Đức Thánh Cha Phanxicô: Phải chống lại nền “văn hóa lãng phí” và thúc đẩy nền văn hóa của tình đoàn kết

WHĐ (06.06.2013) – Buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư 05-06 cũng là Ngày Môi trường Thế giới, nên trong bài huấn từ thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc biệt nói về môi trường.

Từ năm 1972, Liên hiệp quốc ấn định Ngày Môi trường thế giới (WED) sẽ được cử hành vào ngày 05 tháng Sáu hằng năm; và năm nay chủ đề của WED là “Think-Eat-Save” – tạm dịch: “Hãy suy nghĩ trước khi ăn để bảo vệ môi trường”. Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha đã lên án chủ nghĩa tiêu thụ và “nền văn hóa lãng phí”.

Đức Thánh Cha nói: “Khi nói về môi trường, về thiên nhiên, tôi nghĩ đến những trang đầu của Kinh Thánh, đến Sách Sáng Thế. Sách Sáng Thế khẳng định rằng Thiên Chúa đặt con người trên mặt đất để vun trồng và chăm sóc nó. Và câu hỏi đặt ra cho tôi là, “vun trồng và chăm sóc trái đất” nghĩa là gì? Chúng ta có đang thực sự vun trồng và chăm sóc trái đất? Hay là chúng ta bóc lột và bỏ bê nó?”

Và ngài giải thích: “Vun trồng và chăm sóc thiên nhiên là chỉ thị của Thiên Chúa, không chỉ được Ngài phán ra trong buổi đầu của lịch sử, nhưng còn dành cho mỗi người chúng ta. Điều này nằm trong kế hoạch của Ngài. Đó là trách nhiệm làm cho thế giới phát triển, biến nó thành một khu vườn, một nơi mà tất cả có thể sinh sống”.

“Nhiều lần Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc lại rằng nhiệm vụ mà Đấng Tạo Hóa giao phó cho chúng ta đòi hỏi chúng ta hiểu biết nhịp điệu và quy luật của thiên nhiên. Thay vì thế, chúng ta lại thường để cho mình bị hướng dẫn bởi tính ngạo mạn của thống trị, sở hữu, của thao túng và khai thác. Chúng ta không chăm sóc thiên nhiên, chúng ta không tôn trọng nó, chúng ta không coi nó như một món quà được trao tặng để chăm sóc. Chúng ta đang đánh mất thái độ biết ngạc nhiên, chiêm ngưỡng, lắng nghe thiên nhiên. Vì thế chúng ta không còn đọc được trong đó điều mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gọi là “nhịp điệu của câu chuyện tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại”. Tại sao như thế? Vì chúng ta suy nghĩ và sống “theo chiều ngang”, chúng ta đang rời xa khỏi Thiên Chúa, chúng ta không đọc những dấu chỉ của Ngài”.

“Tuy nhiên, vun trồng và chăm sóc không chỉ đề cập đến mối quan hệ của chúng ta với môi trường, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Đó còn là các mối quan hệ giữa con người với nhau. … Chúng ta đang sống trong giai đoạn khủng hoảng. Chúng ta đã thấy môi trường bị khủng hoảng nhưng nhất là chúng ta cũng thấy nhân loại gặp khủng hoảng. Con người đang gặp nguy hiểm. Hệ sinh thái của con người đang gặp nguy hiểm! Thật hết sức nguy hiểm bởi vì cái gốc của vấn đề nằm ở tầng sâu chứ không phải ở bề mặt. Đó không chỉ là vấn đề kinh tế nhưng là vấn đề đạo đức và nhân chủng học. … Một nền kinh tế và tài chính thiếu tính đạo đức đang thống trị”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Ngày nay người chỉ huy không phải là con người mà lại là tiền bạc. Đồng tiền ra lệnh. Nhưng Thiên Chúa Cha chúng ta đã không giao nhiệm vụ chăm sóc trái đất cho đồng tiền mà là cho chúng ta: cho người nam cũng như người nữ. Đây là trách nhiệm của chúng ta. Thế mà người ta lại hy sinh cho các thần tượng của lợi nhuận và tiêu thụ. Đó là một “nền văn hóa lãng phí”.

“Nếu như trong một đêm đông, có người chết ở đây, trên đường Ottaviano này, thì đó không phải là tin tức. Nếu ở rất nhiều nơi trên thế giới có những trẻ em không có gì để ăn, đó không phải là tin tức. Có vẻ như đó là chuyện bình thường. Nhưng nếu thị trường chứng khoán sụt mất mười điểm thì lại là một tai họa! Như thế con người đã bị loại bỏ như là rác rưởi”.

“Cuộc sống con người không còn được coi là giá trị ưu tiên phải được tôn trọng và chăm sóc… Nền “văn hóa lãng phí” này cũng đã làm cho chúng ta không còn nhạy cảm với sự lãng phí lương thực… Chủ nghĩa tiêu thụ khiến chúng ta thường sử dụng quá mức và lãng phí lương thực, khiến chúng ta không còn nhận ra được giá trị thật của nó, vốn vượt xa các giới hạn kinh tế đơn thuần. Nhưng hãy nhớ rằng lương thực bị vứt bỏ là lương thực chúng ta đánh cắp của người nghèo, của những người đói ăn”.

Đức Thánh Cha kết luận: “Tôi mời tất cả anh chị em suy nghĩ về vấn đề thiếu thốn và lãng phí lương thực… Hãy nghiêm túc tôn trọng và chăm sóc thiên nhiên, quan tâm đến mọi người để chống lại nền “văn hóa lãng phí” và thúc đẩy một nền văn hóa của tình đoàn kết và gặp gỡ”.

(Theo VIS)

 

Trần Vinh Sơn
nguồn: hdgmvietnam.org