Lược sử Giáo họ nhà xứ Phúc Yên

  1. Thông tin cơ bản

Tên gọi:  Giáo xứ Phúc Yên.

Địa chỉ: Khu phố 2, Trưng Trắc, Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

Năm thành lập: 1932.

Bổn mạng: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (01/10); Phêrô Almatô Bình (01/11).

Giáo dân: 4230 nhân danh. Đời sống kinh tế của giáo dân Phúc Yên chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Cộng đoàn hiệp hội Đức Maria – Mẹ Sự Sống. Trong xứ đã thành lập được các hội đoàn như: Hội Mân Côi, Trưởng gia đình, huynh đoàn giáo dân Đaminh, và Phong trào TNTT.

Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện nay của xứ Phúc Yên có diện tích là: Chiều dài 50m, chiều rộng nơi lớn nhất 20m, chiều rộng nơi nhỏ nhất 18m, chiều cao mái 20m, tháp chuông 40m. Tổng diện tích tầng một và tầng hai của nhà thờ là 1200m2.

Các giáo họ trực thuộc: Tân Lợi, Đại Lợi, Bến Xây, Kim Tràng, Kim Anh, giáo điểm Văn Lôi

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Theo các tài liệu ghi nhận cùng lời kể của các vị cao niên trong xứ Phúc Yên: Xứ Phúc Yên trước đây thuộc làng Tháp Miếu (Tháp Miếu là một làng cổ thuộc tổng Bạch Trữ, phủ Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên). Khoảng năm 1933, các gia đình Công Giáo xuôi đến đây buôn bán.

Bấy giờ, có khoảng hơn 10 hộ gia đình. Mọi sinh hoạt đức tin của họ diễn ra chung với giáo dân của xứ Yên Mỹ. Đến năm 1928, Phúc Yên vẫn là một họ đạo trực thuộc xứ Yên Mỹ. Trong thời gian này, các giáo hữu Phúc Yên đã dựng được một căn nhà nguyện nhỏ. Nhà nguyện gồm 4 gian này có vị trí ở giữa cánh đồng, có chiều dài khoảng 8m, chiều rộng 4m.

Năm 1932, thời Đức cha Eugenio Artazaz Chỉnh làm Giám mục Bắc Ninh: Ngài cho thiết lập giáo xứ Phúc Yên với 6 giáo họ phụ cận và cử cha Gabriel Muno Vinh, OP (Tây Ban Nha, mất tại Phúc Yên) là cha chính xứ Phúc Yên, cùng cha Đaminh Nguyễn Duy Thanh là cha phó. Thời gian này, xứ Phúc Yên có khoảng 600 nhân danh.

Năm 1936, cha Gabriel mua lô đất bãi thuộc làng Tháp Miếu để giáo dân Phúc Yên dựng nhà nguyện. Số đất này có diện tích 9415m2. Năm 1938, các giáo hữu họ nhà xứ Phúc Yên cùng họp bàn và quyết định xây dựng ngôi thánh đường mới. Ngày khởi công xây dựng ngôi thánh đường diễn ra ngày 01/10/1938 (năm Mậu Dần). Nhà thờ mới của Phúc Yên được xây dựng theo kiến trúc Gothic gồm 10 gian, có tổng chiều dài khoảng 41m, chiều rộng 11m, tháp chuông cao 31m, hoàn thành vào ngày lễ thánh Bảo trợ Têrêxa Hài Đồng Giêsu ngày 01/10/1941. Trong thời gian này, giáo xứ cũng xây dựng được khu nhà xứ hai tầng khang trang. Tổng diện tích thuộc khu nhà xứ Phúc Yên là: 15951m2 (trước 1945).

Nhờ lòng đạo đức của các giáo hữu và tấm lòng mục tử của cha xứ, giáo xứ Phúc Yên phát triển rất nhanh. Năm 1941, số giáo dân Phúc Yên đã tăng lên con số 1153. Thời gian này, giáo xứ xây dựng được ngôi nhà giáo lý hai tầng khá rộng rãi. Đáng tiếc là công trình này đã bị tàn phá thời tiêu thổ kháng chiến.

Năm 1954, họ Phúc Yên có 65 hộ gia đình với khoảng 300 nhân danh. Sau biến cố năm 1954, khoảng 75% số giáo dân của xứ Phúc Yên di cư vào miền Nam. Ở lại giáo xứ chỉ còn một số gia đình kiên trì giữ đạo nhờ việc đọc kinh cầu nguyện tại tư gia.

Năm 1955, khi cuộc cải cách ruộng đất bùng nổ, nhà nước tiến hành trưng thu ruộng đất của nhà thờ xứ Phúc Yên và chia cho người dân. Biến cố đau thương này đã in sâu vào ký ức của các giáo hữu xứ sở tại. Ngày 17/9/1967, nhà thờ giáo xứ Phúc Yên bị chiến tranh tàn phá. Một thời gian ngắn sau đó, tỉnh Phúc Yên đã chiếm đoạt 2576m2 đất của nhà thờ.

Năm 1977, tháp chuông xứ Phúc Yên bị đánh sập. Tuy cơ sở vật chất của giáo xứ không còn, nhưng đức tin của giáo dân lại được hun đúc từng ngày. Do tình cảnh giáo phận thiếu vắng linh mục, giáo dân Phúc Yên tự bảo nhau nuôi dưỡng đời sống đức tin qua việc đọc kinh tại tư gia. Đôi khi, muốn tham dự thánh lễ, các giáo hữu ở đây phải cất công đến giáo xứ lân cận hoặc trở về Toà Giám Mục. Vì hoàn cảnh không có nơi cầu nguyện, giáo dân Phúc Yên đồng lòng làm đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền để xin lại khu đất nhà thờ trước đây. Sau hơn 30 năm kiên trì bền bỉ, nhờ lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa cùng sự khích lệ của các vị chủ chăn, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn trả lại 5033m2 đất cho giáo xứ năm 2008. Trong thời gian này, giáo dân dùng cơ sở vật chất mới đòi lại được làm nơi sinh hoạt đức tin.

Ngày 01/5/2011, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt về dâng lễ khởi công xây dựng đền thờ Lòng Thương Xót Chúa cho bà con giáo xứ sở tại. Cha Phêrô Nguyễn Công Văn (bấy giờ là cha chính xứ Phúc Yên) đặt viên đá khởi công xây dựng nhà thờ. Ngày 15/11/2017, toàn thể giáo dân xứ Phúc Yên bắt đầu đổ móng xây dựng ngôi thánh đường mới. Hiện nay, cơ sở vật chất của ngôi thánh đường đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và đợi ngày khánh thành.

  1. Đời sống đức tin

Hiện nay, giáo xứ sở tại có Thánh lễ đều đặn hằng ngày, giáo dân vẫn siêng năng cầu nguyện và dành thời gian kính Lòng thương xót Chúa.

Đặc thù của thị xã Phúc Yên là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và có nhiều trường học. Hơn nữa, Phúc Yên còn là trung tâm của nhiều giáo xứ xung quanh trong vùng Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, thị xã Phúc Yên là nơi rất thuận tiện cho việc giao thông đi lại và chỉ cách sân bay quốc tế Nôi Bài 10km.

Với nhiều tiềm năng sẵn có về vị trí địa lý thuận lợi, hy vọng giáo xứ Phúc Yên sẽ tiếp tục là cầu nối đức tin chào đón khách thập phương đến hành hương và cầu nguyện.

BTT Giáo Phận