Lược sử Giáo họ nhà xứ Đình Tổ

  1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Đình Tổ, Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên.

Năm thành lập: 1926.

Bổn mạng: Thánh Phanxicô Xaviê (3/12).

Giáo dân: 326 nhân danh, chiếm khoảng 4,45% dân số địa bàn xã năm 2019. Đa phần bà con giáo dân làm nông nghiệp, hơn 90% là người Công Giáo trong giáo xứ.

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Cộng đoàn Hiệp hội Đức Maria – Mẹ Sự Sống, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.

Nhà thờ: Nhà thờ Đình Tổ nằm trên thửa đất nhỏ, với địa hình hiện nay thuộc đồng bằng châu thổ Sông Hồng, có diện tích khoảng 1 sào Bắc Bộ với chiều dài 20m, rộng 5,5m, mái cao 8m, chưa có tháp chuông. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1930 tới năm 1935 thì hoàn thành. Năm 1997, nhà thờ được trùng tu và có diện mạo như hiện nay.

Các giáo họ trực thuộc: Hướng Đạo

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Theo tài liệu để tại trong xứ sở tại ghi nhận: Đình Tổ (mang nghĩa “hoài hương” – nhớ quê cũ) trước kia còn gọi là “làng Tó” thuộc phủ Thuận Thiên, Bắc Ninh. Khoảng đầu thế kỷ trước, một số người đến Đình Tổ nhập cư và dựng được vài ngôi nhà thờ tổ khang trang. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, Đình Tổ có con đường từ Phố Hiến, Kẻ Sặt, qua Tử Nê đến Côn Sơn, gần Chợ Nôm và làng Lộng Thượng vốn nổi tiếng với nghề đúc đồng.

Những năm đầu của thế kỷ XX, nhờ sự phát triển của hệ thống giao thông đường bộ, việc đi lại của bà con làng Đình Tổ gặp nhiều thuận lợi. Song song với sự phát triển này, ánh sáng đức tin đã sớm đến với ngôi làng. Từ đây, một giáo điểm dần hình thành nhờ sự dẫn dắt của các nhà truyền giáo. Bấy giờ, có ba ông tổ đầu tiên của giáo điểm đón nhận đức tin là: Cụ Bá Ân (tên con) họ Dương; Cụ Da (tên con) họ Nguyễn; Cụ phúc (tên con) họ Trần.

Trong giai đoạn sơ khai, giáo điểm Đình Tổ có một nhà nguyện nhỏ. Nhà nguyện này mang kiến trúc thô sơ, có các cột tre và phần mái lợp bằng rạ. Chính ngôi nhà bé nhỏ này đã là nơi các bổn đạo của Đình Tổ học hỏi giáo lý do các nữ tu dòng Đaminh hướng dẫn. Đôi khi giáo điểm có các cha về thăm và dâng lễ. Mến mộ trước đời sống đạo đức của các giáo hữu Đình Tổ, nhiều người dân ở 19 làng lân cận đã xin gia nhập đạo trong giai đoạn này. Tiêu biểu trong số đó là: Hướng Đạo, Đề Trụ, Lạc Quang, Xuân Điều, Hành Lạc,…

Năm 1925, tuy lượng giáo dân của Đình Tổ không nhiều, cơ sở vật chất lại thiếu thốn, song Đình Tổ được Đức cha Teodoro Phúc (vị chủ chăn giáo phận bấy giờ) nâng lên hàng giáo xứ. Ít lâu sau, cha già Đaminh Nguyễn Văn Khoan về Đình Tổ làm cha xứ tiên khởi. Khi cha về, nhà xứ vẻn vẹn có một ngôi nhà mái rạ và một ngôi nhà thờ tổ do các cụ cao niên trong làng dâng tặng.

Trong ba năm phụ trách chính xứ Đình Tổ (1926 – 1929), cha Đaminh đã quy hoạch lại khu đất nhà xứ để xây dựng ngôi thánh đường mới. Ân nhân tiêu biểu trong giai đoạn này là cụ Lang và cụ Mận đã hiến đất cho giáo xứ. Năm 1933, các giáo hữu tiến hành xây dựng nhà thờ. Bốn năm sau (1937), các hạng mục xây dựng kể như hoàn tất. Trong vòng tám năm tiếp theo (tức đến năm 1945), ngôi thánh đường Đình Tổ được hoàn thiện hơn. Công trình này có tổng chiều dài khoảng 30m, chiều rộng 11m, tường cao 9m, tháp cao 24 m. Năm 1945, cha Đaminh dời nhiệm sở đến giáo xứ Yên Mỹ. Một thời gian sau, có cha Quang từ Đồng Chương về tiếp tục sứ vụ trên miền đất Đình Tổ. Giai đoạn từ năm 1945 – 1947, cha Quang và cha Đaminh Nguyễn Thượng Hiền về Đình Tổ chăm lo đời sống đức tin cho bà con giáo dân. Tiếp đó là cha Trang năm 1947 – 1956.

Năm 1950 – 1956, giữa lúc chiến tranh và biến cố di cư xảy ra, cha già Nguyễn Văn Châu về xứ Đình Tổ. Ngài đồng hành với bà con giáo dân, nhắn nhủ họ chuyên cần cầu nguyện và phó thác nơi Chúa, không được ngã lòng. Giai đoạn khó khăn ập đến Đình Tổ những năm 1883 – 1955. Đó là quãng thời gian u ám khi Đình Tổ rơi vào suy thoái. Năm 1956, cha Châu được Đức Cha Phêrô Khuất Văn Tạo bấy giờ thuyên chuyển đến vùng Vĩnh Yên. Vì không có cha xứ trực tiếp đồng hành, giáo dân Đình Tổ ly tán đôi miền, đời sống đức tin vì thế cũng rời rạc, trầm lặng. Ở lại Đình Tổ bấy giờ chỉ còn lại số giáo dân ít ỏi. Để giữ lửa đức tin cho giáo xứ, có hai bà phước (cụ Nhân và cụ Cậy) dòng Đaminh cùng các giáo hữu Đình Tổ kiên trì cầu nguyện trong ngôi thánh đường.

Theo thời gian, cơ sở vật chất nhà thờ Đình Tổ thiếu người coi sóc nên xuống cấp dần, tài sản nhà xứ cũng nhanh chóng mai một. Năm 1956 – 1974, Đình Tổ lại có cha già Đaminh Nguyễn Văn Quyền từ Tử Nê và cha Đaminh Đinh Huy Quảng về phụ trách. Một thời gian sau, khi đất nước thống nhất, cha Giuse Trần Đăng Can về Đình Tổ hướng dẫn ban hành giáo nơi đây trùng tu ngôi nhà thờ. Đợt trùng tu này kéo dài suốt 11 năm (1990 – 2001), cố gắng giữ lại dáng vẻ kiến trúc ban đầu.

Từ đây, đời sống đạo đức của các giáo hữu Đình Tổ ngày một thăng tiến, số nhân danh cũng tăng thêm không ngừng. Hiện nay, xứ Đình Tổ có ban hành giáo hoàn chỉnh, luôn hăng say và sẵn sàng phục vụ dân họ.

  1. Đời sống đức tin

Trước năm 1954, Đình Tổ có hơn 300 nhân danh. Sau biến cố di cư, chỉ còn 12 gia đình ở lại giáo xứ. Từ năm 1975, rất nhiều gia đình gốc Đình Tổ sinh sống tại miền Nam di tản sang Mỹ để lập nghiệp.

Hiện nay, xứ Đình Tổ thiết lập được các hội đoàn đang hoạt động nhiệt thành như: hội Trưởng gia đình, Mân Côi, huynh đoàn giáo dân Đaminh, huynh trưởng, giáo lý viên. Ngoài ra, Đình Tổ cũng là nơi cộng đoàn Đức Maria – Mẹ Sự Sống đặt cơ sở. Ở giáo xứ Đình Tổ hiện có 2 nữ tu là người con quê hương đang phục vụ trong giáo phận. Với quá trình hình thành và phát triển hơn 150 năm qua, số giáo dân của xứ Đình Tổ vẫn duy trì ở mức khiêm tốn. Song, đó chính là đà vươn lên của một giáo xứ có tuổi đời từ khá lâu, hằng tiếp bước các bậc tiền nhân trong di sản đức tin của giáo phận miền quan họ.

BTT Giáo Phận