Lược sử Giáo họ Rèn
1. Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Rèn, xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Năm thành lập: Khoảng đầu thế kỉ XIX.
Bổn mạng: thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (01/10) và thánh Phêrô Chanel (28/04).
Giáo dân: Giáo họ Rèn có 450 nhân danh, sống chủ yếu tại thôn Rèn, xã Minh Đức. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, công nhân và buôn bán nhỏ. Đời sống kinh tế tương đối ổn định.
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân côi, Legio, thiếu nhi Thánh Thể, ca đoàn, đoàn kim nhạc, đoàn trống trắc.
Nhà thờ: Nhà thờ hoàn thành năm 1930, được trùng tu năm 2022 với kích thước: dài 32m, rộng 10m, mái cao 8m, tháp chuông cao 30m bên trong treo một quả chuông nặng 100kg. Diện tích khuôn viên nhà thờ 2.214m2, diên tích ao hồ 18.716m2.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Lịch sử đón nhận Tin Mừng của giáo họ Rèn hiện nay không còn sổ sách nào ghi lại cách đầy đủ. Tuy nhiên, dựa vào một số dữ kiện lịch sử thì giáo họ Rèn được đón nhận đức tin vào khoảng cuối thế kỉ XVIII. Giáo họ Rèn gần với các xứ họ có truyền thống đức tin lâu đời như: Trung Lai, Nghĩa Thượng, Nghĩa Hạ, Thiết Nham, Như Thiết. Các xứ họ này được lãnh nhận Tin Mừng bởi các cha thừa sai Đaminh Manila vào những năm cuối thế kỉ XVIII. Hơn nữa, trong sử liệu về cha thánh Giuse Đặng Đình Viên có nói về việc cha từng mục vụ tại giáo họ Rèn vào khoảng năm 1821-1838. Đặc biệt, trong lòng nhà thờ Rèn còn lưu giữ hài cốt đầu mục Giuse Nguyễn Văn Tình, tử đạo ngày 04/04/1862 tại cổng tả thành Bắc Ninh. Như vậy, giáo họ Rèn là một giáo họ có lịch sử lâu đời, được đón nhận Tin Mừng và hình thành từ nửa sau thế kỉ XVIII.
Theo lời kể lại của cụ Giuse Nguyễn Anh Tài (sinh năm 1940): “Tôi chỉ nhớ từ thời cụ thân sinh ra tôi kể lại: các cụ nhà ta đón nhận Tin Mừng không biết từ bao giờ, nhưng hạt giống Tin Mừng đã có từ ít nhất trước thế kỷ XIX. Vì tôi được các cụ trong làng kể lại rằng: nhà thờ họ Rèn ở phía bên kia hồ, mặt nhà thờ quay về hướng Đông, trước mặt nhà thờ lại là hàng tre lứa, cây cối rậm rạp…có cụ nói vì khuyết hậu nên đã thay đổi và rời vị trí nhà thờ vào trong giữa làng. Công việc xây dựng quả là khó khăn khoảng từ năm 1900 – 1930 thì mới hoàn thành”.
Ngôi nhà thờ được dựng lên bởi những Kitô hữu đầu tiên của giáo họ Rèn thì không rõ được thông tin. Nhưng có ngôi nhà thờ được xây dựng kiên cố trước ngôi nhà thờ hiện tại, nằm bên cạnh làng Rèn, đối diện bên kia hồ so với ngôi nhà thờ hiện tại, nằm về hướng đông. Có thể ngôi nhà thờ đó nằm tại cánh đồng Nghè hiện tại. Vì ngôi nhà thờ này không phù hợp với đời sống, hoàn cảnh đức tin nên dân họ đã xây dựng ngôi nhà thờ mới. Ngôi nhà thờ hiện tại được khởi công xây dựng năm 1900, hoàn thành năm 1930. Ban đầu, ngôi nhà thờ có tháp chuông nhưng đã bị đổ trong quá trình xây dựng, nên khi khánh thành thì nhà thờ không có tháp chuông. Quả chuông được treo lưng chừng tại vị trí tháp đổ, nhưng năm 1980, quả chuông đã bị mất trộm. Qua thời gian, ngôi nhà thờ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nên năm 1994, dân họ đã sửa chữa lại nhà thờ. Năm 2008, dân họ xây lại tháp chuông đã bị đổ trong thời gian xây dựng ban đầu.
Những năm 1947-1949 khi Pháp về chiếm đóng Việt yên, Bắc Giang. Chúng xây dựng đồn bốt lại vùng vúi Mỏ Thổ (nay là làng Bãi Bằng), dồn bắt hết những người công giáo đang sống trong khu vực xung quanh gồm: Trung Lai, Rèn, Nghĩa Thượng, Thiết Nham, Nghĩa Hạ, Tân An phải lên ở xung quanh đồn quân sự này. Tại Bãi Bằng, cộng đoàn dân Chúa đã dựng một nhà thờ tạm ở đó để cầu nguyện. Giáo họ Bãi Bằng (xứ Thiết Nham) được hình thành tại đây. Cho đến 1953 mọi người mới được trở lại giáo xứ cũ của mình..
Biến cố năm 1954, hầu hết giáo dân họ Rèn theo chân cha già Ngự di cư vào miền nam, sinh sống chủ yếu tại giáo xứ Vĩnh Phước, Giáo phận Xuân Lộc ngày nay. Tổng số hộ gia đình khoảng 50 hộ thì chỉ còn 5 hộ ở lại. Biến cố đau thương này đã làm cho nhiều người di cư vào Nam đến nay mỗi dịp về quê lại nhắc nhớ lại. Thật là cảnh biệt ly chia cắt, người đi thì nhớ quê nhà, người ở lại thì xót xa những gì đã mất. Những người tuy sống trong âu lo và sợ hãi nhưng họ vẫn một lòng kiên trung, vững tin vào Chúa, gìn giữ nhà thờ, bảo vệ đức tin. Hàng ngày, tiếng kinh, lời cầu nguyện vẫn vang lên trong những tâm hồn thổn thức.
Năm 2021, giáo xứ Trung Lai chào đón cha xứ Giuse Nguyễn Đức Quân về ở trực tiếp với dân họ. Từ khi về nhận dân họ, cha Giuse đã tích cực xây dựng đời sống đức tin, thiết lập và củng cố các hội đoàn, kiến thiết cơ sở vật chất, ổn định đất đai của nhà thờ. Năm 2022, cha đã cho trùng tu lại ngôi thánh đường, xây lại tháp chuông cho phù hợp với kiến trúc nhà thờ.
3. Đời sống đức tin
Hiện nay, Giáo họ Rèn có Thánh lễ vào lúc 19h30 thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Chúa Nhật có Thánh lễ thiếu nhi vào lúc 8h00. Hằng ngày, cộng đoàn đọc kinh chung tại nhà thờ vào các buổi sáng-trưa-tối. Các hội đoàn sinh hoạt, gặp gỡ chia sẻ, chầu Thánh Thể hàng tháng. Các em thiếu nhi học giáo lý vào sáng Chúa Nhật, có sự hướng dẫn của quý sơ dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất.
Giáo họ Rèn là giáo họ đông giáo dân nhất của giáo xứ Trung Lai. Cộng đoàn tín hữu nơi đây khá năng động, nhiệt thành trong việc phục vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội, các tệ nạn khiến cho một phần giáo dân nơi đây bị lôi kéo, còn một số người chưa đến nhà thờ, chưa tham gia các hội đoàn.
BTT Giáo Phận
Tin liên quan