Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh – Sacrosanctum Concilium

PHAOLÔ GIÁM MỤC, TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA

HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH

SACROSANCTUM CONCILIUM

Ngày 4 tháng 12 năm 1963

Tải file word về

LỜI MỞ ĐẦU

  1. 1. Thánh Công Đồng nhận thấy mình có bổn phận đặc biệt phải lo canh tân và phát huy Phụng vụ, để giúp cho đời sống Kitô hữu nơi các tín hữu ngày càng tăng triển; cũng như để thích ứng cách tốt đẹp hơn những định chế có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại hôm nay, đồng thời cũng để phát huy những gì có thể đem lại sự hợp nhất cho tất cả những ai đã tin theo Chúa Kitô, và củng cố những gì hỗ trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội.
  2. 2. Thật vậy, chính nhờ Phụng vụ, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, mà “công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện”[1], vì thế Phụng vụ góp phần rất nhiều trong việc giúp các tín hữu thể hiện trong cuộc sống và tỏ bày cho những người khác thấy mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa chứa đựng những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa sốt sắng chiêm niệm, hiện diện nơi trần gian nhưng chỉ như người lữ hành; và trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại phải qui hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình phải qui hướng về những thực tại vô hình, những hoạt động phải hướng về chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai mà chúng ta đang tìm kiếm[2]. Hằng ngày, Phụng vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần[3], cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô[4], đồng thời cũng kiện cường cách kỳ diệu nơi họ sức mạnh để rao giảng Chúa Kitô, và như thế Phụng vụ bày tỏ cho những người ở bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ được đặt lên cao trước mặt muôn dân[5], nhờ đó con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một[6] cho tới khi thành một đàn chiên với một chủ chăn[7].
  3. Vì vậy, để phát huy và canh tân Phụng vụ, thánh Công Đồng thấy cần nhắc lại những nguyên tắc sau đây và thiết định những tiêu chuẩn thực hành.

Trong những nguyên tắc và tiêu chuẩn này, một số có thể và phải được áp dụng vừa cho Nghi chế Rôma vừa cho tất cả các Nghi chế khác, tuy dù những tiêu chuẩn thực hành sau đây phải hiểu là chỉ có liên quan tới Nghi chế Rôma thôi, ngoại trừ những gì tự bản chất có liên hệ đến những Nghi chế khác.

  1. 4. Sau hết, luôn trung thành vâng phục truyền thống, Thánh Công Đồng tuyên bố rằng: Giáo Hội Mẹ thánh coi tất cả những Nghi chế đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau, Công Đồng cũng muốn các Nghi chế ấy được duy trì trong tương lai và được cổ võ bằng mọi cách, đồng thời cũng ước mong, nơi nào cần, các Nghi chế ấy phải được cẩn thận tu chỉnh toàn vẹn theo tinh thần của truyền thống tốt lành và tiếp nhận được luồng sinh khí mới cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT ĐỂ CANH TÂN

VÀ PHÁT HUY PHỤNG VỤ THÁNH

 

  1. I. BẢN CHẤT VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤNG VỤ THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
  2. 5. Thiên Chúa, Đấng “muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4), “thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, đã nói với các tổ phụ qua các ngôn sứ” (Dt 1,1), khi thời gian viên mãn, Ngài đã sai Người Con của mình là Ngôi Lời nhập thể, Đấng được Thánh Thần xức dầu, đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, cứu chữa những tâm hồn đau khổ[8], là “Thầy Thuốc của thể xác và tinh thần”[9], cũng là Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại[10]. Bản tính nhân loại của Người kết hiệp với Ngôi Lời, đã nên khí cụ thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta. Vì thế, trong Chúa Kitô “giá chuộc trọn vẹn của ơn giao hoà đã được thực hiện, và việc thờ phượng hoàn hảo đối với Thiên Chúa đã được trao cho chúng ta”[11].

Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, được tiên báo trong dân Cựu Ước qua những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa, nay được Chúa Kitô hoàn tất, chính yếu là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc Khổ nạn hồng phúc, sự Phục sinh từ cõi chết và Thăng thiên vinh hiển của Người, nhờ đó, “Người đã chết để tiêu diệt sự chết nơi chúng ta và sống lại để tái lập sự sống”[12]. Vì chính từ cạnh sườn của Chúa Kitô đang trong giấc ngủ trên Thập giá, đã phát sinh nhiệm tích kỳ diệu là Giáo Hội[13].

  1. Vì thế, như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì các Tông đồ đầy tràn Thánh Thần cũng được chính Chúa Kitô sai đi như vậy, không những để khi rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo[14], các ngài loan báo việc Con Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Người để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan[15] và sự chết, để dẫn đưa chúng ta vào vương quốc của Chúa Cha, nhưng còn để các ngài thực thi công cuộc cứu chuộc đã được loan báo, nhờ lễ Hiến tế và các Bí tích, trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ. Như vậy, nhờ bí tích Thánh Tẩy, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại[16], được lãnh nhận tinh thần nghĩa tử, “nhờ đó chúng ta kêu lên: Abba, Cha ơi” (Rm 8,15), và cũng được trở nên những người thờ phượng đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm[17]. Cũng thế, mỗi khi ăn bữa tiệc của Chúa, họ loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến[18]. Do đó, chính trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngày Giáo Hội xuất hiện trước thế giới, “những người suy phục lời giảng” của thánh Phêrô, “đều được Thánh tẩy”. Họ “kiên vững trong giáo huấn của các Tông Đồ, hiệp thông trong nghi lễ bẻ bánh và trong lời cầu nguyện…luôn ngợi khen Thiên Chúa và được toàn dân quí mến” (Cv 2,41-42; 47). Kể từ đấy, Giáo Hội không bao giờ bỏ việc cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm Phục sinh: bằng việc đọc “tất cả những lời Sách Thánh liên quan đến Người” (Lc 24,27), bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn trong đó hiện tại hóa “sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người”[19], đồng thời “cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân khôn tả” (2 Cr 9,15) trong Chúa Giêsu Kitô, “để ca tụng vinh quang của Người” (Ep 1,12) nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.
  2. 7. Để hoàn tất công việc cao cả ấy, Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ, vừa ở nơi con người của thừa tác viên, khi “chính Đấng xưa đã tự hiến mình trên Thập giá, nay cũng đang dâng hiến nhờ tác vụ của các linh mục”[20], vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình bánh hình rượu trong bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người, đến nỗi, khi có ai cử hành bí tích Rửa tội thì chính là Chúa Kitô đang rửa tội [21]. Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát thánh vịnh, như chính Người đã hứa: “Nơi đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20).

Quả thật, trong hành vi cao cả này, được thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa Kitô luôn kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất yêu quí đang kêu cầu Người như Chúa của mình và nhờ Người mà cử hành việc phụng thờ Chúa Cha hằng hữu.

Vì thế, Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu hiện nhờ những dấu chỉ khả giác và được thực hiện cách hữu hiệu với cách thế riêng biệt của mỗi dấu chỉ, và việc phụng tự công cộng toàn vẹn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là cả Đầu và các chi thể.

Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô Tư Tế và Thân Thể Người là Giáo Hội, nên tất cả các cử hành phụng vụ đều là hành vi linh thánh cao trổi, không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.

  1. 8. Khi tham dự Phụng vụ trần gian, chúng ta cảm nếm trước Phụng vụ trên trời, được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực[22]; chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh thiên quốc đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa: khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các Ngài; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang[23].
  2. Phụng vụ thánh không phải là tất cả hoạt động của Giáo Hội; vì con người cần phải được mời gọi đến với đức tin và hoán cải trước khi có thể đến tham dự Phụng vụ: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao họ nghe được, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15).

Vì thế, Giáo Hội loan truyền sứ điệp cứu rỗi cho những người không tin, để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, đồng thời cũng nhận biết Đấng Ngài sai đến là Chúa Giêsu Kitô, và thống hối để hoán cải cách sống[24]. Đối với các tín hữu, Giáo Hội phải không ngừng rao giảng về đức tin và lòng thống hối, giúp họ sẵn sàng đón nhận các bí tích, dạy họ tuân giữ tất cả những điều Chúa Kitô đã truyền ban[25], thúc giục họ tham gia các công cuộc bác ái, đạo đức và tông đồ, những việc đó chứng tỏ rằng dù không thuộc về thế gian nhưng các tín hữu lại là ánh sáng thế gian và chính họ tôn vinh Chúa Cha trước mặt mọi người.

  1. Tuy nhiên, Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thật vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần lễ Hiến Tế và ăn bữa tiệc của Chúa.

Đáp lại, chính Phụng vụ thúc giục các tín hữu khi đã được no thỏa “mầu nhiệm Vượt qua”, phải trở nên “những người đồng tâm trong tinh thần đạo đức”[26], Phụng vụ nguyện cầu để các tín hữu “giữ gìn trong cuộc sống điều đã lãnh nhận nhờ đức tin”[27]; việc tái lập giao ước của Chúa với con người trong bí tích Thánh Thể nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu thúc bách của Chúa Kitô. Vì thế, từ dòng suối Phụng vụ, nhất là từ bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hóa con người trong Chúa Kitô, cũng như việc tôn vinh Thiên Chúa, mục tiêu của tất cả các hoạt động khác của Giáo Hội.

  1. 11. Nhưng để đạt được hiệu năng trọn vẹn ấy, các tín hữu cần phải đến tham dự Phụng vụ thánh với thái độ sẵn sàng của một tâm hồn ngay thẳng, hòa hợp tâm trí với lời đọc bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ơn Chúa cách vô ích[28]. Vì vậy, các mục tử không chỉ chủ tâm tuân giữ các qui luật trong các hành vi phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp, nhưng còn phải làm cho các tín hữu tham dự Phụng vụ cách ý thức, tích cực và mang lại nhiều hoa trái.
  2. Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng không chỉ hạn hẹp trong việc tham dự Phụng vụ thánh. Thật vậy, người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải biết vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha[29], hơn nữa phải cầu nguyện không ngừng[30] như lời thánh Tông Đồ khuyên dạy. Chính ngài cũng bảo chúng ta phải luôn mang nơi thân mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, để sự sống của Người được biểu lộ trong thân xác phải chết của chúng ta[31]. Vì vậy, trong hy tế thánh lễ, chúng ta cầu khẩn Chúa “khi chấp nhận của lễ hy tế linh thiêng”, cũng biến chính chúng ta trở nên “lễ vật vĩnh cửu”[32] dâng lên Người.
  3. Những việc đạo đức của đoàn dân Kitô giáo, bao lâu còn thích hợp với các lề luật và qui tắc của Giáo Hội, thì vẫn luôn được khuyến khích, nhất là khi thực hành theo chỉ thị của Tòa Thánh.

Những thực hành mang tính thánh thiêng của các Giáo Hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của Giám mục, hợp với tập tục hoặc những bản văn đã được chính thức phê chuẩn.

Nhưng vì tự bản chất, Phụng vụ vượt trổi hơn hẳn những thực hành vừa nói đến, nên phải tổ chức các việc đạo đức ấy tuỳ theo các mùa phụng vụ để luôn hòa hợp với Phụng vụ thánh, được khởi nguồn từ Phụng vụ và dẫn mọi người đến với Phụng vụ.

  1. VIỆC HƯỚNG DẪN VỀ PHỤNG VỤ VÀ THÁI ĐỘ THAM DỰ TÍCH CỰC
  2. Mẹ thánh Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và tích cực, đây là điều do chính bản chất của Phụng vụ đòi hỏi, và cũng là quyền lợi và bổn phận của đoàn dân Kitô giáo, nhờ phép Rửa tội, đã trở nên “dòng giống ưu tuyển, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện, đoàn dân được tuyển chọn” (1 Pr 2,9; x. 2,4-5).

Trong việc canh tân và phát huy Phụng vụ thánh, cần phải hết sức quan tâm đến việc tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn dân: bởi Phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực; và đó là điều phải được những mục tử chăn dắt các linh hồn tận tâm hướng dẫn trong mọi hoạt động mục vụ.

Tuy nhiên, sẽ không có hy vọng đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu đậm tinh thần và năng lực của Phụng vụ, cũng như không trở nên thầy dạy trong lãnh vực này, vì thế, rất cần phải chú trọng đến việc giảng huấn về Phụng vụ cho hàng giáo sĩ. Do đó, thánh Công Đồng quyết nghị thiết lập những điều sau đây:

  1. Các giáo sư được trao trách nhiệm giảng dạy môn Phụng vụ thánh trong các chủng viện, các học viện dòng tu, và các phân khoa thần học, phải được đào tạo đầy đủ về phận vụ của họ tại các trường chuyên khoa.
  2. Môn Phụng vụ thánh phải được đặt vào hàng các môn học cần thiết và quan trọng tại các chủng viện và học viện dòng tu, và là môn học chính trong các phân khoa thần học; phải được luận giải từ những góc nhìn liên quan đến thần học, lịch sử, tu đức, mục vụ và giáo luật. Ngoài ra, giáo sư của các môn học khác, nhất là môn thần học tín lý, Thánh Kinh, thần học tu đức và mục vụ, phải chú tâm làm nổi bật mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi theo những đòi hỏi nội tại của từng môn riêng biệt, để làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các môn ấy với Phụng vụ và tính cách duy nhất trong việc đào tạo linh mục.
  3. Các giáo sĩ trong các chủng viện và tu viện phải được đào tạo về Phụng vụ trong đời sống thiêng liêng, nhờ được hướng dẫn thích đáng để có thể am hiểu và tham dự những nghi lễ thánh với trọn tâm hồn, cả trong khi cử hành các mầu nhiệm thánh, cũng như khi thực hành các việc đạo đức khác vốn luôn thấm đượm tinh thần Phụng vụ thánh; cũng thế, họ phải tập quen tuân giữ các qui luật phụng vụ sao cho tinh thần phụng vụ ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống tại các chủng viện và tu viện.
  4. Các linh mục triều hay dòng, đang làm việc trong vườn nho Chúa phải được trợ giúp bằng mọi phương tiện thích hợp để luôn am hiểu đầy đủ hơn về những gì các ngài thi hành trong tác vụ thánh, để sống đời phụng vụ và thông ban đời sống ấy cho các tín hữu đã được ủy thác cho các ngài.
  5. Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải chú trọng và kiên tâm thực hiện việc giảng dạy về Phụng vụ cho các tín hữu, giúp họ tham dự tích cực cả bề trong lẫn bề ngoài, tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh, cách sống và trình độ văn hóa tôn giáo của mỗi người, như vậy, các ngài sẽ chu toàn được một trong những trọng trách chính yếu của người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa; đồng thời, trong lãnh vực này, các ngài phải dẫn dắt đoàn chiên không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cả gương lành.
  6. Các công tác truyền thanh và truyền hình về những hoạt động thánh, đặc biệt về việc cử hành thánh lễ, phải được thực hiện cách xứng đáng và thận trọng dưới sự hướng dẫn và bảo lãnh của người có đủ khả năng do các Giám mục chỉ định.

III. VIỆC CANH TÂN PHỤNG VỤ THÁNH

  1. Để đoàn dân Kitô giáo thâu đạt được ân sủng dồi dào trong Phụng vụ thánh cách chắc chắn hơn, Mẹ thánh Giáo Hội muốn dành nhiều nỗ lực cho việc canh tân toàn diện trong lãnh vực Phụng vụ. Quả thật, Phụng vụ có những điều không thể thay đổi vì do Thiên Chúa thiết lập, nhưng cũng có những phần theo dòng thời gian có thể hay thậm chí buộc phải thay đổi, nếu đã có chen vào đó những yếu tố không đáp ứng hoặc ít phù hợp với bản tính thâm sâu của Phụng vụ.

Trong việc canh tân này, phải sắp xếp các bản văn và các nghi thức để có thể diễn đạt rõ ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để đoàn dân Kitô giáo có thể dễ dàng hiểu biết các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự những nghi lễ ấy bằng việc cử hành trọn vẹn, tích cực và mang tính cộng đoàn.

Vì vậy, thánh Công Đồng ấn định những qui tắc tổng quát sau đây:

  1. Các qui tắc tổng quát

22.

  • 1. Việc điều hành Phụng vụ thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa và chiếu theo giáo luật, cũng thuộc quyền Giám mục.
  • 2. Do năng quyền được ban theo luật, việc điều hành Phụng vụ trong những phạm vi luật định, cũng được dành cho các tập thể Giám mục có thẩm quyền, được thiết lập cách hợp pháp trong từng địa phương.
  • 3. Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dù là linh mục, được tự ý thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng vụ.
  1. Để duy trì truyền thống tốt lành và đồng thời mở lối cho những tiến bộ chính đáng, trước khi tu chỉnh từng phần riêng biệt của Phụng vụ, phải luôn tiến hành việc nghiên cứu kỹ lưỡng về thần học, lịch sử và mục vụ. Hơn nữa, phải lưu tâm đến những qui luật tổng quát về cơ cấu và tinh thần phụng vụ cũng như đến kinh nghiệm đã có từ việc canh tân Phụng vụ mới đây và từ những đặc quyền đã ban cho một số nơi. Sau cùng, chỉ nên thực hiện những đổi mới khi thấy điều đó chắc chắn sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho Giáo Hội và sau khi đã nghiên cứu cẩn thận để những điều được đổi mới phải thể hiện một cách nào đó sự tiến bộ mang tính hệ thống từ những hình thức đang có.

Ngoài ra, cũng phải thận trọng tối đa để tránh tạo ra những khác biệt quá lớn về nghi lễ giữa các miền lân cận nhau.

  1. Trong việc cử hành Phụng vụ, Thánh Kinh giữ vai trò vô cùng quan trọng. Thật vậy, Thánh Kinh chính là nguồn cung cấp các bài đọc được diễn giải trong bài giảng, các bài thánh vịnh, đó cũng là nguồn cảm hứng và gợi ý cho các lời kinh nguyện, các bài phụng ca, và tạo nên ý nghĩa cho các động tác và dấu chỉ trong Phụng vụ. Do đó, để xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động, như đã được minh chứng trong truyền thống khả kính của các Nghi chế Đông phương cũng như Tây phương.
  2. Phải nhờ đến các chuyên viên và tham khảo ý kiến các Giám mục thuộc nhiều miền khác nhau trên thế giới để tu chỉnh các sách Phụng vụ càng sớm càng hay.
  3. Các qui tắc do bản chất của Phụng vụxét như hoạt động đặc thù của hàng Giáo phẩm và cộng đoàn
  4. Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là “bí tích hiệp nhất”, nghĩa là đoàn Dân Thánh được qui tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám mục[33].

Vì vậy, các hoạt động phụng vụ thuộc về toàn Thân Thể Giáo Hội, bày tỏ Giáo Hội và ảnh hưởng trên Giáo Hội; tuy nhiên, Phụng vụ cũng liên quan đến từng chi thể riêng biệt theo nhiều cách thức khác nhau, tùy vào phẩm trật, phận vụ, và công tác khi tham dự.

  1. Các nghi lễ theo bản chất phải được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và tích cực của giáo dân, vì thế nên nhớ rằng, mỗi khi có thể, phải dành ưu tiên cho việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành một mình hoặc gần như riêng tư.

Điều này phải áp dụng đặc biệt cho việc cử hành thánh lễ và các bí tích, cho dù mỗi thánh lễ tự bản chất vẫn luôn mang tính công cộng và cộng đoàn.

  1. Trong các cử hành phụng vụ, khi thực thi phận vụ với tư cách là thừa tác viên hay là tín hữu, mỗi người phải thi hành trọn vẹn và chỉ thi hành những gì thuộc lãnh vực mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ.
  2. 29. Cả những người giúp lễ, đọc sách, dẫn lễ và các ca viên cũng là những người đang thực hiện một thừa tác vụ Phụng vụ đích thực. Vì thế, họ phải thi hành phận vụ với lòng đạo đức chân thành và nghiêm túc, đây là thái độ xứng hợp với một tác vụ cao trọng và cũng là điều dân Chúa có quyền đòi hỏi nơi họ.

Vì vậy, mỗi người tùy theo khả năng cần phải thấm nhuần tinh thần phụng vụ, và học hỏi để chu toàn các phần việc của mình theo đúng nghi thức và đúng qui định.

  1. Để phát huy việc tham dự tích cực, phải khuyến khích dân chúng tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài ca vịnh, tiền khúc, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ bên ngoài. Cũng cần phải có những phút thinh lặng thánh.
  2. Trong khi tu chỉnh các sách phụng vụ, cần phải lưu tâm để cả vai trò của các tín hữu cũng được tiên liệu trong những qui tắc chữ đỏ.
  3. Trong Phụng vụ, ngoại trừ sự biệt đãi do phận vụ và chức thánh, cũng như vinh dự phải dành cho các viên chức dân sự hợp theo qui tắc các luật phụng vụ, sẽ không có phân biệt đối với một cá nhân hay địa vị nào, hoặc trong nghi lễ hoặc trong các kiểu cách bên ngoài.
  4. Các qui tắc do bản chất giáo dục và mục vụ của Phụng vụ
  5. 33. Mặc dù Phụng vụ thánh chủ yếu là hành vi phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng cũng chứa đựng trong đó sự giáo dục quan trọng đối với đoàn dân tín hữu[34]. Thật vậy, trong Phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; Chúa Kitô tiếp tục loan báo Tin Mừng của Người. Còn dân chúng đáp lời Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh.

Hơn nữa, linh mục, người chủ tọa cộng đoàn với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể Dân Thánh và mọi người tham dự. Sau cùng, chính Chúa Kitô hoặc Giáo Hội đã chọn những dấu chỉ hữu hình được dùng trong Phụng vụ thánh để biểu thị những thực tại linh thánh vô hình. Do đó, không chỉ lúc đọc “những điều đã được ghi chép để dạy dỗ chúng ta” (Rm 15,4), mà cả khi Giáo Hội cầu nguyện, ca hát hay hành động, đức tin của những người tham dự cũng được nuôi dưỡng, tâm trí được nâng lên tới Chúa để sáng suốt tuân phục Ngài, và để lãnh nhận ân sủng của Ngài cách dồi dào hơn.

Vì thế, trong việc canh tân Phụng vụ cần phải tuân giữ những qui tắc tổng quát sau đây:

  1. Các nghi thức phải tỏa sáng nhờ tính cách đơn sơ cao quý, phải sâu sắc nhờ sự ngắn gọn và phải tránh những sự trùng lắp vô ích, phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, nói chung là không phải nhờ đến nhiều lời giải thích.
  2. 35. Để việc liên kết mật thiết giữa nghi thức và lời đọc được biểu lộ rõ ràng trong Phụng vụ:

1) Khi cử hành các nghi lễ thánh, phải tu chỉnh bài đọc Thánh Kinh cho dồi dào, thay đổi và thích hợp hơn.

2) Vì bài giảng là một thành phần của cử hành Phụng vụ, nên vị trí thích hợp nhất để giảng lễ phải được ghi trong các qui tắc chữ đỏ theo như nghi lễ cho phép; và phải hết sức trung thành và nghiêm túc chu toàn tác vụ giảng thuyết. Nội dung bài giảng phải được kín múc chủ yếu từ nguồn Thánh Kinh và Phụng vụ, trở nên lời rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi hay trong mầu nhiệm Chúa Kitô, luôn được hiện tại hóa và tác động trong chúng ta, nhất là khi cử hành Phụng vụ.

3) Cũng phải dùng mọi cách để dạy những bài giáo lý gắn liền với Phụng vụ hơn; và nếu cần, trong chính phần nghi thức, phải soạn một đôi lời hướng dẫn vắn tắt để vào những lúc thuận tiện, linh mục hay thừa tác viên có thẩm quyền đọc những lời đã ghi sẵn hay nói những lời tương tự.

4) Phải cổ võ việc suy tôn Lời Chúa vào ngày vọng các lễ trọng, cũng như một số ngày trong mùa Vọng, mùa Chay, những ngày Chúa nhật và các ngày lễ mừng, nhất là ở những nơi thiếu linh mục: trong trường hợp này, hoặc thầy phó tế hoặc một người khác được Giám mục ủy nhiệm sẽ chủ sự việc suy tôn Lời Chúa.

36.

  • 1. Việc dùng tiếng latinh, trừ khi có luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi chế latinh.
  • 2. Tuy nhiên, nếu việc dùng ngôn ngữ bản địa có thể đem lại nhiều ích lợi cho dân chúng trong thánh lễ hay trong các cử hành bí tích, hoặc trong những lãnh vực khác của Phụng vụ, thì cũng được dễ dàng chấp thuận, đặc biệt đối với các bài đọc và các bài huấn dụ, một số lời nguyện và bài hát, dựa vào những qui tắc được ấn định cho mỗi trường hợp trong những chương sau đây.
  • 3. Khi đã tuân hành đúng theo những qui tắc đó, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, và nếu cần, phải hội ý với các Giám mục trong những miền lân cận có chung một ngôn ngữ, có quyền quyết nghị về việc sử dụng tiếng bản địa và phương cách áp dụng, sau khi văn kiện đã được Tòa Thánh chấp thuận hay chuẩn y.
  • 4.Việc phiên dịch bản văn latinh ra tiếng bản địa để dùng trong Phụng vụ phải được thẩm quyền Giáo Hội địa phương nói trên chuẩn y.
  1. Các qui tắc để thích nghi với tâm tính và truyền thống của dân tộc
  2. Đối với những điều không liên can đến đức tin hay thiện ích của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội không muốn áp đặt một dạng thức đồng loạt cứng nhắc, kể cả trong Phụng vụ, nhưng đúng hơn, Giáo Hội muốn tôn trọng và phát huy những nét đẹp tinh thần, những tính cách đặc thù của mỗi dân tộc; trong tập tục của các dân tộc, bất cứ những gì không tuyệt đối gắn liền với những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với nhiều thiện cảm, và nếu có thể, vẫn được gìn giữ toàn vẹn và vững chắc, hơn nữa, đôi khi còn được đưa vào trong Phụng vụ, miễn sao hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính.
  3. Khi tu chỉnh các sách phụng vụ, Giáo Hội luôn duy trì tính cách duy nhất thuộc bản chất của Nghi chế Rôma, nhưng vẫn chấp nhận những thay đổi chính đáng và những thích nghi với các cộng đồng, các miền, các dân tộc, nhất là tại các xứ truyền giáo; nên để ý đến qui tắc này trong việc ấn định cơ cấu các nghi lễ và xác lập các qui tắc chữ đỏ.
  4. Trong những giới hạn được ấn định cho bản mẫu của các sách phụng vụ, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, có quyền xác định những điều được thích nghi, đặc biệt việc cử hành các bí tích, á bí tích, rước kiệu, ngôn ngữ phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật, tuy nhiên phải theo đúng những qui tắc căn bản trong Hiến chế này.
  5. Tại nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, việc thích nghi Phụng vụ đòi hỏi phải thực hiện sâu xa hơn, do đó cũng gây nên nhiều khó khăn hơn, vì thế:

1) Thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, phải thận trọng và khôn ngoan thẩm định xem những yếu tố nào thuộc các truyền thống và tâm tính của từng dân tộc có thể chấp nhận được trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Những điểm thích nghi được xét là lợi ích hay cần thiết, phải đệ trình và được Tòa Thánh chấp thuận trước khi đưa vào Phụng vụ.

2) Để việc thích nghi được thực hiện với sự cẩn trọng cần thiết, Tòa Thánh sẽ đồng ý để Giáo Hội địa phương tuỳ trường hợp có thể cho phép và tiến hành việc sử dụng thử nghiệm sơ khởi cần phải có, trong một số cộng đoàn thích hợp và trong một thời gian hạn định nào đó.

3) Các qui luật phụng vụ thường làm cho việc thích nghi gặp phải những khó khăn đặc biệt, nhất là tại các xứ truyền giáo, vì thế cần phải nhờ đến các chuyên viên để thực hiện công việc này.

  1. PHÁT HUY ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ TRONG GIÁO PHẬN VÀ GIÁO XỨ
  2. Giám mục phải được xem như vị thượng tế của đoàn chiên, sự sống nơi các tín hữu của ngài trong Chúa Kitô một cách nào đó phát xuất từ ngài và lệ thuộc vào ngài.

Vì thế, mọi người phải thể hiện thật tốt đẹp đời sống phụng vụ của giáo phận chung quanh Giám mục, nhất là tại nhà thờ chánh tòa: họ phải xác tín rằng Giáo Hội được tỏ bày cách đặc biệt khi toàn thể đoàn Dân Thánh của Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và tích cực vào những cử hành phụng vụ, nhất là trong cùng một Hiến lễ Tạ ơn, cùng một lời cầu nguyện, nơi một bàn thờ duy nhất, ở đó Giám mục chủ tọa giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên đang qui tụ quanh Ngài[35].

  1. Vì Giám mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội của ngài, nên phải thiết lập các cộng đồng tín hữu, trong đó, nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại địa phương dưới quyền một mục tử thay mặt Đức Giám mục: vì một cách nào đó, các giáo xứ là hình ảnh của Giáo Hội hữu hình được thiết lập trên toàn cõi trái đất.

Vì thế phải phát huy đời sống phụng vụ của giáo xứ và mối liên hệ với Giám mục trong tâm tư cũng như trong hành động của các tín hữu và hàng giáo sĩ; đồng thời phải nỗ lực làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong cộng đoàn cử hành thánh lễ ngày Chúa Nhật.

  1. PHÁT HUY HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ PHỤNG VỤ
  2. Nỗ lực phát huy và canh tân Phụng vụ thánh đáng được xem như một dấu chỉ của ý định quan phòng của Thiên Chúa cho thời đại chúng ta, và như cuộc viếng thăm của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội; đây là một đặc điểm làm nổi bật đời sống Giáo Hội, cũng như cách suy tư và hoạt động tôn giáo trong thời đại chúng ta.

Vì thế, để hoạt động về mục vụ phụng vụ được phát huy sâu rộng hơn trong Giáo Hội, Thánh Công Đồng quyết định:

  1. 44. Thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, nên thiết lập một Ủy ban Phụng vụ với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia về phụng vụ, âm nhạc, nghệ thuật thánh, cũng như mục vụ. Nếu có thể, Ủy ban này phải được trợ giúp bởi một học viện Mục vụ Phụng vụ gồm nhiều thành phần, và nếu cần, cả những giáo dân có khả năng về các lãnh vực vừa nêu. Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội địa phương, như đã nói trên, chính Ủy ban này sẽ phải điều hành hoạt động về Mục vụ Phụng vụ trong phạm vi quyền hạn mình, cũng như phải cổ võ các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm cần thiết mỗi khi phải đệ trình Tòa Thánh những điều cần được thích nghi.
  2. Cũng vậy, trong mỗi giáo phận phải có một Ủy ban Phụng vụ thánh để phát huy hoạt động phụng vụ, dưới sự điều hành của Giám mục.

Và đôi khi nhiều giáo phận cũng nên phối hợp với nhau để lập một Ủy Ban chung để cùng hội ý trong công cuộc phát huy Phụng vụ.

  1. 46. Ngoài Ủy ban Phụng vụ thánh, trong mỗi giáo phận, khi có thể, cũng phải thiết lập các Ủy ban Thánh nhạc và Nghệ thuật thánh.

Ba Ủy ban này cần phải hợp lực làm việc, và nhiều nơi cũng đã liên kết thành một Ủy ban duy nhất.

 

CHƯƠNG  II

MẦU NHIỆM THÁNH LỄ TẠ ƠN

 

  1. Trong bữa Tiệc Ly, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng chính Mình và Máu Người, để nhờ đó hy tế Thập Giá được tiếp diễn qua các thời đại cho tới khi Người đến, và đã ủy thác cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo Hội việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái[36], bữa tiệc vượt qua, “trong đó, khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng, và đón nhận bảo chứng cho vinh quang đời sau”[37].
  2. Vì thế, Giáo Hội hằng quan tâm giúp các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khán giả xa lạ và nín lặng, nhưng là những người thấu hiểu mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, tham gia vào thánh lễ cách ý thức, thành kính và tích cực, được Lời Chúa giáo huấn, được bàn tiệc Mình Chúa bổ sức, dâng lời tạ ơn Chúa, và khi không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài để hiến dâng lễ vật tinh tuyền, họ tập dâng hiến chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô là Trung Gian[38], họ được nên hoàn hảo trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.
  3. Vì vậy, để hy tế thánh lễ có được hiệu năng mục vụ trọn vẹn nhờ vào cả những nghi thức bên ngoài, thánh Công Đồng quyết định những điều sau đây về việc cử hành thánh lễ có giào dân tham dự, đặc biệt vào những Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.
  4. Phải tu chỉnh nghi thức thánh lễ để diễn đạt rõ ràng hơn nữa ý nghĩa riêng biệt cũng như mối tương quan giữa các phần trong thánh lễ, đồng thời để giúp các tín hữu tham dự thánh lễ sốt sắng và tích cực hơn.

Vì thế, các nghi lễ phải đơn giản hơn trong khi vẫn bảo toàn trọn vẹn bản chất của mình; phải loại bỏ những gì theo dòng thời gian đã trở nên trùng lắp hoặc được thêm vào cách vô ích; đối với những điểm đã bị xoá nhoà theo thời gian, phải dựa theo qui tắc cổ kính thời các thánh Giáo Phụ để tái lập những điều xét là thích hợp và cần thiết.

  1. Để bàn tiệc Lời Chúa được thêm phong phú cho các tín hữu, phải mở rộng hơn nữa kho tàng Thánh Kinh, sao cho trong một số năm nhất định nào đó, dân chúng được nghe phần nội dung tiêu biểu nhất trong Thánh Kinh.
  2. 52. Bài giảng dựa vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những qui tắc cho cuộc sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, phải được coi là một thành phần của Phụng vụ; hơn nữa, trong các thánh lễ Chúa Nhật và lễ buộc có giáo dân tham dự, không được bỏ giảng, trừ khi có lý do hệ trọng.
  3. Phải tái lập “lời nguyện chung” hay “lời nguyện tín hữu”, sau bài đọc Tin Mừng và bài giảng, nhất là vào các Chúa Nhật và lễ buộc, để giáo dân cùng hợp chung lời cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những kẻ khốn khổ vì nhiều nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người, và cho phần rỗi của toàn thế giới[39].
  4. Tiếng bản địa có thể được dùng khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là trong các bài đọc và “lời nguyện chung”, cả trong những phần dành cho dân chúng, tùy theo hoàn cảnh địa phương, chiếu theo quy tắc số 36 của Hiến chế này.

Tuy nhiên phải dự liệu sao để các Kitô hữu có thể đọc chung hoặc hát chung, ngay cả bằng La ngữ, các phần thường lễ dành cho họ trong thánh lễ.

Ở những nơi xét thấy nên dùng tiếng bản địa rộng rãi hơn trong thánh lễ, phải tuân giữ những điều đã qui định trong số 40 của Hiến chế này.

  1. Phải khuyến khích các tín hữu tham dự thánh lễ cách trọn vẹn hơn, bằng cách, sau khi linh mục hiệp lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong cùng một thánh lễ đó.

Việc hiệp lễ dưới hai hình, mặc dù vẫn duy trì những nguyên tắc tín lý do Công đồng Trentô xác lập[40], nhưng trong những trường hợp được Tòa Thánh minh định, có thể cho giáo sĩ, tu sĩ và cả giáo dân hiệp lễ dưới hai hình tùy theo sự phân định của các Giám mục, chẳng hạn cho các tiến chức trong thánh lễ phong chức, những người tuyên khấn trong thánh lễ khấn dòng, và các tân tòng trong thánh lễ cử hành cùng với nghi thức Rửa tội.

  1. Thánh lễ một cách nào đó được chia thành hai phần, phần Phụng vụ Lời Chúa và phần Phụng vụ Thánh Thể, cả hai phần được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng tự duy nhất. Vì thế, thánh Công Đồng tha thiết khuyến dụ những mục tử chắn dắt các linh hồn, trong khi dạy giáo lý, phải quan tâm khuyên dạy các tín hữu tham dự trọn vẹn thánh lễ, nhất là vào các Chúa Nhật và những ngày lễ buộc.

57.

  • 1. Việc đồng tế, vốn rất thích hợp trong việc biểu lộ tính duy nhất của chức linh mục, hiện vẫn được duy trì trong Giáo Hội Đông Phương cũng như Tây Phương. Vì vậy, Thánh Công Đồng mở rộng quyền đồng tế trong những trường hợp sau đây:
  1. a) ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Lễ Dầu cũng như Lễ Chiều;
  2. b) các thánh lễ trong các Công Đồng, các Hội Nghị Giám mục và các Hội Đồng;
  3. c) thánh lễ chúc phong Đan Viện Phụ.
  4. Ngoài ra, tuỳ Đấng Bản Quyền cứu xét có nên đồng tế hay không trong những trường hợp sau đây:
  5. a) thánh lễ trong tu hội và thánh lễ chính trong các nhà thờ, khi lợi ích các Kitô hữu không đòi buộc các linh mục hiện diện cử hành thánh lễ riêng;
  6. b) các thánh lễ trong bất cứ cuộc hội họp nào của các linh mục triều cũng như dòng.
  • 2.
  1. Việc ấn định qui luật đồng tế trong giáo phận thuộc quyền các Giám mục.
  2. Tuy nhiên, mỗi linh mục vẫn có quyền cử hành lễ riêng, nhưng không được cùng một lúc trong cùng một nhà thờ, kể cả ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
  3. 58. Phải soạn thảo bản nghi thức mới về đồng tế, và phải đưa vào Sách Nghi Lễ Giám mục và Sách lễ Rôma.

 

CHƯƠNG III

CÁC BÍ TÍCH KHÁC VÀ CÁC Á BÍ TÍCH

 

  1. Các bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa; vì là những dấu chỉ, các bí tích còn có mục đích giáo huấn. Các bí tích không những giả thiết phải có đức tin, mà còn nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin bằng các lời đọc và nghi thức, vì thế, được gọi là các bí tích của đức tin. Thật vậy, các bí tích ban ân sủng, còn việc cử hành các bí tích sẽ giúp các tín hữu sẵn sàng đón nhận ân sủng đó cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức ái.

Do đó, điều rất quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các bí tích, và siêng năng lãnh nhận các bí tích đã được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu.

  1. Ngoài ra, Mẹ thánh Giáo Hội còn thiết lập những á bí tích. Đó là những dấu chỉ thánh thiêng, phần nào phỏng theo những bí tích, qua đó những năng lực, nhất là những năng lực thiêng liêng được biểu thị và thông ban nhờ sự chuyển cầu của Giáo Hội. Các á bí tích giúp con người sẵn sàng lãnh nhận hiệu năng chính yếu của các bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống.
  2. Vì thế, nơi các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, Phụng vụ các bí tích và á bí tích sẽ thánh hóa hầu hết những biến cố trong đời sống nhờ nguồn ân sủng siêu nhiên xuất phát từ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại, Đấng chính là nguồn phát sinh năng lực cho tất cả các bí tích và á bí tích; và kể như mọi việc sử dụng chính đáng các chất thể hữu hình đều có thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa.
  3. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, một số yếu tố đã được đưa vào các nghi thức khiến cho con người thời nay không còn nhận ra rõ ràng bản chất và mục đích của các bí tích và á bí tích, vì thế, cần phải thích nghi những yếu tố đó cho hợp với nhu cầu của thời đại, từ đó trong việc duyệt xét lại các nghi thức, thánh Công Đồng quyết định các điều sau đây.
  4. Vì việc dùng tiếng bản địa trong khi cử hành bí tích và á bí tích, có thể rất ích lợi cho giáo dân, nên có thể sử dụng rộng rãi ngôn ngữ địa phương theo những qui tắc sau đây:
  5. a) Tiếng bản địa có thể được sử dụng trong khi cử hành các bí tích và á bí tích theo qui tắc đã nêu lên trong số 36.
  6. b) Dựa theo ấn bản mới của quyển Nghi Lễ Rôma, các sách Nghi thức riêng thích nghi với nhu cầu từng miền, cả về phương diện ngôn ngữ, phải được soạn thảo càng sớm càng tốt bởi thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, và sau khi đã được Tòa Thánh chuẩn y, các sách này sẽ được xử dụng trong những miền liên quan. Trong việc soạn thảo các sách Nghi thức, hay những tập sách đặc biệt về các nghi thức, không được bỏ qua những huấn thị ghi ở đầu từng nghi thức trong sách Nghi Lễ Rôma, dù là huấn thị về mục vụ, về phần chữ đỏ, hay những huấn thị có giá trị xã hội đặc biệt.
  7. Phải phục hồi chương trình giáo lý dự tòng cho người trưởng thành, tiến hành qua nhiều giai đoạn tách biệt, và việc thực hiện phải tùy theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương; nhờ đó, thời gian dự tòng dành cho việc huấn giáo tương xứng có thể được thánh hóa bởi những nghi lễ thánh, được cử hành vào những thời điểm nối tiếp nhau.
  8. Trong các xứ truyền giáo, ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô giáo, cũng được phép công nhận những yếu tố của việc khai tâm đang được thực hiện nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi lễ Kitô giáo, theo qui tắc đã nêu trong các số 37-40 của Hiến chế này.
  9. Phải duyệt lại cả hai nghi thức Rửa tội cho người trưởng thành, một nghi thức đơn giản và một nghi thức trọng thể dựa trên chương trình mới của giáo lý dự tòng; và sẽ đưa vào Sách lễ Rôma một lễ đặc biệt trong dịp “ban bí tích Thánh tẩy”.
  10. Phải duyệt lại nghi thức Rửa tội cho trẻ em, và thích nghi với trường hợp các trẻ sơ sinh; nghi thức phải làm nổi bật hơn nữa vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu.
  11. Khi có đông người chịu bí tích Thánh tẩy, trong nghi lễ nên có những thích ứng tùy theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương. Cũng phải soạn thảo một “nghi thức vắn tắt”, để các giáo lý viên, đặc biệt trong các xứ truyền giáo, và cách chung các tín hữu, có thể sử dụng trong trường hợp nguy tử khi không có linh mục hay phó tế.
  12. Thay vì nghi thức vẫn được gọi là “nghi thức bù các phép cho các trẻ nhỏ đã Rửa tội”, phải soạn thảo một nghi thức mới, trong đó nói lên rõ ràng và thích hợp hơn về việc em bé được rửa tội theo nghi thức vắn tắt cũng đã được nhận vào Giáo Hội rồi.

Cũng thế, đối với những người trước kia đã được rửa tội thành sự, nay trở về với Giáo Hội Công Giáo, phải soạn thảo một nghi thức mới trong đó nêu lên ý nghĩa việc họ được chấp nhận, được hiệp thông với Giáo Hội.

  1. Ngoài mùa Phục sinh, có thể làm phép nước Rửa tội ngay trong nghi thức Thánh tẩy, theo một công thức vắn tắt đã được chuẩn nhận.
  2. Cũng phải duyệt lại nghi thức Thêm sức để làm sáng tỏ hơn mối tương quan mật thiết của bí tích này với toàn thể nghi lễ gia nhập Kitô giáo. Vì thế, nên lập lại lời hứa Rửa tội ngay trước khi nhận lãnh bí tích Thêm sức.

Nếu thuận tiện, có thể cử hành bí tích Thêm sức trong thánh lễ. Còn khi cử hành ngoài thánh lễ, phải soạn thảo một công thức để mở đầu nghi lễ.

  1. Nghi lễ và công thức bí tích Giải tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của bí tích này.
  2. “Bí tích Xức dầu sau cùng” hay đúng hơn phải gọi là “bí tích Xức dầu bệnh nhân” không phải là bí tích dành riêng cho những người hấp hối. Dĩ nhiên, thời gian thuận tiện để lãnh nhận bí tích này chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.
  3. Ngoài hai nghi thức tách biệt nhau là Xức dầu bệnh nhân và trao Của Ăn Đàng, phải soạn thảo một bản nghi lễ liên tục, theo đó bệnh nhân sẽ được xức dầu sau khi xưng tội và trước khi nhận Của Ăn Đàng.
  4. Số lần xức dầu sẽ tùy nghi thực hiện, và các lời nguyện đọc trong nghi thức xức dầu bệnh nhân phải được duyệt lại sao cho thích ứng với từng trường hợp của bệnh nhân khi nhận lãnh bí tích này.
  5. Các Nghi lễ Phong chức phải được duyệt lại cả về nghi thức lẫn bản văn. Những lời huấn dụ của Đức Giám mục ở đầu mỗi nghi lễ phong chức hay tấn phong có thể dùng tiếng bản địa.

Trong Nghi lễ Tấn phong Giám mục, tất cả các Giám mục hiện diện đều có thể đặt tay.

  1. Nghi lễ cử hành Hôn phối, hiện có trong sách Nghi lễ Rôma, phải được duyệt lại và làm cho phong phú hơn, để ân sủng của bí tích này được biểu hiện rõ ràng hơn và nhấn mạnh nhiều hơn về bổn phận của hai vợ chồng.

“Nếu ở miền nào có những tập tục và nghi lễ xứng đáng khác trong khi cử hành bí tích Hôn phối, thì thánh Công Đồng tha thiết mong ước họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ đó”[41].

Ngoài ra, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, có quyền soạn thảo, theo qui tắc trong số 63, một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán của các địa phương và các dân tộc, nhưng phải duy trì việc linh mục chủ sự phải hỏi và nhận lời ưng thuận của hai người kết ước.

  1. Theo thường lệ, Hôn phối phải cử hành trong thánh lễ, sau bài Phúc Âm và bài giảng và trước “lời nguyện giáo dân”. Lời nguyện cho người vợ phải được tu chỉnh hợp thời để nhấn mạnh đến việc cả hai vợ chồng cùng có bổn phận phải trung tín với nhau, lời nguyện này có thể đọc bằng tiếng bản địa.

Nhưng nếu bí tích Hôn phối cử hành ngoài thánh lễ, thì phải đọc bài Thánh Thư và Tin Mừng của Lễ Hôn phối trước khi bắt đầu nghi lễ và luôn luôn phải chúc lành cho đôi tân hôn.

  1. Phải duyệt lại các á bí tích, chú ý tới các qui tắc căn bản này, là làm sao cho các tín hữu dễ dàng tham dự cách ý thức và tích cực, và cũng phải lưu tâm tới những nhu cầu của thời đại hiện nay. Trong khi duyệt lại các nghi thức theo qui tắc trong số 63, cũng có thể thêm các á bí tích mới tùy theo nhu cầu đòi hỏi.

Sẽ có rất ít các nghi thức làm phép dành riêng, và khi đó chỉ ưu tiên cho các Giám mục và các Đấng Bản Quyền.

Phải dự liệu để những giáo dân nào có đủ các đức tính thích hợp, có thể cử hành một vài á bí tích, ít là trong những hoàn cảnh đặc biệt và tùy theo sự xét định của Đấng Bản Quyền.

  1. Phải duyệt lại Nghi lễ Thánh hiến các Trinh nữ, đã có trong Sách Nghi lễ Giám mục Rôma.

Ngoài ra, phải soạn thảo một nghi lễ khấn dòng và tuyên lại lời khấn sao cho có tính cách duy nhất hơn, đơn giản hơn và trang trọng hơn. Những ai tuyên khấn hay lập lại lời khấn trong thánh lễ, phải dùng nghi thức này, trừ khi có đặc quyền riêng.

Nên cử hành nghi thức khấn dòng trong thánh lễ.

  1. Nghi lễ an táng phải diễn tả rõ ràng hơn tính cách vượt qua của cái chết Kitô giáo, và phải đáp ứng hơn nữa những hoàn cảnh và truyền thống của từng miền, ngay cả về màu sắc Phụng vụ.
  2. Phải duyệt lại nghi lễ an táng trẻ em và lập một thánh lễ riêng.

CHƯƠNG IV

KINH NHẬT TỤNG

 

  1. Là Thượng Tế của Giao Ước mới và vĩnh cửu, Chúa Giêsu Kitô, mang bản tính nhân loại, đã đưa vào cuộc lưu đày ở trần gian này một bản thánh ca vẫn còn được hát lên qua mọi thời đại nơi ngai tòa thiên quốc. Chính Người tập họp và liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại với Người để cùng hát bản thánh ca ngợi khen này.

Thật vậy, Chúa Kitô tiếp tục thực thi chức vụ tư tế qua chính Giáo Hội của Người, một cộng đoàn không ngừng ca tụng Thiên Chúa và cầu bầu cho phần rỗi của cả thế giới, không chỉ bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn, mà còn bằng nhiều cách khác, nhất là việc chu toàn Kinh Nhật Tụng.

  1. Theo truyền thống xa xưa của Kitô giáo, Kinh Nhật Tụng được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Vì khi các linh mục hay những người khác được Giáo Hội ủy nhiệm, hoặc các Kitô hữu cùng cầu nguyện với các linh mục theo thể thức đã được chuẩn nhận, chu toàn đúng nghi thức bài ca ngợi khen tuyệt diệu đó, thì quả thật đó là tiếng của chính Hiền Thê nói với Đấng Phu Quân mình, và hơn thế nữa, còn là lời cầu nguyện của Chúa Kitô và Thân Thể Người dâng lên Thiên Chúa Cha.
  2. Bởi vậy, tất cả những người thực thi phận vụ đó, vừa chu toàn trách vụ của Giáo Hội, vừa thông phần vinh dự tối cao của Hiền Thê Chúa Kitô, vì lúc đó họ nhân danh Giáo Hội là Mẹ để đảm nhận việc ca khen Thiên Chúa trước ngai toà Ngài.
  3. Các linh mục đang phải miệt mài với công việc mục vụ, sẽ càng thêm sốt sắng chu toàn lời ngợi khen vào các Giờ Kinh nếu càng ý thức sống động hơn rằng mình phải tuân giữ lời khuyên dạy của thánh Phaolô: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Ts 5,17); vì chỉ một mình Chúa mới có thể làm cho công việc của họ có kết quả và thêm tăng triển, như lời Người nói: “Không có Thầy, các con không thể làm được việc gì” (Ga 15,5); vì thế, khi thiết lập hàng phó tế, các Tông Đồ đã nói: “Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời” (Cv 6,4).
  4. Nhưng để Kinh Nhật Tụng được các linh mục hay các phần tử khác trong Giáo Hội chu toàn một cách tốt đẹp và hoàn hảo hơn trong hoàn cảnh hiện tại, thánh Công Đồng tiến hành việc cải tổ mà Tòa Thánh đã khởi sự tốt đẹp, ấn định những điều sau đây về Kinh Nhật Tụng theo Nghi chế Rôma.
  5. Vì mục đích của Kinh Nhật Tụng là thánh hóa ngày sống, nên cách tổ chức các Giờ Kinh theo truyền thống phải được cải tổ cho phù hợp tối đa với giờ khắc thật, đồng thời phải lưu ý đến những hoàn cảnh cuộc sống thường nhật, nhất là của những người đảm trách công việc tông đồ.
  6. Bởi vậy, việc canh tân Kinh Nhật Tụng phải giữ những qui tắc sau đây:
  7. a) Theo truyền thống khả kính của toàn thể Giáo Hội, lời Kinh Ca Ngợi là giờ kinh ban mai và Giờ Kinh Chiều là lời nguyện ban chiều như hai mốc điểm của Kinh Nhật Tụng, phải được coi là hai giờ chính và phải cử hành đúng thời điểm;
  8. b) Giờ Kinh Tối phải được xếp đặt thích hợp vào thời điểm cuối ngày;
  9. c) Giờ Kinh gọi là Kinh Mai, mặc dù vẫn giữ được tính cách của lời ca tụng ban đêm trong kinh hội, nhưng cần phải thích nghi thế nào để có thể đọc bất cứ giờ nào trong ngày và giờ kinh này sẽ gồm ít ca vịnh hơn và các bài đọc sẽ dài hơn.
  10. d) Giờ Kinh Nhất được bãi bỏ.
  11. e) Trong kinh hội, sẽ giữ các Giờ Nhỏ: giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín. Ngoài kinh hội, được phép chọn trong ba giờ đó một giờ nào thích hợp hơn với thời khắc đọc kinh trong ngày.
  12. Đàng khác, vì Kinh Nhật Tụng là kinh nguyện công cộng của Giáo Hội, là nguồn khởi phát lòng đạo đức và lương thực cho kinh nguyện cá nhân, nên các linh mục và tất cả những ai tham dự Kinh Nhật Tụng được tha thiết mời gọi trong Chúa, khi cử hành Kinh Nhật Tụng, hãy hòa hợp tâm trí với lời mình đọc; để đạt được điều đó một cách tốt đẹp hơn, họ phải liệu cho mình có được kiến thức phong phú hơn về Phụng vụ và Thánh Kinh nhất là về các thánh vịnh.

Khi thực hiện việc canh tân này, cần phải thích nghi kho tàng ngàn đời của Kinh Nhật Tụng Rôma sao cho tất cả những ai được ủy thác phận vụ đó có thể hưởng nhờ ơn ích cách phong phú và dễ dàng hơn.

  1. Để trình tự các Giờ Kinh đã đề cập ở số 89 được thực sự tuân giữ, các thánh vịnh không còn được phân chia trong vòng một tuần lễ, nhưng trong khoảng thời gian dài hơn.

Công việc tu chỉnh phần thánh vịnh đã khởi sự tốt đẹp, phải được hoàn thành sớm hết sức, nhưng vẫn tôn trọng lối văn latinh Kitô giáo cũng như các tập quán Phụng vụ cả trong khi hát, đồng thời cũng tôn trọng toàn bộ truyền thống Giáo Hội latinh.

  1. Về các bài đọc, phải giữ những điều sau đây:
  2. a) bài đọc Thánh Kinh, phải xếp đặt thế nào để người ta có thể dễ dàng đến với kho tàng Lời Chúa cách đầy đủ bao quát hơn.
  3. b) các bài đọc trích trong tác phẩm các Giáo phụ, các Tiến sĩ và Văn sĩ Giáo Hội phải được chọn lựa kỹ lưỡng hơn.
  4. c) các bài đọc về việc tử đạo hoặc đời sống các thánh phải phù hợp với chứng cứ lịch sử.
  5. Nếu thấy thích hợp, phải phục hồi hình thức ban đầu của các thánh thi, phải gạt bỏ hay thay đổi những gì có tính cách thần thoại hay không xứng hợp với lòng đạo đức Kitô giáo. Ngoài ra, nếu cần, cũng chấp nhận thêm những bản văn khác tìm thấy trong kho tàng các thánh thi.
  6. Để thực sự thánh hóa ngày sống hoặc để đọc các Giờ Kinh cho có hiệu quả thiêng liêng, nên giữ thời gian nguyện kinh theo Giờ luật định gần sát với thời khắc thật trong ngày.
  7. Các cộng đoàn có kinh hội, ngoài thánh lễ trong tu hội, buộc phải cử hành Kinh Nhật Tụng mỗi ngày trong kinh hội:
  8. a) Buộc phải cử hành toàn bộ Kinh Nhật Tụng: các hội dòng kinh sĩ, đan sĩ nam, nữ và các tu sĩ thuộc kinh hội do giáo luật hay hiến pháp của dòng.
  9. b) Phải đọc những phần Kinh Nhật Tụng đã được ấn định do luật chung hay luật riêng: các kinh sĩ nhà thờ chánh tòa hoặc nhà thờ kinh sĩ.
  10. c) Tuy nhiên, mọi thành viên của các cộng đoàn đó hoặc đã nhận chức thánh hoặc đã khấn trọng, trừ các thầy trợ sĩ, buộc phải đọc riêng những Giờ Kinh đã thiết định, nếu đã không đọc chung trong kinh hội.
  11. Các giáo sĩ không thuộc kinh hội, nếu đã nhận chức thánh, thì hằng ngày buộc phải đọc trọn Kinh Nhật Tụng, hoặc với cộng đoàn hoặc riêng một mình, theo qui tắc trong số 89.
  12. Phần chữ đỏ sẽ minh định khi nào có thể thay thế Kinh Nhật Tụng bằng cử hành Phụng vụ.

Tùy theo từng trường hợp và nếu có lý do chính đáng, các Đấng Bản Quyền có thể chuẩn cho những người dưới quyền mình được bỏ tất cả hay một phần Kinh Nhật Tụng hoặc có thể thay thế hẳn Kinh Nhật Tụng.

  1. Các thành viên của bất cứ tu hội nào, khi đọc một phần Kinh Nhật tụng, theo qui định do hiến pháp của tu hội, cũng là thi hành kinh nguyện công cộng của Giáo Hội.

Cũng thế, nếu hiến pháp cho phép họ đọc Kinh Nhật Tụng vắn tắt, thì họ cũng thi hành kinh nguyện công cộng của Giáo Hội, miễn là bản kinh vắn tắt đó được soạn thảo theo hình thức Kinh Nhật Tụng và được phê chuẩn hợp lệ.

  1. Vì Kinh Nhật Tụng là tiếng nói của Giáo Hội, nghĩa là của toàn Nhiệm Thể công khai ngợi khen Thiên Chúa, nên khuyên các giáo sĩ không thuộc kinh hội và nhất là các linh mục đang sống chung hoặc đang nhóm họp, hãy đọc chung với nhau, ít nữa là một phần Kinh Nhật Tụng.

Tuy nhiên, tất cả những ai đọc Kinh Nhật Tụng trong kinh hội hoặc chung với nhau, phải thi hành phận vụ được ủy thác đó cách thật hoàn hảo với lòng sùng kính bên trong cũng như qua cử điệu bên ngoài.

Ngoài ra, nên tùy dịp thuận tiện mà hát Kinh Nhật Tụng trong kinh hội hoặc hát chung với nhau.

  1. Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải lo cho các Giờ Kinh chính yếu, nhất là giờ Kinh Chiều, được cử hành chung trong nhà thờ, vào các Chúa Nhật và những ngày lễ trọng. Cũng khuyên cả các giáo dân hãy đọc Kinh Nhật Tụng, hoặc cùng với các linh mục hoặc khi tụ họp chung với nhau hoặc riêng một mình.

101.

1) Theo truyền thống ngàn đời của Nghi chế latinh, các giáo sĩ phải duy trì tiếng latinh trong Kinh Nhật Tụng. Tuy nhiên, tùy trường hợp riêng biệt, Đấng Bản Quyền có quyền cho dùng bản dịch tiếng địa phương, chiếu theo qui tắc khoản 36, cho những giáo sĩ mà việc dùng tiếng latinh là một ngăn trở lớn lao khiến không thể chu toàn Kinh Nhật Tụng cho đúng mức đòi hỏi được.

2) Bề trên thẩm quyền có thể cho phép các nữ đan sĩ, các nam tu sĩ không phải là giáo sĩ và các nữ tu thuộc các tu hội, được dùng tiếng bản quốc trong Kinh Nhật Tụng cả khi cử hành trong kinh hội, miễn là bản dịch phải được chuẩn nhận.

3) Đối với những giáo sĩ buộc phải đọc Kinh Nhật Tụng, nếu cử hành Kinh Nhật Tụng bằng tiếng địa phương chung với cộng đoàn tín hữu, hoặc với những người đã nói ở số 2, thì cũng đã chu toàn bổn phận rồi, miễn là bản dịch phải được chuẩn nhận.

 

 

CHƯƠNG V

NĂM PHỤNG VỤ

 

  1. Mẹ thánh Giáo Hội ý thức mình có bổn phận cử hành bằng cách tưởng niệm công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân chí thánh vào những ngày được ấn định trong năm. Mỗi tuần, vào ngày được gọi là Chúa Nhật, Giáo Hội tưởng nhớ việc Chúa Phục sinh, và mỗi năm một lần Giáo Hội còn cử hành mầu nhiệm ấy vô cùng trọng thể vào dịp lễ Chúa Phục sinh, cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.

Giáo Hội trình bày toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô trong chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, đến cả sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và hướng về ngày Chúa quang lâm.

Trong khi cử hành các mầu nhiệm cứu độ, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp phong phú của Chúa, làm cho những mầu nhiệm này có thể nói là luôn hiện diện qua mọi thời đại, để những ai tiếp xúc với các mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn ơn cứu rỗi.

  1. Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm như thế, Giáo Hội đặc biệt yêu mến tôn kính Đức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã liên kết với công trình cứu chuộc của Con Mẹ bằng mối dây bất khả phân ly; nơi Mẹ, Giáo Hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của công trình cứu chuộc, đồng thời vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ, như thể nhìn vào một hình ảnh tinh tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo Hội mong ước và đợi trông.
  2. Ngoài ra, Giáo Hội còn đưa vào niên lịch những lễ kính nhớ các thánh Tử Đạo và các Thánh khác, là những đấng nhờ ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, đã đạt tới sự trọn lành, và đã lãnh nhận phần rỗi đời đời, giờ đây đang đồng tâm ca hát chúc tụng Thiên Chúa trên thiên quốc và cũng đang cầu bầu cho chúng ta. Trong những ngày kính nhớ các Thánh, Giáo Hội công bố mầu nhiệm vượt qua nơi những người đã cùng chịu khổ nạn và cùng được vinh hiển với Chúa Kitô, đồng thời cũng trình bày cho các tín hữu gương sống của các ngài, những mẫu gương đang lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô, và nhờ công nghiệp các ngài, Giáo Hội lãnh nhận muôn ơn lành Chúa ban.
  3. Sau cùng, vào nhiều thời điểm trong năm, Giáo Hội dùng các phương thức truyền thống để kiện toàn việc huấn luyện các tín hữu bằng những hành vi đạo đức trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác, bằng lời giảng dạy, cầu nguyện, thái độ sám hối và các công việc bác ái.

Vì thế, Thánh Công Đồng xác quyết những điều sau đây:

  1. Theo truyền thống tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm vượt qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay Chúa Nhật. Trong ngày đó, các Kitô hữu phải họp nhau lại để cùng với việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hiến lễ Tạ Ơn, họ kính nhớ cuộc Thương khó, sự Sống lại và cuộc tôn vinh của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã “tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động nhờ sự phục sinh từ trong cõi chết của Chúa Giêsu Kitô” (1 Pr 1,3). Vì thế, Chúa Nhật là ngày lễ rất đặc biệt phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu đến độ cũng trở thành ngày dành cho niềm vui và sự nghỉ ngơi. Các nghi thức cử hành khác, nếu không thật sự rất quan trọng thì không được đặt ưu tiên hơn lễ Chúa Nhật, vì đây là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ.
  2. Phải tu chỉnh năm phụng vụ thế nào để qua việc duy trì hay phục hồi những tập tục và quy chế truyền thống về các mùa cho phù hợp với hoàn cảnh của thời đại, vẫn giữ được bản chất nguyên thủy của những mùa ấy, để nuôi dưỡng cách thỏa đáng lòng đạo đức của các tín hữu qua việc cử hành những mầu nhiệm cứu chuộc trong Kitô giáo, nhất là mầu nhiệm Vượt qua. Những điểm cần thích nghi với hoàn cảnh địa phương, phải theo quy tắc trong các số 39 và 40.
  3. Trước hết, phải hướng tâm trí các tín hữu về những ngày lễ kính Chúa, qua đó các mầu nhiệm cứu chuộc được cử hành trong từng năm. Vì thế, Phần Riêng mỗi Mùa phải ưu tiên hơn lễ kính các Thánh, để chu kỳ trọn vẹn dành cho các mầu nhiệm cứu chuộc được thực hiện cách thích hợp.
  4. Mùa Chay có hai đặc tính cần phải được trình bày rõ ràng hơn trong Phụng vụ cũng như trong giáo lý, vì đây là mùa giúp các tín hữu dọn lòng cử hành mầu nhiệm vượt qua bằng việc lắng nghe tiếng Chúa và cầu nguyện chuyên chăm hơn, đặc biệt qua việc nhớ lại hoặc chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận bí tích Thánh tẩy và qua hành vi thống hối. Do đó:
  5. a) phải trình bày cách phong phú hơn những yếu tố liên quan đến bí tích Thánh tẩy dành riêng cho Phụng vụ Mùa Chay; trong đó, một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa cần phải được tái lập, nếu xét thấy thích hợp.
  6. b) đối với các yếu tố liên quan đến việc thống hối, cũng phải làm y như thế. Trong khi dạy giáo lý, phải giúp các tín hữu hiểu rõ không những về các hậu quả của tội lỗi gây ra cho cộng đoàn, mà còn về chính bản chất của việc sám hối, đó là chê ghét tội lỗi vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa; đồng thời không được quên vai trò của Giáo Hội trong hành vi sám hối, và phải nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho các tội nhân.
  7. Trong Mùa Chay, việc thống hối không chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, nhưng phải tỏ lộ ra bên ngoài và mang tính cách cộng đoàn. Vì thế, hãy phát huy việc thực hành thống hối với những phương thức có thể thực hiện được trong thời đại hiện nay tại các miền khác nhau cũng như hợp với hoàn cảnh các tín hữu, việc này phải được các Đấng Bản Quyền cổ võ như đã nói ở số 22.

Tuy nhiên, khắp nơi vẫn phải giữ Ngày Chay Thánh dịp lễ Vượt qua, nghĩa là vào ngày thứ sáu Chúa chịu thương khó và chịu chết, nếu tiện có thể kéo dài qua thứ bảy Tuần Thánh, để với tâm hồn nâng cao và rộng mở, người tín hữu sẽ hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh.

  1. Theo truyền thống, các thánh được tôn kính trong Giáo Hội và các thánh tích đích thực cũng như ảnh tượng của các ngài vẫn được sùng kính. Lễ kính các thánh loan truyền những việc kỳ diệu Chúa Kitô đã làm nơi các tôi tớ của Người và trình bày những gương sáng thích hợp cho các tín hữu noi theo.

Để lễ kính các thánh không lấn át các lễ kính nhớ những mầu nhiệm cứu chuộc, một số lễ các thánh sẽ được cử hành riêng nơi các Giáo Hội địa phương, quốc gia hay dòng tu, và chỉ lễ kính những vị thánh thực sự có tầm quan trọng phổ quát mới được cử hành chung trong toàn thể Giáo Hội.

 

 

CHƯƠNG VI

THÁNH NHẠC

 

  1. Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã làm thành một kho tàng vô giá, nổi bật giữa các phong cách nghệ thuật khác, nhất là vì cung điệu đi liền với lời thánh ca góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong những cử hành phụng vụ trọng thể.

Thật vậy, thánh ca không những đã được Thánh Kinh[42] mà cả các Giáo phụ và các vị Giáo Hoàng khen ngợi, nhất là các vị trong khoảng thời gian gần đây, tiếp bước Đức Piô X, đã cho thấy rõ ràng hơn vai trò của thánh nhạc trong phụng tự.

Do đó, thánh nhạc sẽ mang tính thánh thiêng hơn nếu liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ, hoặc để diễn đạt lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn hay để cổ võ sự đồng tâm, hoặc để tăng thêm tính cách long trọng cho các nghi lễ. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng chuẩn nhận và cho sử dụng trong phụng tự tất cả mọi hình thức nghệ thuật đích thực, miễn là có những phẩm tính cần thiết.

Vì thế, trong khi vẫn duy trì những qui tắc, luật lệ của truyền thống và qui luật trong Giáo Hội, cũng như luôn quan tâm đến mục đích của thánh nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu, thánh Công Đồng xác lập những điểm sau đây.

  1. Hoạt động phụng vụ có được hình thức cao nhã hơn khi việc cử hành phụng tự được cử hành cách long trọng với tiếng hát, do các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dân tích cực tham dự.

Về việc sử dụng ngôn ngữ, phải theo qui tắc trong số 36; về thánh lễ, số 54; về các bí tích, số 63; về Kinh Nhật Tụng, số 101.

  1. Phải tận tâm gìn giữ và phát huy kho tàng thánh nhạc, phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn, nhất là tại các nhà thờ chánh tòa; phần các Giám mục và mục tử coi sóc các linh hồn, hãy quan tâm sắp xếp để trong các lễ hát, tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tích cực tham dự với những phần dành riêng cho họ, theo qui tắc trong các số 28 và 30.
  2. Phải chú trọng đến việc học hỏi và thực tập âm nhạc trong các chủng viện, tập viện cũng như học viện của các dòng tu nam nữ, và cả trong những học viện và các học đường công giáo; cần phải quan tâm đào tạo những giáo sư về thánh nhạc để phụ trách chương trình giảng dạy ấy.

Ngoài ra, nếu tiện, rất nên thành lập những Học viện cao đẳng về Thánh nhạc.

Hơn nữa, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhất là các thiếu nhi, cũng phải được huấn luyện nghiêm túc về Phụng vụ.

  1. Giáo Hội nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của Phụng vụ Rôma: vì thế, trong các hoạt động Phụng vụ, bình ca phải giữ địa vị chính yếu giữa những loại hình thánh ca khác.

Trong khi cử hành việc phụng tự, vẫn có thể dùng các loại hình thánh nhạc khác, nhất là thể nhạc đa âm, miễn là đáp ứng được tinh thần của hoạt động phụng vụ theo qui tắc trong số 30.

  1. Phải hoàn thành ấn bản mẫu cho các sách hát bình ca; ngoài ra, cũng phải có một ấn bản được nghiên cứu cẩn thận hơn đối với các sách đã được phát hành sau cuộc canh tân của Thánh Piô X.

Nên cho phát hành những sách hát có âm điệu đơn giản hơn để dùng trong các nhà thờ nhỏ.

  1. Thánh ca cộng đồng phải được phát huy sâu rộng để các tín hữu có thể dâng lời ca tiếng hát trong các việc đạo đức thánh thiện cũng như trong chính hoạt động phụng vụ, theo những qui tắc và chỉ thị của luật chữ đỏ.
  2. Ở một vài miền, nhất là tại các xứ truyền giáo, nơi những dân tộc sẵn có truyền thống âm nhạc đặc thù, vốn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội, cần phải biết quí trọng và dành cho âm nhạc ấy một địa vị thích hợp, trong khi vẫn phải giúp hình thành nơi họ cảm thức tôn giáo, cũng như thích ứng năng khiếu của họ vào việc phụng tự, theo tinh thần số 39 và 40.

Vì thế, trong khi giảng dạy về âm nhạc cho các vị thừa sai, phải chú tâm hướng dẫn để họ có được khả năng tối đa giúp phát triển truyền thống âm nhạc của các dân tộc trong các trường học cũng như trong các hoạt động phụng vụ.

  1. Trong Giáo Hội latinh, đại phong cầm rất được quí chuộng, vì là một nhạc khí cổ truyền với chất liệu âm thanh có thể làm tăng thêm tính cách cao quý diệu kỳ cho các nghi lễ, đồng thời cũng giúp nâng cao tâm trí lên cùng Chúa và những sự trên trời.

Các nhạc cụ khác có thể được sử dụng trong việc phụng tự tùy theo sự xét định và phê chuẩn của thẩm quyền địa phương theo quy tắc trong số 22 §2, 37 và 40, miễn là đã thích nghi hoặc có thể thích nghi để sử dụng trong các việc thánh thiêng, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường, và thực sự góp phần nâng cao tâm hồn các tín hữu.

  1. 121. Các nhạc sĩ đã được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo hãy ý thức rằng mình được mời gọi thực thi trau dồi và phát triển kho tàng thánh nhạc.

Hãy sáng tác những bài ca có cung điệu thực sự mang tính thánh nhạc, không chỉ dành cho các ca đoàn lớn nhưng còn thích hợp cả với những ca đoàn nhỏ, hỗ trợ nhiều cho sự tham dự tích cực của toàn thể cộng đoàn tín hữu.

Lời thánh ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn hết là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ.

 

CHƯƠNG VII

NGHỆ THUẬT THÁNH VÀ VẬT DỤNG TRONG PHỤNG TỰ

 

  1. Trong những kỹ năng hoạt động cao quí nhất của con người, chắc chắn phải kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh chính là nghệ thuật thánh. Tự bản chất, nghệ thuật thánh diễn tả cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại, và góp phần ca tụng tôn vinh Thiên Chúa bằng cách không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực giúp tâm trí con người thành kính hướng về Thiên Chúa.

Vì thế, Mẹ thánh Giáo Hội là người bạn và luôn nghĩ đến vai trò cao quí của mỹ thuật cũng như việc đào tạo các nghệ nhân, chủ yếu để những vật dụng trong phụng tự thánh được thực sự xứng đáng, thanh nhã và cao đẹp, đồng thời biểu thị và tượng trưng cho những thực tại cao siêu. Hơn nữa, Giáo Hội vẫn đảm nhận việc thẩm định về mỹ thuật, tuyển chọn giữa những công trình của các nghệ sĩ những tác phẩm thích hợp với đức tin, với lòng đạo đức, và với những qui định truyền thống về tôn giáo, cũng như quyết định tác phẩm nào xứng đáng dùng vào việc thánh.

Giáo Hội đặc biệt quan tâm muốn cho vật dụng thánh góp phần cách xứng đáng và có mỹ thuật vào việc phụng tự cao quý, đồng thời cũng chấp nhận những thay đổi về chất liệu, hình thức, cũng như về nghệ thuật trang trí do những tiến triển kỹ thuật mang lại qua các thời đại.

Vì thế trong lãnh vực này, các Nghị Phụ xác quyết những điều sau đây.

  1. Giáo Hội không chọn riêng cho mình một qui cách nghệ thuật nào, nhưng chấp nhận các kiểu thức của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các Nghi chế khác nhau, nhờ đó, trải qua các thế kỷ, đã thu thập được cả một kho tàng nghệ thuật cần phải được bảo tồn cẩn thận. Ngay cả nghệ thuật của thời hiện đại, cũng như của tất cả các dân tộc và các khu vực cũng được tự do thể hiện trong Giáo Hội, miễn là giữ được vẻ tôn kính trang trọng cần phải có trong các thánh đường cũng như trong các nghi lễ thánh; như thế, nghệ thuật đã có thể hòa giọng với bài ca vinh danh kỳ diệu mà những bậc vĩ nhân đã cùng cất lên tiếng hát qua các thế kỷ để tôn vinh niềm tin công giáo.
  2. Các Đấng Bản Quyền trong khi phát động và cổ võ nghệ thuật thánh đích thực, hãy nhắm tới vẻ đẹp cao quí hơn là nghĩ tới vẻ xa hoa lộng lẫy. Cũng phải hiểu như thế về phẩm phục và cách thức trang trí.

Các Giám mục hãy lưu ý loại bỏ khỏi thánh đường cũng như những nơi thánh khác, những tác phẩm nghệ thuật nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng đạo đức Kitô giáo, cũng như những tác phẩm gây tổn hại cho ý nghĩa tôn giáo đích thực, hoặc vì hình thức bất xứng, hoặc vì thiếu thẩm mỹ, tầm thường hay ngụy tạo.

Trong việc xây cất thánh đường, phải cẩn thận lưu tâm để sao cho xứng hợp với việc thực hành các hoạt động phụng vụ và thuận lợi cho việc tham dự tích cực của các tín hữu.

  1. Việc đặt ảnh tượng thánh trong các thánh đường cho các tín hữu tôn kính vẫn được duy trì; tuy nhiên, các ảnh tượng không nên quá nhiều và phải được bày trí thích hợp, để không phá hỏng lòng mộ mến nơi đoàn dân Kitô giáo, đồng thời cũng không nhượng bộ thói sùng bái lệch lạc.
  2. Trong việc thẩm xét những tác phẩm nghệ thuật, các Đấng Bản Quyền địa phương hãy lắng nghe ý kiến của Ủy ban giáo phận đặc trách Nghệ Thuật Thánh, và nếu cần, nên hỏi ý các chuyên viên cũng như những Ủy ban đã nói trong các số 44, 45, 46.

Các Đấng Bản Quyền phải thận trọng đừng để các vật dụng thánh hoặc các tác phẩm nghệ thuật có giá trị bị di nhượng hoặc phá hủy, nếu đó là những phẩm vật trang hoàng nhà Chúa.

  1. 127. Các Giám mục, hoặc tự mình hoặc nhờ các linh mục đủ khả năng, thông thạo và yêu thích nghệ thuật, phải lưu tâm giúp các nghệ nhân thấm nhuần tinh thần nghệ thuật thánh và Phụng vụ thánh.

Ngoài ra cũng nên thành lập những trường học hay học viện về nghệ thuật thánh để đào tạo các nghệ nhân cho những nơi có nhu cầu.

Và tất cả các nghệ nhân, những người muốn dùng tài nghệ của mình phụng sự cho vinh quang Thiên Chúa trong Giáo Hội, phải luôn nhớ rằng công việc họ đang làm chính là dõi theo hành động thánh thiêng của Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, và thực hiện những tác phẩm dành cho việc phụng tự công giáo, giúp khai mở tâm trí các tín hữu, cũng như để hỗ trợ lòng đạo đức và sự khuyên dạy trong lãnh vực tôn giáo.

  1. Những khoản luật và qui định của Giáo Hội về việc bài trí những vật dụng bên ngoài liên quan đến việc thờ phượng, nhất là về việc xây dựng thánh đường cho xứng đáng và thích hợp, về hình dáng và cấu tạo của các bàn thờ, về vẻ tôn quí, vị trí và sự an toàn của nhà tạm Thánh Thể, về tính cách thuận lợi và trang trọng của giếng rửa tội, cũng như về lối trưng bày ảnh tượng thánh, cách trần thiết và trang hoàng sao cho hòa hợp, tất cả các qui định trên và các sách phụng vụ theo qui tắc trong số 25 phải được duyệt lại càng sớm càng tốt: tu chỉnh hay loại bỏ những điều không còn thích hợp với nền Phụng vụ đã được canh tân; giữ lại hoặc thêm vào những điều phù hợp.

Trong lãnh vực này, cách riêng về chất liệu và hình thức vật dụng thánh và phẩm phục, Hội đồng Giám mục địa phương có quyền thích nghi với các nhu cầu và phong tục địa phương, chiếu theo qui tắc trong số 22 của Hiến chế này.

  1. Các giáo sĩ, trong thời gian theo học triết học và thần học, phải được học hỏi về lịch sử và biến chuyển của nghệ thuật thánh, cũng như về những nguyên tắc chính đáng làm cơ sở cho các tác phẩm nghệ thuật thánh; như thế họ sẽ biết quí trọng và bảo trì những công trình đáng được đề cao của Giáo Hội, cũng như có thể đưa ra những ý kiến thích hợp cho các nghệ nhân trong khi thực hiện các tác phẩm.
  2. Nên dành riêng việc sử dụng phẩm phục giáo chủ cho những nhân vật trong Giáo Hội có chức Giám mục hoặc có thẩm quyền đặc biệt nào đó.

 

PHỤ CHƯƠNG

TUYÊN NGÔN CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II

VỀ VIỆC TU CHỈNH NIÊN LỊCH

 

Thánh Công Đồng Vatican II rất quan tâm đến nguyện vọng của nhiều người về việc ấn định lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định, và về việc xác lập một niên lịch cố định, sau khi đã cẩn thận cân nhắc mọi hệ quả có thể xảy ra do việc xác lập một niên lịch mới, Thánh Công Đồng tuyên bố những điều sau đây:

  1. Thánh Công Đồng không phản đối việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định trong niên lịch grêgôrianô, miễn là có sự đồng ý của những người liên hệ, nhất là các anh em ly khai với Tông Tòa.
  2. Cũng thế, Thánh Công Đồng tuyên bố là không phản đối những sáng kiến có liên hệ đến việc đưa vào xã hội dân sự một niên lịch cố định.

Tuy nhiên, trong các hệ thống khác nhau được trù tính để xác lập và đưa một niên lịch cố định vào xã hội dân sự, Giáo Hội chỉ không phản đối những hệ thống nào còn duy trì và bảo toàn tuần lễ 7 ngày với ngày Chúa Nhật, không đưa thêm một ngày nào khác vào trong tuần lễ, để sự tiếp nối các tuần lễ vẫn được nguyên vẹn, trừ khi có những lý do hết sức quan trọng mà Tông Tòa sẽ phán quyết.

Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963

Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo

(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

 

KÝ HIỆU CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG

 

           

Ký hiệu Latinh                         VĂN KIỆN                  Ký hiệu tiếng Việt

 

  HIẾN CHẾ

 

 
SC Sacrosanctum Concilium  
  Hiến chế về Phụng Vụ thánh PV
LG Lumen Gentium  
  Hiến chế tín lý về Giáo Hội GH
DV Dei Verbum  
  Hiến chế về Mạc Khải của Thiên Chúa MK
GS Gaudium et Spes  
  Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay MV
   

SẮC LỆNH

 

 
IM Inter Mirifica  
  Sắc lệnh về các phương tiện Truyền Thông xã hội TT
OE Orientalium Ecclesiam  
  Sắc lệnh về các Giáo Hội Công giáo Đông Phương ĐP
UR Unitatis Redintegratio  
  Sắc lệnh về  Đại Kết ĐK
CD Christus Dominus  
  Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội  

GM

OT Optatam Totius  
  Sắc lệnh về ĐàoTạo Linh mục ĐT
PC Perfectae Caritatis  
  Sắc lệnh về việc thích nghi canh đời sống Tu Sĩ TS
AA Apostolicam Actuositatem  
  Sắc lệnh về hoạt động Tông Đồ Giáo dân
PO Presbyterorum Ordinis  
  Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các Linh Mục LM
AG Ad Gentes  
  Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội TG
   

TUYÊN NGÔN

 

 
GE Gravissimum Educationis  
  Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo GD
NAE Nostra Aetatem  
  Tuyên ngôn về mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo  

NK

DH Dignitatis Humanae  
  Tuyên ngôn về Tự Do Tôn giáo TD

 

                       

 

KÝ HIỆU THÁNH KINH

 

 

Ac                                     Ai ca

                                   Abđia      

Ag                                     Aggêô      

Am                                   Amos       

1 Bn                                 1 Biên niên sử    

2 Bn                                 2 Biên niên sử    

Br                                     Baruc

Cl                                      Côlôssê

Cn                                    Châm ngôn         

1 Cr                                  1 Côrintô

2 Cr                                  2 Côrintô

Cv                                     Công vụ Tông đồ           

Dc                                     Diễm ca  

Ds                                     Dân số     

Dt                                     Do thái    

Đn                                    Đaniel     

Đnl                                   Đệ nhị luật          

Ep                                     Êphêsô    

Esd                                   Esdra       

Est                                    Esther      

Ez                                     Êzêkiel    

Ga                                     Gioan      

Gb                                     Giob

1 Ga                                 1 Gioan   

2 Ga                                 2 Gioan   

3 Ga                                 3 Gioan

Gc                                     Giacôbê  

                                   Giuđa

Gđt                                   Giuđitha  

Ge                                     Gioel

Gl                                     Galata      

Gn                                    Giôna

Gr                                     Giêrêmia 

Gs                                     Giôsuê     

Gv                                     Giảng viên          

Hb                                    Habacuc  

Hc                                     Huấn ca   

Is                                       Isaia         

Kh                                    Khải huyền         

Kn                                    Khôn ngoan        

Lc                                     Luca

Lv                                     Lêvi         

Mc                                    Marcô

1 Mcb                              1 Macabê

2 Mcb                              2 Macabê

Mk                                    Mikêa      

Ml                                     Malakia   

Mt                                     Matthêu

Nh                                     Nahum

Nhm                                 Nêhêmia 

Os                                     Ôsê          

Pl                                      Philipphê

Plm                                   Philêmon

1 Pr                                  1 Phêrô    

2 Pr                                  2 Phêrô    

Rm                                   Rôma

Rt                                     Ruth

1 Sm                                 1 Samuel 

2 Sm                                 2 Samuel 

Sp                                     Sôphônia

St                                      Sáng thế  

Tb                                     Tôbia

Tp                                     Thẩm phán

1 Tm                                1 Timôthê

2 Tm                                2 Timôthê

1 Ts                                  1 Thessalônica   

2 Ts                                  2 Thessalônica   

Tt                                      Titô          

Tv                                     Thánh vịnh

1 V                                    1 Vua       

2 V                                    2 Vua       

Xh                                    Xuất hành

Zcr                                   Zacaria    

 

 

 

 

KÝ HIỆU SÁCH TRÍCH DẪN

 

AAS             Acta Apostolicae Sedis. Roma, 1909- …

ASS              Acta Sancta Sedis. Roma, 1865-1908.

CChr           Corpus Christianorum.

COD            Conciliorum Oecumenicorum Decreta.

                      Bologne, Herder, 1962.

Coll. Lac.    Actorum et Decretorum Ss. Conciliorum

                     recentiorum Collectio Lacensis.

                     Friburg, 1870- …

CSEL           Corpus Christianorum Ecclesisticorum

                     Latinorum. Vienne, 1866- …

DENZ          Denzinger-Schönmetzer, Enchiridion

                     Symbolorum, Definitionum et Declarationum

                     de rebus fiedei et morum. Herder, 1963, ấn bản

                     thứ ba.

EB                Enchiridion Biblicum. Napoli-Roma, 1961, ấn

                     bản thứ ba.

GL                Giáo Luật 1983.

Funk            F.X. Funk, Patres Apostolici. Tubingue, 1901.

GCS             Die Griechischen Christlichen Schriftsteller der ersten Jahrhunderte. Leipzig 1897- …

Hartel         Ấn bản CSEL có chú thích.

Harvey        W.Harvey, Adversus Hereses (Thánh Irênê). Cambridge , 1857.

Mansi          G.D.Mansi, Sanctorum Conciliorum et Decretorum Collectio Nova. Lucca, 1748 – J.B. Martin và L. Petit, Sacrorum Conciliorum Nova et Amplissima Collectio. Firenze, 1759; Venezia, 1798.

MGH           Monumenta Germaniae Historica. Hannover-Berlin, 1862.

Patr.Or.      Patrologia Orientalis. R.Graffin-F.Nau, Paris, 1903- …

PG                Patrologiae Graecae Cursus Completus.

                     J.B. Migne, Paris, 1857-1886.

PL                Patrologiae Latinae Cursus Completus.

                     J.B. Migne, Paris, 1844-1864.

Sources Chr.            Sources Chrétiennes. H. de Lubac-J. Daniélou, Paris, 1941- …

Sagnard      Ấn bản Sources Chrétiennes có chú thích.

T.n.U           Texte und Untersuchungen zur Geschichte der altchristichen Literatur. Leizig, 1882- …

 

 

KÝ HIỆU GHI CHÚ

 

CĐ.                      Công Đồng

  1. chương
  2. như trên
  3. Thánh
  4. trang
  5. tiếp theo
  6. xem
  7. Nhà xuất bản

 

 

 

 

 

 

[1] Sách lễ Rôma, Kinh Dâng lễ Chúa Nhật thứ 9 sau lễ Hiện Xuống.

[2] x. Dt 13,14.

[3] x. Ep 2,21-22.

[4] x. Ep 4,13.

[5] x. Is 11,12.

[6] x. Ga 11,52.

[7] x. Ga 10,16.

[8] x. Is 61,1; Lc 4,18.

[9] T. IGNATIÔ ANTIÔKIA, Ad Ephesios, VII, 2: xb. F.X. Funk, Patres Apostolici, I, Tubinga 1901, tr. 218.

[10] x. 1 Tm 2,5.

[11] Sacramentarium Veronense (Leonianum): xb. C. Mohlberg, Rôma, 1956, số 1265, tr. 162.

[12] Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Lễ Phục Sinh.

[13] x. T. AUGUSTINÔ, Enarr. in Ps CXXXVIII, 2: Corpus Christianorum, XL, Turnholti, 1956, tr. 1991 và lời nguyện sau bài đọc thứ hai ngày thứ bảy Tuần Thánh trong Sách lễ Rôma, trước khi cải tổ Tuần Thánh.

[14] x. Mc 16,15.

[15] x. Cv 26,18.

[16] x. Rm 6,4; Ep 2,6; Cl 3,1; 2 Tm 2,11.

[17] x. Ga 4,23.

[18] x. 1 Cr 11,26.

[19] CĐ TRENTÔ, khóa 13, 11.10.1551, Sắc lệnh De SS. Euch., ch. 5: Concilium Tridentinum, Diariorum Actorum, Epistolarum, Tractatuum nova collectio, xb. Soc. Goerresianae, Bộ VII. Actorum phần IV, Friburgi Brisgoviae 1961, tr. 202.

[20] CĐ TRENTÔ, khóa 22, 17.9.1562, Giáo thuyết De SS. Missae Sacrificio, ch. 2: Concilium Tridentinum, xb. Soc. Goerresianae, Bộ VIII. Actorum phần V, Friburgi Brisgoviae 1919, tr. 960.

[21] x. T. AUGUSTINÔ, In Joannis Evangelium Tractatus VI, ch. I. số 7: PL 35, 1428.

[22] x. Kh 21,2; Cl 3,1; Dt 8,2.

[23] x. Pl 3,20; Cl 3,4.

[24] x. Ga 17,3 ; Lc 24,27; Cv 2,38.

[25] x. Mt 28,20.

[26] Sách lễ Rôma, Ca hiệp lễ ngày vọng lễ Phục Sinh và Chúa Nhật Phục Sinh.

[27] Sách lễ Rôma, Lời nguyện thứ ba tuần Phục Sinh.

[28] x. 2 Cr 6,1.

[29] x. Mt 6,6.

[30] x. 1 Ts 5,17.

[31] x. 2 Cr 4,10-11.

[32] Sách lễ Rôma, Lời nguyện dâng lễ thứ hai tuần Hiện Xuống.

[33] T. CYPRIANÔ, De cath. eccl. unitate, 7: xb. G. Hartel, trong CSEL, bộ III, 1 Vienna 1868, tr. 215-216; x. Ep. 66, số 8, 3: xb. Soc. Goerresianae, bộ III, 2 Vienna 1871, tr. 732-733.

[34] x. CĐ TRENTÔ, khóa XXII, 17.9.1562, Giáo thuyết De ss. Missae sacrif., ch. 8: Concilium Tridentinum, xb. Soc. Goerresianae, bộ VIII, tr. 961.

[35] x. T. IGNATIÔ ANTIÔKIA, Ad Magn. 7; Ad Philad. 4: Ad Smyrn. 8: xb. F.X. Funk, Patres Apostolici, I, tr. 236, 266, 281.

[36] x. T. AUGUSTINÔ, In Ioannis Evangelium Tractatus XXVI, ch. VI, số 13: PL 35, 1613.

[37] Breviarium Romanum, Lễ Mình Thánh Chúa Kitô, Kinh Chiều II, Tiền xướng Kinh Magnificat.

[38] x. T. CYRILLÔ ALEXANDRIA, Commentarium in Ioannis Evangelium, cuốn XI, ch. XI-XII: PG 74, 557-565, nhất là 564-565.

[39] x. 1 Tm 2,1-2.

[40] Khóa XXI, 16.7.1562, Doctrina de Communione sub utraque specie et parvulorum, ch. 1-3, khoản 1-3: Concilium Tridentinum, xb. Soc. Goerresianae, bộ VIII, 698-699.

[41] CĐ TRENTÔ, khóa XXIV, 11.11.1563, Sắc lệnh De Reformatione, ch. 1: Concilium Tridentinum, xb. Soc. Goerresianae, IX. Actorum phần VI, Friburgi Brisgoviae 1924, tr. 969; x. Rituale romanum, tiết VIII, ch. II, số 6.

[42] x. Ep 5,19; Cl 3,16.