Lược sử Giáo họ Thanh Giã

1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Thôn Thanh Giã, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang

Năm thành lập: Khoảng năm 1774

Bổn mạng: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01).

Giáo dân: Giáo họ Thanh Giã có 2822 tín hữu, chiếm phần lớn dân số thôn Thanh Giã. Người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, kinh doanh, cách riêng có số lượng lớn xuất khẩu lao động, nên đời sống kinh tế tương đối ổn định.

Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân côi, hội Lòng Chúa thương xót, gia đình Khôi bình, Lêgiô, hội con Đức Mẹ, Thiếu nhi Thánh Thể, Cusilô, kim nhạc, 02 ca đoàn, hội hoa tươi.

Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện tại của giáo họ được xây dựng vào năm 1845, sau thời gian dài xây dựng và tu bổ, lần trùng tu gần nhất năm 1939. Nhà thờ có kích thước: rộng 18,5m, dài 50m, cao 13,5m, hai tháp chuông cao 31,5m. Hai tháp chuông có treo 3 quả chuông được đúc tại Pháp theo 3 nốt nhạc đồ, rê, sol, với trọng lượng tương ứng: 400kg, 300kg và 200kg. Tổng diện tích khuôn viên là 11500m2.

2. Lịch sử hình thành và phát triển.

Theo tương truyền, giáo họ Thanh Giã đón nhận Tin Mừng vào khoảng năm 1774. Lúc đó có những người từ vùng Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa vì trốn bách hại đạo nên đã chạy lên vùng thâm sơn cùng cốc này. Sau đó, có thêm một số người từ vùng Xuân Hòa, Sen Hồ, Phượng Mao lên đây định cư và thành lập họ đạo. Hiện nay, giáo họ còn lưu lại được mốt số chứng tích cho truyền thống lâu đời của mình: Cổng nhà thờ xây năm 1920, đền Đức Mẹ xây năm 1942 và niên hiệu sửa nhà thờ lần I năm 1938. Đặc biệt, giáo họ còn lưu giữ được cuốn sổ thu chi dân họ những năm 1870-1886. Nơi vườn thánh dân họ, có mộ cụ Giuse Nguyễn Văn Bật (1758-1828). Như vậy, Thanh Giã là một trong những nơi đón nhận Tin Mừng sớm trong giáo phận miền quan họ, cách riêng giáo xứ Đại Lãm.

Khoảng năm 1774, những giáo dân ban đầu đã dựng lên ngôi nhà thờ tạm bằng mái tranh, vách đất tại phía đông làng Thanh Giã ngày nay (tên gọi khác là nhà thờ Bờ Lụt). Năm 1844, ngôi nhà thờ thứ 02 được dựng lên kiên cố tại địa điểm nhà thờ hiện nay. Năm 1939, do ảnh hưởng mưa bão, nhà thờ bị sập một gian, nên cha xứ đương thời là cha Phêrô Phạm Duy Niên đã cho tu bổ, mở rộng nhà thờ. Năm 1952, với lòng hảo tâm công đức của các ân nhân trong giáo họ, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn đã đem 7 quả chuông từ Pháp về, 7 quả chuông kêu theo 7 nốt nhạc, nhưng do tháp chuông không chịu nổi sự rung lắc của 7 quả chuông, vì vậy dân họ đã đem công đức cho các xứ họ lân cận, chỉ để lại 3 quả chuông. Hiện nay 3 quả chuông đó vẫn được sử dụng. Năm 1990, giáo họ trùng tu nhà thờ lần II với hiện trạng cho đến ngày nay.

Tại khuôn viên nhà thờ, có mộ cụ Đaminh Nguyễn Đức Cường. Theo truyền khẩu, cụ Đaminh là người con quê hương Thanh Giã, là người văn võ song toàn làm quan tới chức thương tá dưới thời nhà Nguyễn. Cụ có công lớn trong việc bảo vệ và phát triển đạo một cách mạnh mẽ. Vậy nên, phần mộ của cụ được an táng trong khuôn viên nhà thờ. Trong lòng nhà thờ Thanh Giã còn có phần mộ vị đầu mục Gioan Vũ Đình Khanh (Gioan Bích) tử đạo tại cổng thành Bắc Ninh ngày 04/04/1862, năm đó cụ 47 tuổi. Đến trước năm 1954, Thanh Giã là một giáo họ hơn với hơn 2000 nhân danh.

Sau biến cố 1954, Thanh Giã di cư khoảng 70% tín hữu (khoảng 2000), chỉ còn lại hơn 300 giáo dân. Số dân di cư sống tập trung tại giáo xứ Bắc Thần, Giáo phận Xuân Lộc. Những người ở lại giáo họ gặp muôn vàn khó khăn về đức tin cũng như đời sống xã hội. Các tín hữu không được tự do đến nhà thờ vì bị theo dõi, các tài sản nhà thờ bị tịch thu. Tuy gặp muôn vàn khó khăn nhưng người ở lại vẫn một lòng tín thác nơi Chúa, họ tranh thủ thời gian để có thể đến nhà Chúa đọc kinh, cầu nguyện. Năm 1975, Đức cha (cha chính) Đaminh Đinh Huy Quảng bị quản thúc tại Đại Lãm, chính sự hiện diện của cha đã làm ấm lại ngọn lửa đức tin của dân họ. Kể từ đó cho tời nay, Thanh Giã luôn có được sự hướng dẫn của các cha xứ nên đời sống đức tin ngày càng phát triển.

Năm 2025 không những là dịp mừng 250 năm giáo họ Thanh Giã đón nhận tin mừng mà còn là dịp để mỗi con dân trong giáo họ hướng về Thiên Chúa, hướng về cội nguồn, và cùng với Mẹ Maria quan thầy tấu lên khúc nhạc tri ân, cảm tạ Chúa. Ước mong, cộng đoàn giáo họ tiếp tục lưu giữ, phát triển truyền thống đức tin, tiếp tục trở nên chứng nhân của tình yêu Chúa và trở nên những  tông đồ nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho mọi người.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, Thanh Giã có Thánh lễ vào 4h45 sáng thứ Hai và 19h15 tối thứ Tư, Năm, Sáu và Chúa Nhật. Sáng Chúa Nhật có Thánh lễ thiếu nhi lúc 9h00. Hằng ngày, nhà thờ đọc kinh các buổi sáng-trưa-tối. Thiếu nhi học giáo lý vào sáng Chúa Nhật hằng tuần. Tất cả các hội đoàn trên hoạt động rất tích cực, có tinh thần đoàn kết và luôn cộng tác với ban hành giáo trong công việc để đưa giáo họ ngày một đi lên. Nơi đây, công cuộc truyền giáo, bác ái phát triển tương đối mạnh dưới sự hướng dẫn của cha xứ và ban truyền giáo của giáo phận.

BTT Giáo Phận