Họ bị tổn thương khi khỏi bệnh Covid – 19
HỌ BỊ TỔN THƯƠNG KHI KHỎI BỆNH COVID – 19
Thật là ý nghĩa vào đúng ngày mừng kính Thánh Phanxico Assisi, ngày thứ hai trong tuần và cũng là ngày thứ hai Sài Gòn bắt đầu một cuộc sống mới, cộng đoàn dòng tu bắt đầu có Thánh lễ trở lại. Ngày hôm nay, cộng đoàn Emmanuel Thủ Đức đã nhận được sự ưu ái của các y bác sĩ đến tận nhà để chăm sóc sức khỏe và tiêm Vắc xin mũi 2 phòng Covid cho từng chị em. Sự ân cần cẩn thận của các y bác sĩ Thành phố Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo Phường Bình Thọ đã làm cho chị em cảm nhận được đây chính là những “người thân cận của tôi”, họ không chỉ là những bác sĩ chăm sóc sức khỏe thể xác, nhưng còn là những bác sĩ về tinh thần được thể hiện qua những công việc họ làm cho từng chị em nữ tu chúng tôi.
Trong Thánh lễ hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại dụ ngôn người Samari nhân hậu trong bối cảnh đau thương do dịch bệnh Covid kéo dài làm mất đi bao người thân, rồi biết bao nhiêu trẻ mồ côi cha mẹ vì con virut độc hại này. Khi nghe Tin Mừng tôi đã nhớ lại một bài hát: “Ai là anh em của tôi, ai là thân nhân của tôi, đâu là điều đẹp ý Chúa, đâu là lễ vật Chúa mong. Người thân của tôi bên đường, là người cần tình yêu thương, Anh em của tôi trong đời, là người cần tôi đỡ nâng. Hãy ra đi làm như người Samari, hãy ra đi lời Chúa nào thực thi, Hãy ra đi làm như người Samari, hãy ra đi gặp Chúa và anh em”(trích lời bài hát Hãy ra đi như người Samari).
“Hãy làm người thân cận của anh chị em mình” chính là lệnh truyền của Chúa cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống ngày hôm nay. Vậy người thân cận của anh em mình là ai? Đó là những con người bị tổn thương trong xã hội chúng ta, đặc biệt là những người bị nhiễm bệnh covid, người nghèo, người vì dịch bệnh mà mất hết tất cả, họ bị cạn kiệt về đời sống; những con người bị loại trừ ra khỏi xã hội và một trong những người bị loại trừ ngày hôm nay mà họ cảm thấy bị tổn thương nhiều nhất là người được chữa lành khỏi Covid. Họ mừng vì khỏi bệnh và mong được về nhà; nhưng thật trớ trêu thay khi họ trở về thay vì được chào đón thăm hỏi thì họ lại nhận được những ánh mắt sợ hãi và đóng cửa đuổi đi khỏi khu trọ. Họ sẽ đi đâu đây? “Ai là người thân cận” trong lúc này? Phải chăng họ là những con người không có địa vị xã hội hoặc họ mang căn bệnh Covid mà người ta sợ hãi né tránh họ….HỌ BỊ TỔN THƯƠNG hơn khi Covid quật ngã họ phải không?
Qua dụ ngôn người Samari Chúa muốn nhắc chúng ta: Trước khi mình có thể trở thành người thân cận của anh chị em mình, mình phải nhìn thấy vết thương của mình. Và trong dụ ngôn này chúng ta thấy chỉ có người Samaria nhìn thấy vết thương của người nạn nhân bị cướp đánh đến dở sống dở chết bên vệ đường, vì có lẽ ông ta hiểu và cảm nhận được vết thương của ông ta khi bị người Do Thái loại trừ như thế nào, còn hai người kia thì không nhìn thấy được những tổn thương nơi họ.
“Hãy đi và làm như vậy”, đó là điều mà Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy thực thi bác ái của người Samaria. Tôi và Bạn đã làm gì với người thân cận của chúng ta trong đại dịch Covid này? Tôi và Bạn có là người thân cận cho những người đang bị tổn thương xung quanh chúng ta hay không?
Lạy Chúa, chúng con luôn cần đến Chúa từng phút giây. “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con” (Thánh Augustino). Biết Chúa là người đem lại Sự Sống Phục Sinh cho cho chúng con và biết con là người thân cận của Chúa, của chị em trong cộng đoàn và của những con người đau khổ xung quanh chúng con. Amen.
Sr. Emmanuel Vũ Hiên