Khánh nhật truyền giáo giữa đại dịch covid và nỗi lòng người đi

Từ 4 tháng nay, các cửa nhà thờ vùng này đều đóng kín, bước đường ra đi loan báo Tin Mừng xem ra cũng bị hạn chế, nhóm các anh em bạn đường mấy tháng rồi coi như chưa gặp mặt nhau, chỉ có những cuộc gặp gỡ lẻ tẻ, chủ yếu để phụ giúp các học sinh mùa tựu trường và nâng đỡ những trường hợp khó khăn. Hôm nay đây, ngày khánh nhật truyền giáo đã cận kề, những vùng trời khác nhau ùa về trong tâm trí anh em chúng tôi, những người muốn ra đi lên đường mà vẫn cứ dậm chân.

Thực ra, đường loan báo Tin Mừng, đường của Thánh Thần, vì thế chân không đi thì lòng vẫn có thể chắp cánh bay xa, để từng con đường với những khuôn mặt vẫn hiện rõ trong tâm trí, cùng với những niềm vui và đau khổ, hòa quyện với những hy vọng và lo lắng của chúng tôi. Thực sự với cuộc đời của người đi thì  tất cả là của  Chúa và luôn được bắt đầu từ Chúa,  một đấng Thiên Chúa nơi chốn cao xanh nhưng lại vẫn ôm trọn nhân thế, làm trào dâng trong chúng tôi khát vọng thẳm sâu.

Chính Thiên Chúa nối liền mọi nẻo đường, để bước chân của những người bạn đường của Chúa, dù có “xa mặt nhưng không cách lòng”. Bởi lẽ, nếu đường xá có xa ngàn dặm chăng nữa thì trong Thiên Chúa, chúng tôi vẫn có thể đồng hành, cùng nhau vui bước trên đường, kể cho nhau nghe về  hoa trái của tình yêu và ân sủng.

Thử bắt đầu từ chuyện kể của mấy chị em ban loan báo Tin Mùng giáo xứ Mỹ Lộc và Tiên Lục, mà lại là chuyện gặp gỡ ngòai chợ mới lạ đời chứ. Hôm đó hai chị em ra chợ thấy một bà lão dáng lam lũ, cả hai tới làm quen thì được biết cụ ở xóm Đầm, tối ngày mò cua đem bán. Cảm thương trước hoàn cảnh của cụ, một cánh cò lặn lội nuôi con, sau buổi chợ, chị em chúng tôi lấy xe máy chở cụ về tận nhà… và sau đó quen dần, chúng tôi mời cụ đến nhà thờ tham dự thánh lễ, để gặp được Chúa là suối nguồn an ủi và sức mạnh. Một thời gian sau, chúng tôi quen thêm người em là cụ bà nhà kế cận, sống một thân một mình, cũng chung nghề mò cua bắt ốc, và chúng tôi cũng mời cụ đến nhà thờ. Hai thân già, hai cảnh đời sống bên nhau nhưng xem ra chẳng đỡ đần nhau được bao nhiêu, vì bà chị mặc dù ở với vợ chồng cô con gái, nhưng cái nghề lưới cá của chàng rể cũng vất vả không kém,  thỉnh thoảng cùng bạn bè thêm chén rượu là mất mấy ngày công.

Thăm viếng và đưa đón hai cụ tới nhà thờ một thời gian khá dài mà vẫn chẳng tới đâu, đã vậy, ban đầu khi thấy chị em chúng tôi hay lui tới thăm các cụ thì gia đình họ hàng cũng muốn ngăn cản. Những lúc nản lòng quì lặng bên Chúa chỉ biết tha thiết nài van “Chúa ơi, việc của Chúa mà sao Chúa cứ như thể lặng thinh”, và dịp tết khi lên lãnh nhận lộc thánh, chúng tôi đã nhận được câu trả lời :”thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói”, chứ những vất vả vừa qua nào đáng gì đâu. Nhưng rồi chúng tôi biết Chúa cũng đã cảm thương cho những “thân gái chân yếu tay mềm” này, hơn nữa chuyện gì cũng cần thời gian, để khi tung lưới là không chỉ hai bà cụ, mà là cả họ hàng.

Cũng may đã sẵn lợi thế là cô con gái của cụ có thời gian đi lao động nước ngoài, biết chút ít về đạo, vì thế rất cởi mở và thân thiện, những ngày chúng tôi không đến đưa cụ đi lễ được thì cô con gái đưa đi. Gần đây, hai cụ sức yếu, chúng tôi tới thăm thường xuyên hơn, mặc dù trước áp lực của bà con họ hàng không muốn hai cụ đi theo bên công giáo, nhưng không sao, vì phần hai cụ đã quyết một lòng theo Chúa, hơn nữa, việc Chúa làm ai ngăn cản nổi.

Gặp ngay giai đoạn giãn cách xã hội, hai cụ không thể đi nhà thờ, mà nhà thờ cũng chẳng có lễ, chúng tôi đem điện thoại cùng với loa đến ngay nhà cho các cụ tham dự thánh lễ online, hôm thì tại nhà bà chị, hôm khác lại nhà cụ em. Đồng thời trong nhóm chị em bạn đường chúng tôi cũng chia nhau hàng tuần tới đọc kinh tại nhà hai cụ, và những nhà trong xóm,

Thế là Thiên Chúa của lòng thương xót đã chiếm trọn con tim không những của hai cụ, mà cả từng người trong gia đình. Biết mẹ và bà dì ao ước muốn được lãnh nhận bí tích rửa tội, các con đều vui mừng, chỉ còn ông cậu thì không ra mặt chống đối, nhưng chẳng mấy bằng lòng, mọi người nghĩ vậy, vì thế vẫn còn chút e ngại.

Đúng ngày mời cha xứ tới nhà ban bí tích rửa tội thì không biết trời xui đất khiến làm sao mà ông cậu lại qua chơi. Trong khi chờ đón cha xứ, cô con gái lúng túng, đề nghị với chị em chúng tôi là xin hoãn lại ngày khác. Nhưng chị em thì đã quen với đường nẻo Thiên Chúa, và còn thầm cám ơn Chúa vì đã dẫn đưa ông cậu tới nhà ngay trong ngày trọng đại của hai bà chị, vì thế xin gia đình cứ an tâm, ”hãy nếm thửa và hãy nhìn coi” để thấy thánh ý Chúa nhiệm màu, và việc Chúa làm vượt quá suy tính con người. Quả thật, khi cha xứ đến thì ông cậu vui vẻ đứng ra tiếp đón, đồng thời sốt sáng tham dự các nghi lễ tiếp nhận và ban bí tích rửa tội cho hai bà chị. Một buổi lễ làm mọi người ngỡ ngàng trước đường nẻo của tình yêu Thiên Chúa, là đấng cao sang nhưng lại thật gần, lúc nào cũng tìm dịp để có thể ôm ấp con cái trong vòng tay dịu hiền của Người.

Nhìn lại những đôi chân vui bước trên đường, gặp gỡ những khuôn mặt và những trái tim đang tìm về bên Chúa và Hội Thánh. Những bước chân của các cghị em đều đặn một tuần 3 buổi, chia nhau chiều thứ ba đến nhà ông bà cụ Chương, sáng thứ tư bên cầu Đầm, và chiều thứ sáu bên xóm Thượng, sáng chúa nhật thay nhau đi đón những người không đi được xe và những người đang tìm hiểu. Những con đường nhìn đâu cũng thấy bàn tay Chúa dẫn dắt thương yêu, đưa chúng tôi vượt qua mọi rào cản.

Trong lần làm quen và đưa một em bị đao ở cầu Đầm và một em không được khôn ở bên xóm Thượng đi lễ mới li kỳ làm sao. Đến nhà thờ các em đâu thể ngồi nghiêm trang như các thiếu nhi giáo xứ, mọi người thấy vậy cứ nhìn chúng tôi xì xầm kiểu như không bằng lòng. Quả là tiến thoái lương nan. Có những lúc kề cận bên Chúa, đôi chân như muốn tháo lui mà lòng vẫn mong bước tới. Chúa đã soi sáng cho chúng tôi nhớ lại  cảnh tông đồ Phêrô trên đường rời Rôma chạy trốn Nê-rô đang tàn sát các Kitô Hữu, gặp Chúa Giêsu vác thánh giá đang ngược đường, Phêrô lên tiếng hỏi “Thầy đi đâu vậy”, “Ta đi vào Rôma để cùng chết với dân ta”. Lúc này chị em chúng tôi mới sáng mắt ra khi hiểu rằng, người được sai đi loan báo Tin Mừng cũng phải biết chia sẻ và ôm ấp cảnh đời của những người mình được sai đến.

Ý Chúa đã rõ, Người muốn chị em chúng tôi tiếp tục đến với gia đình hai em, từ đây tìm đến với mấy nhà bên cạnh, đơn giản là thăm hỏi và kể chuyện Giêsu, đồng thời mời đến dự lễ ngày chủ nhật. Chúng tôi cũng trao cho các gia đình cuốn “đạo yêu thương” và “kể chuyện Kinh Thánh” để mọi người làm quen với hành trình Thiên Chúa dẫn đưa muôn dân. Những người không biết chữ thì chúng tôi đến chỉ cho họ nói với Chúa những gì lòng mình ao ước, đồng thời tập cho mọi người đọc kinh lạy Cha….

Mấy tháng sau, có dịp cha xứ đi thăm các gia đình bên xóm Thượng, chị em chúng tôi dẫn cha vào nhà một bà cụ đang đau nặng chỉ chờ ngày về với ông bà tổ tiên, cha xứ hỏi ý cụ và con dâu có muốn lãnh nhận “ơn Trời” không?, cụ gật đầu sẵn sàng, đương nhiên rồi, vì cuộc gặp gỡ hôm nay đâu phải chuyện tình cờ, mà chính Chúa đã sắp đặt và chính Người cũng đang nóng lòng chờ đợi. Vài ngày sau, cụ trút linh hồn trong tay Chúa. Cha xứ đã đến viếng xác, bà con xóm đạo bên chợ đầm tới cầu nguyện. Hôm sau trên đường đưa cụ ra nghĩa trang, có 3 bà đến xin chị em chúng tôi dẫn đến gặp cha xứ với mong ước được nhận vào gia đình Hội Thánh sớm nhất có thể.

Thế là trên bước đường của ân sủng, ngày 29 tháng 01 năm 2021, ba bà cụ bên cầu Đầm, cùng với 14 anh chị em bên Thượng đã dắt dìu nhau đến bên dòng suối thanh tẩy, lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, trở thành con cái trong đại gia đình Giáo Hội, chung lời kinh tạ ơn và chúc tụng, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hôm nay trong ngày khánh nhật truyền giáo, chúng tôi nhìn nhau ngỡ ngàng không nói lên lời,  ai cũng ngạc nhiên vì ngay trong cơn dịch bệnh, Thiên Chúa vẫn làm chủ dòng lịch sử, quyền năng Chúa vẫn thống trị tất cả, để giai điệu của bước đường người được sai đi loan báo Tin Mừng vẫn là tiếng reo vui từ chính cung lòng Thiên Chúa giầu lòng thương xót, mãi nặng tình với nhân thế yếu đuối và nhiều lỗi lầm.

Đa Minh Trần văn Tân, SJ.