Lễ Giáng sinh trong thời đại mới

Đã từ lâu, lễ Giáng sinh không còn chỉ là ngày lễ riêng tư của người Ki-tô giáo, nhưng lễ Giáng sinh đã trở thành thời gian chung của mọi người cho dẫu họ tin theo ai và ở tôn giáo nào. Không những thế, lễ Giáng sinh còn là cơ hội của nhiều hoạt động sống và nhiều thời cơ cho con người hôm nay hơn. Chính vì thế, trong bài này chúng ta cùng nhau nhìn về dịp lễ quan trọng này trong thời đại của chúng ta hôm nay.

Thoạt nhìn cứ đến đầu tháng mười hai Tây, thì dường như không khí mùa đông được nhộn nhịp hơn nhờ việc người ta chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh. Không chỉ người Ki-tô với việc vào mùa Vọng trong một tâm tình chờ Chúa đến, nhưng cả những hàng quán, những siêu thị và mọi cơ quan cũng trang trí và chờ Giáng sinh. Chỉ có điều, mỗi người và mỗi nơi thì tâm tình gói ghém bên trong lại khác nhau mà thôi.

* Giáng sinh trong mắt của doanh nhân: Chúng ta ai cũng thấy rõ, Giáng sinh là thời gian và cơ hội của thương mại. Mọi nhu cầu dường như thay đổi với những chiêu bài của cung cầu. Người ta bắt đầu những chiến dịch nhân ngày Giáng sinh: Chiến dịch giảm giá, đại hạ giá, chiến dịch mừng Giáng sinh, những mặt hàng đồ chơi cũng như các nhu yếu phẩm khác cũng mang màu sắc Giáng sinh hơn, gam màu trắng đỏ hòa quện với nhau trong những mặt hàng, cách trang trí. Nhiều siêu thị không ngại ngần đầu tư cho việc bày trí lại không gian của các gian hàng, có những gian hàng nhỏ được dọn đi để nhường chỗ cho chiếc xe nai, cho những mô hình lớn nhỏ. Trẻ em và các bạn trẻ thấy bắt mắt vì những cách trang trí mới lạ. Lạ bởi các bạn không lớn lên qua những ngày lễ từ thuở ấy thơ, mới vì cả năm nay giờ mới thấy những thứ như thế. Các bạn không ngần ngại đến một siêu thị hay nhà hàng nào để cảm nhận chút ít gọi là không khí cho ngày này, hay chỉ đơn giản là để chụp vào kiểu ảnh đang lên facebook, twoo, hay một trang mạng xã hội nào đó để lấy le với bạn bè và người thân, và đương nhiên khi đã đến rồi thì sẽ tiếp tục với nhu câu mua sắm. Đôi khi tuy không nhiều, nhưng ngay cả việc đoàn người ra vào tấp nập cũng làm nên một siêu thị hay cửa hàng đầy thương hiệu, chẳng khác gì một phương cách quảng cáo mà không cần mượn những diễn viên hay tài tử điện ảnh nổi tiếng với giá cắt cổ. Quả thực Chúa Hài Đồng cũng vô tình thành một nhà quảng cáo tài ba. Thế nhưng tiếc thay, các hang đá, máng cỏ, những tượng bé Giê-su hay gia đình Thánh gia, những chú chiên, chú bò chẳng được bày biện ở nơi đó cho dẫu để cho đẹp. Người ta quan tâm nhiều hơn đến những món quà dưới gốc cây thông, người ta cũng quan tâm nhiều hơn đến những cô gái Noel cũng trong bộ áo đỏ của ông già Noel xưa kia, nhưng thật buồn khi cách ăn mặc của các cô gái thì lại quá nghèo nàn về vải vóc mà lại thừa màu da. Chúng ta thử tưởng tượng cách ăn mặc như vậy ở trời đông tuyết rơi thì con người có thể chịu được hay không? Đúng là lễ Giáng sinh cũng bị tục hóa phần nào.

Giáng sinh cũng là thời gian tuyệt vời cho những bộ phim mới ra đời và những bộ phim cũ được xem lại. Phim về Giáng sinh tuy không nhiều nhưng đa phần đều hay, những nhà làm phim thật tuyệt vời khi làm nên những bộ phim cho thiếu nhi. Những bộ phim ý nghĩa không chỉ gói gọn trong mầu nhiệm Giáng sinh đơn thuần nhưng còn đi vào một lối sống cụ thể và giúp cho những đứa trẻ nhiều hơn, chúng không chỉ nhận ra một Giê-su thơ bé nơi đó, nhưng còn tìm thấy nơi đó một bài học để làm người và những tiếng cười sảng khoái. Thế nhưng cũng không ít những bộ phim đã vô tình làm mất đi hình ảnh ấy. Có thể nói môn nghệ thuật số sáu này đòi hỏi người ta phải có một trình độ nào đó để cảm nghiệm chăng?

* Giáng sinh – ngày lễ hội: Lễ Giáng sinh ngày hôm nay không chỉ gói gọn nơi những nhà thờ hoặc thôn làng Công giáo hay Ki-tô giáo, lễ Giáng sinh giờ đây là dành cho tất cả mọi người. Ở nhiều nơi, người ta tổ chức ngày lễ như một kì lễ hội tưng bừng. Nếu ở Tây Phương, Giáng sinh là thời điểm không thể bỏ qua để xum họp gia đình tựa như Tết Nguyên Đán của Việt Nam; thì ở nhiều vùng người Việt ưa lễ hội, Giáng sinh trở thành một lễ hội tưng bừng của đèn hoa và những nhạc bài thánh. Thời xa xưa, Ki-tô giáo muốn rửa tội cho ngày lễ thờ thần Mặt Trời của ngoại giáo vào ngày 25 tháng 12, và biến thành việc chúng ta mừng ngày Mặt Trời Công Chính giáng trần để cứu độ nhân loại. Ý nghĩa thần học ấy ngày hôm nay đang dần dà bị làm ngược lại. Nếu ‘các cụ’ xa xưa muốn rửa tội cho một ngày lễ ngoại giáo, thì nay con người đang muốn tục hóa một ngày lễ Ki-tô giáo. Bởi chưng, trong ngày lễ và dịp lễ, chúng ta thường quan tâm nhiều hơn đến việc bày biện, trang trí tại các thánh đường và thôn xóm, chúng ta cũng không quên làm những việc từ thiện rất nổ chuẩn bị cho dịp lễ, thế nhưng ít ai biết rằng mầu nhiệm Giáng sinh ấy cần được chúng ta sống và cảm nghiệm bên trong nhiều hơn là những thể hiện hời hợt bên ngoài. Phải chăng những nến đèn và những ánh hoa đăng làm cho con người lóa mắt, phải chăng những công việc tưởng chừng mang đầy ý nghĩa ấy lại muốn kìm lòng người ta lại ở những rung cảm bên ngoài vì được mọi người ca tụng sự tốt lành của chúng ta hay đạo thánh? Thật tiếc rằng mầu nhiệm nhập thể ấy không thể được chiêm ngắm trong sự hoành tráng và ồn ào mà lại được cảm biết nơi một thôn làng Be-lem vắng vẻ, nghèo nàn. Nếu chúng ta mãi kiếm tìm những điều theo ý mình thì không biết liệu chúng ta có thể tiếp cận được một mầu nhiệm của sự khiêm hạ. Một Thiên Chúa đã bỏ mọi sự, tự khiêm, tự hạ để trở thành một con người yếu đuối so với chính Ngài?

Trong dịp lễ hội ấy, người ta cũng gửi đến cho nhau những lời chúc tốt lành, những bó hoa, những cánh thiệp và những món quà. Nhưng các bạn và tôi, chúng ta có thực sự để ý đến ý nghĩa của việc tặng quà này chăng? Tất nhiên chúng ta nhận thấy những món quà ấy mang theo tâm tình và tình cảm của người gửi đến cho mình. Nhưng từ xa xưa, việc tặng quà ấy xuất phát từ việc em bé Santa Claus đem tiền từ gia đình của mình cho những đứa trẻ khác. Em bé làm việc ấy cùng một nô lệ nhưng em luôn coi là bạn của mình. Sau khi trưởng thành, em bé ấy đã trở thành vị Giám mục đáng kính, và vị giám mục ấy vẫn làm một công việc âm thầm khi đem những món quà của mình cho những đứa trẻ trong thành phố, nơi đường phố và nơi thôn quê trong dịp lễ Giáng sinh. Sau này, thói quen thánh thiện ấy được người ta nhân rộng hơn, hình ảnh ông già Noel không còn xa lạ với mỗi người chúng ta kể là người lương dân lẫn người giáo hữu. Thế nhưng ngày hôm nay, việc tặng quà dường như mang hình thức ngoại giao nhiều hơn, người ta vẫn trao đến cho nhau những món quà nhưng nhiều khi quên đi những đứa trẻ. Những đứa trẻ được biết đến vì bố mẹ chúng nhiều hơn là vì chính chúng. Phải chăng Đức Giê-su được biết đến là do sự thánh thiện của người mẹ Ma-ri-a hay vì vương quền của người cha Giu-se? Cả hai cùng không phải nhưng trẻ Giê-su được mừng kính vì chính Ngài là Thiên Chúa đã làm người nơi một bé thơ hồn nhiên nơi đồng vắng. Ai trong chúng ta sẽ đem những món quà của mình đến cho những đứa trẻ nghèo? Ai trong chúng ta sẽ đem tình thương của mình đến những con người vẫn thiếu nơi mình một mùa Giáng sinh êm ấm. Bạn và tôi, chúng ta cùng nhau nghĩ suy về những điều tưởng chừng như quen thuộc ấy và sẽ tìm đến việc bắt đầu nhé.

Những người trẻ trong thời đại chúng ta coi Giáng sinh như một dịp thuận tiện để có những chương trình và đặc biệt là kỉ niệm. Đã có không ít những bài thánh ca về mùa Giáng sinh và cũng có không ít những bản tình cả về thời điểm ấy. Các bạn muốn đến bên Chúa để chứng tỏ tình yêu của mình trong ngày ấy thì thật tuyệt vời. Thế nhưng chẳng may Chúa Giáng sinh lại không được chứng kiến những mối tình đẹp thực sự và chân thật. Bởi chưng nhiều người trẻ coi Giáng sinh như một dịp lễ hội thuần túy để thác loạn và vui chơi. Họ vui chơi quên đi cuộc sống để rồi sau mỗi cuộc chơi ấy thì hậu quả lại vô cùng lớn lao. Có những mối tình đánh dấu khởi đầu bằng mùa Giáng sinh nhưng cũng có những mối tình chia ly tại đó. Người ta biến ngày lễ thành một thời điểm để bắt đầu và kết thúc, hơn thế nữa, họ muốn biến ngày lễ thành một dịp để trao cho nhau những kỉ niệm để đời, những khát khao và thỏa mãn những ước muốn mà người khác không thể cho mình được. Chính vì thế, đáng lẽ chúng ta đến với Chúa Hài Đồng trong một tình yêu thất sự, thì chúng ta lại bắt Ngài phải làm chứng cho một tình yêu giả tạo đầy lọc lừa.

 * Giáng sinh trong lòng xã hội: Chắc hẳn người nghèo như chúng ta nói trên đây thường bị quên lãng trong mùa Giáng sinh, bởi chưng với họ, nỗi khát khao về cơm áo gạo tiền chắc cần thiết hơn những cảm nghiệm tưởng chừng như bên ngoài. Thế nhưng chúng ta không biết rằng, niềm vui Giáng sinh lại là một thực tại bên trong, niềm vui ấy phải được lớn lên và triển nở. Ai ai cũng có quyền được hưởng niềm vui ấy, bởi Thiên Chúa đã sinh ra cho tất cả chúng ta. Giáng sinh cần trở thành thời gian của chia sẻ, của đồng cảm nơi những con tim chân thành.

Giáng sinh nên là và phải là thời gian của gia đình. Trong những ngày này, các gia đình cần được họp mặt như hình ảnh của gia đình thánh. Cho dẫu trong cảnh nghèo nàn rách nát của túp lều hay sự thiếu thốn của một kiếp người đau khổ, thì Giáng sinh cũng vẫn là thời điểm thuận tiện để con người gần gụi với con người. Thời điểm mà mọi chia rẽ được hàn gắn, thời gian mà mọi người trong gia đình có thể hòa giải với nhau và quây quần bên mâm cơm gia đình. Có thể chỉ là lý thuyết khi tôi nói những lời này, thế nhưng thiết nghĩ các bài đọc Thánh Kinh trong suốt thời gian mùa vọng không phải là vô nghĩa khi đọc lại lời của Gio-an Tẩy Giả: hãy dọn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi, mọi lũng sâu hay san cho bằng, lối quanh co hãy uốn cho thẳng… Những gồ ghề của con đường là gì nếu không phải là những khúc mắc trong lòng của con người, những lũng sâu là gì nếu không phải là những cố chấp nơi tâm hồn con người đang mỗi ngày một chất chồng để rồi mãi không tìm được một hướng đi, một lối giải gỡ cho nhau. Nếu chúng ta tìm cách giải gỡ những mối tương quan xã hội thì tại sao chúng ta không bắt đầu bằng chính những tương quan trong gia đình. Bởi chưng, nếu những con người cùng chúng ta chia sẻ một giọt máu đào, chung nhau một huyết tộc lại chẳng cần đến nhau nhiều hơn hay sao? Chẳng lẽ vợ chồng, con cái và gia đình không phải là giá trị căn bản trong đời sống của con người chúng ta hay sao?

Giáng sinh là thời gian chúng ta tưởng nhớ và hiện tại hóa về một mầu nhiệm cao siêu khi Con Thiên Chúa làm người. Thế nhưng các bạn và tôi, chúng ta đã sống mầu nhiệm ấy như thế nào đây? Phải chẳng chúng ta cũng chuẩn bị trang hoàng cho Chúa những hang đá, những cây thông, những mô hình lớn nhỏ rực rỡ mà quên đi phần tâm hồn; phải chăng chúng ta cũng chải chuốt, điểm trang cho con người của mình một bộ cánh thật đẹp mà quên đi mặc cho linh hồn của mình một bộ áo mới.

Mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể được người Kitô hữu cử hành trong suốt hơn hai ngàn năm qua. Mỗi dịp giáng sinh qua đi, có nhiều người có được biến đổi trong tâm hồn nhưng cũng có những người không có chút cảm nghiệm gì về hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Quả thực, “Đức Giêsu sinh ra ở Belem sẽ làm được gì cho tôi, nếu Ngài không sinh ra trong tôi, không lớn lên trong tôi và không triển nở trong tôi” (văn hào Silesius). Cho dẫu tôi là người công giáo hay thuộc bất cứ hệ phái Kitô nào, nhưng Đức Kitô ấy không thực sự giáng sinh trong tôi thì liệu có ích chi, Kitô giáo khi đó chỉ trở thành một thứ nhãn mác của tôi trong xã hội. Việc Đức Giêsu giáng sinh trong tôi chính là việc tôi phải có được nơi mình kinh nghiệm về một Đức Kitô như một ngôi vị, phải có một cảm nghiệm về một Đức Kitô nhập thể và say mê Ngài.

Niềm tin vào Đức Kitô phải được sinh ra, lớn lên và triển nở trong chính con người tôi, để tôi có thể đem niềm tin ấy đến với người khác. Truyền giáo trong thế giới hôm nay là gì nếu không phải là thông truyền một đức tin vào Thiên Chúa cho người khác. Đức tin là ân ban của Thiên Chúa, nhưng đức tin cũng là một cuộc hành trình. Trong hành trình ấy, đức tin phải được sinh ra như hạt giống được ươm trồng trong mảnh đất mầu mỡ; đức tin được lớn lên để giúp chính con người được bền vững trong mối tương quan với Thiên Chúa; đức tin ấy cũng cần được triển nở cho thế giới để nhờ đó, Thiên Chúa được rao truyền và tình yêu vào Ngài được củng cố. Tin mừng Gioan cho ta biết về mầu nhiệm nhập thể: Đức Kitô giáng sinh không do người nam nhưng do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ước chi chính Thánh Thần của Thiên Chúa cư ngụ trong mỗi người chúng ta, ước chi sức sống mãnh liệt của Thiên Chúa luôn mãi thôi thúc chúng ta sống mầu nhiệm Giáng sinh ấy trong thời đại hôm nay.

Mục Đồng Nguyễn