Lược sử Giáo họ nhà xứ Nhã Lộng

  1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Xóm Núi Đô, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Năm thành lập: 1881.

Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi (07/10).

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, ca đoàn, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, hội Lòng Chúa thương xót.

Giáo dân: Họ nhà xứ có 1913 nhân danh (năm 2021) sống chủ yếu ở xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đa phần giáo dân làm nông nghiệp, công nhân và buôn bán nhỏ. Đời sống kinh tế của giáo dân nơi đây tương đối ổn định.

Nhà thờ: Nhà thờ Nhã Lộng được khởi công từ 11/4/1993 trên nền móng nhà thờ cũ và được đưa vào sử dụng từ 08/12/1998. Tuy nhiên phải đợi đến dịp lễ Mân Côi – quan thầy giáo xứ 07/10/2009, ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ Mân Côi – bảo trợ giáo họ mới được thánh hiến. Nhà thờ có chiều dài 56m, rộng 17m, và cao 15m, tháp chuông cao 35m. Nhà thờ có 3 quả chuông, một quả nặng hơn 1 tạ và hai quả nặng hơn 2 tạ. Tổng diện tích  khuôn viên họ nhà xứ Nhã Lộng rộng khoảng 12000m2.

Các giáo họ trực thuộc: Soi Chiễn, Điềm Thụy, Tân Hòa

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Khoảng năm 1720, khu vực Nhã Lộng dân cư còn thưa thớt, thỉnh thoảng trên khúc sông Cầu gần đó có thuyền muối, cá khô, chum trường từ miền xuôi chở lên bán. Tối đến, những lái buôn tập trung đọc kinh cầu nguyện. Người dân Nhã Lộng nghe thấy lạ, thắc mắc, lân la đến làm quen hỏi về đạo. Người đi thuyền giảng giải cho nghe, cho mượn sách đạo. Dần dần, người dân được ơn riêng, hiểu đạo và xin theo.

Hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vào người ở bến Thác Đạo. Theo các cụ kể lại, giáo xứ Nhã Lộng được thành lập khoảng năm 1881. Cha xứ đầu tiên là cha Antôniô Silva – Tràng An (1881 – 1885). Từ đây, Giáo xứ Nhã Lộng thường xuyên có các cha đến làm mục vụ. Giáo dân luôn nhiệt tình trong đời sống đức tin.

Năm 1890, Cha già Thuần đến coi xứ Nhã Lộng. Vì nhu cầu mục vụ, cha rời nhà thờ ra gò Núi Đô. Kế đến, cha Tuấn đã khéo léo cho xây nhà thờ trong sáu năm (1908 – 1914). Thời tiêu thổ kháng chiến, chính quyền cách mạng ra lệnh triệt tiêu các ngọn tháp nhà thờ. Ngày 10/8/1949 (tức ngày 16/7 Kỷ Sửu), nhà thờ Nhã Lộng bị phá huỷ.

Bi kịch của giáo xứ bắt đầu với biến cố tháng 03/1954, một làn sóng đả đảo, đấu tố với khẩu hiệu: “Đả đảo việt gian Phan Ngọc Đốc”. Cha xứ Giuse ngậm ngùi chấp nhận đau khổ, bị dân chúng đấu tố. Cha phải chịu tù đầy. Cuối cùng, ngày 08/01/1955 Âm lịch, cha bị trúng bom Napan chết khi chân tay còn mang xiềng xích.

Từ năm 1957, tình hình chính trị trong nước hết sức khắt khe. Đời sống tôn giáo gặp rất nhiều khó khăn. Giáo xứ vắng bóng các cha coi sóc, đoàn chiên nhớn nhác, các em không được học giáo lý,… không ai được đến nhà thờ đọc kinh. Mọi công việc của giáo xứ, kể cả bí tích Rửa tội đều do một vài người sốt sáng làm tông đồ lo liệu. Nhưng họ cũng bị chính quyền theo dõi, bị xét hỏi và đe dọa.

Năm 1982, giáo xứ bầu ra Ban hành giáo để điều hành tổ chức giáo xứ. Từ đây, giáo xứ suy tôn Lời Chúa các ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Các em thiếu nhi được học giáo lý, học kinh, học hát, học dâng hoa. Ban hành giáo có nhiệm vụ cử hành nhiệm tích Rửa tội cho trẻ sơ sinh và kiệu Mình Thánh Chúa cho người hấp hối. tóm lại, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng đời sống đức tin của giáo dân thêm sốt sáng, lòng tin ngày càng được củng cố.

Từ năm 1994, các cha đến đây dâng lễ thường xuyên hơn. Đặc biệt, ngày 17/9/2005 giáo xứ hân hoan đón cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều về làm chánh xứ. Từ đây, giáo xứ thường xuyên có cha xứ ở cùng. Đời sống của dân họ ngày một phát triển cả về đạo và đời. Cơ sở vật chất của giáo họ dần khang trang đáp ứng nhu cầu mục vụ. Các hội đoàn được thành lập và củng cố. Giới trẻ được quan tâm học hỏi giáo lý.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, họ nhà xứ có Thánh lễ vào tối thứ Tư, thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần. Ngày Chúa Nhật có Thánh Lễ thiếu nhi vào lúc 9h sáng. Hằng ngày, giáo dân duy trì đến nhà thờ nguyện kinh sớm tối. Họ nhà xứ có các hội đoàn đang hoạt động rất chủ động và tích cực. Đặc biệt, Nhà Tạm nhỏ bé bên cạnh nhà thờ luôn luôn có người đến viếng Chúa. Các em thiếu nhi đến chào Chúa trước và sau mỗi giờ đi học trở thành nép đẹp hiếm có trong giáo phận. Có thể nói, đức tin đã bén rễ và ăn sâu vào tâm hồn các tín hữu nơi đây. Bằng chứng, nơi mảnh đất này, nhiều người đã quảng đại dâng hiến đời mình cho Chúa. Tính đến nay, họ nhà xứ Nhã Lộng có 8 linh mục (cha Đaminh Nguyễn Văn Anh, cha Đaminh Nguyên Hữu Hoàn, cha Đaminh Nguyễn Văn Hồi, cha Đaminh Nguyễn Văn Quân, cha Đaminh Nguyễn Văn Sao, cha Đaminh Nguyễn Minh Tân, cha Giuse Hoàng Văn Thập, cha Giuse Nguyễn Văn Trường) và khoảng 25 tu sĩ nam nữ (Hiệp Hội Đức Maria – Mẹ Sự Sống, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, Mến Thánh Giá Hà Nội, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, Dòng Phanxicô, Dòng Xitô Châu Sơn, Tu đoàn Thừa Sai Chúa Cứu Thế, Dòng Con Đức Mẹ Hiệp Nhất,…) đang phục vụ ở trong và ngoài giáo phận. Hy vọng hạt giống Tin Mừng nơi họ nhà xứ Nhã Lộng mãi tiếp tục nảy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái.

BTT Giáo Phận