Đức Thánh Cha tiếp bà Edith Bruck, người sống sót sau vụ thảm sát Auschwitz
Ngọc Yến – Vatican News
Bà Edith Bruck năm nay 90 tuổi, hai phần ba cuộc đời sống Roma, là một nhà văn người Do Thái sinh tại Hungary. Bà là một trong những người sống sót sau vụ thảm sát Auschwitz.
Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết, cuộc trò chuyện kéo dài khoảng một giờ với sự hiện diện của bà Olga trợ lý của bà Edith Bruck, và ông Andrea Monda, Giám đốc Báo Quan sát viên Roma.
Về nội dung cuộc trò chuyện, ông Andrea nói: “Buổi gặp gỡ xoay quanh các câu chuyện, giai thoại, kỷ niệm được nhắc lại. Nhưng trên hết cả hai nói về những ký ức và tầm quan trọng của việc truyền nó lại cho thế hệ trẻ, một thế hệ đang phải “ăn chay” lịch sử và bị dằn vặt bởi những bóng ma của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài Do Thái đang tái xuất hiện, thậm chí cả trên web”.
Giám đốc Báo Quan sát viên Roma nói thêm: “Cả hai đều nhấn mạnh giá trị không thể phủ nhận của việc truyền ký ức quá khứ cho thế hệ trẻ, ngay cả những khía cạnh đau đớn, để họ không rơi vào những thảm trạng tương tự”.
Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha gặp bà Bruck. Vào ngày 20/2/2021, Đức Thánh Cha đã bất ngờ đến thăm bà tại nhà riêng.
Ngoài những câu chuyện được chia sẻ, Đức Thánh Cha và bà Bruck còn tặng quà cho nhau. Đức Thánh Cha đã tặng cho bà Bruck món quà thực tế là chiếc khăn choàng len, vì theo ngài trời đang lạnh bà cần nó, và một mề đay được thực hiện cho ngài ở Giêrusalem. Còn bà Bruck thì tặng cho Đức Thánh Cha một ổ bánh mì được làm tại nhà, đó là “chiếc bánh bị mất”, tựa đề của một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà. Cuốn sách ra đời có liên hệ đến việc mẹ của bà đã làm ổ bánh này trước khi bà bị Đức Quốc xã bắt, nhưng hôm nay nó mang lại một ý nghĩa khác, được giới thiệu với Đức Thánh Cha là “Chiếc bánh được tìm thấy”, một biểu tượng của sự thanh thản được lấy lại mặc dù vẫn còn đó những ký ức về sự dữ. Ngoài ra bà còn tặng Đức Thánh Cha hai cuốn sách: “Những lá thư của mẹ tôi”, và tập thơ của thi sĩ người Hungary Miklós Radnóti được bà dịch.
Tin liên quan