Lược sử Giáo họ nhà xứ Tiểu Lễ

  1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Nằm ven bờ đê Sông Cầu, bao gồm các xóm: Việt Cường, Trà Thị, Rùa thuộc xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Năm thành lập: 1881.

Bổn mạng: Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả (24/6).

Cha chính xứ: Vinhsơn Hoàng Văn Báo.

Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình, huynh đoàn giáo dân Đaminh, ca đoàn Thánh Gia.

Giáo dân: Giáo họ có 505 nhân danh (số liệu năm 2021), tập trung phần lớn ở khu vực nhà thờ xóm Việt Cường và Trà Thị. Tỷ lệ người Công Giáo chiếm khoảng 53% dân trong vùng. Kinh tế trong vùng chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, trồng lúa nước và rau xanh, một số làm công nhân hay buôn bán nhỏ lẻ.

Nhà thờ: Có kích thước: dài 32m, rộng 10m, cao 6.4m, tháp chuông cao 32m. Ngoài việc củng cố và phát triển đức tin cho giáo hữu, động viên cho giới trẻ học giáo lý, ngài đã mở rộng khuôn viên nhà thờ lên khoảng 6000m2, quy hoạch và xây dựng cơ sở vật chất. Nhà giáo lý có diện tích 160m2 được xây dựng vào năm 2014.

Các giáo họ trực thuộc: Thượng Giã, Phúc Thuận, Na Lang, Coóng Lẹng

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Ngược dòng thời gian, theo các cụ kể lại thì người Công Giáo có mặt ở họ Tiểu Lễ khá sớm. Vào những thập niên giữa thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn liên tiếp ra các chiếu chỉ cấm đạo[1], những người Công Giáo đã phải chịu rất nhiều khó khăn để giữ vững đức tin. Vì thế khoảng năm 1875, một số người Công Giáo từ dưới miền xuôi thuộc tỉnh Nam Định di cư theo đường sông đến Tổng Tiểu Lễ để lánh nạn và làm ăn sinh sống. Sau đó vào những năm 1880, một số giáo dân khác nữa chuyển từ trên Nhã Lộng xuống làm ăn rồi xây dựng gia đình và lập nghiệp tại đây.

Năm 1881, cùng với việc thành lập xứ Nhà Lộng, họ Tiểu Lễ chính thức trở thành một họ lẻ thuộc giáo xứ này. Hàng năm, các cha xứ vẫn thường xuyên đến Tiểu Lễ dạy dỗ, động viên, khuyên bảo, nhất là ban các Bí tích và hiệp dâng Thánh lễ cho giáo dân. Khoảng thời gian này, căn nhà nguyện mái tranh đầu tiên được xây dựng dọc theo bờ đê, do cụ Tổng trưởng Phêrô Nguyễn Văn Nhuận cùng các cụ trong họ phụ trách, về sau được xây lại bằng gạch ngói.

Năm 1930, cha phó xứ Nhã Lộng Đaminh Hoàng Nghĩa Châu được cử phụ trách các họ lẻ như: họ Tiểu Lễ, Thượng Giã, Bến Đông, Nỉ, Dõm và Mã. Cha đã động viên, khuyến khích giáo dân đóng góp tiền của để chuẩn bị xây nhà thờ.

Năm 2005, cha Đaminh Nguyễn Quang Thiều về coi giáo xứ Nhã Lộng, hàng tháng cha đều xếp lịch tới dâng Thánh Lễ cho giáo họ vào ngày Chúa Nhật. Nhờ sự nhắc nhở, hướng dẫn của cha xứ, các đoàn hội như hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình, Huynh đoàn giáo dân Đaminh của dân họ dần được xây dựng và củng cố, đời sống đức tin của giáo dân ngày một vững chắc hơn.

Đến năm 2006, cha xứ Đaminh cùng dân họ tiếp tục nỗ lực xây dựng nhà thờ mới, trong sự quảng đại giúp đỡ của các ân nhân. Nhờ ơn Chúa giúp và thánh Gioan Baotixita – Quan thầy cầu bầu, tháng 06/2008, một ngôi nhà thờ mới (có kích thước: dài 32m, rộng 10m, cao 6,4m, tháp chuông cao 32m) cao đẹp, khang trang đã mọc lên trên khuôn viên khu đất rộng rãi, thoáng mát ở ngay đầu làng như có ý muốn nâng đỡ che chở cho cả làng được yên bình.

Ngày 13/03/2009, Đức cha Giáo phận nâng Tiểu Lễ thành một giáo xứ mới với 04 họ đạo: Tiểu Lễ, Thượng Giã, Phúc Thuận và Na Lang. Cha phó xứ Nhã Lộng Đaminh Nguyễn Minh Tân phụ trách giáo xứ mới.

Ngày 20/12/2009, Đức cha Giáo phận Cosma Hoàng Văn Đạt đã về dâng Lễ thánh hiến nhà thờ trong niềm vui khôn tả của giáo dân xứ Tiểu Lễ. Nhân dịp này, Đức cha cũng công bố quyết định bổ nhiệm cha Đaminh Tân làm cha xứ tiên khởi của giáo xứ. Kể từ đây, lịch sử giáo xứ Tiểu Lễ đã bước sang một trang mới với sự năng động và trưởng thành. Hằng ngày đều có Thánh Lễ và giờ kinh vang lên, giờ Chầu Thánh Thể cũng như sinh hoạt đầu tháng của các hội đoàn luôn đều đặn, giúp tín hữu nơi đây sống đức tin tốt hơn.

  1. Đời sống đức tin

Hiện tại, cha Vinhsơn Hoàng Văn Báo đang coi sóc giáo xứ. Nhà giáo lý của họ nhà xứ có diện tích 160m2 được xây dựng năm 2014 để quy tụ và phát triển đức tin cho thế hệ tương lai. Nhìn vào Tiểu Lễ hôm nay, chúng ta hy vọng rằng hạt giống đức tin xưa cha ông đã chịu “thối đi” bằng các gian nan, hy sinh vì Nước Trời, sẽ được thế hệ trẻ hôm nay làm trổ bông bằng những hành động đức tin để đem lại mùa gặt cứu rỗi dồi dào.

[1] Thời các vua Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883)

BTT Giáo Phận