Lược sử Giáo họ nhà xứ Tiên Nha
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Già Khê, xã Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Năm thành lập:1657.
Bổn mạng:Thánh Giacôbê (03/5).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Ban hành giáo, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ca đoàn, hội Caritas, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, đoàn trống, đoàn kim nhạc.
Giáo dân: Giáo họ hiện có 62 hộ gia đình với 242 nhân danh (số liệu năm 2023) sống xen kẽ giữa những người lương dân. Nghề nghiệp của người dân nơi đây chủ yếu là làm nông nghiệp và kinh doanh nhỏ nên đời sống ổn định.
Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1915 mới hoàn thiện. Ngôi nhà thờ có chiều dài 30m, rộng 12m, mái cao 10m, tháp chuông cao 22m và có 4 quả chuông nặng 25kg – 200kg – 25kg – 300kg. Diện tích khuôn viên nhà chung khoảng 6000m2.
Các giáo họ trực thuộc: Đồi Ngô, Lục Nam, Nghè, Trại Mạ, Trường Khanh, Già Khê Núi, giáo điểm Hà Mỹ, giáo điểm Vĩnh Tân
- Lịch sử hình thành và phát triển
Họ nhà xứ Tiên Nha nằm trên địa bàn của thôn Già Khê, xã Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, cách Tòa Giám mục Bắc Ninh khoảng 46km về phía Đông Bắc.
Trong lược sử Giáo phận Bắc Ninh ghi lại, năm 1657, xứ Kẻ Bắc tức Giáo phận Bắc Ninh sau này đã có 25 nhà thờ. Đó là những nơi nào thì chưa rõ, nhưng thời vua Tự Đức bách hại đạo (1858-1862), các nơi có người bị giết vì Đạo (khi đó chưa thành xứ) thì đã kể đến xã Tiên Nha, thuộc huyện Phượng Nhỡn, tỉnh Bắc Ninh có ông Trần Văn Giáp tức Phêrô Cần, quân nhân, đã bị chết vì đạo tại cổng thành Bắc Ninh. Vì thế có thể nói: Tiên Nha là một trong số các nơi có nhà thờ khá sớm.
Nơi đây bên bờ sông Lục Nam, một khúc sông ngoằn ngoèo uốn khúc tạo nên một cái khe và một bến bãi, thuận tiện cho các ngư dân đậu bến dừng chân nghỉ ngơi sau những ngày chài lưới nhọc nhằn, đã được mang một cái tên rất kỳ dị “GIÀ KHÊ” (Khê là khe suối – eo biển, là bãi bến; Già là cũ kỹ lâu đời, là chài lưới). Các nhà truyền giáo từ dưới xuôi lên cũng dừng chân tại nơi đây để tiến sâu vào trong Bảo Lộc – Tam Dị. Sau này các ngư dân từ họ Nguyệt Đức ngược lên sông Lục và tụ họp ở đó đọc kinh, gọi là Bến Nhật Đức, nay vẫn còn nền móng nhà thờ Thánh Phêrô.
Từ ngôi nhà tranh tre nứa lá đến ngôi nhà gỗ đơn sơ bên bờ sông Lục Nam, qua năm tháng đã bị xiêu vẹo, dột nát bởi những trận mưa bão, lụt lội. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có cha Khang (cha phó của cha già Oanh xứ Đại Lãm 1908 – 1918) thường xuyên về đây dâng lễ. Ngài đã hô hào giáo dân đào ao, nung gạch ngói, vào rừng đẵn gỗ về dựng ngôi nhà thờ mới to hơn. Ngôi nhà thờ hiện còn cho tới ngày nay được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1915 mới hoàn thiện. Lúc đó, Tiên Nha chỉ là một bến sông, kẻ đi người ở không cố định, nên ngôi nhà thờ mới với ngọn tháp cao 27m đã như một ngọn Hải đăng để cho những ngư dân tại sông Lục Nam biết lối đi về và những người có đạo ở vùng xung quanh đến đọc kinh cầu nguyện. Dần dần người dân đến định cư đông đúc, Toà Giám mục đã cho thành lập giáo xứ vào năm 1927 dưới thời Đức cha Teodoro Gordaliza Phúc. Cha Đaminh Trần Đình Đóa được đặt làm cha xứ tiên khởi của giáo xứ Tiên Nha.
Theo thống kê năm 1937-1938 của Giáo phận Bắc Ninh, giáo xứ Tiên Nha đã có tới 1015 tín hữu. Cha xứ Đaminh Trần Đình Đóa hết tình với bà con tín hữu trong 23 năm quản nhiệm giáo xứ. Nhưng năm 1950, ngài đã qua đời và an nghỉ tại khuôn viên thánh đường Tiên Nha. Lúc ấy, trong nhà chung chỉ còn lại thầy già Huynh trông nom. Đến đầu năm 1953 thì Thầy cũng mất và được an táng tại vườn thánh giáo xứ Tiên Nha. Từ đó, chỉ có các cha đi lại dâng Thánh lễ như Cha Chúc, Cha Thuần và Cha Châu v.v… Giáo dân đi tham dự Thánh lễ đều đặn, nhà thờ vẫn sầm uất cho đến năm 1954.
Với biến cố năm 1954, hầu hết dân Công Giáo ở thôn Già Khê di cư vào Nam, chỉ còn lại 3 gia đình nhưng phải tản cư đi nơi khác, mấy tháng sau mới quay trở về, để lại ngôi nhà thờ hoang vắng không người đọc kinh. Nhà chung, nhà trường đổ nát được chia cho các hộ dân mới đến làm đất ở, nhà thờ được xung vào làm kho lương thực và dược liệu của quân đội từ năm 1956. Đến năm 1976, các cơ sở này được trả lại cho giáo xứ.
Đến năm 1995, nhờ các ân nhân quê hương từ trong Nam cũng như ở Hải ngoại trở về, như bà Cố Tự và cha Thành, bà Năm ở miền Nam, bà Bẩy ở Mỹ giúp đỡ, cha Giuse Nguyễn Huy Tảo (Đại Lãm) đã cho tu sửa lại toàn bộ để bảo tồn ngôi nhà thờ cổ. Đến năm 2004, ngài làm lại bàn thờ và cho sơn son thếp vàng như được thấy ngày nay. Nhờ đó, ngôi nhà thờ Tiên Nha vẫn giữ được dáng dấp thuở ban đầu.
Trải qua bao thăng trầm biến đổi của xã hội, đời sống đức tin của cộng đoàn giáo xứ Tiên Nha không lụi tàn mà càng ngày càng thăng tiến. Sau biến cố 1954, đời sống đức tin nơi đây gặp biết bao khó khăn do bối cảnh xã hội cũng như thiếu vắng mục tử. Nhờ sự quan tâm nâng đỡ của đức cha cố Đaminh Nguyễn Huy Quảng, rồi tới thời cha Giuse Nguyễn Bá Hạnh, cha Giuse Nguyễn Huy Tảo kiêm nhiệm, đời sống đạo của cộng đoàn được duy trì và dần phát triển. Dấu mốc đánh dấu sự đổi thay nơi Tiên Nha phải kể tới năm 2008, khi cha Giuse Trần Văn Chỉnh (phụ tá của cha Giuse Nguyễn Bá Hạnh – giáo xứ Đại Lãm) tới ở biệt lập nơi đây. Cha đã đồng hành và chăm lo để đời sống đức tin của cộng đoàn ngày càng lớn mạnh. Tiếp sau cha Giuse Chỉnh là cha phụ tá cha Giuse Hoàng Anh Tuấn.
Tới năm 2012, giáo xứ Tiên Nha vui mừng đón cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều đến với cộng đoàn sau 52 năm thiếu vắng sự hiện diện của các linh mục chính xứ. Kể từ đây, giáo xứ như được thay da đổi thịt. Các hội đoàn được kiện toàn và thành lập nhiều hơn. Đến năm 2015, cộng đoàn giáo xứ hân hoan mừng Năm Thánh – Năm Toàn Xá của giáo xứ nhân kỷ niệm một trăm năm ngôi nhà thờ Tiên Nha được xây dựng. Thật là một hồng phúc ngàn trùng cho giáo xứ, cách riêng là cho giáo họ Tiên Nha. Tất cả những điều đó là những hoa trái đang trổ sinh từ những hạt giống đã được gieo trồng bởi các bậc tiền nhân.
Tháng 6/2016, cha phụ tá Giuse Nguyễn Văn Tuân được bổ nhiệm làm cha xứ của giáo xứ Tiên nha thay cho cha Đaminh Thiều. Nhờ sự quan tâm và chăm sóc tận tình của cha mà giáo xứ đã lớn lên từng ngày. Hồng ân nối tiếp hồng ân, tháng 6/2022, cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Anh được bổ nhiệm làm cha xứ của giáo xứ Tiên Nha. Với sự trẻ trung, năng động và đầy nhiệt huyết của mình, cha xứ mới Đaminh hứa hẹn sẽ góp phần làm cho giáo xứ ngày một phát triển hơn.
- Đời sống đức tin
Hiện tại, họ nhà xứ đã có các hội đoàn được thành lập và tham gia sinh hoạt khá đều đặn. Hội Mân Côi được thành lập rất sớm từ năm 1994 và số thành viên đã tăng từ 22 lên 64 người. Hội trưởng gia đình được thành lập năm 2005 và tới nay đã có 45 thành viên. Ca đoàn, hội trống cùng thành lập từ 2004 và vẫn góp phần tích cực vào sinh hoạt chung của giáo họ. Các anh chị huynh trưởng, giáo lý viên cùng với các em thiếu nhi Thánh Thể vẫn nhiệt thành trong việc dạy và học giáo lý. Hàng tuần các em thiếu nhi trong toàn xứ quy tụ về họ nhà xứ để tham dự Thánh lễ và học hỏi giáo lý. Hội đoàn thành lập mới đây nhất là hội trống với 20 thành viên vào năm 2015. Có thể thấy rằng, với 242 nhân danh sống rải rác trong các khu vực của xã Tiên Hưng, Tiên Nha thì việc thành lập và duy trì các hội đoàn là một nỗ lực rất lớn. Đời sống đức tin ngày một triển nở với việc có Thánh lễ vào các ngày thứ Tư, thứ Sáu và ngày Chúa Nhật. Ngoài ra, cộng đoàn giáo xứ cùng với cha xứ đã xây dựng được nhà chung thật khang trang, rộng rãi. Nhờ đó, đức tin của thế hệ trẻ luôn được duy trì và củng cố. Ước mong sao giáo xứ Tiên Nha luôn trung thành giữ đạo và sống đạo, để “tình thương và sự sống” luôn hiện diện trên mảnh đất truyền giáo của Giáo phận Bắc Ninh.
BTT Giáo Phận
Tin liên quan