Lược sử Giáo họ Làng Tranh

  1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Xóm Tranh, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Năm thành lập: Khoảng năm 1920.

Bổn mạng: Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12).

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Ban hành giáo, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ca đoàn, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, huynh đoàn giáo dân Đaminh.

Giáo dân: Hiện tại giáo họ này có khoảng 310 giáo dân (số liệu năm 2023), chiếm khoảng 80% dân cư trong xóm. Bà con giáo dân sống tập trung quanh nhà thờ xen lẫn với bà con lương dân. Nghề nghiệp chủ yếu vẫn là làm nông nghiệp, cộng thêm khó khăn về giao thương nên kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Nhà thờ: Nhà thờ hiện tại của giáo họ được xây dựng từ năm 2009, đến nay đã hoàn thiện. Ngôi nhà thờ bằng gạch ngói kiên cố không có tháp chuông này dài 22m, rộng 8m, cao 7m, làm nổi bật khuôn viên rộng 2500m2 của dân họ giữa những cánh rừng xanh mát và thơ mộng nơi đây.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Giáo họ Làng Tranh thuộc giáo xứ La Tú, nằm trên địa bàn hành chính xóm Tranh thuộc khu vực nông thôn miền núi xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Giáo họ cách nhà xứ La Tú khoảng 5km về phía Nam, phía Bắc cách thành phố Thái Nguyên chừng 30km và giáp với một số xã của huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

Quá khứ hình thành giáo họ Làng Tranh được bắt đầu từ những năm 1920. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, một số người Công Giáo từ Nhã Lộng kéo lên khu đồn điền nơi đây để khai hoang lấy ruộng đất trồng cấy kiếm kế sinh nhai. Các gia đình ông Luân, ông Ý Chư, ông Thọ, ông Cường, ông Việt là những người đầu tiên đến khai hoang. Khi được nhiều ruộng đất thì phải mượn những người ở khu vực xung quanh, nhiều người ở dưới Nhã Lộng cũng lên làm thuê.

Khoảng những năm 1935, số người định cư làm ăn gia tăng, nơi đây đã trở thành một làng gọi là Làng Tranh, hầu hết người dân có gốc từ giáo xứ Nhã Lộng. Vì thế, hàng năm vào mỗi dịp mùa Chay, có các cha ở quê hương tới và cho giáo dân lĩnh thụ các nhiệm tích, hiệp dâng Thánh lễ. Vì vậy, bà con giáo dân ngày càng sống đức tin mạnh mẽ hơn trong vùng đất mới. Sau cuộc đảo chính năm 1945, cuộc sống trở nên khó khăn, một số gia đình chuyển về Nhã Lộng sinh sống, chỉ còn một ít gia đình ở lại. Việc sinh hoạt đạo trở nên khó khăn, các cha cũng không còn thường xuyên đến thăm như trước nữa. Tình trạng này kéo dài cho tới năm 1954, sau khi cha xứ Giuse Phạm Ngọc Đốc bị bắt thì mọi sinh hoạt tôn giáo mang tính tập trung đều bị chấm dứt hoàn toàn. Mặc dù không có các cha coi sóc, xã hội lại có nhiều khó khăn, các cụ vẫn nhắc nhở con cháu tối sớm sum họp đọc kinh. Vì thế, giáo dân ở Làng Tranh vẫn duy trì được đức tin vững mạnh.

Năm 1976, số giáo dân ở Làng Tranh đã khá đông đúc, bà con đã thúc giục nhau đọc kinh chung. Cuối năm đó, bà con hô hào đóng góp công của và đã dựng được mấy gian nhà tre, tường đất, lợp rạ dùng để làm nhà nguyện chung. Thế nhưng, ngôi nhà vừa làm xong thì chính quyền tới bắt phá bỏ. Bà con giáo dân Làng Tranh lại quay về mượn nhà của ông trùm Đaminh Tư làm nhà cầu nguyện. Năm 1982, được sự động viên của Đức cha Giáo phận, giáo dân Làng Tranh đã họp lại và bầu được một ban hành giáo và thành lập giáo họ Làng Tranh thuộc giáo xứ Nhã Lộng. Ban hành giáo này không được chính quyền công nhận, nhưng vẫn âm thầm kín đáo làm việc, tổ chức động viên dân họ làm việc thờ phượng. Mọi sinh hoạt tôn giáo từ đó dần dần được đưa vào nền nếp, tinh thần đạo đức của giáo dân được nâng cao.

Năm 1986, được sự đồng ý của Đức cha, giáo họ Làng Tranh lại tổ chức họp và bầu được ban hành giáo mới, có sự chứng kiến của ban chánh trương hành phủ và sự chấp thuận của chính quyền. Từ đó, ban hành giáo được công khai điều hành giáo họ, tổ chức đọc kinh, nguyện ngắm. Năm 1994, khi cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh về Thái Nguyên làm quản hạt, Làng Tranh vẫn được các cha hằng năm đến dâng lễ và ban các bí tích cho giáo hữu vào dịp Mùa Chay. Khi giáo xứ Nhã Lộng có cha xứ, thì mỗi tháng dân họ được dự một Thánh lễ tại nhà dân. Giáo dân đã đông dần lên, bà con chỉ ước ao có một ngôi nhà thờ để cầu nguyện và tham dự Thánh lễ mỗi khi có cha về.

Năm 1996, một số gia đình như nhà ông Đaminh Ty, Đaminh Thăng, ông trùm Đaminh Cứ đã quảng đại hiến đất để làm nhà thờ, nhưng việc chuyển đổi không được chính quyền chấp thuận. Dân họ chỉ biết cầu xin và phó thác mọi sự theo thánh ý Chúa. Nhờ sự kiên trì cầu nguyện, năm 2009, cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều – chính xứ Nhã Lộng bấy giờ và dân họ quyết định bắt tay vào khởi công xây dựng nhà thờ. Năm 2010, khi giáo xứ La Tú được thiết lập, họ Làng Tranh trở thành giáo họ thuộc xứ mới La Tú. Cha xứ tiên khởi là cha Vinhsơn Mai Văn Mạnh đã thúc giục bà con đọc kinh chung cầu nguyện tại nhà thờ. Song song với việc củng cố đời sống đức tin cho bà con tín hữu, cha cũng lo sửa sang ngôi nhà thờ cho đẹp đẽ hơn như ngày nay.

  1. Đời sống đức tin

Giáo họ Làng Tranh ngày nay đã mang trong mình một sức sống mới. Hằng ngày, dân họ đến nhà thờ đọc kinh trưa, tối. Các ông bố bà mẹ đã vào hội Mân Côi và hội trưởng gia đình, hàng tháng họp nhau chia sẻ Lời Chúa và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Các em thiếu nhi mỗi Chúa Nhật được về nhà xứ học giáo lý và tham dự Thánh lễ. Khác với trước kia, cả tháng mới có một Thánh lễ, nay giáo họ được cha xứ xếp lịch đến dâng lễ hằng tuần.

Trải qua từng ấy những thăng trầm lịch sử, con cháu nơi dân họ ắt không thể quên ghi khắc công ơn tiền nhân đã dày công gìn giữ và lưu truyền gia bảo đức tin như ngày hôm nay. Ước mong thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước tiền nhân sống chứng tá Tin Mừng ngày càng mãnh mẽ hơn, để nhiều tâm hồn được biết và yêu mến Thiên Chúa.

BTT Giáo Phận