Giáo họ Chũ dâng thánh lễ tạ ơn
Sáng ngày 19/9/2016, giáo họ Chũ thuộc xứ Tiên Nha, dâng thánh lễ tạ ơn vì giáo phận cử cha Giuse Nguyễn Văn Công đến cùng đồng hành.
Chủ tế thánh lễ tạ ơn là cha Gioakim Nguyễn Đức Thành, cùng đồng tế với ngài có cha xứ Tiên Nha Phanxicô X. Nguyễn Văn Tuân cùng nhiều cha trong giáo phận.
Cũng nên biết giáo họ Chũ từ sau thời tiêu thổ kháng chiến đã bị mất hết mọi cơ sở vật chất, giáo dân sơ tán mỗi người một nơi. Kỷ vật duy nhất còn lại là tượng Đức Mẹ nhưng đã bị gãy cổ. Vào năm 2008, cha xứ Giuse Trần Văn Chỉnh đã dựng lại tượng Đức mẹ và mua lại khu đất xung quanh tượng Đức Mẹ. Kể từ đây, cha Giuse Hoàng Anh Tuấn, cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều và cha Phanxicô X. Nguyễn Văn Tuân vẫn thường xuyên dâng thánh lễ tại đây.
Đôi nét về giáo họ Chũ theo tác giả Giuse Văn Thành:
Đền Đức Mẹ Chũ tọa lạc tại thôn Tân Tiến, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, xưa nơi đây gọi là thôn Ba Toa, tổng Lục Nam, phủ Lạng Thương.
Ngược dòng thời gian được biết cách đây đã hơn một trăm năm, ở Ba Toa có đông giáo dân từ nhiều vùng đến làm ăn, sinh sống. Các cha ở dưới giáo xứ Tiên Nha (Gia Khê) lên thấy thế mới cùng giáo dân làm một ngôi nhà thờ bằng gỗ, lợp cỏ, cùng một nhà xứ nhỏ kề bên tạo lên một họ đạo. Họ đạo này còn có một nghĩa trang hiện vẫn còn di tích tại núi Bói. Giáo dân ở xứ đạo này đến từ Kinh Môn, Hải Dương cùng với dân chài họ Nhật Đức; có giả thiết cho rằng họ đạo Ba Toa tiền thân của giáo họ Chũ hiện nay xuất hiện tại đây sau năm 1900 tức là sau sự kiện 100 vị đầu mục tử vì đạo Bắc Ninh dưới thời vua Tự Đức (năm 1862).
Tượng Đức Mẹ được dựng vào năm nào, đến hiện giờ vẫn chưa tìm được tài liệu chính thức. Tuy vậy, dựa vào lời kể của các giáo dân, lương dân cao tuổi như cụ Cường, ông Đoàn Túc cháu cụ Trùm Tòng, ông Trầu ( Thanh Rã), chiếc đồng hồ do ông bà đội Sĩ ở phố Bàn Than hiến tặng nhà thờ hiện vẫn còn. Ta có thể khẳng định rằng tượng Đức Mẹ được dựng vào khoảng năm 1925 – 1926, dưới thời cha già Đóa cai quản xứ Tiên Nha. Cha giao cho ông giáo Thuật (người Lục Nam) dựng.
Tượng Đức Mẹ được xây bằng vôi cát, xi măng, gạch chỉ, với chiều cao khoảng 3m tính cả bệ chân và nặng chừng 2 tấn. Tượng Đức Mẹ trước đây quay về hướng Bắc, trước mặt có tạc hình ba thiếu niên quỳ lạy. Cạnh tượng có hai cây gạo cổ thụ cùng những khóm trúc lá đỏ, lá vàng, với một thảm cỏ xanh.
Tượng Đức Mẹ là nơi linh thiêng lại có một giếng nước ngọt nên người qua đường thường ngồi nghỉ, hoặc đến cầu xin những nguyện ước, sau có câu thơ trong dân gian rằng:
Hỡi anh, hỡi chị đi đâu
Qua đền Đức Mẹ mà cầu bình an.
Chuyện rằng: năm 1944 có hai xe cam nhông chở đầy lính Nhật tấn công đồn Chũ. Do lực lượng mỏng, nên quân Việt phải rút lui. Một chiến sĩ lánh vào nhà ông Trần Văn Sai (ông Khê), vợ ông bèn đem giấu anh chiến sĩ dưới bàn thờ Đức Mẹ. Lúc tên sĩ quan Nhật cùng toán lính xô vào, bà Khê không cho chúng đến gần bàn thờ Đức Mẹ. Bà ôm tượng chịu nạn, tay kia cầm dao nhọn thét lên một câu tiếng Nhật làm bọn này trố mắt. Một lúc sau chúng bỏ đi. Sau hòa bình anh chiến sĩ nọ có quay lại tìm nhưng gia đình ông bà Khê đã chuyển đi nơi khác.
Chuyện về ông Liệt được ơn Đức Mẹ như sau: Ông Liệt là một giáo dân sống tại xóm Hâm thuộc Thủ Dương. Ông bị liệt đã lâu ngày chỉ bò bằng hai tay. Hằng ngày ông đi bè qua sông bò lên tượng Đức Mẹ nhổ cỏ, quét dọn và cầu xin Đức Mẹ. Một hôm ông đứng dậy được, rồi dần khỏi hẳn bệnh đi cày thuê.
Những năm tháng dài tiếp sau đó là loạn ly, giặc giã triền miên. Số đông giáo dân đi nơi khác, số còn lại hoặc sao nhãng đức tin, hoặc vì nhiều lý do khiến họ ít có ai đến đây. Nhà thờ, nhà xứ mục nát, hư hỏng. Tượng Đức Mẹ còn lại chơ vơ giữa trời. Gió bão, cây đổ khiến đầu tượng gẫy gục. Sự việc tưởng như chấm hết khi vào năm 80 của thế kỷ trước toàn bộ khu đất rộng lớn của nhà xứ được dân đến chia nhau làm nhà.
Tuy vậy, trong những năm tháng ấy, giáo họ Chũ (chủ yếu là khu họ Nhật Đức ) vẫn được Đức Cha Đa Minh Đinh Huy Quảng coi sóc, dẫu ngài đang bị quản chế ở giáo xứ Đại Lãm nhưng thỉnh thoảng vẫn lên dâng Thánh lễ âm thầm để quy tụ giáo dân. Đức Cha Quảng khuất đi vào năm 1992, Cha GiuSe Nguyễn Huy Tảo tiếp tục sứ mệnh của Ngài, cha đã lên dâng lễ trong sân của nhà một giáo dân theo định kỳ, trước một tháng một thánh lễ sau này một tuần một thánh lễ. Còn tượng Đức Mẹ vẫn là nằm im trong xó vườn của một nhà lương dân không đến được.
Năm 2008 là năm đặc biệt khi Cha GiuSe Trần Văn Chỉnh về phụ trách xứ Tiên Nha. Vị linh mục trẻ đầy nhiệt huyết đã đưa ra kế hoạch khôi pục lại Đền Đức Mẹ Chũ, mặc dầu lúc này Tượng Đức Mẹ bán thân vẫn ở trong vườn một nhà lương dân. Và như thể có một phép nhiệm màu của Chúa Thánh Thần tác động vào tấm lòng mọi người, cả giáo dân lẫn lương dân, cả chính quyền địa phương lẫn gia chủ, công việc diễn ra rất thuận lợi. Nhờ tâm hồn thiện chí và lòng hảo tâm của mọi người, Tượng Đức Mẹ được khôi phục lại gần như cũ trên chính nơi mẹ đã đứng che chở đàn con trong cơn biến loạn thăng trầm của lịch sử. Công việc thật suôn sẻ vào ngày 26/10/2008, hàng ngàn giáo dân trong giáo phận cũng như anh em không cùng tín ngưỡng trong vùng đã đổ về hoan hỉ dưới chân tượng Đức Mẹ, để hiệp thông với Đức Giám Mục giáo phận (Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt) thánh hiến tượng đài và dâng lễ tạ ơn. Đây là lần đầu tiên có một Thánh lễ đại triều của giám mục tại địa phương này.
Đã hơn 60 năm qua kể từ khi Cha xứ Đaminh Trần Đình Đóa qua đời, Giáo họ Chũ mới có được một thánh lễ long trọng và thật cảm động. Vì thế, cứ vào ngày 26 tháng 10 hàng năm, giáo họ Chũ lại tổ chức kỷ niệm ngày tu tạo lại Đền Đức Mẹ Chũ và dâng thánh lễ Tạ ơn vì:
Mẹ đã từng đứng đây để che chở cho biết bao người,
Nay xin Mẹ tiếp tục cứu giúp chúng con giữa biển đời trần gian.
Xương Giang