Resize of 13

Resize of 1

8. Giáo xứ Bắc Kạn

Ví như Chúa chẳng xây nhà,

thợ nề vất vả cũng là uổng công. 

Thành kia mà Chúa không phòng giữ,

uổng công người trấn thủ canh đêm”[10].

Vượt qua Đèo Giàng, chúng tôi tìm đến thành phố Bắc Kạn. Được biết: Tin mừng đã được gieo và phát triển mãnh mẽ ở vùng rừng núi Bắc Kạn từ những thập niên cuối thế kỉ 19 và đầu 20. Giáo xứ Bắc Kạn được thành lập năm 1928, thời Đức cha Teodoro Gordaliza Phúc (1925-1931). Trong thời kì này, giáo xứ Bắc Kạn đã có cha xứ coi sóc, có nhà Thiên Thần (nuôi trẻ mô côi) và nhà mụ, có thể nói giáo xứ Bắc Kạn phát triển như mọi giáo xứ bình thường khác ở vùng xuôi.

Tuy nhiên, cùng với những biến cố thăng trầm của giáo hội Việt Nam, đặc biệt là hoàn cảnh khó khăn các giáo phận Miền Bắc, tưởng như Giáo xứ Bắc Kạn đã không còn tồn tại được nữa.

Vậy mà Bắc Kạn hôm nay như thay da đổi thịt, đang lớn mạnh từng ngày. Hiện tại giáo xứ Bắc Kạn có 508 nhân danh, sống rải rác trong các giáo họ Chợ Đồn (cách nhà xứ Bắc Kạn 40 km), Nà Phặc (cách nhà xứ 40 km), Na Rì (cách nhà xứ 80 km), Ba Bể (cách nhà xứ 80 km), Pắc Nậm (cách nhà xứ 110 km) và một vài giáo khu khác.

Nhìn những em thơ vui tươi và hồn nhiên, lẽo đẽo theo cha, mẹ đi lễ mà lòng thầm tạ ơn vì hy vọng và tương lai của giáo xứ tròn đầy.

IMG_0005 IMG_0021

  1. Giáo họ Hích, Thái Nguyên: CÒN XUÂN

Đoàn chúng tôi phải mất gần tiếng đồng hồ để vượt qua quãng đường chông chênh dài chưa đầy chục cây số trong cái nắng đầu năm còn lạnh. Dường như đây là đoạn đường xấu nhất trong suốt dọc hành trình đã qua. Có đến đây, có trực tiếp đi trên con đường này mới có thể thấu hiểu đời sống khó khăn của bà con nơi đây. Đây là một giáo họ khá khiêm tốn, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên chừng 20km. Ngôi thánh đường nhỏ bé, đơn sơ nằm gọn trong những ruộng chè xanh mướt như chờ đợi, đón mời.

Tham dự thánh lễ đầu xuân hôm nay, ngoài những gương mặt quen thuộc thân thương của giáo họ, còn có sự góp mặt của đoàn Kim Nhạc và ca đoàn Ngọc Lâm cùng một số bạn bè ngoài Công Giáo.

Trong thánh lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày bằng những việc cụ thể; hiệp nhất trong đại gia đình giáo phận cũng như luôn tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa là Cha. Sau thánh lễ, đoàn chúng tôi trở về Tòa Giám Mục trong tin yêu và hy vọng.

Vậy là sau 4 ngày dọc ngang trong đại gia đình giáo phận, đoàn chúng tôi trở về Tòa Giám Mục được bình an. Nhìn lại suốt dọc hành trình, suy gẫm về những nơi đã đến, những người đã gặp tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa. Quả đúng là “Phaolô trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên”[11].

Resize of IMG_0113

Resize of IMG_9578

[1] Bài hát: Đầu xuân cầu cho gia đình/ chưa rõ tác giả.

[2] Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2015

[3] Tv 119, 105

[4] Quốc lộ 18: Bắc Ninh – Nội Bài

[5] Tv 133,1

[6] Mc 6,31

[7] Ga13, 35

[8] Ca dao, tục ngữ

[9] Mc 6, 34

[10] Tv 127,1

[11] 1Cr 3,6

Giuse Hoàng Nguyên