Lược sử Giáo họ nhà xứ Đại Lãm
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Đại Lãm, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang
Năm thành lập: Năm 1883.
Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi (07/10)
Giáo dân: Họ nhà xứ Đại Lãm có 1998 tín hữu sinh sống trong thôn Đại Lãm đa số người công giáo. Giáo dân chủ yếu làm nghề nông nghiệp, công nhân và xuất khẩu lao động. Đời sống kinh tế ở mức ổn định.
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Cộng đoàn Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, kim nhạc, ca đoàn, Caritas, hội Lòng Chúa thương xót, Thiếu nhi Thánh Thể, khôi bình, Cusilô, hội hoa tươi, Lêgiô, ban cây cảnh, ban truyền thông.
Nhà thờ: Nhà thờ Đại Lãm được khởi công 1947 theo kiến trúc Gô-tích. Sau nhiều lần tu bổ, lần gần nhất năm 2000, nhà thờ có kích thước: dài 39 mét, rộng 16 mét, cao 15 mét và một tháp chuông cao 37m với 3 quả chuông có trọng lượng 80kg, 120kg và 237kg. Khuôn viên của nhà thờ có tổng diện tích 18.600 m2.
Các giáo họ trực thuộc:Thanh Giã, Tân Lập, Phú Yên, Cầu Mơ
2. Lịch sử hình thành và phát triển.
Những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX một số tín hữu từ: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên vì trốn bách hại đạo nên đã đến cư trú ở làng Quản và làng Mòi. Vì là dân ngụ cư, những người dân này phải ở ngoài làng, nên hay bị giặc cướp phá (tàn dư của giặc khăn vàng). Do vậy, những tín hữu này đã dạt về lập trại sát với làng Đông Thịnh và làng Vàng ở phía tây làng Thanh Giã ngày nay, gọi là trại Bâm. Đến năm 1862 khi triều đình ký với Pháp hiệp ước Nhâm Tuất, thì người dân được tự do tôn giáo. Thời điểm này, trại Bâm xây dựng được ngôi nhà nguyện bằng phên tre, mái lá làm nơi thờ phượng. Dần dần, có những gia đình khác từ Sen Hồ, Phượng Mao, Xuân Hòa lên đây cư trú, số tín hữu lúc này có khoảng 180 người.
Năm 1883 khi Đức Cha Lễ quyết thành lập xứ Đại Lãm, đây là 1 trong 11 giáo xứ đầu tiên của giáo phận. Năm 1905, Đại Lãm đã xây dựng được ngôi nhà thờ đầu tiên, hiện vẫn còn tấm ảnh cây tháp và có tượng Đức Mẹ ở giữa tháp. Khoảng những năm 1920, khi Đức Cha Khâm coi sóc Giáo phận, cha Nguyên làm cha xứ, đây là giai đoạn Đại Lãm phát triển mạnh mẽ về đời sống đức tin và sinh hoạt hội đoàn. Bên cạnh đó, các cơ sở vật chất cũng được phát triển như: khuôn viên nhà thờ, xây dựng trường học (trường Lê Bảo Tịnh năm 1927), nhà thương (1927), nhà chung (1928). Ngoài ra, Đại Lãm còn thực hiện nhiều chương trình bác ái khác như: nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi, cứu đói và người giúp việc an táng người quá cố. Đến năm 1947, cha xứ Thuần khởi công xây dựng ngôi nhà thờ hiện tại, nhưng chỉ xây được gian cung thánh và hai gian thì phải dừng vì gặp loạn lạc. Năm 1953, cha Đaminh Lãng lại tiếp tục xây dựng nhà thờ thêm một gian, một trái và hai gian móng nhưng phải dừng lại vì biến cố năm 1954.
Năm 1954, cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Lãng cùng với hầu hết giáo dân của ba giáo họ (Đại Lãm, Thanh Giã và Phú Yên) di cư vào miền nam lập giáo xứ là Bắc Thần, Giáo phận Xuân Lộc. Đại Lãm chỉ còn lại 43 hộ gia đình với 205 nhân danh. Những tín hữu ở lại gặp rất nhiều khó khăn về đời sống đức tin, cũng như vật chất. Tình hình Đại Lãm lúc này vô cùng bi đát: Nhà chung trở nên hoang tàn, nhà thờ ít người lui tới, các gia đình chia ly mỗi người một nơi. Một thời gian dài cuộc sống vẫn chưa ổn định, tiếp tục có người di cư. Cơ sở vật chất của giáo họ bị nhà nước trưng dụng, hay cắt chia cho người dân. Trong thời gian này, cụ Vệ Nghiêm có lòng đạo đức và can đảm dám đứng ra trông nom nhà thờ. Sau này, cụ Nghiêm trở thành cụ trùm đầu tiên của giáo họ thời hậu di cư. Trong giai đoạn từ năm 1954 – 1975, Đại Lãm gìn giữ đức tin qua việc đọc kinh sớm tối, nguyện ngắm, dâng hoa. Mọi người muốn tham dự Thánh Lễ và lãnh Bí tích thì phải về Toà Giám mục.
Vào ngày 22/5/1975 Đức cha (cha chính) Đaminh Đinh Huy Quảng bị đưa về quản thúc tại nhà xứ Đại Lãm, đây quả thật là sự sắp đặt nhiệm mầu của Thiên Chúa với Đại Lãm. Sau 21 năm vắng mục tử hiện diện, nay Đại Lãm lại có chủ chăn cách đặc biệt. Từ ngày Đức cha Đaminh bị quản thúc tại Đại Lãm, niềm vui nhà chung đã trở lại, ngày ngày tiếng chuông, lời kinh lại vang lên. Hơn nữa, hằng ngày nhà thờ đều có Thánh Lễ. Năm 1991, Đức cha Đaminh được Chúa gọi về, sau đó Đại Lãm được coi sóc bởi các cha Giuse Nguyễn Huy Tảo, cha Giuse Trần Bá Hạnh, cha Giuse Nguyễn Hoàng Ân, Cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều, cha Giuse Trần Đức Huyên, và cha chính xứ đương nhiệm hiện nay là cha Giuse Mai Viết Dương.
3. Đời sống đức tin.
Hiện nay, họ nhà xứ Đại Lãm có Thánh lễ vào 4h45 sáng thứ Hai và Chúa Nhật, 19h15 các ngày thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Thánh lễ thiếu nhi vào 9h00 Chúa Nhật. Đồng thời, các em thiếu nhi học giáo lý vào sáng Chúa Nhật. Các hội đoàn trong giáo họ phát triển, sinh hoạt đầy đủ và chầu Thánh Thể hàng tháng. Hằng ngày, có giờ kinh chung tại nhà thờ vào các buổi sáng-trưa-tối. Đại Lãm là quê hương của Đức cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, và nhiều cha, quý sơ đang phục vụ trong Giáo phận. Với tinh thần hăng say nhiệt huyết, lòng đạo đức tận tuỵ, Đại Lãm được nhắc tới như một trong những cái nôi đức tin của giáo phận.
BTT Giáo Phận