Đừng để mọi người cảm thấy một mình trong thời Covid
ĐỪNG ĐỂ MỌI NGƯỜI CẢM THẤY “MỘT MÌNH” TRONG THỜI COVID
Hôm nay đọc báo tuổi trẻ tôi vô tình bắt gặp một ý tưởng phân tích về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mọi người trong thời đại Covid của thạc sĩ Nguyễn Bảo Ân như sau:
“Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là công nhận sự có mặt dịch bệnh và những mối lo sợ, căng thẳng, bất an của chúng ta hiện tại. Như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta bước đầu chấp nhận tình huống, có sự khó khăn và căng thẳng, bất an đang diễn ra bên trong bản thân và xung quanh.Thừa nhận như vậy giúp chúng ta hiểu rõ mình cần làm gì để ứng phó, cũng như có được sự ưu tiên trong các hành động ứng phó và tránh việc gia tăng sự khó chịu, căng thẳng phát sinh từ sự bất mãn khi hiện tại không diễn ra như kế hoạch, mong đợi của mình”(trích báo tuổi trẻ ngày 18.07.2021).
Bài viết trên đã khiến tôi miên man trong giờ cầu nguyện khi nhớ đến câu chuyện kinh nghiệm của ông Gióp trong cơn khốn khó, đau khổ và thử thách. Vậy mà ông không một lời kêu trách Chúa. Ông còn ca tụng Chúa như sau:
“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về lòng đất cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Người muốn sao nên vậy: xin chúc tụng danh Chúa. Mình biết đón nhận ơn lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (Gióp 1,21 ; 2,10).
Nhìn lại mỗi người trong chúng ta trong cơn đại dịch này thì sao? Chúng ta xem chừng được “đón nhận và đón nhận quá nhiều” nhưng khi thử thách đến từ dịch bệnh thì đôi khi chúng ta lại tỏ ra giận Chúa lắm, vì Chúa đã lấy đi, Chúa đã dừng lại hoạt động, mọi kế hoạch…. Nhưng rồi, có bao giờ chúng ta nhìn xuống để thấy và cảm nghiệm được như Ông Gióp : “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (Gióp 1,21). Chúng ta có trung thành như Ông Gióp hay không?
Quả thực, khi chúng ta biết đón nhận từ hoàn cảnh thực tế trong cuộc đời mình, trong gia đình mình, trong cộng đoàn mình, lúc đó sẽ giúp chúng ta biết mở ra với anh chị em, mở ra với Chúa và sẵn lòng đặt vào tay Chúa những gì “TUY LÀ ÍT ỎI” nhưng mang nặng nghĩa tình. Thiên Chúa cho chúng ta rất nhiều cách thế để mình đặt những gì mình có vào tay Chúa, dù cho nó không là gì trước mắt người đời, nhưng với Chúa lại là tất cả, khi chúng ta làm “PHÉP TÍNH CHIA” thì chắc chắn Chúa sẽ làm “PHÉP TÍNH NHÂN” cho chúng ta. Bằng chứng là Chúa đã làm những điều lạ lùng từ 5 chiếc bánh lúa mạch của một em bé nghèo, vì em bé này có sự sẵn lòng dám dâng cho Chúa phần thức ăn ít ỏi của mình đặt vào trong tay Chúa thì chúng ta thấy rõ ràng phép lạ xảy ra – một “BÀI TOÁN NHÂN” vô điều kiện. ĐTC. Phanxicô chia sẻ trong bài giảng Chúa Nhật tuần XVII thường niên năm B như sau: “Thiên Chúa không bao giờ làm phép lạ từ điều không mà Ngài cần sự cộng tác, một cái gì đó trong tay con người dâng cho Chúa”.
Bên cạnh đó, Giáo Hội luôn mời gọi một sự hiệp thông để nói đến những nâng đỡ vững chắc trong thời đại thử thách của cơn dịch bệnh và Giáo Hội cũng khuyến khích tất cả những sáng kiến, những gì mà chúng ta có thể làm được cho Chúa và cho anh chị em bằng những sẻ chia vật chất, những nụ cười thân thương, những khích lệ động viên qua những cuộc gọi video cho nhau. Như vậy, tất cả chúng ta đều được “MẠNH MẼ” trong cơn khốn khó và cái sự “MẠNH MẼ” ấy chúng ta tìm được sức mạnh của trời cao, của một Thiên Chúa đặt vào trong trái tim của mỗi con người trong mọi hoàn cảnh, đó chính là những lời cầu nguyện chân thành với Chúa sẽ giúp chúng ta vững lòng trông cậy vào Ngài.
Nên chăng, đây là cơ hội để chúng ta tìm lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống này, bởi chúng ta nên nhớ rằng cùng đích của chúng ta chính là Thiên Chúa. Cho nên, mỗi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Ông Gióp và hãy cất cao lời “Tạ ơn Chúa vì đời con tất cả là hồng ân!”. Amen.
Nt. Emmanuel Vũ Hiên